Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ nổi tiếng với rất nhiều ca khúc tự tình dân tộc, và dù ở thời kỳ nào, ông cũng có sáng tác nổi tiếng để ngợi ca quê hương và con người Việt Nam. Thập niên 1950, ông có Nắng Lên Xóm Nghèo, Bến Duyên Lành, thập niên 1960 là Đường Về Hai Thôn, thập niên 1970 là Thương Quá Việt Nam, Chuyến Tàu Về Quê Ngoại, Rạng Đông Trên Quê Hương Việt Nam, Ngựa Hồng Trên Đồi Cỏ Non…
Ngoài những ca khúc về quê hương, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ cũng viết nhạc về người lính mà bất kỳ người yêu nhạc vàng nào cũng biết đến và yêu thích, như Trăng Tàn Trên Hè Phố, và đặc biệt là Đan Áo Mùa Xuân, một trong những ca khúc nhạc xuân quen thuộc nhất thường được nghe mỗi dịp đầu năm.
Cứ mỗi lần hoa mai vàng trước ngõ
là thôi em mong nhớ
Xuân này chàng có về
Hỏi hoa hoa chẳng nói, hỏi mây mây lặng đứng
Hỏi gió gió ngập ngừng, hỏi nắng nắng ngại ngùng
Bài hát nói về nỗi chờ mong xa cách của người con gái nơi hậu phương, gửi lòng nhớ thương đến với người còn đang gian lao tranh đấu nơi rừng sâu núi thẳm, chưa thể về để vui đón xuân ở quê nhà. Cứ mỗi lần nhìn hoa mai vàng trước ngõ là lòng nàng con gái lại dâng lên đầy những nhớ nhung buồn tủi nơi cô phòng, nhớ người trai còn dặm ngàn cách trở đang đón xuân nơi tiền đồn vắng xa xôi.
Câu hát “Cứ mỗi lần hoa mai vàng trước ngõ là THÔI EM mong nhớ” nhiều năm qua đã bị nhiều ca sĩ hát sai thành “là EM THÔI mong nhớ”. Chỉ đổi thứ tự có 1 chữ những làm cho câu hát thay đổi ý nghĩa hoàn toàn. Bởi vì khi nhìn thấy hoa mai vàng trước ngõ, không thể nào là “em thôi không còn mong nhớ” người ở biên cương được, mà phải là “thôi em mong nhớ”, với chữ “thôi” còn nghĩa là “đẩy” (theo nghĩa Hán Việt), được hiểu là “thôi thúc”, “thúc đẩy”. Và “hoa mai vàng trước ngõ” dường như chỉ là một “cái cớ” để nàng nhớ người yêu nhiều hơn mà thôi, bởi vì trong lòng nàng, nỗi nhớ lúc nào cũng hiện diện trong bao mùa đã trôi qua rồi.
Chữ “thôi” còn một nghĩa khác nữa là “một khoảng thời gian tương đối dài và liên tục”, nên câu hát này cũng có hiểu là những ngày đầu xuân gợi nhớ lại nhiều kỷ niệm cũng là thời gian mà niềm mong nhớ dâng lên ngập tràn trong lòng người con gái ở quê nhà.
Nay xuân đã về một lần nữa, cảnh sắc ngoài kia dù có tưng bừng vui tươi như thế nào đi nữa thì lòng nàng cũng mênh mang buồn, hỏi bâng quơ một mình rằng “Khi nào chàng về”, đáp lại nàng chỉ là “Hoa chẳng nói, mây đứng lặng, gió ngập ngừng, nắng ngại ngùng…”, cũng bởi vì “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
Click để nghe Lệ Thu hát Đan Áo Mùa Xuân trước 1975
Chim mách rằng anh đang ngoài ᴄhiến tuyến
người yêu thay tay súпg, gối mộng là lá rừng
Vì quê hương còn khổ, tình yêu xin để đó
cho xác chết ngậm cười, cho nước mắt thôi rơi.
Thế gian đang tưng bừng đón đợi một mùa xuân mới, nhưng ở ngoài vùng biên địa vẫn còn nhiều người đang phải ngày ngày “người yêu thay tay súпg, gối mộng là lá rừng”. Lời nhạc lãng mạn văn chương tuyệt hay, thể hiện được hoàn cảnh của người lính ở chốn rừng xa, tay súпg thay thế cho người yêu kề cận bên mình, và lá rừng làm gối mộng êm đềm trong từng giấc ngủ.
Người luôn ước vọng về một ngày mai chung đôi bóng, vì hiện tại quê hương còn lửa loạn, nên tình yêu xin để đó, đợi chờ một ngày mai đất nước yên vui, khi quê hương không còn nước mắt đau thương, người sẽ được về bên nhau sau bao mùa xuân mỏi mòn chờ đợi.
Nhớ xuân sang năm nào,
bên bếp lửa vui, ngồi đan áo cho anh
đôi mắt anh dịu buồn, nói anh sẽ về khi máu xương ngừng rơi.
“Bên bếp lửa vui, em ngồi đan áo cho anh” là hình ảnh êm đềm hạnh phúc bên nhau vào những mùa xuân năm xưa, chàng ngồi canh nồi bánh chưng và nàng ngồi đan áo. Phần lời nhạc này thể hiện rằng đôi người trong bài hát này đã là vợ chồng, đã ở chung mái nhà và cùng bên bếp lửa ấm. Nhớ xuân xưa chàng xin được ngày phép để về thăm vợ những ngày xuân, nhưng đến xuân này có thể vì bận hành quân xa nên chàng vắng nhà, nên hình ảnh êm đềm bên bếp lửa năm xưa chỉ còn là kỷ niệm thương nhớ để cho nàng có thể nuôi hy vọng về một ngày mai thanh bình trở lại, để được đón người về vui bên lửa ấm, để không còn nỗi chờ mong nào nữa trong mỗi độ xuân về hoa mai vàng trước ngõ.
Click để nghe Hà Thanh hát trước 1975
Để giờ mình em và manh áo xám trên môi
Dù rằng ngoài kia vang tiếng pháo đón giao thừa
Bánh chưng rất xanh, với hoa rất vàng mà ngỡ là giấc mơ thanh bình.
Anh đã nói rằng anh sẽ về, nhưng “giờ mình em với manh áo xám trên môi”. Chỉ có riêng nàng với một hình một bóng ngồi đan áo mùa xuân, một mình với manh áo xám đan dở dang trên tay, nâng lên môi gửi về người nụ hôn trìu mến.
Ở ngoài kia đã vang tiếng pháo giao thừa rộn rã, bánh chưng rất xanh, hoa mai rất vàng gợi nhớ về giấc mơ thanh bình mà người đã nói năm xưa vẫn chưa thể thành hiện thực.
Anh sẽ về khi mai vàng trước ngõ
và lang thang chim én mang sầu về cuối trời
quà cho em là bướm và hoa thơm cỏ biếc
với gió mát lưng đồi, với tiếng sáo tuyệt vời.
Đó là những lời nhạc mang đầy niềm tin và hy vọng về một ngày quê hương tan khói binh. Khi đó thì hoa sẽ không còn câm lặng nữa mà sẽ vàng rực chào đón người trai trở về, khi đó chim én báo tin xuân sẽ xua tan hết sầu lo về cuối trời, chỉ còn lại những hoa thơm cỏ biếc, những gió mát lưng đồi và tiếng sáo tuyệt vời để làm quà cho nàng trong ngày xuân sum họp.
Anh sẽ về khi không còn tiếng súng
trời xanh cao chim hót, chim trỗi nhạc đón mừng
Để hoa xuân lại thắm để môi em lại ấm
cho áo mới yêu đời cho tiếng pháo thêm vui.
Cũng vẫn chỉ là những hy vọng và mơ về một ngày người được trở về, đoạn cuối bài hát là những lời nhạc vui tươi rộn rã theo tiếng chim trỗi dậy đón mừng, hoa xuân sẽ thắm tươi và môi buồn nàng thiếu phụ sẽ được bừng tươi như thiếu nữ khi không còn lạnh lẽo những ngày chờ mong. Khác với những lời nhạc đượm buồn ở đoạn đầu, kết thúc bài hát là những khúc hân hoan hạnh phúc, những hy vọng đẹp đẽ về một mùa xuân thanh bình, để người người được trở về với quê hương sau bao năm dài điêu linh khói lửa.
Bài: Trương Đình Tuấn
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn