Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc vàng. Ông có rất nhiều sáng tác bất hủ thuộc nhiều thể loại, tiêu biểu là các bài hát đậm chất dân ca và mang tình yêu quê hương tha thiết như Thương Quá Việt Nam, Bến Duyên Lành, Thuyền Hoa, Hoa Vẫn Nở Trên Đường Quê Hương, Đường Về Hai Thôn, Chuyến Tàu Về Quê Ngoại… Ông cũng là tác giả của 2 trong số những bài hát hay nhất viết về mẹ là Bông Hồng Cài Áo và Bóng Mát. Ngoài ra những sáng về người lính của ông cũng đã được nhiều người yêu nhạc vàng thuộc nằm lòng là Trăng Tàn Trên Hè Phố, Những Ngày Xưa Thân Ái, Đan Áo Mùa Xuân.
Click để nghe Trúc Mai hát Trăng Tàn Trên Hè Phố
Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sinh năm 1930, là con út trong một gia đình nghèo có đến 13 người con ở An Nhơn – Bình Định. Khác với hai người anh ruột chọn lựa đi theo nghiệp cầm bút là nhà thơ Phạm Hổ và nhà văn Phạm Văn Ký, Phạm Thế Mỹ theo nghiệp âm nhạc.
Khi mới được 6 tuổi, ông rời quê nhà để ra Huế ở với người anh Phạm Văn Ký để đi học. Vì ông Ký thích nhạc và biết chơi vĩ cầm, nên nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ cũng bắt đầu học nhạc với người anh, 8 tuổi đã chơi thạo mandoline, 12 tuổi chơi được guitar. Sau này về học trung học ở Qui Nhơn, ông còn được học lý thuyết âm nhạc với sư huynh trường dòng tên là Yersin ở trường Gagelin. Năm 14 tuổi, ông đã sáng tác được 1 số ca khúc đơn giản, sau nhờ được bạn bè khuyến khích, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ cố gắng học hỏi thêm nhạc lý sáng tác với một người bạn thân là nhạc sĩ vĩ cầm, nghiên cứu nguyên lý sáng tác từ các nhạc phẩm tiên chiến của Đặng Thế Phong, Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Phạm Duy, Lưu Hữu Phước… để trau giồi khả năng sáng tác.
Sau khi học xong và về ở Đà nẵng, nahjc sĩ Phạm Thế Mỹ học theo nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác những ca khúc thể loại dân ca mới để kiếm tiền thêm học nhạc. Tại đây ông được học hòa âm với giáo sư Nguyễn Phụng (sau 1955 là hiệu trưởng trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn) và bà Nguyễn Khắc Cung.
Tuy nhiên lúc đó các nhà xuất bản nhạc tờ nói rằng thể loại dân ca mới đã lỗi thời, khó bán. Trong bài viết đăng trên tạp chí Bách Khoa năm 1963, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ kể rằng nhà xuất bản cho biết Nhạc dân ca chính cống của Phạm Duy còn khó bán, huống hồ là nhạc của người mới vào nghề. Muốn xuất bản, muốn nhạc được phát trên đài phát thanh thì phải sáng tác loại mambo, bolero, chỉ sĩ thích hát loại này và quần chúng cùng chỉ mua loại này mà thôi.
Click để nghe Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết hát Bến Duyên Lành thập niên 1960
Đó là lý do mà Phạm Thế Mỹ bắt đầu sáng tác những ca khúc mà sau này được gọi là “dân ca mambo” như Bến Duyên Lành, Lúa Về Đêm Trăng, Tình Mùa Hoa Nở, và đặc biệt là Nắng Lên Xóm Nghèo…
Ngoài ra, cũng cần nói thêm rằng từ trước đó, giai đoạn 1947 đến năm 1949, ông học và hoạt động văn nghệ trong trường Thiếu sinh quân ở Liên khu 5. Đầu thập niên 1950, ông làm công tác tuyên huấn và làm phóng viên cho báo Quân đội Nhân dân...
Sau Hiệp định Geneve 1954, nhạc sĩ ông được tổ chức phân công ở lại miền Nam hoạt động. Năm 1959, ông học trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Từ 1959 đến 1970 ông dạy Việt văn và âm nhạc tại các trường trung học tư thục Bồ đề, Tây Hồ, Sao Mai, Bán Công, Nguyễn Công Trứ, Tân Thanh… ở Đà Nẵng.
Trong những năm 1965-1966, Phạm Thế Mỹ từng bị bắt giam vì tham gia tích cực phong trào chống chính quyền. Đó cũng là thời gian ông sáng tác ca khúc bất tử Bông Hồng Cài Áo. Ra tù, ông sáng tác các bài hát như Hoa Vẫn Nở Trên Đường Quê Hương, Người Về Thành Phố, Rạng Đông Trên Quê Hương Việt Nam, Ngựa Hồng Trên Đồi Cỏ Non, Thương Quá Việt Nam… được phổ biến trong phong trào học sinh – sinh viên Sài Gòn. Từ năm 1970 đến 1975, ông là trưởng phòng Văn-Mỹ-Nghệ của Viện Đại học Vạn Hạnh.
Trong thời gian công tác tại Viện Đại học Vạn Hạnh, ông quen với một nữ sinh viên của trường là Nguyễn Thị Diệu Lý, người đã hát bài “Bông Hồng Cài Áo” trong lần đầu tiên được chọn vào Đội văn nghệ Vạn Hạnh. Họ đều là người cùng quê Diệu Lý ở thành phố Quy Nhơn. Họ nảy sinh tình cảm và kết hôn vào năm 1975.
Sau năm 1975, Phạm Thế Mỹ công tác tại Phòng Văn hóa – Thông tin Quận 4. Ông bắt đầu sáng tác những bài hát nhạc đỏ như: “Nhớ ơn Bác, nhớ ơn Đảng”, “Thắm đượm duyên quê,” “Lêna Belicova”… Sau khi nghỉ hưu, ông sống âm thầm, thiếu thốn tại căn nhà chung cư ở Quận 4. Cuộc sống khó khăn của Phạm Thế Mỹ thời gian đó được trang báo giaoduc.edu.vn kể lại như sau:
Sau một thời gian dạy học, Nhà nước cấp cho bà Diệu Lý (vợ Phạm Thế Mỹ) một căn nhà ở Tân Thuận, nhưng chỉ ở đó một thời gian vì không tiện trong việc đi lại ca hát, làm việc cho cả hai. Vì thế, lãnh đạo Nhà Văn hóa Q.4 tạo điều kiện cho vợ chồng ông về ở trong một căn phòng tạm của Nhà Văn hóa. Trong khi bao người mong được có chỗ an cư thì ngược lại nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ bàn với vợ trả căn nhà ấy. Bà Diệu Lý nhớ lại: “Thời gian đó đồng lương nghề giáo không đủ sống, tối đi ca hát nhưng bữa ăn chỉ có cơm với tương, chao và rau. Anh Mỹ bảo mình cũng chưa đến nỗi thiếu chỗ ở, thôi thì trả lại để Nhà nước cấp cho người khác khó khăn hơn mình”.
Thời gian sống ở căn phòng tạm của Nhà Văn hóa Q.4 là khi ông cho ra đời nhiều sáng tác nhất. Cường độ làm việc của ông gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần nhạc sĩ khác. Những hôm cúp điện, ông thắp đèn dầu cắm cúi viết nhạc đến sáng. Suốt một thời gian dài như thế, sức khỏe ông ngày càng sa sút. Từ đó, những cơn đột quỵ đến với ông thường xuyên. Bệnh tình chưa lành hẳn, bác sĩ khuyên ông nên dành thời gian để nghỉ ngơi nhưng ông lại lao vào làm việc. Vì thế, ông lại bị tai biến nặng. Có thời kỳ ông không thể tự đi lại được.
Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ mất vào lúc 3 giờ sáng ngày 16 tháng 1 năm 2009, sau thời gian dài bị bệnh, hưởng thọ 79 tuổi.
nhacxua.vn biên soạn