Nhắc đến ca sĩ Minh Hiếu, khán giả yêu nhạc vàng nhớ về một nhan sắc kiêu sa cùng giọng hát khàn đặc biệt nổi tiếng với các ca khúc Ngăn Cách, Biết Đến Bao Giờ… đặc biệt là Quen Nhau Trên Đường Về, bài hát nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Thăng Long.
Có thể nói trong số những nhạc sĩ nhạc vàng còn ở lại trong nước sau năm 1975, nhạc sĩ Thăng Long có số phận bi đát nhất. Từ nhỏ mồ côi cha mẹ, không được học hành, thậm chí là không biết chữ, nhưng với năng khiếu về nhạc, cộng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, dù không phải là quá quen thuộc với công chúng nhưng nhạc sĩ Thăng Long cũng đã có những thành công nhất định trong làng nhạc, với 2 bài hát đã trở thành bất tử: Nói Với Người Tình và Quen Nhau Trên Đường Về.
Sau năm 1975, không sống được nữa với công việc duy nhất mà ông biết là hoạt động âm nhạc, nhạc sĩ Thăng Long làm đủ nghề để mưu sinh với cuộc sống đầy khó khăn, thậm chí có thể nói là rơi xuống tầng đáy của xã hội. Gia đình ông mưu sinh với nhiều nghề làm thuê làm mướn nhưng vẫn không đủ ăn, phải rời bỏ Sài Gòn để về quê Sóc Trăng. Ban đầu nhạc sĩ Thăng Long làm nghề sửa dù (ô), nhưng sau đó không làm được nghề nữa, ông phải bán vé số và sống cuộc đời nghèo khổ cho đến lúc cuối đời.
Ba người con của nhạc sĩ Thăng Long cũng có cuộc sống khó khăn không khác người cha khắc khổ. Người con cả là anh Tâm may mắn được đi học, nhưng cũng chỉ học hết cấp 2, hiện nay đang phụ hồ ở Sài Gòn. Người con gái thứ 2 chỉ học hết lớp 2 và phải xa xứ đã lâu. Người con út thì hoàn toàn thất học, hiện đang bị án tù chung thân.
Trước khi nhạc sĩ Thăng Long qua đời chỉ vài tháng, cả trung tâm Thúy Nga và Asia đều tìm đến căn nhà nhỏ của ông Sóc Trăng để phỏng vấn, khi đó khán giả yêu nhạc thấy được cảnh ông phải vất vả ở tuổi ngoài 70 để dạy từng bài học âm nhạc cho những thanh niên trong xóm, ai cũng động lòng thương cảm. Tuy vậy, khi được hỏi về bài hát Quen Nhau Trên Đường Về thì cặp mắt của nhạc sĩ sáng hẳn lên. Ông say mê nói về những cảm xúc của hơn 50 năm trước đó nơi bùng binh chợ Sài Gòn, với những âm thanh và hình ảnh của thời quá khứ xa xăm đã tạo nên nguồn cảm hứng để cho ông viết ra bài hát rất nổi tiếng này.
Click để nghe Minh Hiếu hát Quen Nhau Trên Đường Về trước 1975
Nhạc sĩ Thăng Long kể lại rằng vào khoảng năm 1963, ông sáng tác Quen Nhau Trên Đường Về khi ngồi nghỉ chân ở bùng binh trước chợ Bến Thành. Từ này nhìn qua phía đối diện (nơi mà ngày nay là công viên 23/9) là nhà ga xe lửa Sài Gòn, là nơi có rộn rịp người qua lại, kẻ lên tàu, người đưa tiễn, nhạc sĩ thoáng thấy những đôi tình nhân quyến luyến nhau rước khi bước vào sân ga. Cùng lúc đó, thoáng trong đầu ông nghe một điệu giống như kèn đám ma ò e: “tàng tang tang táng tạng táng tang tàng tang…”, cái làn hơi đó, cộng với cảnh hẹn hò tâm sự bên nhau của đôi trai gái xa lạ kia, đã khiến nhạc sĩ Thăng Long tạo nên giai điệu mượt mà quyến rũ, giàu tình cảm quê hương với những lời ca như:
“Chiều nay có phải anh ra miền Trung ..
Về thăm quê mẹ cho em về cùng
Rồi ta sẽ đi chung chuyến tàu
Về đến sông Hương núi Ngự
Để nhìn trăng soi cuối thôn…”
Trong đoạn phim do trung tâm Asia thực hiện cùng năm 2007, nhạc sĩ Thăng Long kể lại hoàn cảnh sáng tác Quen Nhau Trên Đường Về như sau:
“Trên đường ra chợ Sài Gòn (Bến Thành), ở chỗ vườn hoa đối diện, tôi thấy một thanh niên mặc đồ lính với 1 cô con gái xõa tóc dài ngồi trên thềm. Ban đầu 2 người cách cách nhau 1m, sau đó 1 lúc thì thấy họ bắt đầu nói chuyện với nhau. Tôi tưởng tượng cô gái là 1 người miền Trung, còn anh này là 1 chiến sĩ. Trong khi đó, tôi nhìn ra phía phòng trà Hòa Bình, thấy ga xe lửa Bến Thành (lúc đó vẫn còn hoạt động). Cùng trong lúc đó, tôi nghe được tiếng kèn đám ma thổi, như thế này: Tàng tang tang tạng tàng tàng tang, tàng tàng tang, tang táng táng táng tang tang tạng tàng tàng tang, tàng tàng tang (ghi lại nguyên văn nhạc sĩ Thăng Long mô tả lại tiếng kèn). Tôi đã lấy air nhạc đó để viết Quen Nhau Trên Đường Về, lấy miền Trung để làm đề tài: Chiều nay có phải anh về miền Trung, về thăm quê mẹ chờ em về cùng…”
Đông Kha (nhacxua.vn)