Là người yêu nhạc, có lẽ không ai là không biết tới nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, tác giả của nhiều bài nhạc quê hương bất hủ hư Bến Duyên Lành, Nắng Lên Xóm Nghèo, Đường Về Hai Thôn… hay các bài nhạc vàng Trăng Tàn Trên Hè Phố, Những Ngày Xưa Thân Ái, Đan Áo Mùa Xuân…
Cuộc đời của ông là một chuỗi dài những sự kiện có phần bí ẩn, và sự nghiệp sáng tác, tư tưởng sáng tác của ông cũng để lại nhiều tranh cãi cho hậu thế. Những sự bí ẩn đó phần nào được giải mã qua bài viết về âm nhạc của ông sau đây, được đăng trên tạp chí Bách Khoa năm 1963.
Trong bài viết này, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ không ngần ngại chỉ trích những sáng tác của ông và đồng nghiệp thời đó, cụ thể là ông không hài lòng về một vài chi tiết trong ca khúc Bến Duyên Lành, Lúa Về Đêm Trăng, Nắng Lên Xóm Nghèo, và Tình Mùa Hoa Nở của chính mình, rồi một số từ ngữ trong các sáng tác nổi tiếng của Lam Phương, Nguyễn Văn Đông, theo ông, cũng không chuẩn với nốt nhạc, như bài Tình Anh Lính Chiến, Chiều Mưa Biên Giới. Cần nói rõ thêm rằng cách chỉ trích đó của Phạm Thế Mỹ mang tính xây dựng, chứ không phải là chê bai, nhằm mong muốn tân nhạc được phát triển, không bị đào thải khỏi dòng chảy của thị trường âm nhạc thời ấy.
Học tập
Năm lên 6 tuổi, tôi ra Huế ở với anh tôi – nhà văn Phạm-Văn-Ký – để đi học.
Anh tôi thích âm nhạc và chơi vĩ cảm (violon) rất khá. Tôi học nhạc từ đấy. Tám tuổi, tôi chơi thạo măng-cầm (mandoline). 12 tuổi tôi học Tây ban cầm (guitare espagnole) – bằng cây “ghi ta” Vọng cổ sửa phím lại với chú tôi, và học lí thuyết với sư huynh Yersin ở trường Gagelin ở Qui-Nhơn, 14 tuổi, tôi đã viết nhiều ca khúc nhỏ mặc dầu chưa hề biết luật cân phương (carrure) là gì, đừng nói đến cách dùng những giai kết (cadences). Tôi nghĩ viết sao cũng được miễn là gây xúc cảm cho người nghe là đủ. Được vài anh em bạn khen và một người thân khuyến khích, tôi ra công học hỏi thêm nhạc lí sáng tác với một nhạc sĩ vĩ cầm, bạn thân anh tôi, và nghiên cứu thêm những nhạc phẩm của các nhạc sĩ nổi tiếng đương thời như: Đặng-Thế-Phong, Nguyễn-Xuân-Khoát, Văn Cao, Phạm-Duy, Lưu-Hữu-Phước, Nguyễn-Mỹ-Ca… để viết những nhạc phẩm vững vàng hơn…
Sáng tác và Xuất bản
Về đây, Đà Nẵng, mới đầu tôi viết những bản nhạc theo thể dân ca phát triển để kiếm tiền thêm học nhạc. Tôi học hòa âm với ông Nguyễn-Phụng và bà Nguyễn-Khắc-Cung. Nhưng một vài nhà xuất bản cho loại nhạc này đã lỗi thời, khó bán. Họ nói: “Nhạc dân ca chính cống của Phạm-Duy còn bán xôn, huống gì nhạc của các anh!”. Rồi họ bảo: “Nếu muốn được xuất bản, được phổ biến trên đài phát thanh thì phải sáng tác loại mambo, boléro. Ca sĩ chỉ khoái hát loại này và quần chúng cũng chỉ mua loại này mà thôi!”. Tôi không tin, đi hỏi vài bạn thân thì đó là sự thật – tôi quên nói thêm là phải được vây cánh trên đài, nhạc phẩm của mình mới được trình bày, mà có được trình bày trên đải thì mới được nhà xuất bản mua!
Bây giờ nhìn lại những đứa con bất đắc dĩ này, tôi thấy xấu hổ và giận mình. Vì thế tôi không ngạc nhiên lắm – nếu không nói là đau xót – khi thấy quần chúng có thái độ lơ là dẫn dần với Tân nhạc, chỉ vì chúng ta đã “sản xuất” những tác phẩm một cách cẩu thả, thiếu tự trọng, để chạy theo thị hiếu thương mại của một vài nhà xuất bản vô lương tâm, thiếu trách nhiệm, chỉ có biết trục lợi là trên hết. Tôi không có ý coi rẻ hoặc khinh dễ Tân nhạc, trái lại tôi rất thiết tha với nó cũng như quần chúng đã tin tưởng nơi nó. Tôi cũng muốn được nói ở đây tất cả những khuyết điểm, những thắc mắc của tôi vì bộ môn này – vì hiện tại chỉ có Tân nhạc là được phổ biến sâu rộng trong quần chúng — may ra tìm cho nó một lối thoát để khỏi phụ lòng tin tưởng của quần chúng đối với chúng ta — những nhạc sĩ Tân nhạc.
Trước hết, tôi xin nêu ra đây một vài khuyết điểm chính mà tôi đã vấp phải một cách cố ý trong những nhạc phẩm đã xuất bản – cũng là khuyết điểm chung với nhạc sĩ tôi được quen biết mà tôi không tiện nêu tên ra đây:
– Trong bài “Bến duyên lành” – đã xuất bản ra thu thanh vào dĩa – có 1 khuyết điểm chính không thể tha thứ được:
a) Tôi đã dùng nhịp điệu “mambo” để diễn tả nhịp mái chèo bơi và nói lên nếp sống của đôi vợ chồng chèo đò nơi quê nghèo. Thực ra tôi cũng không ngu đến mức đó, nhưng nhà xuất bản muốn thế tôi phải nghe theo. (Vì tôi quá cần tiền để trả tiền cơm tháng).
b) Tôi chưa hề hiết sông Đồng-Nai ra sao, thế mà tôi dám viết: “mai về ngược sông Đồng-Nai”... Tôi còn nhớ rõ tôi đã ngồi bên sông Sàigòn và đã nhìn chiếc chiến hạm của Mỹ để viết đoạn này!.
Nghe Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết hát Bến Duyên Lành
Và trong những bản nhạc của tôi đã được xuất bản, đã được yêu cầu nhiều lần trên đài phát thanh Sàigòn và Huế:
a) Lời ca xây dựng yêu đời – để được đài cho phổ biến, nhưng nét nhạc thì ủy mị, sâu khổ… (“Lúa về đêm trăng” – âm cung mi thứ).
b) Lời ca của đoạn đầu và đoạn kết nói lên những tình cảm yêu đương của cá nhân, nhưng đến đoạn giữa tôi lại cố ý nhét vào một cách gò ép hình ảnh gian khổ hoặc hiên ngang của người lính chiến để che đậy những tình cảm lãng mạn trong toàn bài (“Tình mùa hoa nở”).
Nghe Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết hát Tình Mùa Hoa Nở
c) Nết nhạc gò ép theo tiết điệu – nên khi đặt lời ca tôi đã bị lệ thuộc vào nét nhạc, gieo vần một cách gò bó, nên khi hát lên nghe như hô vè:
…đôi bướm vàng | nhởn nhơ | như quyến luyến
và cô gái làng | ngẩn ngơ | mơ tình duyên…
(Nắng lên xóm nghèo)
Trái lại, những tác phẩm của một vài nhạc sĩ biết tự trọng, có căn bản, học tập vững vàng đã được phổ biến rộng rãi và mãi mãi in sâu vào lòng người. Trong số đó có anh Phạm-Duy, và một số tác phẩm của anh có nhiều bài hát mãi không chán, càng bát càng hay, càng thấy tha thiết hơn tình quê hương đất nước… Có sự thành công rực rỡ đó là nhờ anh đã sống thật, sống mạnh “trong giai đoạn gay go nhất của lịch sử”, cộng thêm vào đó là thiên tài của anh. Chúng ta không phải là thiên tài – dù theo định nghĩa thiên tài chỉ là một sự kiên nhẫn trường kỳ, những tác phẩm của chúng ta lại đầu thai không nhằm lúc, bị ảnh hưởng nhạc Âu Mĩ một cách tội nghiệp do những dĩa hát ở các bar, các rạp chớp bóng tung ra hằng ngày — thì ít nhất chúng ta phải lo thu thập một vốn liếng tối thiếu về nhạc lí trau giồi thêm về cổ nhạc, nuôi dưỡng hồn nhạc dân tộc để những tác phẩm của mình khỏi bị mất gốc, lai căng, học hỏi thêm ở sách vở, bạn bè (nếu không được đến trường) ở các tác phẩm của các nhạc sĩ ngoại quốc, có thể may ra những tác phẩm của chúng ta mới khỏi bị quần chúng đào thải một cách vội vàng, khinh dễ, hay ít nhất để khỏi mang tiếng là thất học, là kẻ chuyên bán rẻ nghệ thuật để sinh sống!
Trình diễn
Trong rừng nhạc lãng mạn, ủy mị, giựt gân… treo nhan nhãn ở các tiệm sách, tôi tìm không ra một bản để các em học sinh có thể trình bày hợp ca hay hợp xướng. Nếu có thì cũng là những tác phẩm cũ của các anh Phạm-Đình-Chương, Phạm-Duy, Lê-Thương… Ngay cả những bản đơn ca cũng khó tìm. Tôi đã thấy một em bé lớp tư của một trường công tiểu học ở đây lên Thông tin trình bảy bản “Kiếp nghèo” của LP — trong buổi phát thanh “Tiếng nói học sinh” – với một lối diễn xuất như người lớn: tay để lên quả tim, nét mặt đau khổ – khi hát đến câu: “Đôi khi muốn nói yêu ai nhưng lòng ngại ngùng”. Cũng như ban hợp ca trung học đã trình bày một cách gượng gạo, đáng thương, bài “Bức họa đồng quê” của VP trong buổi lễ phát thưởng cuối năm. Những tiếng “cha cha cha” xen lẫn với những câu: trời xanh xanh bao la, mây trắng trắng trắng xóa… Sau đó lại có cả điệu hò lơ “hò lớ hó lớ”… nữa! Thật là hổ lốn như một ly chè đặc biệt!
Tôi ước mong sao nhạc sĩ chúng ta hãy nghĩ đến tương lai của các em, ra công sáng tác viết những nhạc phẩm hợp với tuổi trẻ, với tâm hồn trong trắng yêu đời của các em để khỏi có những sự lố bịch đáng trách như trên. Tôi cũng mong sao chúng ta ra công viết những bản hợp ca, hợp xướng có giá trị – như 3 bài: Hòn vọng phu của Lê-Thương, Hội trùng dương của Phạm-Đình-Chương, Con đường cái quan của Phạm Duy… để các ban văn nghệ học sinh trên toàn quốc có đủ nhạc phẩm để trình diễn trong những buổi phát thanh công cộng hay trong những buổi trình diễn văn nghệ ở học đường…
…Trong khi tập hát cho các em, có một khuyết điểm – không biểu có phải là khuyết điểm không – mà các nhạc sĩ miền Nam và miền Trung thường vấp phải trong khi đặt lời ca cho các ca khúc.
– Trong bài “Tình anh lính chiến” của LP: “xuyên lá cành trăng lên lều vải…”, chữ “vải” (dấu hỏi) viết dưới nốt Fa#, khi hát lên sẽ thành chữ “vái” (dấu sắc).
– Trong bài “Chiều mưa biên giới” của NVĐ: “vầng trăng xẻ đôi…”, chữ “xẻ” (dấu hỏi) viết dưới nốt Ré cao, khi hát lên sẽ thành chữ “xé” (dấu sắc).
– Trong bài “Nắng lên xóm nghèo” của tôi: “em ước mơ những gì…”, chữ “những” (dấu ngã) viết dưới nốt La thấp, khi hát lên sẽ thành chữ “nhừng” (dấu huyền).
Trái lại, những nhạc sĩ miền Bắc nhờ phát âm đúng giọng khi nói nên khi viết lời ca họ không gặp trở ngại trên.
Ví dụ: trong bài “Nương chiều” của Phạm-Duy.
…Chiều ơi lúc chiều về rợp những nương khoai, trâu bò về dục mõ xa xôi ơi chiều…
…Chiều ơi áo chàm về quẩy lúa trên vai, in hình về…
(Theo ý chúng tôi nên thống nhất lối phát âm bằng cách theo lời phát âm miền Bắc để khi hát lên lời ca nghe được rõ ràng, dễ hát, dễ nghe…)
Giáo dục âm nhạc
Dân tộc ta chuyên sống về nông nghiệp nên phần đông đều nghèo khổ, không thiết tha mấy đến vấn đề trau giồi nghệ thuật. Ngay cả học sinh đến trường cũng chỉ lo học những môn chính để đi thi. Chúng ta cũng không trách được các em vì chúng ta thiếu phương tiện như máy hát, máy ghi âm, tranh ảnh, sách vở về nhạc sử… – riêng tôi đi dạy hơn 4 năm rồi mới sắm được một máy ghi âm, vài bài bản cổ điển Việt-Nam và một ít nhạc cổ điển Tây phương (theo chương trình nhạc sử) – thì làm sao thu hút các em say mê học nhạc được. Một điểm khác: nếu học sinh thích học nhạc thì mỗi tuần một giờ lại quá ít đối với chương trình nặng nề mà bộ Quốc gia Giáo dục đã đề ra. Đã thế những người có trách nhiệm lại quá khinh thường môn nhạc trong kỳ thi Trung học đệ nhất cấp. (Tôi đi chấm thi mấy lần và đã chứng kiến những cảnh giáo sử Toán hay Vạn vật hỏi Nhạc). Thật là học một đằng thi một néo!
Riêng hai trường Quốc gia Âm nhạc ở Sàigòn và ở Huế thì chỉ chuyên đào tạo một số nhạc sĩ chuyên nghiệp cho mai sau, còn đối với quần chúng bây giờ thì chưa có ảnh hưởng mấy! Do đó sự hiểu biết về nhạc lí cũng như trình độ thẩm âm của quần chúng còn thấp kém.
Vì thế nhạc cổ điển Tây phương – theo tôi – hiện nay hãy còn là một món ăn quá sang, quá xa lạ đối với dân tộc chung ta.
Nhạc Việt mai sau
Cách đây mấy năm, trong bài giới thiệu những nhạc phẩm của tôi, một bạn ở báo “Lẽ sống” đã ghi rõ ước vọng của tôi: “Sân khấu nhạc Việt trong tương lai phải đi đến chỗ trình diễn những vở đại nhạc kịch”. Nếu chúng ta cùng đồng ý trên quan niệm: ca nhạc cải lương không còn giữ được truyền thống của nền nhạc cổ điển mà chỉ là một sự chắp nối cẩu thả, gượng gạo giữa nền nhạc cổ truyền và nền nhạc ngoại lai – những bản nhạc cổ điển Việt-Nam xen lẫn với những bản “cha cha cha”, “mambo”, “twist”… – thì sau bát bộ, chúng ta phải tiến đến sáng tác và trình diễn những vở đại nhạc kịch để kế tiếp – nếu không nói là thay thể – những vỡ tuồng cải lương sau này…
Để đi đến chỗ tập cho quần chúng thưởng thức và ưa chuộng được những vở đại nhạc kịch, chúng ta phải dắt quần chúng đi từng bước qua nhiều giai-đoạn khác nhau. Trước hết chúng ta tập cho quần chúng nghe quen tai – họ thích cải lương vì tai họ nghe rành 6 câu… – những bản hợp ca, hợp xướng… rồi đến tiểu ca kịch (opérette) (loại này anh Lê-Thương đã thử thách nhiều nhưng chưa có tiếng vang mấy), sau cùng mới đến đại nhạc-kịch (opéra). Có thế, quần chúng mới khỏi bỡ ngỡ và sẽ làm quen dần với lối trình-diễn quá phức tạp và quá mới mẻ này.
Tôi rất phấn khởi khi thấy giàn nhạc đại hợp tấu (orchestre symphonique) Sài-Gòn đã thành hình, vì sau này chính nó sẽ góp một phần lớn trong việc phổ biến và trình diễn những vở đại nhạc-kịch Việt-Nam.
Tôi chỉ xin ước hai điều:
– Mong sao có những buổi trình-diễn: độc tấu về các nhạc-khí, những buổi hòa nhạc, những ban hợp ca hoặc những vũ bộ… do các nghệ sĩ danh tài của các nước bạn đến trình diễn tại Sài-Gòn, Huế và những đồ thị khá lớn, như… Đà Nẵng để quần chúng có dịp thưởng thức những tinh hoa nghệ thuật của nước người (nhưng muốn được các nghệ sĩ ấy chiếu cố đến các đô thị của ta, như Đà-Nẵng chẳng hạn thì trước hết phải có một hí viện – đúng nghĩa của nó – được xây cất ngay tại đây. Hiện giờ ở đây chỉ có “khu giải trí” – nhà lao thời Pháp thuộc được phá đi để làm rạp hát – là nơi độc nhất để các đoàn ca nhạc thay phiên nhau đến trình diễn).
– Mở cuộc thi sáng tác âm nhạc có tính cách quốc tế (như bên ngành Họa chẳng hạn), để khuyến khích và nâng đỡ các nhạc sĩ ra công sáng tác những tác phẩm có giá trị nghệ thuật lâu dài (những tác phẩm trúng giải sẽ được đem ra trình diễn trước công chúng và sẽ được Văn hóa vụ xuất bản).
Đó chỉ là một điều ước!
Sự mong ước đó có được toại nguyện hay không, lại là một chuyện khác!
Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ – Tạp chí Bách Khoa 1963