Khởi đi từ những năm cuối thập niên 60 cho đến năm 1975, những người yêu nhạc có lẽ ai cũng biết đến một chương trình ca nhạc truyền hình và truyền thanh lấy tên của chính người nhạc sĩ thực hiện là Phạm Mạnh Cương. Chương trình Phạm Mạnh Cương với nữ xướng ngôn viên Như Hảo được coi là một trong những chương trình ca nhạc giá trị vào thời điểm vàng son nhất của âm nhạc miền nam Việt Nam.
Ngoài những chương trình lấy tên Phạm Mạnh Cương, người nhạc sĩ sinh trưởng tại Huế vào năm 1935 này còn phụ trách chương trình phát thanh Chiến Sĩ và Nghệ Sĩ trên đài Quân Đội và cộng tác với nhiều chương trình khác trong vai trò xử dụng guitar với các ban Võ Đức Tuyết, Hoàng Lang, Nguyễn Đức, Tô Kiều Ngân…
Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương đã sáng tác khoảng 100 nhạc phẩm, với bài hát đầu tiên là Mái Trường Xưa từ năm 1951, được phổ biến rộng rãi tại Huế. Nhưng đến năm 1953 thì tên tuổi Phạm Mạnh Cương mới bắt đầu được biết đến với nhạc phẩm Thu Ca, sáng tác tại Hà Nội.
Sau khi viết xong Thu Ca, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương gửi bài này đến đài phát thanh Hirondelle để sau đó được nữ ca sĩ Thanh Hằng phổ biến trên làn sóng điện. Một thời gian sau, Thu Ca đã được rất nhiều ca sĩ trình bày cho đến sau này tại hải ngoại, được tác giả dùng làm nhạc hiệu quen thuộc cho những chương trình ca nhạc của Phạm Mạnh Cương.
Dù Thu Ca được coi như một nhạc phẩm thành công của Phạm Mạnh Cương trong bước đầu sáng tác, nhưng phải một thời gian khá dài sau đó, tên tuổi ông mới thật sự chiếm được một chỗ đứng cao kể từ năm 1959.
Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương tâm sự: “Trong gia tài âm nhạc khoảng 100 ca khúc của tôi, có 2 bài để đời là Thu Ca và Thương Hoài Ngàn Năm. Thu Ca viết năm 1953, điệu tango. Lúc này, tôi đang học trường Cao Đẳng Sư Phạm và Cử Nhân Văn Chương ở Hà Nội. Một chiều thu trời buồn man mác, gió heo may se lạnh, tôi thơ thẩn ngang qua trường Trưng Vương, hình ảnh những nữ sinh trong tà áo dài bay trong gió mùa thu Hà Nội đẹp ru hồn làm bật lên giai điệu:
Lạnh lùng sương rơi heo may
Buồn ngơ ngác bóng chim bay
Mây tím giăng sầu đó đây
Ngày đi chiều mang sầu tới…”
Nhờ năng khiếu, Phạm Mạnh Cương tự mò mẫm học nhạc lý và đàn guitar qua sách vở và qua những khóa học hàm thụ về hòa âm từ Paris. Ông cho biết có thể một phần thừa hưởng dòng máu văn nghệ của thân phụ ông là một người yêu thích cổ nhạc và biết sử dụng đàn và sáo, nên từ khi còn nhỏ ông đã tỏ ra có một sự đam mê với âm nhạc âm hưởng Tây Phương.
Với chiếc radio cũ kỹ, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương đã bỏ ra rất nhiều thời gian để nghe những chương trình nhạc, phát thanh trên những đài Pháp Á và Hirondelle ở Hà Nội. Từ thời trẻ ông đã nghe và thích những nhạc phẩm của Đoàn Chuẩn – Từ Linh như Dang Dở, Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay, Thu Quyến Rũ…, có lẽ vì vậy mà một số sáng tác của Phạm Mạnh Cương có sự phảng phất cái bàng bạc mênh mang của dòng nhạc tiền chiến và bóng hình mùa thu trong nhạc Đoàn Chuẩn.
Sau khi đậu Tú Tài 2 ở Huế vào năm 1953, Phạm Mạnh Cương rời Huế để ra Hà Nội theo học Cao Đẳng Sư Phạm, lúc đó ông đã sáng tác bài hát nổi tiếng Giã Từ Cố Đô. Học xong ở Hà Nội, ông lại trở về Huế, là nơi ông đã từng hợp tác với đài phát thanh ở đây vào những năm cuối bậc trung học tại trường Khải Định, trong chương trình văn nghệ học sinh hàng tuần với một ban nhạc mà ông cũng là một thành viên.
Đến năm 1954, Phạm Mạnh Cương một mình vào Nam. Từ năm 1955, người con thứ 5 trong một gia đình gồm 9 người con, khởi đầu cuộc đời dạy học. Sau 3 năm dạy các môn Việt Văn, Sử Địa và Triết Học tại trường Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho, ông về dạy tại trường Pétrus Ký – Sài Gòn từ năm 1958 cho đến năm 1975. Ngoài ra ông còn bận dạy tại nhiều trường tư khác như Hưng Đạo, Văn Học, Lê Bảo Tịnh, Bồ Đề, Nguyễn Văn Khuê, Văn Hóa… mà ông ví von như những ca sĩ hiện nay chạy show.
Mặc dù nghề dạy học là nghề tay phải, nhưng Phạm Mạnh Cương cho rằng chính nghề tay trái là âm nhạc đã chiếm được một chỗ đứng quan trọng trong đời sống của ông, trong đó dĩ nhiên có phần không nhỏ về mặt kinh tế.
Trong thời kỳ hoạt động mạnh nhất của ông, kéo dài gần 10 năm ở Sài Gòn kể từ năm 1966 đến 1975, Phạm Mạnh Cương có thể coi như một trong những người đã đưa việc thực hiện băng nhạc vào lĩnh vực kinh doanh dưới nhãn hiệu Tú Quỳnh, với khoảng 20 băng nhạc được phát hành, quy tụ gần như tất cả những tiếng hát lớn như Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly, Duy Trác, Sĩ Phú, Thanh Tuyền, Phương Dung. Sau đó là những Phương Hồng Hạnh, Julie Quang, Carol Kim, Thanh Lan…
Sau khi từ Huế vào Sài Gòn, Phạm Mạnh Cương sáng tác nhạc phẩm Thương Hoài Ngàn Năm vào năm 1956, và đó là nhạc phẩm đầu tiên ông viết tại miền Nam. Đây là một nhạc phẩm nói lên sự đa dạng về tiết tấu trong âm nhạc của Phạm Mạnh Cương, một nhạc sĩ phần lớn chỉ viết nhạc theo điệu Slow, Tango hoặc Boston. Ông cho biết đã lấy cảm hứng từ câu ca dao “Tóc mai sợi vắn sợi dài, lấy nhau chẳng được thương hoài ngàn năm” để sáng tác thành ca khúc này.
Theo Phạm Mạnh Cương, phía sau mỗi nhạc phẩm của ông đều ghi dấu một kỷ niệm đã tạo nên nguồn cảm hứng. Từ đó ông liên tiếp tung ra những ca khúc khác như Thung Lũng Hồng, Mắt Lệ Cho Người Tình (sáng tác tại Đà Lạt), Tóc Em Chưa Úa Nắng Hè (hoàn tất tại Nha Trang) và một vài nhạc phẩm ông gọi là “thuộc loại thời trang” như Loài Hoa Không Vỡ, Tình Yêu Đã Mất… và tất cả đã trở thành những nhạc phẩm được nhiều người mến chuộng. Nhưng nhạc phẩm được ông ưa thích nhất vẫn là Thu Ca, được coi là một trong những bài tango hay nhất của Việt Nam…
Tuy nơi Phạm Mạnh Cương có hai con người khác biệt: một con người mô phạm và một con người nghệ sĩ, nhưng ông không hề để cho hai sự tương phản đó làm xáo trộn hoạt động của mình, trái lại ông đã tạo được một sự hỗ tương giữa hai lãnh vực vì “Với tôi, tôi thu xếp đâu ra đó. Dạy học vẫn làm tròn bổn phận của một nhà giáo, còn nghệ sĩ thì hoạt động hoàn toàn là một nhạc sĩ… Có lẽ tôi mang một tính chất nhà giáo để qua hoạt động bên văn nghệ”.
Chính nhờ vậy, hoạt động của ông trở nên quy củ do sự áp dụng đặc tính nề nếp của một nhà mô phạm vào lãnh vực nghệ thuật.
Còn riêng với môn Triết học được coi là môn dạy chính yếu của ông, Phạm Mạnh Cương cho biết không hề ảnh hưởng đến nội dung của những nhạc phẩm ông sáng tác vì ông quan niệm “lời ca phải làm sao cho người ta cảm, chứ đừng có viết một cách cao xa quá”.
Ông nhấn mạnh thêm, hình ảnh trong âm nhạc phải là một hình ảnh cụ thể “nhưng không phải là cụ thể một cách tầm thường, nhưng là một một sự cụ thể có thi vị”.
Cũng do sự tưởng tượng phong phú của một nghệ sĩ, Phạm Mạnh Cương cho biết không hẳn bài tình ca nào ông viết cũng đều đến từ một mối tình có thật, và thật ra đó cũng chẳng phải là lý do chính để ông viết nhạc.
Vào năm 1961, trong dịp trở ra Huế chấm thi Tú Tài phần 2, Phạm Mạnh Cương gặp Như Hảo, một thí sinh từ Đà Nẵng vào Huế dự thi, trong dịp này ông đã sáng tác nhạc phẩm Mơ Bến Hàn Giang để tặng cho người yêu. Nhạc phẩm này đã được Thái Thanh trình bầy đầu tiên.
Chỉ một năm sau đó, vào năm 1962, Phạm Mạnh Cương và Như Hảo trở thành vợ chồng qua lễ thành hôn tổ chức tại Đà Nẵng.
Vài năm sau hai người cùng nhau sát cánh trong những sinh hoạt ca nhạc trên đài truyền hình và truyền thanh với những chương trình nhạc mang những chủ đề đặc biệt do Phạm Mạnh Cương khởi xướng qua những bài viết của các tác giả tên tuổi như Duyên Anh, Mai Thảo, Hoàng Hải Thủy…
Về lĩnh vực Truyền Hình, năm 1966, Phạm Mạnh Cương được đạo diễn Lê Hoàng Hoa mời thực hiện chương trình ca nhạc đầu tiên cho đài Truyền Hình Việt Nam dưới tên “Hoa Thời Đại”, thời đó còn được phát hình từ trên máy bay trực thăng.
Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương và vợ là phát thanh viên Như Hảo trong chương trình Hoa Thời Đại – tiền thân của Chương Trình Phạm Mạnh Cương nổi tiếng
Một năm sau chương trình này chính thức đổi thành “Chương Trình Phạm Mạnh Cương” phát hình hàng tuần vào tối thứ bẩy từ 9 đến 10 giờ và kéo dài hoạt động cho đến tháng 4 – 1975. Trong thời kỳ đầu tiên, chương trình Phạm Mạnh Cương có sự tham gia của nhiều giọng ca tên tuổi như: Hoàng Oanh, Phương Hoài Tâm, Mai Hương, Lệ Thu, Khánh Ly…
Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương còn là người sáng lập trung tâm băng nhạc Tú Quỳnh tại Sài Gòn và là người đầu tiên chủ trương thu thanh nhạc một cách quy mô để kinh doanh với đà phát hành trung bình mỗi tháng một băng nhạc mới với sự cộng tác của hầu hết các giọng ca tên tuổi như Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly, Duy Trác, Thanh Tuyền, Sĩ Phú, Phương Dung, Thanh Lan, Julie Quang, Carol Kim…
Sinh sống và hoạt động âm nhạc ở hải ngoại
Sau 5 năm sống trong sự xáo trộn và đổi thay của đất nước, Phạm Mạnh Cương cùng 2 con là Mạnh Quỳnh và Diễm Phúc từ Cà Mau đã rời Việt Nam vào năm 1980, để lại Như Hảo và 2 người con khác ở lại. Sau khi ở tại trại Leamsing ở Thái Lan vài tháng, ông cùng hai con được sang định cư tại Montreal – Canada vào tháng 6 năm 1980.
Đến năm 1983, vợ ông và hai người con gái được đoàn tụ theo diện bảo lãnh. Nhưng vài năm sau đó, một lần nữa, định mệnh đã đưa đẩy đến sự chia tay giữa hai vợ chồng ông để hiện nay mỗi người mỗi ngả.
Phát thanh viên Như Hảo ở hải ngoại
Một thời gian ngắn sau khi tới Montreal, ông đã thành lập ban nhạc Phạm Mạnh Cương và hợp tác với nhà hàng Mỹ Trang. Qua năm 1981, ban nhạc ông được mời phụ trách chương trình khiêu vũ cho nhà hàng Văn Hoa, đến năm 1982 ông đứng ra trông coi một quầy bán băng nhạc, sách báo lấy tên Tú Quỳnh trong thương xá Việt Nam trên đường St Laurent, cùng lúc đó là cộng tác với vũ trường mang cùng tên Tú Quỳnh trên lầu thương xá này.
Đến năm 1985, ông về khai thác vũ trường Đêm Mầu Hồng trên đường St Denis. Một thời gian sau ban nhạc của ông cộng tác với vũ trường Maxim’s và kế đó là Dallas (tức Maxim’s) cho đến khi vũ trường này ngưng hoạt động.
Tuy tình trạng khách đến với vũ trường càng ngày càng thưa thớt, nhưng nhạc sĩ Phạm Đình Chương vẫn không thể từ bỏ được nguồn vui trong âm nhạc của mình, vì vậy sau đó ban nhạc của ông lại thuê được một địa điểm nhỏ khác để tổ chức chương trình ca nhạc và khiêu vũ hàng tuần trên đường St Catherine được một thời gian.
Ngoài hoạt động về ca nhạc, Phạm Mạnh Cương còn chủ trương một nguyệt san lấy tên là Thẩm Mỹ. Trung tâm Thúy Nga đã thực hiện cho ông cùng với 2 nhạc sĩ khác ở Canada là Trường Sa và Lê Dinh một chương trình video đặc biệt đề cập về cuộc đời họat động ca nhạc của từng người, mang tựa đề Thu Ca.
Theo Tivi Tuần San