Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và những bài nhạc vàng đại chúng ký bút hiệu Phượng Linh

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông có thể xem là một trong những người đầu tiên sáng tác nhạc vàng, với những bài hát bất hủ mang tính khai phá dòng nhạc này từ những năm thập niên 1950, tiêu biểu là Chiều Mưa Biên Giới, Phiên Gác Đêm Xuân, Sắc Hoa Màu Nhớ, Nhớ Một Chiều Xuân, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp…

Bên cạnh những bài hát mang bút hiệu là Vì Dân và Nguyễn Văn Đông trong các ca khúc được đánh giá cao về mặt nhạc thuật và ca từ, thì từ giữa thập niên 1960 trở về sau, ông còn sử dụng bút danh Phượng Linh khi sáng tác những ca khúc thể loại phổ thông dành cho đại chúng, nổi tiếng nhất là Đom Đóm, Khi Đã Yêu, Thầm Kín, Cay Đắng Tình Đời, Đoạn Tuyệt…, đa số những bài hát này là nói lên tâm sự người thiếu nữ, những dang dở trong tình yêu.

Các ca khúc này được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đưa vào trong băng dĩa nhạc hãng hiệu Sơn Ca và Continental do chính ông thực hiện. Đây là 2 nhãn hiệu nổi tiếng do ông thành lập và làm giám đốc, với sự hỗ trợ đầu tư tài chính của ông Huỳnh Văn Tứ.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và ông Huỳnh Văn Tứ, những người sáng lập hãng băng dĩa danh tiếng Sơn Ca, Continental

Một điều dễ nhận thấy, trong các bài hát được ký với bút hiệu Phượng Linh này, hầu hết là có giai điệu và nét nhạc rất khác so với dòng nhạc Nguyễn Văn Đông mà người ta hình dung đến. Cũng có thông tin cho rằng những bài hát này không phải là của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sáng tác hoàn toàn, mà có thể là có những bài của nhạc sĩ dưới quyền của ông viết, sau đó ông sửa lại rồi cùng để bút danh là Phượng Linh.

Ở đây cũng xin nói thêm là thời điểm thập niên 1960, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông có rất nhiều công sự là các nhạc sĩ nổi tiếng, làm việc dưới quyền ông ở hãng băng dĩa. Bởi vì lúc đó công việc của ông rất bận rộn, vừa là quân nhân chuyên nghiệp, một sĩ quan cao cấp của quân đội, là chánh văn phòng cho phó tổng tham mưu, đồng thời cũng là trưởng ban nhạc Tiếng Thời Gian, trưởng đoàn văn nghệ Vì Dân, trưởng ban tổ chức các đại hội văn nghệ… Vì vậy khi làm giám đốc của 2 nhãn hiện Sơn Ca và Continental, ông có rất nhiều nhạc sĩ phụ giúp quản lý, hướng dẫn ca sĩ thu âm, như là nhạc sĩ Ngọc Sơn, Hoàng Trang, Đài Phương Trang… và cả nhạc sĩ Mạnh Phát.

Sau đây, xin giới thiệu những ca khúc nổi tiếng nhất được ký với bút danh Phượng Linh:

Khi Đã Yêu

Có lẽ đây là bài hát nổi tiếng nhất của bút danh Phượng Linh, được nhiều nữ ca sĩ hát, trong đó có Hà Thanh, người ca sĩ có sự nghiệp gắn bó với nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông:

Khi đã yêu thì mơ mộng nhiều
Mơ ngày mai pháo nhuộm đường vui
Mơ vành môi thơm ngát hương đời
Tình kia phong kín mây trời
Khi yêu riêng một người thôi


Click để nghe Hà Thanh hát Khi Đã Yêu trước 1975

Đoạn Tuyệt

Một bài tango buồn nổi tiếng với giọng hát Chế Linh và Hà Thanh từ trước 1975, bài hát về tình yêu dang dở, tiễn bước người sang ngang:

Một mai em có đi lấy chồng
Vòng tay ân ái thay hình bóng
Xác pháo tươi hồng như trái tim
Êm ái trao lòng tôi vết thương
Em biết chăng em…


Click để nghe Chế Linh hát Đoạn Tuyệt trước 1975


Click để nghe Hà Thanh hát Đoạn Tuyệt trước 1975

Cay Đắng Tình Đời

Bài hát được Phương Dung hát trong băng Sơn Ca 5 nổi tiếng do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông thực hiện:

Thuyền tình lênh đênh biết đâu là bến nước
Mịt mù muôn phương biết trôi về nơi nao
Ngày xưa những đêm trăng úa màu
Hai đứa ngồi bên nhau xây đắp chuyện mai sau


Click để nghe Phương Dung hát Cay Đắng Tình Đời trước 1975

Chiếc Bóng Công Viên

Bài hát này được Phương Dung hát trong băng Sơn Ca 11, thực hiện đầu năm 1975:

Đêm công viên buồn đơn côi
Ta xa nhau lâu lằm rồi
Đêm trăng soi buồn ghế đá
Nhạt nhòa trên hoa lá
Riêng có em mà thôi.


Click để nghe Phương Dung hát Chiếc Bóng Công Viên trước 1975

Thầm Kín

Bài hát nổi tiếng với giọng hát Giao Linh, và hình bìa tờ nhạc cũng là hình Giao Linh:

Xin trả cho anh lời nói yêu đầu
Cùng màu thư xanh anh viết cho em
Duyên kiếp ngăn đôi hai đứa mình rồi
Thì giữ chi cho thêm buồn,
càng gợi thêm bao xót thương…


Click để nghe Giao Linh hát Thầm Kín trước 1975

Thương Về Mùa Đông Biên Giới

Bài hát gắn liền với giọng hát Giao Linh. Trong phần tờ nhạc sau đây có in thêm lời vọng cổ của tác giả Đông Phương Tử, và Đông Phương Tử cũng chính là bút danh của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông khi soạn lời cổ nhạc.

Nghe gió Đông sang,
nhớ về người ngoài biên khu

Hiu hắt trời mây,
Hàng cây xơ xác gió lay,
Bên thềm ngập lá Thu gầy,
Lạnh lùng em thương nhớ ai…


Click để nghe Phương Dung hát Thương Về Mùa Đông Biên Giới trước 1975

Niềm Đau Dĩ Vãng

“Ngày hai đứa ân tình vỡ đôi
Đời hai lối phương trời lẻ loi
Thuyền tình anh lạc bến yêu rôi
Niềm thương đã trót trao người
Âm thầm anh khóc khi biệt ly


Click để nghe Giao Linh hát Niềm Đau Dĩ Vãng trước 1975

Thương Muộn

Muốn viết anh đôi hàng ngại lòng anh xót xa
Vì ngày mai em gái lên xe kết hoa hồng


Click để nghe Thanh Tuyền hát Thương Muộn trước 1975

Đom Đóm

Bài hát này được ông ký bút danh là Nguyễn Văn Đông trong tờ nhạc, chứ không phải là Phượng Linh, tuy nhiên đây là một bài nhạc vàng phổ thông rất được đại chúng yêu thích với lời ca giản dị và tràn đầy tình cảm:

Đom đóm đâu ra chiều hôm thật nhiều
Tiền đồn ven biên anh vừa lên phiên đổi gác
Từng bày đom đóm như thấp sáng kỷ niệm của chúng ta…


Click để nghe Giao Linh hát Đom Đóm trước 1975

Bóng Nhỏ Giáo Đường

Năm 1972, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông thực hiện cuốn băng Sơn Ca 3 chủ đề Giáng Sinh, giới thiệu những bài nhạc vàng chủ đề Giáng Sinh. Bài hát Bóng Nhỏ Giáo Đường với bút danh Phượng Linh được ra mắt từ thời điểm đó, cho đến nay đã trở thành quen thuộc vào mỗi mùa Giáng Sinh suốt 50 năm qua:

Có ai về miền quê lửa khói cho tôi nhắn vài câu
Cách xa lâu rồi không biết em còn giận hờn anh nữa thôi
Chuyện ngày xưa hai đứa thương nhau trong đêm nhiều sao sáng
Dưới lầu chuông anh khắc tên nhau
Chung trong lời khấn xin chan chứa niềm tin


Click để nghe Giao Linh hát Bóng Nhỏ Giáo Đường trước 1975

Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn

Exit mobile version