Hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Mất Nhau Rồi” (nhạc sĩ Giao Tiên)

Chúng mình không còn yêu nhau thì thôi
Anh nói ra đi trắng đen một lời
Có gì mà ngại anh ơi, có gì mà đành gian dối
Em không hề kết tội anh đâu..

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Đó là những lời hát Mất Nhau Rồi (sau này bị ghi sai thành Thà Trắng Thà Đen) rất quen thuộc đối với khán giả yêu dòng nhạc đại chúng, là thể loại nhạc ngày xưa thường được gọi tên là nhạc thời trang. Dù thể loại nhạc này có thể bị nhiều người chê bai, nhưng dù sao đi nữa nó vẫn được số đông người yêu thích, vẫn tồn tại suốt tròn nửa thể kỷ qua. Có lẽ bởi vì những ca từ, giai điệu của nó dễ đi vào lòng người, đồng cảm được với số phận của muôn người.


Click để nghe Giao Linh hát Mất Nhau Rồi trước 1975

Nhạc sĩ Giao Tiên chia sẻ về hoàn cảnh sáng tác Mất Nhau Rồi như sau:

Vào một buổi sáng đầu năm 1971, người bạn của Giao Tiên là nhạc sĩ Nguyên Thảo (tác giả Lời Đầu Năm Cho Con, Ngày Con Về…), (đồng thời cũng là người điều hành cơ sở xuất bản tờ nhạc mang nhãn hiệu “NT” được nhiều người biết đến) đã đề nghị nhạc sĩ Giao Tiên viết về một ca khúc nói về tình yêu dang dở, với yêu cầu là phải có ca từ dễ nhớ, dễ thuộc, giai điệu phải dễ hát để đáp ứng xu hướng thưởng thức âm nhạc rất lớn của giới khán giả bình dân đại chúng thời đó. Nhạc sĩ Nguyên Thảo là một nhà xuất bản âm nhạc, nên hơn ai hết, ông biết rõ những ca khúc như vậy sẽ bán rất chạy vì hợp với số đông người yêu nhạc.

Nhận lời đề nghị, ngay tối hôm đó nhạc sĩ Giao Tiên đã giam mình trong phòng để hoàn thành ca khúc Mất Nhau Rồi trong thời gian rất ngắn. Ông đã từng chia sẻ về quá trình sáng tác một bài hát của mình trên báo chí như sau: “Khi đủ cảm xúc thì một tác phẩm có thể chỉ sau vài giờ là hoàn thiện. Cũng có khi một tác phẩm cần trau chuốt đến cả tháng hay vài tháng. Nhưng tôi thường sáng tác khi lồng ngực đã căng tràn cảm xúc. Khi đó nốt nhạc thăng hoa không theo định hướng mà nó rất bình dị tự nhiên”.

Với ca khúc Mất Nhau Rồi, nhạc sĩ Giao Tiên viết nhạc và lời song song với nhau, chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ thi hoàn tất.

Qua hôm sau, khi xem bản nhạc này, nhạc sĩ Nguyên Thảo – cũng là ông chủ nhà xuất bản – rất hài lòng và không yêu cầu chỉnh sửa gì thêm.

Trên chương trình Âm Nhạc Việt Nam Những Chặng Đường, nhạc sĩ Giao Tiên chia sẻ về nội dung bài hát này như sau:

“Khi mà mình cảm thấy rằng không còn yêu nhau nữa thì nên dứt khoát chia tay để mỗi người có thể tìm thấy con đường mới, một mối tình mới, cuộc sống mới. Nếu cứ dây dưa với nhau khi tình đã hết thì không mang lại kết quả tốt đẹp”.

Trong tờ nhạc ca khúc Mất Nhau Rồi của NT xuất bản năm 1971, ở đầu bài hát còn có 4 câu thơ ký tên là L.T.L:

Hãy nói đi Anh chớ ngại lời
Cho dù duyên nợ chẳng thành đôi
Rồi mai đi biệt không về nữa
Bỏ lại nơi này tôi với tôi.

Giải thích về điều này, nhạc sĩ Giao Tiên kể chi tiết thú vị liên quan đến ca khúc, đó là sau khi bài hát được đưa cho ca sĩ Chế Linh hát. Tại phòng thu, Chế Linh cầm bản nhạc suy nghĩ một hồi lâu, sau đó hỏi ý kiến tác giả Giao Tiên để bổ sung 4 câu thơ theo lối diễn ngâm ở đầu bài hát. Giao Tiên đồng ý ngay vì thấy rằng 4 câu thơ đó rất phù hợp với nội dung bài hát. Sau đó khi phát hành thành nhạc tờ, nhạc sĩ Nguyên Thảo cho in 4 câu thơ đó ở dưới tựa đề, tác giả thơ ghi là L.T.L, tức Lưu Trần Lê, một bút danh sáng tác của Chế Linh bên cạnh tên Tú Nhi. Trong đó Lưu là họ của ông, còn Trần, Lê là họ của 2 trong số những người vợ của ông.

Đối với ca khúc Mất Nhau Rồi, nhạc sĩ Giao Tiên không ký bút danh thông thường, mà dùng bút hiệu là Ngân Trang. Ngoài cái tên này, ông còn dùng hàng loạt bút hiệu khác nữa: Dương Trung, Hoàng Hoa, Thảo Trang, Diễm Đào, Rạng Đông, Thu Anh, Kim Khánh, Xuân Hòa, Xuân Hậu, Hương Xuân,…

Ngoài ra, ca khúc Mất Nhau Rồi có một thời gian bị một nhạc sĩ khác đổi tên thành Thà Trắng Thà Đen, đổi cả tên người sáng tác, làm cho nhạc sĩ Giao Tiên có thời gian phải vất vả đi tìm lại công bằng cho những tác phẩm của mình.

Bài: Đông Phương (nhacxua.vn)

Exit mobile version