Trong một chiều thu như bao chiều thu cũ, một người trai lữ khách đang lãng du một mình trong ánh chiều tà. Cái lạnh làm chàng khẽ rùng mình, một cảm giác cô đơn tràn ngập tâm hồn. Tương lai mịt mờ, bước chân vô định khiến chàng càng thêm buồn nhớ những kỷ niệm đã qua.
Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương viết ca khúc “Thu Ca” vào năm 1953, khi ông mới 20 tuổi và đang theo học Trường Cao đẳng Sư phạm và Cử nhân Văn chương tại Hà Nội, với bối cảnh gây cảm hứng sáng tác, theo như ông kể lại là: “Một chiều thu trời buồn man mác, gió heo may se lạnh, tôi thơ thẩn ngang qua trường Trưng Vương, hình ảnh những nữ sinh trong tà áo dài bay trong gió mùa thu Hà Nội đẹp ru hồn làm bật lên giai điệu: “Lạnh lùng sương rơi heo may…”
Ông vốn là người đã yêu thích phong cách nhạc của Đoàn Chuẩn – Từ Linh từ khi còn nhỏ, nên sau này một số ca khúc do ông sáng tác có hương vị của phong cách này, chẳng hạn như các bài tình ca liên hệ tới mùa thu.
Ông từng tâm sự: “Hồi đi học, là tôi đã thích, đã mê nhạc lắm rồi. Thời đó tôi mê loại nhạc thời danh của Ðoàn Chuẩn-Từ Linh, nghe được những bài “Tà áo Xanh”, “Dang Dở” hay “Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay” thú vị lắm. Thời ấy làm như mình bị thấm cái nhạc đó cho nên khi sáng tác, mình phải làm sao có cái “air” nhạc cho nó như vậy“.
Bản thân Phạm Mạnh Cương cũng thừa nhận rằng không hẳn bài tình ca nào ông viết cũng đều đến từ một mối tình có thật và thật ra đó cũng chẳng phải là lý do chính để ông viết nhạc; điều này khác với một số nhạc sĩ chuyên viết tình ca khác; ông đã có một căn bản rất tốt về nhạc lý, nhạc cụ và giáo dục, nên đã thêm trí tưởng tượng của mình để cho ra đời bản “Thu Ca” này.
Lạnh lùng sương rơi heo may
Buồn ngơ ngác bóng chim bay
Mây tím giăng sầu đó đây
Ngày đi chiều mang sầu tới
Làn sương chiều thu lả lơi
Tiếng mưa rơi đều trên lối
Chiều về gieo thương với nhớ
Lòng người lữ thứ bơ vơ
Nghe lá hoa rụng xác xơ
Chiều thu về đây lạnh lẽo
Mà sương chiều rơi hắt hiu
Gió xa đưa nhẹ tiếng tiêu
Nhớ ai chiều thu
Nhìn bao lá úa rơi đầy lối
Nhẹ rung tà áo
Làn môi cười thắm như cánh hoa đào
Cách xa vì đâu!
Dù bao lần lá hoa phai màu
Rung chi cành hoa lá
Khi tà dương đã khuất non xa
Mầu chiều thu reo lá úa
Buồn se sắt nhớ thu xưa
Tôi biết em chiều gió mưa
Người đi về đâu ngàn lối
Màu hoa chiều thu úa phai
Xót xa cho lòng tê tái
Ngập ngừng sương rơi non xa
Chiều thu giăng lối cô đơn
Nghe tiếng mưa sầu chứa chan
Mà bóng chiều phai vàng úa
Mờ xóa tình quen biết nhau
Trách chi cho lòng đớn đau
Trong “Thu ca”, nỗi niềm của người lữ khách xa quê đan quyện vào khung cảnh của một chiều thu:
Chiều về gieo thương với nhớ
Lòng người lữ thứ bơ vơ
Trong trời thu lành lạnh, nhìn bóng chim bay, mây cuốn chàng cũng thấy buồn:
Buồn ngơ ngác bóng chim bay
Mây tím dâng sầu đó đây
Nỗi buồn càng trở nên buồn thêm trong tiếng mưa rơi đều đều như không bao giờ kết thúc. Chàng trai đa sầu đa cảm đã gặp gỡ cô gái trong một chiều gió mưa quá khứ, để rồi bây giờ nhìn mưa lại thấy buồn, thấy nhớ người xưa:
Buồn se sắt nhớ thu xưa
Tôi biết em chiều gió mưa
Có câu nói: “Những đôi gặp mưa trong lần hò hẹn đầu tiên sẽ yêu nhau suốt đời”; chẳng biết liệu thực sự có một mối liên hệ chặt chẽ giữa thời tiết với tình yêu như thế hay không, hoặc đã có ai thống kê chuyện này hay chưa, nhưng chắc không ai phủ nhận rằng những kỷ niệm trong mưa sẽ làm ta nhớ mãi.
Mưa là một hiện tượng thân quen thú vị của thời tiết, còn tình yêu cũng là một hiện tượng quen thuộc thú vị của cảm xúc, có lẽ sự tương đồng này khi gặp nhau đã tạo nên cộng hưởng cho tâm hồn chăng?!
Người trai trong buồn phiền, nhung nhớ, không còn thiết nhìn ngắm cảnh vật nữa, chỉ còn nghe tiếng mưa rơi lá rụng mà cảm nhận nhịp đập của mùa thu.
Ngập ngừng sương rơi non xa
Chiều thu giăng lối cô đơn
Nghe tiếng mưa sầu chứa chan
Nhìn cảnh mà lại nhớ người, lòng người cũng như lá úa rơi. Tiếng tiêu từ xa vọng lại càng làm hồn người trai thêm se sắt:
Chiều thu về đây lạnh lẽo
Mà sương chiều rơi hắt hiu
Gió xa đưa nhẹ tiếng tiêu
Người đã xa xôi nhưng bóng hình nàng vẫn còn gần gũi, tà áo làn môi còn tươi thắm trên một đường xưa đầy lá rơi.
Nhẹ vương tà áo
Làn môi cười thắm như cánh hoa đào
Hoa đào từ hình bóng của nàng mang hơi thở của mùa xuân, mang tới một chút hơi ấm và sức sống cho chàng trai bước đi trong chiều thu lạnh lẽo. Nhưng mà sự chia ly thật là khắc khoải khi vẫn còn đau đáu trong tâm chàng một câu hỏi “vì sao?” không lời giải đáp:
Người đi về đâu ngàn lối
Màu hoa chiều thu úa phai
Xót xa cho lòng tê tái
Dù bao lần lá hoa phai màu vẫn chưa quên được hình bóng người yêu cũ. Người trong thương nhớ quá, sẽ ước gì có thể quên, ước gì bóng đêm tràn tới có thể xóa giúp ký ức tình buồn, càng không muốn có tâm trách móc người yêu xưa, vì như thế càng làm cho lòng mình xót xa thêm.
Mà bóng chiều phai vì đâu
Mờ xóa tình quen biết nhau
Nhắc chi cho lòng đớn đau
Lòng vì buồn nhớ mà cảm thấy sự vô duyên của cảnh vật, giận dỗi với cả cành hoa lá. Sương rơi thay cho giọt lệ rơi, sương giăng khắp lối, mưa buồn chứa chan.
Rung chi cành hoa lá
Khi tà dương đã khuất non xa
Một người đi xa mà chưa dứt được tâm hồn khỏi hình bóng quê hương, tình cũ. Giá như có người yêu bên cạnh thì cũng vẫn những cảnh thu này chẳng phải là sẽ lập tức chuyển biến thành cực kỳ lãng mạn và mơ mộng hay sao? Lời nói người xưa đâu có sai: “Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ”.
Nhịp Tango dìu dặt của bài hát phù hợp với tâm trạng khắc khoải mơ hồ của nhân vật, xuyên thấu tâm hồn người nghe.
Ca khúc này cho thấy tình tự của người xưa nhẹ nhàng mà sâu sắc, mang tính biểu tượng và cao sang; nét đẹp thuần mộc của cảnh vật và con người cũng tạo nên những cảm hứng và rung động nghệ thuật cho nhạc sĩ sáng tác.
Thành công của bài hát là đưa được các sắc thái đặc trưng của mùa thu vào trong ca khúc, kết hợp với tâm tình nghệ sĩ mà dâng trào, khiến người nghe không khỏi đồng cảm với nhân vật và cảnh vật.
Tựa như trong một bài thơ thất ngôn bát cú chuẩn mực: ít câu từ nhưng đầy đủ ý, nói ít mà có thể hiểu nhiều. Nhạc sĩ rất tâm đắc với bài hát này, ông nói: “Trong gia tài âm nhạc khoảng 100 ca khúc của tôi, có 2 bài để đời là “Thu Ca” và “Thương Hoài Ngàn Năm”. Hơn thế, “Thu Ca” còn được coi là một trong những bài tango hay nhất của Việt Nam.
Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương từng tự sự: “Tôi quan niệm, lời ca phải làm cho người ta cảm, chứ đừng viết một cách cao xa quá. Hình ảnh trong âm nhạc phải cụ thể, nhưng không phải cụ thể một cách tầm thường, nhưng là một cụ thể có thi vị…”
Chúng ta sắp bước vào mùa thu với thật nhiều cảm xúc. Hãy một lần nữa cùng hòa mình vào “Thu Ca” xưa của Phạm Mạnh Cương để làm phong phú thêm tâm hồn mình, mài bớt đi một phần những chai sạn trong cuộc sống hiện đại xô bồ này.
Theo Hoài Ân (Đại Kỷ Nguyên)
dkn.tv/nghe-thuat/am-nhac-nghe-thuat/cam-am-ca-khuc-thu-ca-cua-pham-manh-cuong-noi-niem-cua-nguoi-lu-khach-xa-que.html