Ca từ trong nhạc xưa: “Chiều Mưa Biên Giới” là biên giới nào?

Chiều Mưa Biên Giới là bài hát được biết đến nhiều nhất trong các sáng tác để đời của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, được ông viết vào năm 1956.

Bài hát được mở màn với câu “Chiều mưa biên giới anh đi về đâu”. Rất nhiều người nghe, thích câu này và cũng thắc mắc “biên giới” mà Nguyễn Văn Đông nhắc đến là “biên giới nào”.

Bài hát này được sáng tác vào năm 1956. Thời điểm này, Nguyễn Văn Đông đang là trung úy của quân lực Việt Nam cộng hòa. Thời điểm cuối 1955, ông giữ chức vụ Trưởng phòng 3 (Tác chiến) của Phân khu Đồng Tháp Mười và đến tháng 1 năm 1956 thì tham gia chiến dịch Thoại Ngọc Hầu.

Chiến dịch Thoại Ngọc Hầu là chiến dịch quân sự quy mô của chính quyền Ngô Đình Diệm nhằm đối phó với lực lượng của Ba Cụt (tướng Lê Quang Vinh – thủ lĩnh quân sự Hòa Hảo chống chính quyền Ngô Đình Diệm). Tài liệu đăng trên báo CAND cho biết: “Vào ngày 5.1.1956, Dương Văn Minh phát lệnh một cuộc tấn công đại quy mô có mật danh là “Thoại Ngọc Hầu” nhằm vào lực lượng của Ba Cụt… Dù đang “nước sôi lửa bỏng”, thay vì ém quân thật kỹ, hàng ngày các tay súng của Ba Cụt vẫn ngang nhiên đột nhập vào nhà dân cướp bóc, hãm hiếp. Thậm chí, một vài nhóm phỉ còn nhận được lệnh bắt cóc công chức của Ngô Đình Diệm để tạo tiếng vang”.

Trong một lần trả lời phỏng vấn trước đây với một tờ báo hải ngoại, nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông từng kể về hoàn cảnh sáng tác bài Chiều mưa biên giới: “Khi ấy tôi là trung úy trưởng phòng hành quân của chiến khu Đồng Tháp Mười là người có trách nhiệm đề ra những phương án tác chiến. Lần đó tôi dẫn đầu một nhóm biệt kích bí mật đi điều nghiên chiến trường dọc theo biên giới Miên-Việt và Đồng Tháp Mười. Trên đường về, anh em chúng tôi lâm vào cảnh trời chiều gió lộng, mưa gào như vuốt mặt. Giữa cánh đồng hoang vắng tiêu sơ, lối vào tiền đồn thì xa xôi, thoáng ẩn hiện những nóc tháp canh mờ nhạt ở cuối chân trời. Và từng chập gió buốt kéo về như muối sát vào thịt da. Từ trong cảnh ấy, tận đáy lòng mình đã nghe nẩy lên những cung bậc rung cảm, những trường canh đầu tiên buồn bã cho bài Chiều Mưa Biên Giới anh đi về đâu…”.

Như vậy, có thể thấy bài Chiều mưa biên giới do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sáng tác vào năm 1956 là nói về biên giới Việt Nam – Campuchia, để tả tâm trạng của người lính khi tham gia chiến dịch Thoại Ngọc hầu.

Câu hát nổi tiếng nhất trong Chiều mưa biên giới là đoạn cuối đầy triết lý nhân văn:

“Người đi khu chiến thương người hậu phương.
Thương màu áo gởi ra sa trường.
Lòng trần còn tơ vương khanh tướng
Thì đường trần mưa bay gió cuốn, còn nhiều anh ơi”.

Không phải người hậu phương thương người đi ra chiến trường mà ngược lại chính người ra sa trường nghĩ và thương cho người ở hậu phương. Ở đây, có sự đồng cảm rõ giữa Nguyễn Văn Đông và nhà thơ Hữu Loan trong bài Màu tím hoa sim (sáng tác 1949) với câu:

“Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê…”

Cùng là người khoác áo lính, với những âm hưởng đậm chất lính nhưng lại rất nhân văn, trong tâm trạng rất thật của con người, Nguyễn Văn Đông và Hữu Loan để lại cho chúng ta những tác phẩm bất hủ, lắng đọng mãi lòng người.

Trong ấn phẩm bài hát Chiều Mưa Biên Giới do Tinh Hoa Miền Nam tái bản năm 1971, trong lời đề tựa, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ghi rõ:

Kính tặng các chiến sĩ một nắng hai sương lao mình nơi tiền tuyến
Kỷ niệm ĐỒNG THÁP MƯỜI (Biên giới Việt-Cambod 1956)

Theo Motthegioi.vn

Exit mobile version