Trong dòng nhạc vàng, những ca khúc về mùa xuân là chủ đề quan trọng và được khán giả đặc biệt yêu thích, hình thành nên hẳn một dòng nhạc xuân trữ tình với số lượng ca khúc rất phong phú, quy tụ hầu hết các nhạc sĩ nổi tiếng nhất sáng tác cho chủ đề này.
Trong hàng trăm ca khúc nhạc xuân đó, có thể nói hiếm thấy ca khúc nào có lời ca lãng mạn và đẹp như Phiên Gác Đêm Xuân của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, đặc biệt là hình ảnh:
Xác hoa tàn rơi trên báng súпɡ
Ngỡ rằng pháo tung bay, ngờ đâu hoa lá rơi…
Ca khúc viết về một đêm giao thừa ở nơi biên thùy, người lính đón thời khắc giao mùa trong một phiên gác đêm. Thoáng nhìn thấy xác hoa rừng rụng trên báng súng, trong một thoáng mơ hồ tỉnh thức, người lính tưởng như là đang được ngắm pháo hồng tung bay rực rỡ, rồi khi ngẩng ra thì mới biết chỉ là hoa tàn lá rụng mà thôi.
Click để nghe Thanh Tuyền hát Phiên Gác Đêm Xuân trước 1975
Nếu không kể những bài nhạc xuân có giai điệu vui tươi của các nhạc sĩ Phạm Đình Chương, Văn Phụng như Xuân Họp Mặt, Đón Xuân, Ly Rượu Mừng… thì có thể xem Phiên Gác Đêm Xuân là bài nhạc xuân đầu tiên của dòng nhạc vàng chan chứa một nỗi buồn mênh mang. Từ đó về sau, hàng loạt bài nhạc xuân buồn tương tự được ra mắt vào thập niên 1960, 1970.
Không chỉ là bài nhạc vàng chủ đề xuân đầu tiên, đây còn là một trong những bài nhạc vàng đầu tiên được sáng tác từ giữa thập niên 1950, và cũng là một trong những bài hát đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc lừng lẫy của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông.
Ông cho biết hoàn cảnh sáng tác như sau:
“…Vào năm 1956, đơn vị tôi đóng quân ở Chiến khu Đồng Tháp Mười (Gò Bắc Chiêng, Mộc Hoá, nằm sát biên giới Việt Nam-Campuchia, sau này là Tỉnh lỵ Kiến Tường.)
Trước ba ngày Tết, tôi được lệnh lên chốt tiền tiêu, tăng cường cho cứ điểm, mang theo chiếc ba-lô với chút hành trang lương khô, cùng tấm ảnh của người em gái hậu phương.
Tiền đồn cuối năm, đêm 30 Tết, trời tối đen như mực, phút giao thừa lạnh lẽo hắt hiu, không bánh chưng xanh, không hương khói gia đình. Tôi ngồi trên tháp canh quan sát qua đêm tối, chỉ thấy những bóng tháp canh mờ nhạt bao quanh khu yếu điểm như những mái nhà tranh, chập chờn dưới đóm sáng hỏa châu mà mơ màng về mái ấm gia đình đoàn tụ lúc xuân sang. Thay cho lời chúc Tết là tiếng kẻng đánh cầm canh và tiếng hô mật khẩu lên phiên gác..
Vào đúng thời điểm giao thừa, ngọn đèn bão dưới chiến hào thắp sáng lên như đón chào năm mới thì cũng là lúc những tràng súng liên thanh nổ rền từ chốt tiền tiêu. Khi ấy vào buổi tinh mơ của trời đất giao hòa, vạn vật như hòa quyện vào trong tôi, có hồn thiêng của sông núi, có khí phách của tiền nhân.
Tôi nghe tâm hồn nghệ sĩ của mình rộn lên những xúc cảm lạ thường, làm nảy lên những cung bậc đầu tiên của bài Phiên Gác Đêm Xuân:
Đón giao thừa một phiên gác đêm
chào Xuân đến súng xa vang rền.
Xác hoa tàn rơi trên báng súпɡ
ngỡ rằng pháo tung bay
ngờ đâu hoa lá rơi…
Click để nghe Thanh Thúy hát Phiên Gác Đêm Xuân trước 1975
Bấy nhiêu tình là bao nước sông
Trời thương nhớ cũng vương mây hồng
Trách chi người đem thân giúp nước
Đôi lần nhớ bâng khuâng, gượng cười hái hoa xuân
Tình yêu trong ca khúc này được tác giả nhắc đến một cách mơ hồ, những nhung nhớ bâng khuâng bất chợt, nhưng tình đó cũng ví như là nước sông, lúc thì êm đềm lặng lẽ, nhưng cũng có lúc cuồn cuộn dâng trào. Có lẽ trời cao xanh kia cũng thấu được hiểu nỗi lòng thương nhớ đầy vơi của người chiến sĩ, nên đã giăng đầy mây hồng ngang trời giữa lúc đêm tàn phút sang canh và giao mùa.
Trong phút bâng khuâng, người chợt thầm mơ về một khung cảnh vốn bình dị, nhưng lại quá xa vời:
Ngồi ngắm mấy nóc chòi canh
Mơ rằng đây mái nhà tranh
Mà ước chiếc bánh ngày xuân
Cùng hương khói vương niềm thương…
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sử dụng những hình ảnh rất thân thuộc, bình dị như rất nhiều ca khúc nhạc vàng khác. Vẫn là mái nhà tranh, nhưng ở đó có “hương khói vương niềm thương” – Hình ảnh dù bình dân nhưng cách dùng chữ đặc sắc đó đã nâng tầm bài hát lên những bậc thăng hoa hiếm thấy, rất thi vị và khác biệt.
Ước mong nhiều đời không bấy nhiêu
Vì mơ ước trắng như mây chiều
Tủi duyên người năm năm tháng tháng
Mong chờ ánh xuân sang, ngờ đâu đêm cứ đi
Click để nghe Anh Khoa hát Phiên Gác Đêm Xuân trước 1975
Đời người có biết bao nhiều ước mong, mà mơ ước thì lại trắng như mây chiều, mong manh như là sương khói. Năm tháng nối tiếp qua đi, lòng mãi mong chờ một ngày có ánh xuân gieo xuống chan hòa khắp chốn, nhưng bóng đêm của ly loạn thì vẫn bao trùm quê hương trong bao nhiêu năm trường.
Chốn biên thùy này xuân tới chi?
Tình lính chiến khác chi bao người
Nếu xuân về tang thương khắp lối
Thương này khó cho vơi, thì đừng đến xuân ơi
Người lính ở chốn biên thùy, 4 mùa Xuân Hạ Thu Đông không khác nhau là mấy, lúc nào cũng vẫn là bùn mềm in gót hành quân, khác chăng chỉ là mùa hoa rơi và mùa lá rụng, nên Xuân đến rồi đi chỉ là cho thêm phí hoài tuổi xuân mà thôi.
Click để nghe Hà Thanh hát Phiên Gác Đêm Xuân trước 1975
Mùa xuân đến có muôn người chờ đón với bao niềm tin yêu và hy vọng, nhưng mà nếu mùa xuân này vẫn còn tang thương khắp chốn, khó cho vơi được nỗi lòng này, thì xuân ơi hãy đừng đến, mà hãy chỉ đến khi quê hương được thanh bình. Lời cầu xin đó thật buồn và đau xót, mà sau này nhiều nhạc sĩ đã nhắc lại trong các bài hát xuân khác, đó là:
Đợi hai ba năm nữa,
quê mình thôi khói lửa
Mời xuân đến với tôi,
Giờ này còn nổi trôi
Riêng tôi xin từ chối… (Tôi Chưa Có Mùa Xuân – Châu Kỳ)
và:
Xuân ơi xuân nếu chẳng vui gì
Hãy đừng, đừng tìm đến chi… (Thư Xuân Trên Rừng Cao – Trịnh Lâm Ngân)
Mùa xuân là mùa của tin yêu và hy vọng, của sum họp gia đình. Nhưng bao xuân rồi vẫn còn ngăn cách, tang thương còn trên khắp lối, thì người chinh nhân đành để lòng cố quên đi mùa xuân ở nơi chốn biên thùy.
Click để nghe Khánh Ly hát Phiên Gác Đêm Xuân sau 1975
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn