Nhắc đến nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, ai cũng nhớ đến ca khúc nổi tiếng nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông, một trong những ca khúc hay nhất viết về mẹ, đó là Bông Hồng Cài Áo. Ngoài ca khúc này, ông còn sáng tác 1 ca khúc về quê hương, tình yêu và lòng mẹ rất hay khác, đó là ca khúc Bóng Mát.
Còn đâu nữa! còn đâu nữa!
Tiếng hát ca dao ru tôi vào đời
Còn đâu nữa! còn đâu nữa!
Tiếng hót chim non cây đa trường cũ
Với bóng tre xanh đong đưa nhịp võng,
Biết không em?
Biết không em?
Đã cho tôi bóng mát cuộc đời
Mở đầu bài hát đã là những nốt nhạc cao thể hiện nỗi buồn nuối tiếc về một tuổi ấu thơ đã qua từ lâu, những ngày xưa thân ái đã không bao giờ gặp lại một lần nào nữa, có chăng chỉ là những lúc hồi tưởng lại, những lúc nhớ nhung ngày tháng êm đềm thuở xa xưa. Bắt đầu từ thuở nằm nôi đã được nghe tiếng ru của mẹ, là “ca dao ru tôi vào đời”, bằng tiếng hát quê hương ngọt ngào.
Đã không còn, và biết tìm đâu nữa những ngày ấu thơ nghe tiếng hót chim non trên cây đa trường cũ, ngôi trường kỷ niệm thời còn học trường làng ngày mới tập đánh vần ê a những chữ đầu đời, dưới bóng cây đa già trước sân trường đã che bóng mát tuổi thơ.
Và “với bóng tre già đong đưa nhịp võng”, những trưa hè “đã cho tôi bóng mát cuộc đời”, cho tôi tìm lại được ngày tháng êm đềm chỉ còn lại trong ký ức. Lời nhạc đưa người nghe về khoảng trời kỷ niệm ngày xưa đã mất, khi đã mất rồi mới biết đó là bóng mát bình yên cho cuộc đời mình.
Còn đâu nữa! còn đâu nữa!
Ngõ trúc trăng lên rong chơi hội làng
Còn đâu nữa! còn đâu nữa!
Tiếng sáo lang thang theo chim về núi,
Gió ngát hoa cau trong đêm dần tối,
Mãi đi hoang, mãi lang thang,
lỡ quên đi bóng mát cuộc đời
Click để nghe Mỹ Thể hát Bóng Mát trước 1975
Lời nhạc lưu luyến tiếc thương về đường xưa lối cũ có “ngõ trúc trăng lên rong chơi hội làng”, có “tiếng sáo lang thang theo chim về núi”. Khung cảnh miền quê thanh bình thật nên thơ lãng mạn đã đi qua mất trong đời nhưng vẫn ở lại mãi trong ký ức êm đềm.
Gió ngát hương cau mãi còn ngát trong khung trời kỷ niệm mà lòng người có lúc “lỡ quên đi bóng mát cuộc đời” khi mãi chạy theo hư ảnh chốn trần gian. Có lúc quên đi những hình ảnh thân thương quê nhà đã từng là bóng mát chở che cho tâm hồn của mình những khi bôn ba trên đường đời đầy giông bão.
Hỡi phố sầu và tiếng hát đen, má gầy và nước mắt em,
Mái đình rêu xưa đổ nát với từng nấm mộ hoang.
Hỡi cánh rừng đầy vết máᴜ loang, lửa hồng và xáᴄ ᴄhết than,
Hãy trả lại tôi bóng mát của tuổi thơ ngày nào.
Người yêu hỡi! người yêu hỡi!
Dấu cũ chân chim bơ vơ một mình
Người yêu hỡi! người yêu hỡi!
Tiếng hát xanh xao đưa tôi vào tối,
Với mắt sao em chân không lạc lối,
Bởi thương tôi, bởi thương em,
bởi yêu em, nên ghét hận thù
Những ngày xưa thân ái không còn nữa, làng xưa chỉ còn lại cảnh mất mát đau thương, và thực tại chỉ toàn là những thứ tối ám ngày ngày phải chứng kiến. “Hãy trả lại tôi bóng mát của tuổi thơ ngày nào” – Lời nhạc mang đầy nuối tiếc về khoảng trời xanh bóng mát tuổi thơ đã mất không tìm lại được nữa.
Tôi bơ vơ đi tìm bóng mát ngày xưa in dấu cũ chân chim, tìm tiếng sáo lang thang mỗi chiều và ngõ trúc trăng lên hiên nhà gió ngát hương cau. Chân sẽ không lạc lối khi tìm về với ánh mắt như vì sao sáng của em, và lòng tôi sẽ đầy nhân ái khi trái tim đầy ắp yêu thương, không có hận thù.
Người yêu hỡi! người yêu hỡi!
Mỏi cánh chim xanh run chân ngựa hồng
Người yêu hỡi! người yêu hỡi!
Hãy đến bên tôi, bên tôi lần cuối,
Nước mắt em ngon thơm như dòng suối,
Hãy thương tôi, hãy yêu tôi,
Hãy cho tôi yêu mến cuộc đời
Click để nghe Hà Thanh hát
Khúc cuối của bài hát là ước mơ cháy bỏng xin người yêu hỡi hãy đến bên cạnh khi đường đời kia nghe “mỏi cánh chim xanh run chân ngựa hồng”. Hãy đến bên tôi cho lòng tôi đắm chìm vào mắt em chân không lạc lối. Hãy đến bên tôi cho tôi tìm lại bóng mát cuộc đời.
“Nước mắt em ngon thơm như dòng suối” – Hiếm có lời nhạc nào mà tả nước mắt người yêuhay như vậy. Người nghe nhạc cảm nhận được tâm tình tha thiết của chàng trai, luôn yêu thương người mình yêu và yêu mến cuộc đời này.
Bài: Trương Đình Tuấn
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn