Khoảng cuối thập niên 1960, làng nhạc vàng xuất hiện một cái tên nhạc sĩ mới sáng tác ra những ca khúc được yêu thích, đầu tiên là Cho Vừa Lòng Em, sau đó là Một Lần Dang Dở và Cho Người Vào Cuộc Chiến, đó chính là nhạc sĩ Phan Trần.
Chỉ những người quen biết với 2 nhạc sĩ Mặc Thế Nhân và Nhật Ngân mới biết rằng đó là bút danh chung của 2 nhạc sĩ nổi tiếng này, ghép từ họ Phan Công Thiệt của nhạc sĩ Mặc Thế Nhân và họ Trần Nhật Ngân của nhạc sĩ Nhật Ngân trong các ca khúc viết chung. Trong đó bài Cho Vừa Lòng Em được viết cho một chuyện tình có thật.
Click để nghe Chế Linh hát Cho Vừa Lòng Em trước 1975
Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân cưới vợ năm 24 tuổi, nhưng khi đó vẫn là một người lính hải quân hào hoa bay bướm, có đời sống hải hồ lãng mạn và nhiều người đẹp vây quanh. Chính ông cũng thừa nhận rằng bản tính nghệ sĩ đã làm cho ông có nhiều phút giây xao lòng, và dường như sự rung động trước cái đẹp là một bản năng của các nhạc sĩ, đó chính là nguồn cảm hứng để họ viết ra nhiều bài tình ca để lại cho đời.
Sau mối tình bi thương với cô học trò đã bị qua đời do cuộc chiến vào đầu năm 1968, nhạc sĩ Mặc Thế Nhân viết bài Ru Em Tròn Giấc Ngủ để tiễn đưa người yêu, và đó cũng trở thành bài hát đầu tiên khẳng định tên tuổi của nhạc sĩ Mặc Thế Nhân.
Tiếp sau đó ông có 2 ca khúc thất tình ăn khách: Em Về Với Người, Cho Vừa Lòng Em, đều được viết cho một bóng hồng xứ Huế, vì vậy có thể dễ dàng nhận thấy chất Huế trong ca từ và luyến láy của bài hát Em Về Với Người. Còn bài hát Cho Vừa Lòng Em (Mặc Thế Nhân viết chung với Nhật Ngân) có lời lẽ buồn của một kẻ bị phụ bạc:
“Thôi rồi ta đã xa nhau
Kể từ đêm pháo đỏ rượu hồng
Em đường em, anh đường anh
Yêu thương xưa chỉ còn âm thừa.
Em đành quên cả sao em
Kỷ niệm xưa sánh như biển lớn
Ân tình cao tựa bằng non
Chỉ đổi bằng nhung lụa sao người…”.
Theo một bài viết của tác giả Hà Đình Nguyên đăng trên báo Thanh Niên, nhạc sĩ Mặc Thế Nhân kể rằng vào khoảng năm 1970 ông có thời gian dạy nhạc tại nhà cho ca sĩ Hương Lan, khi đó mới 14 tuổi. Trong nhà Hương Lan lúc đó có một cô gái người Huế ở chung. Cô này tên là Lan Anh, nhà ở Nha Trang, vì hâm mộ giọng hát của “thần đồng” Hương Lan nên vào tận Sài Gòn tìm đến nhà, rồi xin ở lại luôn chứ không phải là bà con ruột rà.
Khi nhạc sĩ Mặc tới nhà dạy nhạc lý cho Hương Lan thì cô Lan Anh quanh quẩn ở bên, giúp việc lặt vặt cho 2 thầy trò. Lúc này nhạc sĩ đã cưới vợ được 6 năm và có 4 người con, nhưng sự dịu dàng, mềm mại và duyên dáng của một cô gái xứ Huế làm cho người nhạc sĩ đa tình này cảm thấy con tim bị lung lạc.
Được một thời gian, cô Lan Anh về lại nhà ở Nha Trang. Vì quá nhung nhớ dáng hình quen thuộc của cô gái Huế nên nhạc sĩ đã hỏi Hương Lan địa chỉ của cô để biên thư hỏi thăm, và được cô gái hồi âm.
Thư qua, tin lại không biết bao nhiêu lần, những ân tình được đổi trao thắm thiết qua những dòng chữ trang thư. Nhưng mọi chuyện chỉ dừng ở đó, tình cảm không thể nào tiến xa hơn vì mỗi người một nơi, và đặc biệt là vì cô gái biết rõ chàng nhạc sĩ kia đã có gia đình.
Rồi một hôm nhạc sĩ Mặc Thế Nhân nhận được lá thư đặc biệt từ Nha Trang gửi vào. Cái bì thư không còn quen thuộc như thường lệ mà to hơn, màu cũng khác hơn. Đó là “thiệp hồng báo tin” (báo tin chứ không phải mời đi dự tiệc cưới) của Lan Anh với một anh chàng trung úy không quân.
Với nỗi buồn tê tái không thể nói cùng ai (dĩ nhiên là không thể tâm sự với vợ được), nhạc sĩ Mặc Thế Nhân trải lòng viết ca khúc Em Về Với Người. Vì Lan Anh là người Huế nên ông viết:
Bây giờ là hết rồi (ca sĩ Hương Lan hát: “bây chừ” là hết rồi)
Em về vui bên “nớ”
…
Anh không trách gì đâu
Có chăng anh trách đời riêng anh…
Click để nghe Thanh Tuyền hát Em Về Với Người trước 1975
Nói là không trách, nhưng vẫn đau đớn và dằn vặt. Ca khúc được công chúng bình dân đón nhận rất nồng nhiệt, nên chỉ mấy tháng sau, Mặc Thế Nhân viết tiếp ca khúc Cho Vừa Lòng Em. Đó cũng là lúc ông chơi thân với nhạc sĩ Nhật Ngân nên ông chỉ viết nhạc và nhờ nhạc sĩ Nhật Ngân viết lời dựa trên nội dung câu chuyện tình ông kể lại:
Thôi rồi ta đã xa nhau kể từ đêm pháo đỏ rượu hồng
Anh đường anh em đường em yêu thương xưa chỉ còn âm thừa
Em đành quên cả sao em, kỷ niệm xưa sánh như biển lớn
Ân tình cao tựa bằng non chỉ đổi bằng nhung lụa sao người
Anh về góp lại thư em, cả nghìn trang giấy mỏng xanh màu
Gom cả áo lạnh ngày xưa, anh đem ra đốt thành tro tàn
Cho người xưa khỏi phân vân khi ngồi đan áo cho người mới
Khi mùa đông lạnh lùng sang, em khỏi nhớ chuyện ngày xưa…
Click để nghe Thanh Thúy hát Cho Vừa Lòng Em trước 1975
Nếu nghe thoáng qua, người ta có thể nghĩ rằng tác giả những lời ca này đã ôm mối hận tình rất lớn nên muốn xoá tất cả ký ức về người xưa, bằng cách đốt hết những kỷ vật tình yêu, là những bức thư xanh và áo lạnh của người đan.
Tuy nhiên đằng sau những thất vọng, chán chường, oán giận đó là một ý nghĩa tốt đẹp hơn, và hành động “đốt thành tro tàn” đó chỉ là vì muốn người yêu có thể sang ngang một cách nhẹ nhàng, không còn vướng bận với mối tình “tội lỗi” với một người đàn ông đã có gia đình, có thể toàn tâm toàn ý với duyên mới.
Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân cho rằng cuộc tình đã kết thúc như vậy là hợp lý, và đã nói như sau trên 1 bài viết của tác giả Nhung Đinh đăng trên dongnhacvang.com:
“Nếu nàng không đi lấy chồng, hai chúng tôi không biết sẽ dây dưa tới lúc nào. Người đau khổ cuối cùng cũng sẽ là nàng. Bản thân tôi nếu dấn sâu hơn nữa lại trở thành kẻ tội đồ khiến vợ con đau khổ. Người nghe nhạc có lẽ sẽ cảm thấy sự sầu hận trong “Cho Vừa Lòng Em”, nhưng từ trong thâm tâm thực lòng tôi rất cảm ơn người con gái ấy. Cảm ơn em đã đi qua đời tôi, cho tôi những cảm xúc quý giá và nhạc phẩm được nhiều người yêu thích”.
Bài hát này có câu “anh đường anh, em đường em”, gợi nhớ đến bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Thế Lữ từ thời tiền chiến, khi ca sĩ Hoàng Oanh hát Cho Vừa Lòng Em trong băng Shotguns trước 1975, cô đã ngâm 4 câu thơ trong bài Giây Phút Chạnh Lòng (Thế Lữ) như sau:
Anh đi đường anh, tôi đường tôi
Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi
Đã biết không mong sum họp mãi
Bận lòng chi nữa lúc chia phôi
Mời các bạn nghe lại bản thu âm này:
Click để nghe Hoàng Oanh hát Cho Vừa Lòng Em
Đông Kha (nhacxua.vn)