Nhạc sĩ Giao Tiên lên tiếng về việc “Tuấn Vũ, Trường Vũ, Mạnh Quỳnh” không trả tiền tác quyền

Mới đây, trên trang cá nhân của nhạc sĩ Giao Tiên đã chia sẻ một việc ít người biết, đó là nhiều ca sĩ ở hải ngoại và trong nước hát nhạc của ông nhưng không trả tiền bản quyền. Nhạc sĩ Giao Tiên chia sẻ đích danh đó là 4 ca sĩ thuộc thế hệ sau ở hải ngoại là Phi Nhung, Mạnh Quỳnh, Trường Vũ, Tuấn Vũ… cùng các ca sĩ mới nổi sau này.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Ngoài ra Giao Tiên cũng khen ngợi ca sĩ Phương Hồng Quế và Quang Lê là người hiểu biết khi mời ông đến để trao tiền bản quyền các ca khúc nhạc vàng của ông.

Nguyên văn lời Giao Tiên:

Đời nhạc sĩ hẩm hiu chi lạ!!! Chỉ có ca sĩ Phương Hồng Quế, Quang Lê là người hiểu biết. Mời Giao Tiên đến nhà trao tiền bản quyền. Còn những thứ khác như Phi Nhung, Mạnh Quỳnh, Trường Vũ, Tuấn vũ.v.v.. Và một số mới nổi sau này… Hát bài chẳng cần biết tác giả chứ đừng nói trả tiên tác quyền !!! Nhiều khi còn đổi tên tác giả là đằng khác…

Theo tìm hiểu của người viết, trong thập niên 1980, 1990, khi dòng nhạc vàng phát triển mạnh ở hải ngoại, rồi tuồn băng đĩa lậu về trong nước, thì lúc đó vấn đề bản quyền sáng tác vẫn rất sơ khai và ít được thực thi. Thời điểm đó các nhạc sĩ sống ở trong nước như Giao Tiên, Đài Phương Trang, Châu Kỳ, Phạm Thế Mỹ, Thanh Sơn, Hoàng Trang, Hàn Châu, Vinh Sử… rất thiệt thòi. Vì ở trong nước nên nhạc của họ bị các ca sĩ ở hải ngoại hát thoải mái mà không chi trả tiền bản quyền. Chỉ có các trung tâm lớn như Thúy Nga mới thực thi việc tôn trọng tác quyền một cách tương đối. Còn đối với hàng chục các trung tâm nhỏ khác thì các ca sĩ thoải mái hát nhạc vàng mà không trả tiền công sáng tác cho các nhạc sĩ. Trong đó có các ca sĩ nổi lên nhờ dòng nhạc vàng hồi thập niên 1990 là Phi Nhung, Mạnh Quỳnh, Trường Vũ…

Tuy nhiên nếu xét cho cùng, lỗi không hoàn toàn thuộc về các ca sĩ này. Vào thập niên 1980, 1990, ở hải ngoại, khi sản xuất đĩa nhạc, quyền hành thuộc về các producer (nhà sản xuất). Họ phụ trách sản xuất băng đĩa cho các trung tâm phát hành nhạc, chính các nhà sản xuất nhạc này mới là người có trách nhiệm đi thỏa thuận và mua tác quyền bài hát từ các nhạc sĩ. Các ca sĩ như Trường Vũ, Tuấn Vũ cũng chỉ là người được producer thuê về để hát trong băng nhạc của trung tâm phát hành băng đĩa như Phượng Hoàng, Ca Dao, Giáng Ngọc…

Thế hệ nhạc sĩ nhạc vàng trước đây đã rút ruột để sáng tác những ca khúc để đời, nhưng thời hoàng kim của họ rất ngắn và kết thúc năm 1975. Sau thời điểm đó, các nhạc sĩ đã có cuộc sống rất khó khăn. Một số đã qua đời trong nghèo khổ như Trúc Phương, Hoài Linh…, số còn lại thì chật vật với đủ nghề mưu sinh.

Cho đến khi nhạc vàng trở lại sôi động ở trong nước từ sau năm 2010, lúc này các nhạc sĩ còn lại ở trong nước như Vinh Sử, Giao Tiên, Đài Phương Trang… mới có cuộc sống tốt hơn nhờ bán quyền sáng tác các bài hát của họ cho ca sĩ và hãng băng đĩa. Tuy nhiên theo lời của nhạc sĩ Giao Tiên bên trên, vẫn đang có nhiều ca sĩ hát nhạc nhưng không cần biết tác giả, thậm chí đổi tên tác giả, và dĩ nhiên là không chi trả tiền tác quyền.

Đông Kha

Exit mobile version