Nghe lại 10 ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Hàn Châu thu âm trước 1975

Nhạc sĩ Hàn Châu tên thật là Lê Đình Nam, sinh ngày 1 tháng 1 năm 1947,  bất đầu sáng tác từ khoảng năm 1967-1968 với nhiều ca khúc quen thuộc với khán giả yêu nhạc vàng là Thành Phố Sau Lưng, Về Quê Ngoại, Những Đóm Mắt Hỏa Châu, Lời Trần Tình, Người Tình La Lan…

Gia đình ông có 5 anh chị em, chị cả của ông là Bà Lê Thị Hương cũng là vợ nhạc sĩ Thanh Sơn.

Cái tên Hàn Châu xuất hiện lần đầu năm 1966, khi nhạc sĩ Hoàng Trang sáng tác ca khúc Ngỏ Hồn Qua Đêm rồi điền tên Triết Giang – Hàn Châu vào. Lâu nay, nhiều người nhầm tưởng rằng Ngỏ Hồn Qua Đêm là sáng tác đầu tay của nhạc sĩ Hàn Châu, nhưng sau này cả phía gia đình nhạc sĩ Hoàng Trang và cả nhạc sĩ Hàn Châu đều sáng nhận đó là sáng tác riêng của Hoàng Trang.

Thời điểm đó nhạc sĩ Hàn Châu chỉ mới 19 tuổi, có 1 vài sáng tác đầu tay nhưng chưa tạo dựng được tên tuổi. Nhờ cái tên Hàn Châu mà nhạc sĩ Hoàng Trang đặt cho, chỉ 1-2 năm sau đó ông mới bắt đầu có nhiều sáng tác được yêu thích là Ngày Mai Tôi Về, Những Đóm Mắt Hỏa Châu…

Sau đây, mời các bạn nghe lại 10 ca khúc của Hàn Châu được các ca sĩ nổi tiếng thu âm trước 1975:

Về Quê Ngoại

Bài hát Về Quê Ngoại là một bài hát viết về quê hương rất nổi tiếng của nhạc sĩ Hàn Châu, thường được biết đến với câu hát đầu được ca sĩ hát như sau:

Anh xin mời em đi về miền quê xa lắc lơ
Nơi quê hương em có hàng dừa xanh
Có ngàn câu hò thắm tình dân tộc…

Tuy nhiên theo nhạc sĩ Hàn Châu, lời ca bên trên là hoàn toàn sai so với nguyên tác bài hát của ông viết năm 1974, được ca sĩ Duy Khánh hát đúng trong băng nhạc Nguyên Thảo 1974 như sau:


Click để nghe Duy Khánh hát Về Quê Ngoại

Anh xin mời em xuôi về miền Trung xa lắc lơ
Nơi quê hương anh có hàng dừa xanh,
Có ngàn câu hò thắm tình dân tộc.

Nhạc sĩ Hàn Châu cho biết, hầu hết các bài hát của ông được viết dựa trên nội dung do ông hư cấu và tưởng tượng ra, tuy nhiên bài hát Về Quê Ngoại là một trong những bài hát hiếm hoi mà ông viết về cuộc đời thật của mình. Sống xa quê hương, thương nhớ bà ngoại, ông viết bài hát này để ghi dấu kỷ niệm với vùng quê ngoại ở Bồng Sơn – Bình Định đã gắn bó thời thơ ấu, để tặng cho bà ngoại quê tần tảo mà ông hết mực kính yêu.

Những Đóm Mắt Hỏa Châu

Ca khúc này được nhạc sĩ Hàn Châu sáng tác năm 1968 là một trong những bài hát đầu tiên trong sự nghiệp của ông.

Có những đêm dài, anh ngồi nhìn hỏa châu rơi.
Nghe vùng tâm tư cháy đỏ xoay ngang lưng trời.

Trong tờ nhạc bài hát Những Đóm Mắt Hỏa Châu phát hành trước năm 1975, nhạc sĩ Hàn Châu ghi lời đề tựa như sau: Mượn tựa một bài thơ của thi sĩ Tường Linh.


Click để nghe Phương Dung hát Những Đóm Mắt Hỏa Châu

Kể về hoàn cảnh sáng tác của bài hát Những Đóm Mắt Hòa Châu, nhạc sĩ Hàn Châu cho biết trong một buổi tối năm 1968, khi nghe đài phát thanh công bố giải của một cuộc thi thơ, có một bài thơ mang tên Những Đóm Mắt Hỏa Châu của thi sĩ Tường Linh được giải nhất. Nhạc sĩ Hàn Châu đã mượn tựa đề bài thơ đó để viết thành bài hát mà sau đó đã trở thành bất hủ.

Thành Phố Sau Lưng

Khi vũ trụ lên đèn
Thành phố ngả nghiêng men rượᴜ say mèm
Tuổi thơ đi hoang nghìn đêm trốn ngủ
Phần ba tuổi đời hoang phế sau lưng.


Click để nghe Hương Lan hát Thành Phố Sau Lưng

Bài hát mang tâm sự, nỗi niềm của một người chinh nhân đã từng có thời gian tuổi trẻ sống phóng túng, để rồi khi nghe được lời buồn quê hương thì đã bước vào cuộc đời quân ngũ, bỏ lại phần ba tuổi đời hoang phế ở sau lưng.

Vùng Trời Xanh Kỷ Niệm

Bài hát này được ký tên là Thục Chương. Có nhiều người nói rằng Thục Chương là một bút danh của nhạc sĩ Trúc Phương. Tuy nhiên trong một lần nói chuyện, Hàn Châu nói rằng ca khúc này là của ông sáng tác.


Click để nghe Giao Linh hát Vùng Trời Xanh Kỷ Niệm

Bài hát này có nội dung tương đồng một cách rất kỳ lạ với bài Con Đường Mang Tên Em của nhạc sĩ Trúc Phương:

Chuyện ngày xưa có hai đứa mình
Anh với em đi trong lòng đời, buồn vui có đôi
Áo em xanh màu trời mật tình yêu thắm ngọt trên môi
Đường quen lối nhớ khôn nguôi…


Click để nghe Chế Linh hát Vùng Trời Xanh Kỷ Niệm

Người Tình La Lan

Lấy bối cảnh nơi miền sơn cước, ca khúc Người Tình La Lan (sau này ghi là Chuyện Tình La Lan) kể về một người sơn nữ có sắc đẹp truyệt trần tên là La Lan ở một nơi gọi là “sóc Ko-man” chốn rừng sâu núi thẳm…


Click để nghe Thái Châu hát Người Tình La Lan

Tôi xin kể ra nơi đây
Chuyện một người thiếu nữ đẹp
Đẹp như đóa hoa lan rừng
Hương sắc ôi mặn nồng.

Bài hát này được in nhạc tờ với tác giả là Vinh Sử (Hàn Ni). Tuy nhiên gần đây, nhạc sĩ Hàn Châu nói rằng ông chính là người sáng tác ca khúc này theo yêu cầu của một người khác. Vì vậy rất có thể người yêu cầu đó là Vinh Sử, và bài hát cũng được nhạc sĩ Hàn Châu bán đứt bản quyền, nên khi in nhạc tờ và phát hành băng nhạc, bài hát ghi tên tác giả là Vinh Sử chứ không phải là Hàn Châu.

Bài hát này nhắc đến những cái tên liên quan đến vùng núi rừng, như xứ KO-MAN, điệu vũ Tô Hô, và đã có nhiều người cất công tìm hiểu về địa danh cũng như điệu múa nghe rất lạ lẫm này, tuy nhiên nhạc sĩ Hàn Châu nói rằng toàn bộ nội dung bài hát là do ông tưởng tượng ra, kể cả tên nàng La Lan, tên của sóc KO-MAN, điệu vũ Tô Hô cũng đều không có thực.

Dù cho Sóc KO-MAN chỉ có trong tưởng tượng, và dù nàng La Lan cùng mối tình sầu bi chỉ là hư cấu, nhưng chuyện tình cảm động trong bài hát này vẫn làm say mê khán giả suốt gần 50 năm qua.

Ngày Mai Tôi Về

Đay là một trong những bài nhạc lính nổi tiếng nhất của Hàn Châu viết vào đầu thập niên 1970. Cũng giống như nhiều bài nhạc vàng khác viết trong thời gian chuẩn bị cho Hoà Đàm Ba Lê, “Ngày Mai Tôi Về” là nỗi khát khao, niềm mơ ước mãnh liệt về một ngày đất nước được thanh bình…


Click để nghe Hương Lan hát Ngày Mai Tôi Về

Lời Trần Tình

Vời nhiều người yêu nhạc vàng, đặc biệt là nhạc lính, ca khúc Lời Trần Tình của nhạc sĩ Hàn Châu có thể đã quen thuộc. Tuy nhiên với phần đông khán giả nghe nhạc thì đây là một ca khúc ít được biết đến, bởi vì sau năm 75, chỉ có 1 vài ca sĩ thu âm lại bài này, như Hương Lan, Băng Châu và Tuấn Vũ. Và trước năm 1975, chỉ có ca sĩ Phương Hồng Quế hát bài này:

Ngày tôi vào lính
Xa nhà nhớ bâng khuâng
Ngày tôi ra đơn vị
Chưa về thăm một lần


Click để nghe Phương Hồng Quế hát Lời Trần Tình

Người Đầu Gió

Một ca khúc gắn liền với tên tuổi của cố ca sĩ Duy Khánh:

Những chiều mưa đầu núi,
Hồn dâng lên nhung nhớ,
Kỷ niệm trong gót giày,
Còn in trên đá sỏi buồn phiền


Click để nghe Duy Khánh hát Người Đầu Gió

Tình Người Đầu Non

Bài hát này cũng nổi tiếng qua giọng hát Duy Khánh trước 1975:

Đời anh như tàu xa bến vắng
lênh đênh qua khắp nẻo đường dọc ngang…


Click để nghe Duy Khánh hát Tình Người Đầu Non

Thu Đi Vào Nhớ

Bài hát này tương đối lạ, trước 1975 đã được một ca sĩ mà sau này dường như đã “mất tích”, đó là Phương Thu. Mời các bạn nghe lại:

Một ngày vào thu rong chơi
Nắng thu chưa vương màu nhớ
Rồi người tìm vui xa xôi
Tóc thu thả trôi vào gió


Click để nghe Phương Thu hát Thu Đi Vào Nhớ

Sau đây là những bài hát được sáng tác sau năm 1975 của nhạc sĩ Hàn Châu:

Hạ Thương

Thực ra đây là một ca khúc được sáng tác vào năm 1974 của nhạc sĩ Thanh Phương và đã được Thái Thanh hát. Tuy nhiên từ trước đến nay người ta vẫn tưởng rằng bài Hạ Thương là của nhạc sĩ Hàn Châu. Thực ra Hàn Châu chỉ là người sửa lại lời cho bài Hạ Thương sau năm 1975. Ca khúc với lời mới này được khán giả yêu mến qua giọng hát Ngọc Sơn, mời các bạn nghe lại:


Click để nghe Ngọc Sơn hát Hạ Thương

Hạ ơi!
Ta xa nhau mấy mùa phượng rồi.
Mà lòng ngỡ như mình vừa xa cách ngày hôm qua.


Click để nghe Thái Thanh hát Hạ Thương trước 1975 (lời gốc của nhạc sĩ Thanh Phương

Mèo Hoang

Bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Hàn Châu mang tên là Mèo Hoàng, nhưng sau này bị ghi sai thành Đêm Hoang. Nội dung bài hát này nói về là số phận của những người con gái mang thân kỹ nữ, giống như là mèo hoang giữa đêm: Em bước chân xuống đời thành mèo hoang…

Có phải em về trong đêm nay
Bước thấp bước cao ngả nghiêng trên đời này.

Đó là những người con gái tiếp thị bia nơi vũ trường, phải uống quá nhiều nên bước thấp bước cao trở về trong đêm hoang.

Nhạc sĩ Hàn Châu kể lại hoàn cảnh sáng tác bài hát này, đó là vào những buổi tối ở nhà, ông thấy những cô gái đi làm ngang qua cửa, bước chân ngả nghiêng say xỉn. Xót thương cho thân phận họ, ông cảm tác viết thành bài hát.

Người Đã Quên

Nhạc sĩ Hàn Châu từng nói rằng hầu hết các sáng tác của ông là câu chuyện tưởng tượng, hoặc là viết thay cho nổi lòng của người khác. Chỉ duy nhất có 2 bài trong sự nghiệp của ông là viết về hoàn cảnh của chính mình, trước 1975 có bài Về Quê Ngoại, còn sau 1975 có bài Người Đã Quên, được nhạc sĩ Hàn Châu sáng tác khi chia tay người vợ đầu của mình.


Click để nghe Giao Linh hát Người Đã Quên

Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội
Người xa người rồi tội lắm người ơi!
Người bỏ ra đi quên tình xưa quên ước thề
Người đi quên lối về quên tình nghĩa phu thê.

Tội Tình

Một trong những bài hát nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Hàn Châu.

Sao em bỏ ra đi anh nào có tội tình gì
Sao em bỏ ra đi anh nào có lỗi lầm chi
Sao em bỏ ra đi để anh thương nhớ hoài ôm kỷ niệm
Buồn lên mấy nẻo hẹn hò em biết không?


Click để nghe Randy hát Tội Tình

Tình Nhỏ Mau Quên

Đây là sáng tác tiêu biểu của nhạc sĩ Hàn Châu sau năm 1975

Hôm nao hoa phượng nở về quê ghé thăm nhà em.
Em như con chim nhỏ, chạy quanh nép sau chân rèm.
Lặng thầm nhìn anh đăm đăm, rồi thẹn thùng che mắt biếc.
Bé nay không còn cô bé như năm nào, em đã lớn thật rồi.


Click để nghe Ngọc Sơn hát Tình Nhỏ Mau Quên

Cây Cầu Dừa

Đã có một thời gian hồi thập niên 2000, ca khúc Cây Cầu Dừa của nhạc sĩ Hàn Châu được vang lên ở khắp hang cùng ngõ hẻm đường quê…

Đã lâu lắm rồi em về thăm lại chốn xưa
Đã lâu lắm rồi em về đi qua cây cầu dừa
Cầu dừa trơn trượt lắm em ơi đi mà không khéo té như chơi
Môi son má phấn chân guốc cao gót làm sao qua cầu dừa…


Click để nghe Ngọc Sơn hát Cây Cầu Dừa

Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn

Exit mobile version