Nghe lại những băng nhạc Tú Quỳnh trước năm 1975 do nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương thực hiện

Với những người thích nghe nhạc thu âm từ trước năm 1975, chắc chắn sẽ biết đến loạt băng nhạc Tú Quỳnh do nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương thực hiện từ khoảng cuối thập niên 1960 đến năm 1973.

Thời điểm thập niên 1960, dĩa nhựa (vinyl) vẫn đang ở thời kỳ vàng son, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương chính là một trong những người tiên phong thu âm và sản xuất băng cối (magnetic) để nghe trên đầu máy magnetophone (hiện nay thường được gọi là băng Akai).

Các băng nhạc do nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương thực hiện được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật, có điểm đặc biệt và khác biệt là băng nhạc được làm theo từng chủ đề bài hát. Trong số 25 băng nhạc Tú Quỳnh đã phát hành, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương đã thực hiện các chủ đề như nhạc về mùa Thu (băng số 8 – Những Điệu Thu Ca), nhạc Giáng Sinh (băng số 13), những ca khúc mưa (băng số 5 – Giọt Mưa Trên Lá), những bài nhạc phổ thơ (băng số 4 – Nhạc Và Thơ), nhạc về mùa hè (băng só 18 – Những bài ca tháng hạ), dòng nhạc tiền chiến (băng số 11 – Hương Xưa), nhạc viết về Huế (băng số 17 – Những khúc tình ca xứ Huế)…

Trước mỗi băng nhạc này, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương mời các nhà văn nổi tiếng viết lời giới thiệu, như Duyên Anh, Hoàng Hải Thuỷ, Tuý Hồng, Nhã Ca, Mai Thảo… Những bài hát trong băng Tú Quỳnh được ông chọn lọc rất kỹ lưỡng, và mỗi băng nhạc đều là sự kết hợp hòa quyện giữa âm nhạc và văn chương, được trình bày bởi một thế hệ ca sĩ tài danh nhất của Sài Gòn: Thái Thanh, Hà Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly, Duy Trác, Thanh Tuyền, Sĩ Phú, Phương Dung, Thanh Lan…

Cái tên trung tâm băng nhạc Tú Quỳnh được nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương đặt từ tên của 2 người con của ông là Phạm Mạnh Quỳnh và Diễm Tú. Hãng băng Tú Quỳnh có mở trung tâm bày bán khá lớn ở lầu 2 cư xá Tam Đa (Crystal Palace), nơi tập trung của nhiều showroom của các hãng băng lớn nhất Sài Gòn trước năm 1975.

Băng nhạc Phạm Mạnh Cương thực hiện được khoảng 25 băng, trong đó cuốn băng riêng cho tiếng hát Thanh Lan mang tên Hát Cho Tình Yêu Tuổi Trẻ là ăn khách nhất. Ngoài ra những cuốn nhạc chủ đề cũng rất được yêu thích cho đến hiện nay, mời bạn nghe lại một số cuốn băng tiêu biểu cùng lời giới thiệu ở dưới đây:

Băng nhạc số 8 – Những Điệu Thu Ca với lời giới thiệu được nhà văn Mai Thảo viết sau đây:


Click để nghe băng nhạc

Khi mùa hè, mùa hè rực rỡ, mùa hè của áo lụa, đêm sao, sông đầy và những chùm hoa đỏ chói đã qua đi, cho một mặt hồ trong một cánh rừng kia bỗng trong suốt như gương, ấy là lúc thả mái tóc khói thành chiều màu tím, nghiêng cái bình sương thành lam màu chiều, mùa thu mênh mông, mùa thu lộng ngọc đã trở về. Thu dịu dàng về, che nửa mặt hoa. Thu tới khoan thai, hoang đường dáng liễu.

Từ một đầu đường mang tên là trí nhớ, tới một cuối đường gọi tên là hồi tưởng, những gót hài diễm lệ của mùa thu lộng ngọc tới đâu, đánh thức đồng loạt và tức khắc tới đó, những lãng quên, những kỷ niệm một đời. Thu xanh năm trước tới, thu nói gì với người? Thu nói những sân ga, những bến tầu, tay anh còn tay em, đã núi tiếp núi, mây tiếp mây, nghìn trùng cách biệt. Thu biếc năm nay về, mùa nói gì với người? Nói những kiếp bến nằm mộng những đời thuyền, lên đường trong hoàng hôn, mưa kín trời đưa tiễn, biệt ly nhớ nhung từ đây.

Đốt một lò trầm, ngồi đọc lại những tờ thư cũ, ảnh hình xưa thấp thoáng trong từng nét chữ. Đi một mình trên một con đường nhỏ, chợt một tiếng hát bay về từ quá khứ, âm thanh xưa là một im lặng lớn và đầy. Mùa thu đó ngây ngất trong thơ Xuân Diệu:

Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu
lả lả cành hoang nắng trở chiều.

Thắp một điếu thuốc, che khói huyền lên thành dáng huyền của lá. Mùa thu nữa đó, mơ màng trong cõi thơ hồ Dzếnh:

ngỡ hồn mình là rừng,
ngỡ hồn mình là mây.

Nhặt những tơ vàng bay trong không gian, cho mưa xuống những lời đàn, nhạc của mùa thu thật đẹp và cũng thật buồn. Bởi ta không nói tạm biệt với tình yêu, mà vĩnh biệt.

Bằng những tiếng thầm của hạt lệ và thở dài dệt lại, những khúc hát về mùa thu và cho mùa thu, bởi vậy là những khúc đoạn trường. Vì niềm đau kia và cõi nhớ ấy, với mùa thu lộng ngọc đã về, lại chảy māu trong tâm hồn người thành những vết thương. Thôi, hãy đến với mùa thu như một thiên đường mất. Bằng huyền thoại ấy là những kỷ niệm một đời còn mãi mãi thơm hương.

Băng nhạc số 17 – Khúc Tình Ca Xứ Huế với lời giới thiệu được chính nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương viết với bút danh là N.Ch. Đoạn giới thiệu này như là chính lời tâm sự của nhạc sĩ, năm xưa ông giã từ cố đô Huế năm 1953 để đi học, và đó cũng là lần từ biệt…


Click để nghe băng nhạc

Một lần về thăm Huế là một lần du khách trở về vùng tĩnh mịch của miền thùy dương cát trắng, miền sỏi đá ngậm ngùi. Rũ nét ưu tư để làm bàng bạc với đêm dần tàn trên bến Ngự, để lắng tai nghe hồi chuông Thiên Mụ ngân dài trong chiều sương, để tầm mắt mơ mộng với dòng Hương lờ lững uốn quanh Thành Nội, với núi Ngự thông reo trên đỉnh.

Đó, Huế là của mộng mơ, của thương yêu sầu nhớ. Một mái tóc thề xõa bờ vai, một chiếc nón bài thơ che nghiêng nửa mặt, một tà áo tím thướt tha trên cầu, tất cả đã làm cho kẻ ra đi giã từ cố đô phải mang nhiều lưu luyến.

Bây giờ, mời quý vị hãy đề hồn trở về miền Trung lắng nghe trong lời ca ý nhạc một trời Huế mộng mơ của những khúc tình ca xứ Huế…

Băng nhạc số 10 – Những bài ca giã từ


Click để nghe băng nhạc

Lời giới thiệu:

Một cuộc lên đường, con tàu tách bến, đoàn xe lửa chuyển bánh chậm chạp ra khỏi sân ga, phi cơ cất cánh rời phi trường.

Biệt ly, biệt ly. Một người ra đi, gửi lại phân nửa lòng mình để cảm thấy trong tâm hồn một khoảng trống mông mênh giá lạnh, xâm chiếm bởi sầu rộng thương dài, xâm chiếm bởi niềm cô đơn không tính từ mô tả.

Biệt ly, biệt ly. Một người ở lại, đứng đó nhìn theo, đứng đó sững sờ, nghe như đổ vỡ khởi đầu, mới khởi đầu thôi mà sao tâm hồn đã rã rời, tan nát. Niềm đau trở thành nhức nhối, không bao giờ còn gặp nhau trở lại, vĩnh viễn không bao giờ còn tìm lại tiếng cười, giọng nói, mắt nhìn nhau của mới đây, của hôm qua. Gặp lại nhau mà tất cả đã đổi thay, tất cả đã thành xa lạ. Thì hết rồi, chấm dứt rồi, tình yêu đã mang màu quá khứ, tình yêu đã thành kỷ niệm, kỷ niệm buồn.

Bây giờ thì dáng người đi đã nhòe, đã mất. Bây giờ thì dáng người ở lại cũng nhỏ dần, nhỏ dần. Quay nhìn phía sau lần nữa thấy chấm nhỏ đã lẫn vào cái chung không còn phân biệt.

Biệt ly, biệt ly. Cho một kiếp người hơn một lần phải sống cảnh biệt ly, hơn một lần phải từ giã nhau nên trong kho tàng kỷ niệm một đời người, những phút giã từ là những kỷ niệm nâng niu, những kỷ niệm sầu, những kỷ niệm thảm, những kỷ niệm đẹp làm dâng cảm xúc. Do đó đối với người nghệ sĩ, là những kỷ niệm chớm điểm khởi hành cho cuộc hành trình mà đích tới là sáng tác nghệ thuật hình thành.

Và tôi mời người hãy ngồi lại để nghe kỷ niệm của lòng mình, kỷ niệm của riêng mình được nhắc nhở bằng giọng ca đẹp, những ca khúc giã từ…

Băng số 11 – Hương xưa với những bài tình ca thời tiền chiến


Click để nghe băng nhạc

Lời giới thiệu:

Vì chúng ta chỉ sống có một lần, vì ngày tháng qua mau, và tuổi trẻ không bao giờ trở lại, nên chúng ta tiếc thương dĩ vãng và quá khứ.

Nhìn qua làn sương mờ hư ảo, mơ hồi của thời gian, bao giờ cũng đẹp. Nhưng không phải vì chúng ta tưởng tượng ra đẹp mà dĩ vãng trở thành đẹp. Theo tôi, dĩ vãng đối với con người là một cái gì tự nó đã vô cùng đẹp. Ngay cả khi chúng ta khổ sở, mỗi khi tưởng nhớ, chúng ta vẫn thấy thời gian đã qua đó huy hoàng màu sắc, ngào ngạt hoa hương và ngây ngất âm thanh, chúng ta vẫn thấy đẹp, và chúng ta tiếc nuối, chúng ta thương.

Cuộc đời như một con đường dài, và chúng ta là những người lữ hành đi những chuyến đi không bao giờ trở lại. Dừng lại ở bất cứ một điểm nào đó trên đường đời, nhìn trở về những nơi ta đã đi qua, ta đều thấy chốn cũ cảnh sắc đẹp hơn nơi ta đang sống. Ngày cũ có hoa hương, có thơ nhạc, và có tuổi trẻ, có tình yêu. Em hãy cùng tôi lãng quên hiện tại trong phút giây để cho tâm hồn chúng ta là một cuộc trở về. Những tiếng hát sắp vang lên sẽ gợi cho em tưởng nhớ ngày là bông hoa em đã cài trên tóc ngày em mới yêu lần đầu. Đây là con đường hoa nắng buổi trưa nào êm vắng thời gian đôi ta mới yêu nhau. Hương xưa thơm ngát tự ngày nào đến nay vẫn làm ta ngây ngất. Em hãy yêu, và em hãy để những tiếng ca này đưa em trở về.

Băng nhạc tiếng hát Thanh Lan, Hát cho tình yêu và tuổi trẻ, với lời giới thiệu rất ngắn gọn do chính Thanh Lan đọc:

Băng nhạc này là niềm mong ước của Thanh Lan trong những ngày ca hát, bằng những nhạc phẩm do chính Thanh Lan lựa chọn với sự thực hiện công phu của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương. Thanh Lan xin gửi đến quý vị như là một kỷ niệm của đời mình đến những thân hữu đã dành cho Thanh Lan nhiều cảm mến.


Click để nghe băng nhạc

Một số băng nhạc chủ đề khác của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương:


Click để nghe băng số 16 – Màu Tím Tình Yêu


Click để nghe băng số 5 – Giọt Mưa Trên Lá


Click để nghe băng số 6 – Nhạc Chiều


Click để nghe băng số 18 – Những Bài Ca Tháng Hạ

 

Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn

Exit mobile version