Lê Uyên Phương và những tình khúc không thể sao chép

Lê Uyên Phương là một hiện tượng âm nhạc của Miền Nam Việt Nam, nổi lên vào khoảng cuối thập niên 60, đầu thập niên 70. Vào thời đó, nền âm nhạc đa dạng, nhiều màu sắc của Sài Gòn còn có những tên tuổi khác cũng nổi tiếng không kém như Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An… Tuy nhiên, đối với nhiều người yêu nhạc – đặc biệt là giới trẻ – Lê Uyên Phương là một dòng nhạc rất riêng biệt, không thể lẫn lộn với bất cứ một tác giả, một ca sĩ nào khác.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Một phong cách sáng tác, một phong cách trình diễn không thể sao chép. Vào thời đó, với một cây guitar thùng, với những tình khúc viết cho chính mình, với một phong cách hát đam mê mãnh liệt “như loài thú xa nhau”, cặp tình nhân Lê Uyên Phương đến từ Đà Lạt đã chinh phục trọn vẹn trái tim của giới sinh viên Sài Gòn, qua những buổi trình diễn tại các sân khấu trường đại học. Sau đó mới đến các sân khấu, phòng trà.

Nhắc đến Lê Uyên Phương, khán giả sẽ nhắc ngay đến những ca khúc tiêu biểu nhất: Vũng Lầy Của Chúng Ta, Cho Lần Cuối, Tình Khúc Cho Em, Dạ Khúc Cho Tình Nhân. Rất nhiều người lớn lên trong Miền Nam trước 1975 đều biết hát những bài này. Tuy nhiên, Lê Uyên Phương còn nhiều tình khúc khác cũng đặc sắc, mang nét đẹp riêng của Lê Uyên Phương không kém.

Ca khúc Uống Nước Bên Bờ Suối là một ca khúc viết tại Đà Lạt. Cho dù không có một chữ “Đà Lạt” nào trong lời ca, Uống Nước Bên Bờ Suối là một trong những ca khúc hiếm hoi ghi lại vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ Đà Lạt, với núi rừng, với dòng suối còn in những dấu chân nai:

Qua bao con đường, qua bao phố phường lê mòn gót chân,
Chim muông bên rừng trở mình về đón mừng.
Môi khô em tròn đợi từng giọt sữa non,
Dừng bên suối rồi rừng trưa nắng ngừng trôi… 

…Như con nai hiền vui đôi chân mềm trên từng gót êm đềm.
Em buông lơi tóc, nhón trên giòng nước trinh đầy…

Hình ảnh đôi tình nhân rời thành phố Đà Lạt, rủ nhau đi vào núi rừng, ngồi bên nhau bên dòng suối mộng mơ. Những ai đã có một thời sống ở Đà Lạt trước 1975 sẽ cảm nhận hết được vẻ đẹp lãng mạn độc đáo này, mà ngày hôm nay đã hoàn toàn biến mất. Đôi tình nhân Lê Uyên Phương đã yêu nhau, đã hát bên nhau theo phong cách hoang sơ rất riêng đó của Đà Lạt:

…Em yêu em yêu, em yêu em yêu,
Uống cho tình ta, uống cho đời tươi hoài.
Ngày mai còn đấy, tình yêu còn thấy,
Đời ngất trong ta. 

Em yêu em yêu, em yêu em yêu,
Uống cho ngày xanh, uống cho đời trong lành.
Ngày mai còn đó, tình yêu còn có,
Đời đã cho ta đời sẽ cho ta…

Giai điệu của Uống Nước Bên Bờ Suối cũng mang dấu ấn riêng của Lê Uyên Phương: vừa êm đềm, vừa mãnh liệt, lúc sâu lắng, lúc mãnh liệt, như để diễn tả tình yêu của một cặp tình nhân trẻ có thể chia lìa bất cứ lúc nào.

Lời Gọi Chân Mây là một ca khúc đặc sắc khác của Lê Uyên Phương. Đặc biệt là ca khúc này đã được trình bày rất thành công bằng một cặp song ca khác, với một phong cách trình diễn hoàn toàn khác so với tác giả. Vào khoảng cuối thập niên 80, Tuấn Ngọc – Thái Hiền đã hát Lời Gọi Chân Mây trong một CD album cùng tên, đã làm cho nhiều người yêu nhạc ngỡ ngàng vì thích thú. Người nghe bất ngờ, vì lần đầu được nghe nhạc Lê Uyên Phương với phong cách hòa âm phối khí cổ điển, sang trọng, quí phái. Cũng với những lời ca nồng nàn:

Em ơi! quên đi bao nhiêu xót xa
Những chiều thiết tha bên nhau
Em ơi! xin em, xin em nói yêu đương đậm đà
Để rồi ngày mai cách xa 

Anh ơi! bao nhiêu tang thương
mỗi khi đã rời giấc mơ yêu đương
Anh ơi! xin anh, xin anh cúi trên cơn mộng dài
Để chờ ngày mai lên nắng 

Nhớ đến ngày còn gần nhau
Nước mắt rơi khóc phút không ngờ
Nhớ thương ngậm ngùi cách xa
Biết đến bao giờ…

Nhưng hai giọng hát cũng “quí phái” vào bậc nhất thời đó Tuấn Ngọc – Thái Hiền đã khiến cho người nghe nhận thấy: nhạc Lê Uyên Phương, bên cạnh tính chất nóng bỏng vẫn thường thấy, còn có những nét đẹp cổ điển, sang trọng nằm ẩn bên trong. Một cách làm mới nhạc Lê Uyên Phương tuyệt vời!

Khi Xa Sài Gòn là một ca khúc cũng được nhiều người yêu thích của Lê Uyên Phương. Nhiều người nghĩ là ca khúc này được sáng tác sau 1975. Bởi vì lời ca của Khi Xa Sài Gòn giống như là nỗi nhớ Sài Gòn của những kẻ xa xứ:

Sài Gòn bây giờ trời mưa hay nắng
Sài Gòn bây giờ ai khóc thương ai
Sài Gòn giới nghiêm che kín đêm dài
Sài Gòn khói bay, Sài-gòn nắng đổ
Sài Gòn đã buồn như trời sớm mai… 

…Sài Gòn còn ai khóc kẻ lên đường
Sài Gòn xe chiều rạt rời vó ngựa
Sài Gòn âm thầm, đèn đỏ đèn xanh
Sài Gòn mưa bay, thôi thế cũng đành… 

…Sài Gòn bây giờ trời mưa hay nắng
Sài Gòn bây giờ cúi mặt xa nhau
Sài Gòn bước ai gõ xuống đêm sầu
Sài Gòn bóng nghiêng, Sài Gòn đứng đợi
Sài Gòn bây giờ cúi mặt xa nhau…

Thực ra, Khi Xa Sài Gòn được tác giả sáng tác ở Đà Lạt, vào những ngày tháng gần trước năm 1975. Có lẽ tác giả nhớ về một Sài Gòn đèn xanh, đèn đỏ từ một thành phố núi bình yên, nên đã viết nên ca khúc này. Nhưng rồi, bài hát như là một lời tiên tri. Cho một Sài Gòn mà những người yêu mến nó phải “cúi mặt xa nhau”, và khắc khoải khi tự hỏi “Sài Gòn bây giờ ai khóc thương ai”…

Theo SBTN

Exit mobile version