Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa của ca khúc Nhớ Một Chiều Xuân (Nguyễn Văn Đông) – “Người yêu dấu bên bờ thành Vienne”

Nguyễn Văn Đông là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của dòng nhạc vàng. Với cương vị là một sĩ quan cấp cao của quân đội thời xưa, nhạc sĩ rất bận rộn với rất nhiều công việc khác nhau, cả việc nước lẫn việc điều hành cùng một lúc 3 nhãn hiệu băng dĩa khác nhau là Continental, Sơn Ca, Premier, ông vẫn sáng tác rất nhiều, và số lượng bài hát nổi tiếng cũng rất nhiều, tiêu biểu là Chiều Mưa Biên Giới, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Mấy Dặm Sơn Khê, Thương Về Mùa Đông Biên Giới, Sắc Hoa Màu Nhớ…

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Với chủ đề nhạc xuân, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông viết nhiều ca khúc, nổi tiếng nhất trong số đó là Phiên Gác Đêm XuânNhớ Một Chiều Xuân, cùng được sáng tác vào thập niên 1950.

Với ca khúc Nhớ Một Chiều Xuân, chúng ta có thể thấy được nét tài hoa của nhạc sĩ qua giai điệu và lời ca rất khác biệt so với những bài hát được sáng tác cùng thời điểm:

Người về còn nhớ khúc hát
“Người yêu dấu bên bờ thành Vienne”
Lòng này còn quyến luyến mãi
Đêm Xuân dài mà đâu có hay…


Click để nghe Anh Khoa hát Nhớ Một Chiều Xuân thu âm trước 1975

Ngoài những bài hát phổ thơ Nguyên Sa và Cung Trầm Tưởng có nhắc đến Paris, thì thời điểm đó chỉ có ca khúc Nhớ Một Chiều Xuân là nhắc tới một xứ sở ở tận Âu Châu xa xôi, là thành Vienne, nơi có dòng sông Danube hiền hòa thơ mộng băng ngang giữa lòng thành phố. Nếu như trước đó 10 năm, nhạc sĩ Phạm Duy nhắc tới dòng Danube trong bài Bên Cầu Biên Giới chỉ như là một biểu tượng để thể hiện niềm mong ước của ông, được bước chân đến những vùng đất xa xôi, thì trong Nhớ Một Chiều Xuân, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông nhắc đến một điều thật cụ thể, một người yêu dấu nào đó ở thành Vienne của nước Áo. Vậy người yêu dấu đó là ai?

Kỳ thực, người yêu đó không phải là ở thành Vienne, càng không phải ở nước Áo, bóng hồng trong ca khúc này tên là Gina, một thiếu nữ gốc Pháp sống ở Hawaii. Trong tờ nhạc phát hành năm 1963, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông chú thích rõ cho chúng ta biết rằng câu hát “Người yêu dấu bên bờ thành Vienne” được trích từ một bài hát phổ thông của người Hawaii. Vào lúc sinh thời, ông nói rằng “khúc hát” đó mang tên “A beautiful Vienna” mà ông đã nhiều lần đàn hát cho Gina nghe, vì nàng rất thích bài này.

Trong lời đề tựa ca khúc – cũng trong tờ nhạc phát hành năm 1963 – nhạc sĩ còn ghi như sau:

Aloha! Giã từ em nhé!
Kỷ niệm Hạ Uy Di 1957

Aloha là câu chào tạm biệt nổi tiếng của người Hạ Uy Di (Tên phiên âm của địa danh Hawaii, nổi tiếng với bãi biển, hàng dừa cùng những bờ cát trải dài tuyệt đẹp trứ danh thế giới).

Vào cuối năm 1957, chàng trung úy kiêm nhạc sĩ trẻ 25 tuổi là Nguyễn Văn Đông được cho đi tu nghiệp khóa “Chỉ huy và Tham mưu” tại Hawaii. Trên bãi biển thơ mộng, tiếng đàn Hawaiienne của chàng đã làm say mê nàng thiếu nữ bản xứ.

Cuộc tình kéo dài chưa được một năm thì đành khép lại vì chàng hoàn thành khóa tu nghiệp để về nước. Thời đó, cách biệt về màu da, về văn hóa, và cả khoảng cách địa lý giữa hai người thật là mênh mông khó san lấp. Vì công việc, vì nhiệm vụ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông gác tình riêng để trở về.

Rồi một buổi chiều Xuân của năm sau đó, nhìn thấy hoa lá rộn ràng, lòng chàng nhạc sĩ lại chất ngất niềm thương nhớ một người ở nơi xa xăm phương trời:

Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người
Chạnh lòng tôi khơi bao niềm nhớ
Người nơi xa xăm phương trời ấy
Người còn buồn còn thương còn nhớ
Nắng phai rồi em ơi!

Chiều Xuân có một người ngơ ngác đi tìm
Một tình thương nơi phương trời cũ
Chiều nay hoa Xuân bay nhiều quá
Chiều tàn dần phai trên ngàn lá
Tìm đâu bóng hình ai?

Ngay từ tựa đề đã thể hiện rằng đây là một bài hát nói mùa Xuân, nhưng giai điệu và ca từ lại không được vui tươi rộn ràng. Dù cho có thấy “hoa cười” khoe sắc thắm thì lòng người vẫn không thể vui, ngược lại còn buồn vương vì mãi ngơ ngác nhìn về phương trời cũ ở rất xa ngoài trùng dương.

Người ở phương này đang rất buồn, rất thương và nhớ, không biết là người con gái ở phương xa có cùng tâm trạng hay không? Tự hỏi và cũng tự trả lời, rằng “Nắng phai rồi em ơi”, nghĩa là tình xưa không thể nào mong được tiếp nối, bóng hình người nay đã mờ khuất trong bóng chiều tàn dần phai…


Click để nghe Hà Thanh hát

Người về còn nhớ khúc hát:
“Người yêu dấu bên bờ thành Vienne”
Lòng này còn quyến luyến mãi
đêm xuân dài mà đâu có hay

“Người về còn nhớ khúc hát”, nghĩa là nhạc sĩ đang nói tâm sự của chính mình, câu hát đã hát cho nàng nghe ngày trước vẫn còn hoài trong tâm tưởng. Đến chiều nay, khi chợt nhìn thấy hoa cười, thấy hoa xuân bay nhiều càng gợi lòng nhớ người yêu, nhớ về mùa xuân nơi viễn xứ, mới biết rằng lòng mình còn mãi quyến luyến đêm xuân dài từ năm cũ.

“Đêm xuân dài”, nghĩa là hình bóng người yêu vẫn còn trong ký ức rất tươi mới, đã một năm qua nhưng tưởng như vừa mới trải qua một đêm xuân dài, và chỉ mới xa người mới hôm qua mà thôi.

Chiều nay có một loài hoa vỡ bên trời
Đợi mùa xuân sang tô màu nhớ
Dừng chân trông hoa Xuân hồng thắm
Buồn tìm về tình ai đằm thắm
Giờ vun vút trời mây…

Loài hoa vỡ bên trời đó chính là mối tình đã phai, nên người mong rằng mùa xuân này sang sẽ có hoa thắm để tô lên màu nhớ, cho đậm sắc hương xưa. Nhưng tình đã phai thì khôn hàn gắn được, nên dừng chân trông hoa hồng thắm phương này càng làm cho nỗi buồn dâng ngập lòng. Buồn vì nhớ lại tình xưa, một mối tình đằm thắm đã vút trôi theo đường mây không bao giờ tìm lại được một lần nào nữa.

Bài hát này được danh ca Lệ Thanh hát lần đầu trên đài phát thanh. Những nốt nhạc mênh mang đượm sầu này rất thích hợp với giọng hát luyến láy đặc biệt và đầy gợi cảm của Lệ Thanh, mời các bạn nghe lại bản thu âm này:


Click để nghe Lệ Thanh hát trong dĩa nhựa

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version