Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa của ca khúc “Cho Lần Cuối” (Lê Uyên Phương) – Dự cảm chia xa của một mối tình cuồng mê

Câu chuyện tình của Lê Uyên & Phương đã trở thành một huyền thoại của làng nghệ thuật Việt Nam, bởi họ không chỉ có tình yêu cuồng nhiệt, tình cảm vợ chồng sâu đậm, những thăng trầm trong đời sống hôn nhân, mà còn là sân khấu âm nhạc, là những bản tình ca nồng nàn, rực rỡ và cá tính khác biệt đã đi vào lòng người yêu nhạc nhiều thế hệ từ xưa đến nay.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Cái hay của âm nhạc Lê Uyên Phương là trong mỗi ca khúc, mỗi khoảnh khắc yêu đương, gần gũi người ta đều thấy sự hết mình, tận hưởng trọn vẹn, dâng hiến đến tận cùng như thể đó là lần cuối, nhưng đồng thời cũng nhìn thấy những úa tàn, chia ly, đau thương chấp chới kề cận.

Cho Lần Cuối là một ca khúc như vậy.

Năm 1990, trong một liveshow âm nhạc do gia đình Lê Uyên & Phương và con gái Lê Uyên Uyên thực hiện tại Cali, nhạc sĩ Lê Uyên Phương đã có những chia sẻ khá đặc biệt về cuộc hôn nhân được cho là đã tan vỡ của ông và Lê Uyên (Lâm Phúc Anh), cùng những dự cảm trong âm nhạc của mình và về nhạc phẩm Cho Lần Cuối, nguyên văn như sau:

“Kính thưa quý vị. Không biết cái điều sau đây là 1 sự tình cờ, là định mệnh, hay là sự thấu thị trong nghệ thuật, mà những điều chúng tôi viết cách đây 20 năm trong những bài tình ca, 20 năm sau những sự kiện đó xảy ra y như thật.

Ngày đó chúng tôi là những người yêu nhau và không có một trở ngại gì, không có 1 dấu hiệu gì về một sự bất hạnh có thể xảy ra. Thì trong ca khúc của tôi lại viết những điều rất kỳ lạ:

“Giờ này còn gần nhau, gần thắm thiết trong mối sầu
Gần bối rối biên giới từ lòng đau.
Giờ này còn cầm tay, cầm chắc mối duyên bẽ bàng
Cầm chắc mắt môi ngỡ ngàng
Cầm giá buốt thương đau, ngày mai ta không còn thấy nhau…” (Lời bài hát Cho Lần Cuối)


Click để nghe Lê Uyên & Phương hát Cho Lần Cuối trước 1975

Đó là bài hát viết từ năm 1968, vào cái thời kỳ mà chúng tôi hết sức thương yêu nhau, và hết sức hạnh phúc. “

Trong một cuộc trò chuyện trên Jimmy Show, nữ ca sĩ Lê Uyên đã kể lại khá chi tiết về hoàn cảnh ra đời của ca khúc. Trong sự kiện Mậu Thân đầu năm 1968, nhà của Lê Uyên (ở Chợ Lớn) nằm trong khu vực bị giới nghiêm 24/24. Lúc này, cặp đôi vẫn đang trong hoàn cảnh bị gia đình ngăn cấm dữ dội. Sau thời gian hẹn hò tại Đà Lạt, nàng bị cha mẹ ép chia tay người yêu, đưa về Sài Gòn giam lỏng. Cuối tuần, chàng nhạc sĩ lại lặn lội bắt xe từ Đà Lạt xuống Sài Gòn, lén lút đến thăm người yêu. Lần đó vì lệnh phong toả, suốt 19 ngày nàng và chàng không được thấy mặt nhau. Đó cũng là lần lâu nhất hai người phải xa nhau kể từ lúc yêu.

Vì quá thương nhớ chàng nhạc sĩ, cô gái trẻ Lê Uyên bất chấp lệnh giới nghiêm và cả sự quản thúc của gia đình để đến gặp người yêu. Để có thể đến chỗ người yêu, cô nói dối gia đình là đi ra ngoài mua đồ, rồi canh lúc quân cảnh canh gác lỏng lẻo, lén chui qua hàng rào giới nghiêm để thoát ra ngoài, chạy đến chỗ hẹn. Sau khi gặp gỡ, hai người thuê xích lô máy trốn đi cùng nhau. Sau đó nhạc sĩ Lê Uyên Phương cho ra đời bài hát Cho Lần Cuối với những ca từ nồng đượm yêu thương nhưng cũng chất ngất lo âu:

Giờ này còn gần nhau
Gần thắm thiết trong mối sầu
Gần bối rối biên giới từ lòng đau

Giờ này còn cầm tay
Cầm chắc mối duyên bẽ bàng
Cầm chắc mắt môi ngỡ ngàng
Cầm giá buốt thương đau
Ngày mai ta không còn thấy nhau

Cái cảm giác hạnh phúc ngập tràn khi kề cận bên nhau hôm nay nhưng lại phải đối mặt với những thương đau và chia cắt sẽ đến chỉ trong ngày mai, ngày kia… nó đau đớn, buốt giá vô cùng.

Bàn tay năm ngón suông đem vào nhau, hẹn sau
Bàn tay năm ngón suông đưa vào nhau, mộng mau
Ngoài trời mưa, mưa hoài, gió mưa nặng nề

Người ngồi nghe xa cách đá xanh ơi mỏi mòn
Lệ ngập ngừng bờ mi
Giọt nước mắt lăn nỗi buồn
Giọt nước mắt xa cách vời vợi trông

Âm nhạc Lê Uyên Phương bao giờ cũng vậy, luôn nhìn thẳng vào những thương đau trần trụi, không mơ hồ, không ai oán, không trốn chạy, không ước mong hay cầu nguyện, đúng lời chia sẻ của nữ ca sĩ Lê Uyên về người bạn đời của mình:

“Năm đó anh Phương mới chỉ 26 tuổi, nhưng tôi thấy anh đọc, yêu tư tưởng Krishnamurti, anh trầm tư nhìn sâu vào sự bất an trong tâm trạng thanh niên trước tương lai không có lối thoát bởi mất mát, bởi chiê’n tranh.

Từ đó, anh viết những ca khúc đầy dự cảm buồn. Buồn, nhưng không yếu đuối bi lụy mà hướng đến tinh thần chấp nhận, đón nhận thực tại, xem những đau khổ là một phần của cuộc sống để dành trọn tình yêu và sự thiện tâm cho nhau trong từng phút giây”.

Có thể nói Cho Lần Cuối thực sự là một ca khúc đầy khắc khoải, cuồng mê dữ dội và đau đớn khôn cùng, hoà quyện vào nhau như gió và bão.

Năm 1971, nữ minh tinh Kiều Chinh và đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc thực hiện phim Người Tình Không Chân Dung, vì cả 2 đều ngưỡng mộ Lê Uyên Phương, nên họ đã mời Lê Uyên & Phương xuất hiện trong một phân cảnh của phim, hát lên ca khúc của chính họ. Ban đầu Kiều Chinh chọn Vũng Lầy Của Chúng Ta, nhưng nhạc sĩ Lê Uyên Phương nói rằng ca khúc đó không liên quan gì đến nội dung phim, và ông đã chọn Cho Lần Cuối:

Giờ này còn nhìn nhau
Nhìn đắm đuối như suối bền
Nhìn suốt kiếp như chết mòn
Nhìn hấp hối thương đau
Ngày mai ta không còn thấy nhau


Click để xem Lê Uyên & Phương hát Cho Lần Cuối trong phim Người Tình Không Chân Dung năm 1971

Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version