Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa của bài hát Chiều Mưa Biên Giới (Nguyễn Văn Đông) – “Chiều mưa biên giới anh đi về đâu?”

Có thể xem bài hát Chiều Mưa Biên Giới là ca khúc nổi tiếng và được yêu thích nhất trong sự nghiệp của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, là một trong những bài tiêu biểu nhất của dòng nhạc vàng. Không chỉ vậy, ca khúc này được sáng tác từ năm 1956, nên có thể coi là một trong những bài nhạc vàng đầu tiên được sáng tác.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Tựa đề của bài hát, cũng như câu mở màn là “Chiều mưa biên giới anh đi về đâu” có thể làm cho nhiều người nghe thắc mắc rằng biên giới trong bài hát là biên giới nào, và “anh đi về đâu”?


Click để nghe Hà Thanh hát Chiều Mưa Biên Giới trước 1975

Điều này được tác giả bài hát là nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông giải thích khi nói về hoàn cảnh sáng tác bài hát như sau:

“Khi ấy tôi là trung úy trưởng phòng hành quân của ᴄhιến khu Đồng Tháp Mười là người có trách nhiệm đề ra những phương án tác ᴄhιến. Lần đó tôi dẫn đầu một nhóm biệt kích bí mật đi điều nghiên ᴄhιến trường dọc theo biên giới Miên-Việt và Đồng Tháp Mười. Trên đường về, anh em chúng tôi lâm vào cảnh trời chiều gió lộng, mưa gào như vuốt mặt. Giữa cánh đồng hoang vắng tiêu sơ, lối vào tiền đồn thì xa xôi, thoáng ẩn hiện những nóc tháp canh mờ nhạt ở cuối chân trời. Và từng chập gió buốt kéo về như muối sát vào thịt da. Từ trong cảnh ấy, tận đáy lòng mình đã nghe nẩy lên những cung bậc rung cảm, những trường canh đầu tiên buồn bã cho bài Chiều Mưa Biên Giới anh đi về đâu…”.

Trong lời đề tựa khi phát hành tờ nhạc bài Chiều Mưa Biên Giới, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông còn ghi rõ:

Kính tặng các ᴄhιến sĩ một nắng hai sương lao mình nơi tiền tuyến
Kỷ niệm ĐỒNG THÁP MƯỜI (Biên giới Việt-Cambod 1956)

Như vậy biên giới trong bài hát chính là biên giới Việt Nam – Kampuchea ở vùng Đồng Tháp Mười. Đây là tên gọi chỉ 1 vùng ngập nước rộng lớn dọc theo sông Mekong bao gồm 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang ngày nay, và vị trung úy trẻ Nguyễn Văn Đông đã dần đầu nhóm biệt kích đi điều tra, nghiên dọc theo biên giới khi tham gia ᴄhιến dịch Thoại Ngọc Hầu do tướng Dương Văn Minh làm tư lệnh để bình định miền Tây, chống lại phiến quân Lê Quang Vinh. Giữa một vùng quê hương rộng lớn và tiêu sơ hoang vắng, những cảm xúc rung động đã dâng lên trong lòng người nhạc sĩ:

Chiều mưa biên giới anh đi về đâu?
Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu
Kìa rừng chiều âm u rét mướt
Chờ người về vui trong giá buốt
người về bơ vơ

Tình anh theo đám mây trôi chiều hoang
Trăng còn khuyết mấy hoa không tàn
Cờ về chiều tung bay phất phới
Gợi lòng này thương thương nhớ nhớ
Bầu trời xanh lơ

“Giang đầu” nghĩa là đầu sông, và vùng Hồng Ngự – Tân Châu mà anh lính đang đứng vào một chiều mưa biên giới trong bài hát cũng là nơi khởi nguồn của con sông Mekong trên lãnh thổ Việt Nam, nơi bắt đầu chia thành 2 nhánh sông Tiền và sông Hậu.

Vậy chiều mưa biên giới anh đi về đâu?

Là bổn phận quân nhân, nên với anh thì gian khổ là bạn, bốn bể đều là nhà. Một chiều mưa biên giới anh bước qua chốn giang đầu, ngóng nhìn về quê cũ chỉ thấy mịt mùng và nghìn trùng xa, còn chốn rừng chiều âm u rét mướt kia mới chính là nơi anh sẽ về để tìm vui trong giá buốt. Nhưng làm sao có thể vui được khi “người về bơ vơ”, khi mà tình anh vẫn còn như đám mây trôi giữa chiều hoang, lang thang hoài trên một vùng miên viễn không biết ngày neo đậu. Từ lâu anh đã chấp nhận điều đó như là một quy luật của dòng đời, như trăng khuyết và hoa tàn không thể đảo ngược.


Click để nghe Hà Thanh hát Chiều Mưa Biên Giới sau 1975

Trong dòng suy tưởng mênh mang về cuộc đời, về thân phận, tiếng gió rừng chiều hòa cùng tiếng lá cờ tung bay phất phới trên mấy nóc chòi canh đang ẩn hiện trong sương mờ đã gợi cho lòng người lính thương nhớ về nơi xa xôi:

Đêm đêm chiếc bóng bên trời
Vầng trăng xẻ đôi
Vẫn in hình bóng một người

Xa xôi cánh chim tung trời
Một vùng mây nước
Cho lòng ai thương nhớ ai…

Hình ảnh vầng trăng xẻ đôi tượng trưng cho sự chia ly, một người ở phương này luôn ngóng về, còn một người ở bên trời thì vẫn đêm đêm chiếc bóng, nhưng bao giờ cũng nhớ về nhau, “vẫn in hình bóng một người”. Đó là hình ảnh rất quen thuộc được nhạc sĩ mượn từ hai câu thơ nổi tiếng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du tả cảnh Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều:

“Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”

Không chỉ nói bâng quơ là “gợi lòng thương thương nhớ nhớ” nữa, mà qua đến đoạn này nhạc sĩ đã cụ thể hơn, đó là “ai thương nhớ ai”.

Giữa một vùng mây nước bơ vơ và hiu quạnh, lòng người rất dễ dâng lên niềm rung cảm ngập đầy, gợi những nỗi niềm xa xăm giữa đường rừng chiều cô đơn chiếc bóng:

Về đâu anh hỡi mưa rơi chiều nay
Lưng trời nhớ sắc mây pha hồng
Đường rừng chiều cô đơn chiếc bóng
người tìm về trong hơi áo ấm
Gợi niềm xa xăm…

Người đi khu ᴄhιến thương người hậu phương
Thương màu áo gởi ra sa trường
Lòng trần còn tơ vương khanh tướng
Thì đường trần mưa bay gió cuốn
Còn nhiều anh ơi

Lần thứ 3 nhạc sĩ nói về nỗi nhớ thương, lần này là cụ thể hơn nữa, không còn bóng gió là ai với ai: Người đi khu ᴄhιến thương người hậu phương, thương mãi màu áo em đan gửi để ra chốn sa trường làm ấm lòng chinh nhân. Dù màu áo có bị sờn phai dưới nắng dãi mưa dầu qua thời gian, thì mùi hương người từ bàn tay xinh đã từng chăm chút từng sợi len vẫn còn mãi theo người trên những bước đường hành quân dài dịu vợi.

Câu hát đắt giá nhất, hay nhất, gợi nhiều ý nghĩa nhất, được nhắc đến nhiều nhất trong nhạc vàng, có lẽ là 3 câu cuối cùng của bài hát:

Lòng trần còn tơ vương khanh tướng
Thì đường trần mưa bay gió cuốn
Còn nhiều anh ơi…

Khi lòng người vẫn còn đầy thù hận, vẫn còn tơ vương nào là khanh với tướng, thì những khổ ải còn gieo, đau thương còn dài, và phận người cũng chỉ như là chiếc lá nhỏ bé ở đường trần mưa bay gió cuốn mà thôi. (“Công, hầu, khanh, tướng” là bốn tước vị, chức vụ cao trong triều đình phong kiến xưa).

Nếu đặt ý nghĩa câu này vào trong thời điểm sáng tác, thì lúc đó nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đang tham gia trong ᴄhιến dịch Thoại Ngọc Hầu để bình định phiến quân Ba Cụt (Lê Quang Vinh), là người muốn tranh giành những “công hầu khanh tướng” nên ly khai và chống lại chính quyền đương thời.

“Còn nhiều anh ơi” là lời cảm thán cho thói đời tranh quyền đoạt vị mà muôn đời không thể nào chấm dứt.


Click để nghe Thanh Tuyền hát Chiều Mưa Biên Giới trên Asia

Nhiều năm qua, bài hát này rất được yêu thích qua giọng hát Hà Thanh, Thanh Tuyền, Giao Linh, là 3 nữ ca sĩ gắn bó nhất đối với nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông.

Tuy nhiên, vào thập niên 1960, khi nhắc đến bài Chiều Mưa Biên Giới, người ta lại nhắc đến một nam ca sĩ, là quái kiệt Trần Văn Trạch, là người đã đưa ca khúc này đến với khán giả ở tận nước Pháp xa xôi, đồng thời cũng gây được tiếng vang lớn tại quê nhà.

Năm 1961, nghệ sĩ Trần Văn Trạch đã được đài Europe No.1 và đài Truyền hình Pháp thu âm, rồi thu hình ca khúc Chiều Mưa Biên Giới, đã gây được tiếng vang lớn ở nước Pháp và Mỹ. Việc này đã tạo một làn sóng ngược về Việt Nam, nên chỉ trong vòng 3 tháng, nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam của nhạc sĩ Lê Mộng Bảo đã bán hết 60.000 bản nhạc tờ, phá kỷ lục số ấn bản lớn nhất ở thời điểm đó.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và nhạc sĩ Lê Mộng Bảo – giám đốc Tinh Hoa Miền Nam

Chưa dừng ở đó, trong cùng năm 1961, nghệ sĩ Trần Văn Trạch đã lần đầu tiên hát Chiều Mưa Biên Giới tại “Đại nhạc hội Trăm Hoa Miền Nam” với dàn nhạc của Đài Truyền Hình Pháp.


Click để nghe Trần Văn Trạch hát Chiều Mưa Biên Giới

Ít người biết rằng dù rất nổi tiếng và được yêu thích vào đầu thập niên 1960, gây tiếng vang cả ở nước ngoài, lại là sáng tác của một sĩ quan quân đội, nhưng với chính sách kiểm duyệt văn hóa gắt gao của chính quyền Đệ nhất Cộng Hòa, có một thời gian Chiều Mưa Biên Giới đã bị cấm phát hành.

Một đoạn thông báo về việc các bài hát bị cấm phát hành được in trên 1 tờ nhạc năm 1963

Đến tháng 11 năm 1963, khi Đệ nhất cộng hòa kết thúc, việc kiểm duyệt âm nhạc mới được nới lỏng hơn, và Chiều Mưa Biên Giới được hát trở lại.

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version