Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Trang – Tác giả của Ngỏ Hồn Qua Đêm, Đêm Ru Điệu Nhớ, Không Bao Giờ Quên Anh…

Nhạc sĩ Hoàng Trang là tác giả của những ca khúc nhạc vàng đã được nhiều thế hệ khán giả yêu mến: Ngỏ Hồn Qua Đêm, Đêm Ru Điệu Nhớ, Không Bao Giờ Quên Anh, Ăn Năn, Kể Chuyện Trong Đêm, Tâm Sự Với Anh, Nếu Đời Không Có Anh…

Một điều đặc biệt, và khác biệt của nhạc sĩ Hoàng Trang so với các nhạc sĩ khác, đó là đa số các ca khúc nổi tiếng của ông đều viết về tâm sự của người con gái với tâm hồn yếu đuối, mong manh:

Ngày mình yêu nhau hai đứa ước mơ trầu cau. Em đâu có ngờ rằng hai đứa xa nhau… (Bài hát Ăn Năn)

Tôi viết lên đây với tất cả chân thành của lòng tôi trao anh… (Bài hát Không Bao Giờ Quên Anh)

Anh vô tình anh chẳng hiểu cho em trong những đêm sầu đau… (Bài hát Tâm Sự Với Anh)


Click để nghe Thanh Tuyền hát Không Bao Giờ Quên Anh trước 1975

Nhạc sĩ Hoàng Trang tên thật là Trần Văn Phát, sinh năm 1938 tại Bến Tre. Bút danh chính của ông là Hoàng Trang, có nghĩa là hoa trang vàng, xuất phát từ lúc nhỏ ông sống ở quê nội nơi chợ Mới (Gò Công Đông, Tiền Giang), hình ảnh hoa trang vàng đã đi vào tâm thức nên sau này ông đã lấy hoa trang vàng đặt làm nghệ danh.

Phu nhân của nhạc sĩ Hoàng Trang

Năm 1965, nhạc sĩ Hoàng Trang lập gia đình với cô con gái của ông Nguyễn Tất Oanh – giám đốc hãng dĩa Asia Sóng Nhạc, đó là cô Nguyễn Thị Hồng. Khi lấy nhau, một người là nhạc sĩ nghèo quê tỉnh lẻ, còn một người là cô tiểu thư khuê các ở Sài Gòn, họ đến với nhau bằng một tình yêu chân thành được nhạc sĩ ghi lại trong ca khúc Nếu Đời Không Có Anh:

Chờ người yêu đến cùng chung ngõ hồn
Với vòng tay xanh đón mời
Cho đời lên ngôi thần thánh…


Click để nghe Thanh Tuyền hát Nếu Đời Không Có Anh trước 1975

Tên của người vợ thương yêu cũng được nhạc sĩ nhắc đến trong ca khúc Kể Chuyện Trong Đêm như sau:

Người em bé nhỏ má HỒNG yêu ơi
Đừng buồn những lúc chiều pha sắc lạnh…

Vợ chồng nhạc sĩ Hoàng Trang

Nhạc sĩ Hoàng Trang còn có các bút danh khác như: Triết Giang, Trần Nguyên Thụy, Thiên Tường, Hồng Đạt. Theo cô Hồng (vợ nhạc sĩ Hoàng Trang) nói với người viết, thì các bút danh này đều xuất phát từ tên của vợ – con của tác giả. Thiên Tường là tên của người con trai thứ. Hồng Đạt được ghép từ tên cô Hồng và tên người con trai lớn tên Đạt. Trần Nguyên Thuỵ được ghép từ tên người con gái duy nhất (Thuỵ) với họ của cha (Trần) và họ của mẹ (Nguyễn). Vì cái tên Trần Nguyễn Thuỵ không được xuôi tai nên đổi thành Trần Nguyên Thuỵ.

Một bút danh phổ biến của nhạc sĩ Hoàng Trang là Triết Giang, được ông ký lần đầu khi sáng tác ca khúc Ngỏ Hồn Qua Đêm năm 1966.

Bài hát này được ký với 2 tên Triết Giang – Hàn Châu nên lâu nay người ta vẫn tưởng là bài hát được 2 nhạc sĩ viết chung. Tuy nhiên theo cô Nguyễn Thị Hồng cho biết thì bài này chỉ do 1 mình Hoàng Trang viết, và ông muốn giúp đỡ người bạn chưa có tên tuổi là Lê Đình Nam nên ghi tên sáng tác cho bài hát này là Triết Giang – Hàn Châu, trong đó Triết Giang là Hoàng Trang, còn Hàn Châu là bút danh mới của nhạc sĩ trẻ tên thật là Lê Đình Nam, người sau này có những sáng tác nổi tiếng là Những Đóm Mắt Hoả Châu, Thành Phố Sau Lưng…

Vậy Triết Giang và Hàn Châu có nghĩa là gì? Cô Hồng kể lại như sau:

Sau khi nhạc sĩ Hoàng Trang đã có một số sáng tác nổi tiếng được công chúng đón nhận là Nếu Đời Không Có Anh (1964), Không Bao Giờ Quên Anh (1964), Kể Chuyện Trong Đêm (1965). Năm 1966, nhạc sĩ Hoàng Trang sáng tác tiếp Ngỏ Hồn Qua Đêm. Sau khi hoàn thành bài hát, ông muốn đặt một bút danh khác để mới lạ và gây ấn tượng hơn.


Click để nghe Băng Châu hát Ngỏ Hồn Qua Đêm trước 1975

Sau khi trầm ngâm một lúc, bất chợt nhạc sĩ nhìn lên tấm bản đồ Việt Nam dán trên vách nhà, thấy bên trên nước Việt Nam là sơ đồ nước Trung Quốc và ấn tượng với 2 cái tên xuất hiện trên đó là Hàn Châu và Triết Giang.

Hàn Châu (sau này ghi là Hàng Châu) là một thành phố du lịch nổi tiếng, thủ phủ của tỉnh Triết Giang (sau này ghi là Chiết Giang) ở Trung Quốc. Thấy 2 cái tên này lạ và hay nên ông lấy luôn tên Triết Giang cho mình và tên Hàn Châu cho người bạn.

Vào thuở đó, thanh niên đến tuổi 21 thường là phải đi đăng lính. Tuy nhiên vì sức khoẻ kém, nên nhạc sĩ Hoàng Trang được cấp giấy miễn dịch vĩnh viễn, không phải vào quân ngũ. Nhưng vì tính nghệ sĩ yêu thích hải hồ nên vào khoảng năm 1965, ông xin vào đoàn hải thuyền để biểu diễn văn nghệ góp vui cho các quân nhân ngoài khơi. Cùng đi với ông còn có nhạc sĩ Mặc Thế Nhân, Anh Thy, ca sĩ Elvis Phương… Tuy nhiên chỉ sau một vài chuyến, nhạc sĩ Hoàng Trang xin không đi nữa vì sức khoẻ không cho phép, và lúc này nghề nghiệp chính của ông để mưu sinh sau khi lấy vợ chỉ là sáng tác nhạc.

Sau khi kết hôn, vợ chồng nhạc sĩ Hoàng Trang sống chật vật trong một căn gác xép nhỏ ở số nhà 218/1 đường Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần). Đó chỉ là một căn gác nhỏ mà vợ chồng nhạc sĩ đã thuê chứ chưa có nhà riêng, với tầng trệt là người khác ở. Thời gian này, sáng tác xong ca khúc nào thường là ông sẽ mang đi bán ngay để có tiền kiếm sống và nuôi những người con lần lượt ra đời.

Năm 1968, lệnh tổng động viên được ban hành, giấy miễn dịch của nhạc sĩ Hoàng Trang không còn hiệu lực, ông vào quân ngũ, nhờ có bằng đánh máy nên được nhận vào làm văn phòng ở bộ tư lệnh binh chủng thiết giáp.

Từ đầu năm 1969, khi Hoàng Trang đã là nhạc sĩ có tên tuổi với rất nhiều ca khúc ăn khách, cuộc sống gia đình ổn định hơn và chuyển sang một căn nhà riêng trên đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai), kết thúc 4 năm ở thuê trên gác nghèo. Nhân dịp này ông đã viết bài Mùa Sầu Riêng với ca từ như sau:

Đã bốn năm rồi, hai đứa tôi thương vì chung nhau chí hướng…

Trong nhạc của Hoàng Trang thường thấy có những chữ “chung chí hướng” như vậy, theo cô Hồng đó là vì họ cùng chung chí hướng nên hợp nhau và đã đến với nhau dù khác biệt về hoàn cảnh gia đình. Trong ca khúc nổi tiếng là Đêm Ru Điệu Nhớ cũng có nhắc đến:

Ngày đầu gặp nhau vì chung lý tưởng mình trao tiếng cười
Cùng một quê hương, cùng chung chí hướng
Kết nên câu chuyện ân tình ngày nay…


Click để nghe Giao Linh hát Đêm Ru Điệu Nhớ trước 1975

Sau khi xuất ngũ khoảng năm 1972-1973, nghề kiếm sống duy nhất của nhạc sĩ Hoàng Trang vẫn chỉ là sáng tác nhạc.

Đến cuối năm 1973, gia đình nhạc sĩ rời căn nhà ở đường Hồng Thập Tự để chuyển sang ở số 37 đường Phạm Ngũ Lão (Quận 1) cho đến khi ông qua đời năm 2011. Đó cũng là trụ sở cũ của hãng dĩa Sóng Nhạc (đã giải thể từ đầu thập niên 1970).

Sau năm 1975, nhạc sĩ Hoàng Trang ở lại trong nước và mưu sinh nhiều nghề, vẫn sáng tác nhiều ca khúc nhưng ít được phổ biến. Có thời gian vợ chồng ông mở một tiệm buôn giày dép, dây nịt…

Do lâm trọng bệnh, ông đã qua đời ngày 18 tháng 8, 2011 tại tư gia ở Sài Gòn.

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version