Nhạc sĩ Giao Tiên là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của loại nhạc bình dân đại chúng trước năm 1975 với các ca khúc nổi tiếng như Nhớ Người Yêu, Vó Ngựa Trên Đồi Cỏ Non, Tình Đẹp Mùa Chôm Chôm, Thư Ngoài Biên Trấn, Lại Nhớ Người Yêu, Mất Nhau Rồi…
Nhạc sĩ Giao Tiên tên thật là Dương Trung, sinh năm 1941 ở xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn tỉnh Bình Định. Từ năm 1960 đến năm 1962, ông vào Sài Gòn để học tại trường Trung học Huỳnh Khương Ninh và trường Trung học Trường Sơn ở Sài Gòn.
Giai đoạn 1962-1964, ông bị bắt giam ở Biên Hòa vì bị nghi là “thân cộng” (ông có người anh tham gia chống chính quyền). Ngay khi ở trong tù, ông được một số thầy dạy nhạc. Sau này, vào năm 1972, Giao Tiên học hàm thụ và dự thính khoa sáng tác tại Đại học Vạn Hạnh, ông có được thành công trong bước đầu sáng tác nhờ có năng khiếu âm nhạc bẩm sinh và tự trau dồi kiến thức.
Từ 1965 đến 1975, Giao Tiên vào quân ngũ. Sự nghiệp sáng tác nhạc của ông được khởi đầy từ năm 1965 với ca khúc nổi tiếng đầu tiên (và cũng là ca khúc đầu tay) Phận Gái Thuyền Quyên (1970) viết chung với nhạc sĩ Nguyên Thảo. Chỉ trong quãng thời gian ngắn ngủi từ 1970–1975, ông sáng tác hàng trăm ca khúc và đã được phổ biến rộng rãi qua nhiều băng nhạc, được phát trên phát thanh, truyền hình cũng như là in nhạc tờ. Ngoài bút danh chính là Giao Tiên, ông còn nhiều bút danh khác khi sáng tác như Dương Trung, Hoàng Hoa, Thảo Trang, Diễm Đào, Rạng Đông, Ngân Trang, Thu Anh, Kim Khánh, Xuân Hoà, Xuân Hậu, Hương Xuân,…
Lý do phải dùng nhiều bút danh như vậy, ông nói rằng thập niên 1970, mỗi tác giả chỉ được phát 2 bài trong một chương trình, nên dùng nhiều tên khác nhau sẽ lách được quy định này.
Về bút Giao Tiên, ông cho biết thuở nhỏ yêu thích truyện Hoa Tiên, có nhân vật Dương Giao Tiên. Vì thấy tên Dương Trung của mình khô cứng không thích hợp với người nghệ sĩ nên ông đã chọn tên Giao Tiên.
Sau 1975, nhạc sĩ Giao Tiên tạm ngừng sáng tác trong một khoảng thời gian rất dài. Năm 1975 ông đi kinh tế mới ở Bù Đăng, nay là thuộc tỉnh Bình Phước. Tại đây, cuộc sống lo toan miếng cơm manh áo cho những người con làm cho ông quên mất mình là một nhạc sĩ. Bàn tay chỉ quen viết nhạc không chịu nổi việc làm rẫy, đi rừng nên năm 1985, vợ chồng nhạc sĩ lại dắt díu nhau lên Đà Lạt buôn bán cùng người cháu họ. Công việc không thuận lợi, năm 1990, ông lại đưa vợ con về Cam Ranh làm lại từ đầu bằng nghề nuôi tôm. Nhưng nghề nuôi thất bại, vợ chồng ông lại chuyển sang nghề gói bánh chưng để mưu sinh.
Từ năm 1994, khi cuộc sống dần ổn định, những người con rồi cũng trưởng thành, nhạc sĩ Giao Tiên bắt đầu viết nhạc trở lại, hiện nay ở dù tuổi 80, ông vẫn miệt mài sáng tác. Giai đoạn 1994-1998, nhiều ca khúc đặc sắc của Giao Tiên lần lượt ra đời như Ai Có Qua Cầu, Mống Chuồn Chuồn và đặc biệt là chuỗi ca khúc về Cô Thắm (Cô Thắm Gặp Tình Nhân, Cô Thắm Theo Chồng,…).
Bài hát về Cô Thắm đầu tiên là Cô Thắm Về Làng đã viết từ năm 1974, ông nói rằng đã mượn hình tượng “cô Thắm” nhằm ngợi ca sự nết na, thùy mị, đảm đang của người chị thứ chín tên Ngọc Mai (tức bà Dương Thị Ngọc Mai) – Người đã tần tảo “một nắng hai sương” lo cho ông ăn học thành tài.
Các tác phẩm của Giao Tiên được thu âm bởi hàng loạt hãng sản xuất băng, đĩa trong và ngoài nước Việt Nam như Vafaco, Saigon Video, Rạng Đông, Trung tâm Băng nhạc Trẻ, Kim Lợi,…, Thúy Nga, Asia, Vân Sơn,… Nhạc sĩ Giao Tiên cũng được biết tới như là một nhạc sĩ với nhiều ca khúc phổ thơ.
Ông nói rằng từ năm 2000 đã bắt đầu có tiền bản quyền tác giả nên mỗi quý ông nhận tiền một lần cũng đủ cho cuộc sống.
Nhận xét chung về tác phẩm, các ca khúc của Giao Tiên có giai điệu ngọt ngào, ý tứ bình dị, hồn nhiên, lời ca mộc mạc,… Tất cả đều mang âm hưởng dân ca và rất gần gũi với mọi tầng lớp người dân. Giao Tiên được nhiều người gọi là “nhạc sĩ của đồng quê”.
Hiện nay, Giao Tiên đang sinh sống cùng gia đình tại thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà, Việt Nam.
Tranh chấp bản quyền tác phẩm của Giao Tiên
Khoảng đầu thập niên 1990, khi dòng nhạc trữ tình được các ca sĩ trong nước thu âm trở lại, có rất nhiều bài hát của Giao Tiên sáng tác, nhưng lại để tên tác giả là người khác. Cụ thể là các ca khúc:
Nhớ Người Yêu, Lại Nhớ Người Yêu, Vó Ngựa Trên Đồi Cỏ Non, Tình Đẹp Mùa Chôm Chôm, Nàng Xuân Chung tình, Cô Thắm Về Làng, Hỏi Vợ Ngoại Thành, Lần Đầu Nói Dối, Hình Bóng Người Yêu (Bị Vinh Sử đổi tên thành Nàng Yêu Hoa Tím), Mất Nhau Rồi (bị Vinh Sử đổi tên thành Thà Trắng Thà Đen).
Nguyên nhân của việc này có thể tóm tắt như sau:
Trước năm 1975, Giao Tiên và nhạc sĩ VS có quen biết nhau. Sau đó vì thời cuộc, hai người không còn dịp gặp lại. Năm 1997, cả hai có cơ hội trùng phùng và Giao Tiên đã đồng ý làm giấy ủy nhiệm cho VS đứng ra thay thế ký kết các hợp đồng thu thanh, thu hình với các hãng sản xuất băng đĩa nhạc ở Saigon. Nhạc sĩ VS đã thay Giao Tiên (đang ở Cam Ranh) nhận tiền tác quyền từ các hãng băng đĩa. Song theo lời nhạc sĩ Giao Tiên chia sẻ trên báo Thanh Niên vào năm 2006 thì: “Lúc đó tôi cũng không biết số tiền là bao nhiêu, thỉnh thoảng Vinh Sử đưa tôi năm, bảy chục ngàn nói là tiền thu băng đĩa”.
Theo nhạc sĩ Giao Tiên, trước đây khi sản xuất băng đĩa nhạc, nhạc sĩ VS đã nhiều lần vi phạm bản quyền rất nhiều bài hát của ông. Cụ thể, nhạc sĩ VS đã tự ý đổi tựa bài hát Mất Nhau Rồi thành Thà Trắng, Thà Đen và tự ý ghi tên tác giả là VS mà không có sự đồng ý của Giao Tiên. Từ năm 2000, Giao Tiên đã không quan hệ công việc với nhạc sĩ VS nữa. Tuy nhiên năm 2006, VS vẫn phát hành tập nhạc, đưa rất nhiều bài hát của Giao Tiên vào đó và ghi tên nhạc sĩ sáng tác là Vinh Sử.
Trên trang baokhanhhoa.vn, nhạc sĩ Giao Tiên kể lại như sau:
Vào một buổi sáng năm 1994, trong lúc ngồi gói bánh chưng, nhạc sĩ Giao Tiên bất ngờ nghe ca sĩ Đình Văn hát bài “Tình Đẹp Mùa Chôm Chôm” do chính ông sáng tác. Ông lao ra đường thì phát hiện giọng hát phát ra từ chiếc xe bán cà-rem. Sững người, ông chạy theo xin được nghe lại rồi hỏi thăm về nơi sản xuất bài hát này, nhưng người bán cà-rem không biết. Thế là nhạc sĩ đi Sài Gòn hỏi thăm nơi phát hành các bài hát của mình, nhưng khi đến nơi thì lại bàng hoàng vì tất cả đều để tên tác giả là một người bạn của mình. Hóa ra, vì vắng mặt hơn 20 năm để mưu sinh nên nhiều người nghĩ rằng nhạc sĩ Giao Tiên đã chết hoặc biệt tích. Người bạn này nhân đó đã “cuỗm” không ít bài của nhạc sĩ Giao Tiên, đổi qua tên mình và bán cho các trung tâm âm nhạc. Buồn bã, thất vọng, ông quay về Cam Ranh, nhưng kể từ đó, tâm hồn âm nhạc cũng quay trở lại với người nhạc sĩ tài hoa, hiền hậu.
nhacxua.vn biên soạn