Đường Tình Đôi Ngả là một trong những sáng tác nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Ngân Giang được ký với bút danh Nguyễn Vỹ. Tuy nhiên thời gian sau này, nhiều nơi ghi tác giả bài hát này là Lê Văn Thiện, dẫn đến sự nhầm lẫn trong cả công chúng nghe nhạc lẫn giới cả sĩ.
Đây là 1 trong những bài hát được viết chỉ dành riêng cho song ca nam nữ, nội dung có những phần lời dành riêng cho cả nam và nữ ca sĩ hát đối đáp với nhau. Cho đến nay, khi nhắc đến Đường Tình Đôi Ngả, không thể không nhắc đến đôi song ca được xem là thành công nhất tại hải ngoại từ cuối thập niên 1980, đó là Giao Linh – Tuấn Vũ.
Trước năm 1975, Giao Linh cũng đã từng song ca bài hát này với ca sĩ Thanh Phong trong trong băng nhạc Premier số 3 do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông thực hiện.
Click để nghe Thanh Phong – Giao Linh hát Đường Tình Đôi Ngả trước 1975
Thôi em hãy đi về, vĩnh biệt kể từ đây
Còn luyến lưu làm chi, còn vấn vương làm gì
Ai thật lòng yêu ai đến bây giờ mình đã biết
Chuyện tình đôi ta em hãy xem là huyền thoại
Anh đừng giận em
Kìa dĩ vãng mùa thương vẫn đẹp như giấc mơ
Trên trời bao ánh sao, tình ta bấy nhiêu kỷ niệm
Nào ngờ hôm nay
Định mệnh chia rẽ đôi ta
Em biết làm sao hơn…
Mùi tóc, làn môi, và thư tình
Anh xin gửi lại em.
Và tất cả cuộc vui anh cũng xin trả lại em
Dù mai em theo chồng
Ngàn đời em vẫn nhớ mãi mối tình đầu tiên
Thôi em hãy đi về, khóc chỉ làm buồn thêm
Trời đã khuya từ lâu, càng vắng đêm tạ từ
Mai này thuyền hoa vui đón em về cùng bến khác
Ðường đời đôi ta hai hướng đi buồn thật buồn
Anh hiểu giùm em nào ước muốn giàu sang
Bởi tình duyên trái ngang
Em vì chữ hiếu nên đành câm nín cho đẹp lòng
Chuyện tình đôi ta
Nghẹn ngào trăm đắng muôn cay
Thôi vĩnh biệt thiên thu… (lời bài hát Đường Tình Đôi Ngả)
Nội dung bài hát là một câu chuyện tình buồn rất phổ thông, thường thấy nhiều trong các bài nhạc vàng nổi tiếng. Đó là một đêm tạ từ sau cùng của một đôi người yêu nhau tha thiết nhưng bị chia cách, cô gái vì chữ hiếu nên nghe theo sự sắp xếp của cha mẹ để sang ngang về bến khác, còn chàng trai thì cũng đành buông xuôi theo số mệnh vì không thể nào níu giữ được người yêu khi vẫn còn đôi tay trắng. Chuyện tình đã từng có biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp như là giấc mơ, nhiều tựa như là ánh sao trời, đã từng thân quen từ làn tóc đến làn môi, nhưng nay đành chia thành hai lối và chấp nhận vĩnh biệt thiên thu.
Click để nghe Giao Linh – Tuấn Vũ song ca bài Đường Tình Đôi Ngả
Bài hát Đường Tình Đôi Ngả đã được yêu thích từ trước 1975 qua tiếng hát Thanh Phong và Giao Linh, nhưng chỉ thật sự trở thành hiện tượng trong thể loại nhạc vàng khi được Giao Linh – Tuấn Vũ song ca trong CD Đôi Mắt Người Xưa vào khoảng cuối thập niên 1980, là băng nhạc đánh dấu sự hợp tác lần đầu của Giao Linh và Tuấn Vũ, trở thành một trong những băng nhạc được xem là hay nhất của nhạc hải ngoại. Băng nhạc này đã góp phần đưa giọng hát Tuấn Vũ vụt sáng trở thành ngôi sao đắt khách nhất của làng nhạc hải ngoại trong nhiều năm liền, trở thành một trong những ca sĩ có lực lượng fan hâm mộ đông đảo nhất ở trong nước.
CD này còn có 1 bài song ca khác của Giao Linh và Tuấn Vũ là Sầu Tím Thiệp Hồng, cũng là 1 trong những bài song ca hay nhất của nhạc vàng. Người hòa âm cho CD Đôi Mắt Người Xưa là nhạc sĩ Lê Văn Thiện, và có lẽ vì vậy mà đã có sự nhầm lẫn khi nhiều nơi đã ghi tác giả Đường Tình Đôi Ngả là Lê Văn Thiện.
Nếu xem lại hình bìa băng nhạc Premier số 3, có thể thấy tác giả bài hát Đường Tình Đôi Ngả được ghi là Nguyễn Vỹ. Sau này đã có nhiều thông tin xác nhận đó là bút danh của nhạc sĩ Ngân Giang (tên thật là Nguyễn Văn Vỹ).
Cho đến nay, phiên bản song ca Giao Linh và Tuấn Vũ của 2 ca khúc Đường Tình Đôi Ngả và Sầu Tím Thiệp Hồng trong CD này vẫn được xem là hay nhất, trước đó và sau này không có phiên bản nào hay hơn.
Mời bạn nghe lại nguyên CD Đôi Mắt Người Xưa ở bên dưới:
Click để nghe CD
Có một sự nhầm lẫn khác liên quan đến bài hát Đường Tình Đôi Ngả của nhạc sĩ Ngân Giang, đó là tên của bài hát. Rất nhiều nơi đã ghi nhầm thành Đường Tình Đôi Ngã, kể cả nhiều trung tâm băng nhạc nổi tiếng và cả báo chí chính thống ở trong nước. Nếu viết Đường Tình Đôi Ngã thì không đúng với chính tả Việt Nam, viết đúng phải là Đường Tình Đôi Ngả, vì Ngả ở đây là “Ngả đường”, với ý nghĩa là đường tình đã chia thành hai ngả đường, chứ không phải là “Ngã nghiêng”.
Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn