Ca khúc “Ba Tháng Tạ Từ” (nhạc sĩ Thanh Sơn) và dư âm tuổi học trò một thuở

Nhạc sĩ Thanh Sơn là một trong những tên tuổi tiêu biểu của dòng nhạc vàng đại chúng với rất nhiều ca khúc bất hủ thuộc nhiều chủ đề, trong đó nổi bật nhất là nhạc tình cảm, nhạc lính, nhạc quê hương, và nổi tiếng nhất là nhạc về mùa hạ, về tuổi học trò.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Thuở nhỏ, vì gia cảnh khó khăn, gia đình ly tán mỗi người một nơi nên nhạc sĩ Thanh Sơn chỉ được học được đến lớp đệ tứ (lớp 9 hiện nay) rồi phải nghỉ học để ra đời bươn chải từ sớm. Sau này, ông tâm sự rằng vì không được học hành đến nơi đến chốn nên khi lớn lên đã luôn cảm thấy nuối tiếc, hoài niệm về tuổi học trò.

Những kỷ niệm đẹp của tuổi hoa niên trong những ngày đến trường lớp có thầy cô bạn bè, có mối tình học trò trong sáng thơ ngây dù xa cách nhưng suốt đời còn mang theo… Tất cả những điều đó đã trở thành lý do để nhạc sĩ Thanh Sơn là người sáng tác nên nhiều ca khúc học trò nổi tiếng nhất. Đầu tiên là các ca khúc Tình Học Sinh, Lưu Bút Ngày Xanh (1962), sau đó đỉnh cao là Nỗi Buồn Hoa Phượng (1963). Thành công ngoài mong đợi với những ca khúc viết về những kỷ niệm của chính mình ở tuổi hoa niên, nhạc sĩ Thanh Sơn tiếp tục ra mắt hàng loạt những bài hát khác cùng viết về trường lớp, về mùa hạ và tuổi học trò: Hạ Buồn, Cung Buồn Tháng Hạ, Thương Ca Mùa Hạ, Ba Tháng Tạ Từ:

Người ơi thấm thoát niên học hết rồi.
Chúc nhau cạn lời giây phút ly bôi.
Ngày mai tan trường mình không chung lối.
Thương nhau nhiều biết gửi về mô.
Kỷ niệm cũ tan vào hư vô.

Cầm tay bốn mắt thương cảm nỗi sầu.
Tiễn đưa bùi ngùi hai đứa như nhau.
Đời không bao giờ hợp nhau mãi mãi.
Thương yêu rồi nỡ đành biệt nhau.
Để nhung nhớ muôn vàn ngày sau.

Nhạc sĩ Thanh Sơn từng nói rằng những ca khúc mà ông sáng tác thời kỳ nửa đầu thập niên 1960 mang đậm phong cách của nhạc vàng đại chúng, đó là lời ca rất dung dị, dễ hiểu và không trau chuốt, trong đó Ba Tháng Tạ Từ là một ca khúc điển hình. Với tiết điệu habanera thật chậm rãi, lời ca bài hát thể hiện nỗi lòng của một học trò cùng với lời tâm sự nghẹn ngào gửi đến người bạn học trong phút giây tạ từ cuối niên học.


Click để nghe Thanh Tuyền hát Ba Tháng Tạ Từ trước 1975

Với nhiều thế hệ sau này, học trò thường là sẽ được gặp nhau sau 3 tháng hè tạm xa trường lớp (ngoại trừ lớp cuối cấp), thì với thế hệ học sinh của hơn nửa thế kỷ trước, buổi chia tay cuối niên học cũng có thể là lần gặp nhau cuối cùng, vì sang năm tới không chắc là sẽ được chung trường với nhau nữa. Thời lửa binh ly loạn, gia đình ly tán, phải chuyển nơi ở thường xuyên, học trò cũng theo đó mà chuyển hết trường này đến trường khác, hoặc là phải nghỉ học sớm như trường hợp của chính nhạc sĩ Thanh Sơn.

Vì vậy, kết thúc niên học cũng là kết thúc những ngày tháng tươi đẹp được ở gần nhau, được chung lối đi về, sánh bước bên nhau trong mỗi buổi tan học. Những kỷ niệm êm đềm của tuổi hoa niên với những rung động của mối tình đầu rất trong trẻo tinh khôi sẽ đành vùi chôn theo tháng năm dài.

Tuy biết rằng sự hợp rồi tan là một lẽ thường tình ở đời, nhưng người vẫn không thể ngăn được nỗi xót xa khi đến lúc bước vào hoàn cảnh “đời không bao giờ hợp nhau mãi mãi”. Cuộc đời đã cho đôi người gặp nhau, trao nhau tình đầu vụng dại, để rồi cuộc đời lại đành đoạn làm cho họ chia cách trong muôn vàn ngày sầu nhung nhớ.

Ngày xưa, những cô cậu học trò dù thích nhau đến mấy thì thường cũng chỉ là ánh mắt trao nhau trìu mến, hay là lén vội trao nhau bức thư ngoài cửa lớp để gởi niềm tâm tư, chứ ít có trường hợp dám vượt ra ngoài vòng lễ giáo khi vẫn còn đi học, nên anh chàng nào bạo dạn lắm mới dám nắm tay cô bạn chung trường trong buổi chia tay bùi ngùi:

Cầm tay bốn mắt thương cảm nỗi sầu.
Tiễn đưa bùi ngùi hai đứa như nhau.

Tại miền Nam trước 1975, chúng ta đã quen với cụm từ là “trường nam sinh” và “trường nữ sinh” ở các trường đơn giới tính, vốn là trường chỉ dành cho toàn bộ là nam hoặc toàn bộ là nữ. Thí dụ như ở Sài Gòn có các trường nổi tiếng như trường nữ Gia Long, trường nữ sinh Trưng Vương…, hay trường nam sinh Pétrus Ký, Võ Trường Toản…

Tuy nhiên các trường “đơn giới tính” đó chỉ là số ít, là các trường điểm ở Sài Gòn hoặc các tỉnh lỵ lớn, còn đa số các trường trung học khác ở khắp miền Nam đều là nam nữ đồng giáo, tức là trường nhận cả nam sinh và nữ sinh, và trong các trường nam nữ đồng giáo này các lớp học lại là đơn giới tính (lớp học toàn nam hoặc lớp học toàn nữ). Vì vậy mối tình học trò chung trường, nếu có diễn ra thì là ở các lớp cạnh nhau, và thường xuất hiện hình ảnh có anh chàng học trò nào đó lấp đó ở cửa lớp nữ nhờ trao thư.

Nếu như đoạn đầu của bài hát nói về thời điểm chia tay cuối niên học, thì đoạn sau đó là những hồi tưởng về thời tươi đẹp nhất của cuộc đời mà ai cũng đã từng trải qua, và khi đã qua rồi thì không bao giờ có lại được:

Thôi nhé từ đây cách xa trong đời.
Ân tình theo tháng ngày trôi.
Nụ cười khô héo trên môi.

Mỗi lần, thấy phượng nở tim xao xuyến.
Bạn bè đâu? Chỉ ta một mình.
Nỗi buồn này đành câm nín.

Rồi đây, có những khi buồn não lòng.
Cố nhân biền biệt có nhớ nhau không?
Ngoài kia hoa phượng rụng rơi tơi tả.
Dư âm làm sống lại đời ta.
Dù ngăn cách nhớ hoài ngày qua…

Ngoài kia hoa phượng rụng rơi tơi tả

Bài: Yên Linh
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version