Mời các bạn xem lại những tấm hình thời trẻ của ca sĩ Họa Mi được cô lưu giữ. Đây là những hình ảnh ghi dấu những mốc thời gian quan trọng trong cuộc đời ca sĩ Họa Mi: Thời còn đi học, thời mới nổi tiếng, rồi sau năm 1975 hát trong đoàn Kim Cương, sau đó sang Pháp năm 1988 và cộng tác với trung tâm Thúy Nga.
Ca sĩ Họa Mi là học trò của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, bắt đầu được biết đến từ năm 1974 khi mới 19 tuổi, nổi tiếng với giọng hát trong trẻo cùng nét đẹp sắc sảo tự nhiên.
Họa Mi trong tà áo dài trắng khi là nữ sinh trường Gia Long
Mồ côi cha từ năm 11 tuổi, mẹ cũng qua đời 6 năm sau đó vì trầm cảm và bệnh. Họa Mi ở với anh và chăm chỉ học hành rồi thi đậu vào Học viện Quốc gia Âm nhạc. Tấm hình này chụp khi cô 17 tuổi.
Họa Mi (hàng dưới, từ phải qua, đầu tiên), hát lĩnh xướng trong ban Lạc Hồng năm 18 tuổi. Lúc này, nghệ danh của cô là Trường My.
Năm 1974, Họa Mi may mắn được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ nhận làm học trò. Chỉ một tuần sau đó, cô có lần đầu tiên hát đơn trước công chúng tại phòng trà Maxim’s với ca khúc Đưa Em Xuống Thuyền. Cũng dịp này, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ chính thức đặt cho cô nghệ danh là Họa Mi, thay cho cái tên Trường My.
Họa Mi tham gia cùng với ca sĩ Ngọc Yến và Diễm Chi trong tam ca Mắt Biếc, biểu diễn tại phòng trà của ca sĩ Khánh Ly tháng 12/1974.
Sau năm 1975. Họa Mi tham gia Đoàn kịch nói và ca nhạc Kim Cương. Hình bên trên được chụp tại buổi phúc khảo chương trình Đường Chúng Ta Đi ở Học viện Quốc gia âm nhạc, tháng 11/1975. Họa Mi đứng ngoài cùng bên phải, bên cạnh đó còn có Thanh Phong, Phương Đại, Thanh Tuyền, Phương Hồng Ngọc…
Những hình ảnh trong đoàn kịch nói Kim Cương. Hình bên trên còn có sự xuất hiện của Thái Châu, Phương Đại.
Một số hình ảnh Họa Mi tham gia diễn xuất trong một cuốn phim:
Năm 1988, một đoàn văn nghệ của Sài Gòn được lưu diễn ở Pháp, và Họa Mi cũng có tên trong đoàn. Nhân dịp này, Họa Mi quyết định trốn ở lại Pháp, không về nước cùng đoàn. Vì việc này mà Họa Mi đã chịu rất nhiều lời dị nghị ở trong nước, nói rằng cô bỏ quê hương, bỏ người chồng với đôi mắt gần như mù lòa và 3 người con nhỏ dại. Ở bên Pháp, Họa Mi có lý do để làm như vậy nhưng không thể tự thanh minh cho mình. Cô muốn ở lại Pháp để tìm cơ hội đưa chồng sang cùng, hy vọng nền y khoa tiên tiến của phương Tây có thể chữa khỏi bệnh mắt của người chồng đang dần trở nên trầm trọng.
Lúc đó câu chuyện thương cảm của Họa Mi xuất hiện trên các báo Việt ngữ tại Pháp, nhạc sĩ Lam Phương – lúc đó cũng đang ở Pháp – đã đọc được chuyện đời của cô, và mặc dù chưa gặp mặt, nhưng nhạc sĩ đã viết tặng cho Họa Mi ca khúc Em Đi Rồi dựa theo câu chuyện đời của cô, rồi gửi đến cho trung tâm Thuý Nga. Sau đó trung tâm Thuý Nga liên lạc với chính Họa Mi để đưa cô hát bài này trong lần hợp tác đầu tiên năm 1988 (Paris By Night số 6), với MV được quay trong vườn Luxembourg – Paris.
Cũng tại Pháp, Họa Mi lần đầu được gặp lại thầy Hoàng Thi Thơ sau 13 năm:
Thời gian sau đó, Họa Mi đã làm mọi cách để lo chữa bệnh cho chồng là nghệ sĩ saxophone Lê Tấn Quốc, trong đó có việc cô đã gửi thư đến tận đệ nhất phu nhân Pháp lúc đó là Danielle Mitterrand để kể về hoàn cảnh của mình và mong nhận được sự giúp đỡ. Sự kiên trì của Họa Mi may mắn được hồi đáp, đệ nhất phu nhân đã giúp cô làm thủ tục cho cả gia đình được đoàn tụ tại Pháp, ngoài ra còn giới thiệu các bác sĩ giỏi nhất của Pháp quốc để chữa bệnh cho nghệ sĩ Lê Tấn Quốc.
Họa Mi vui mừng đón cả gia đình sang Pháp, nhưng sau đó lại nhận được tin buồn là những bác sĩ nhãn khoa giỏi nhất của Pháp cũng không thể cứu chữa được cho Lê Tấn Quốc.
Không muốn trở thành gánh nặng của vợ, nghệ sĩ Lê Tấn Quốc đã quay trở lại Việt Nam, để lại vợ và 3 con thơ trên đất Pháp – một cuộc chia ly đầy đau xót.
Thời gian sau đó, Họa Mi cộng tác với trung tâm Thúy Nga, phát hành nhiều CD và tham gia nhiều show diễn.
Những hình ảnh Họa Mi trong các MV thực hiện vào thập niên 1990:
nhacxua.vn biên soạn