Nhạc sĩ Hoàng Trọng tên thật là Hoàng Trung Trọng, sinh năm 1922 tại Hải Dương. Ngay từ năm 16 tuổi, nhạc sĩ Hoàng Trọng đã có sáng tác đầu tay, vào thời điểm tân nhạc vẫn đang thời kỳ phôi thai. Ông đã tạo dựng được tên tuổi ở miền Bắc trước khi di cư vào Nam năm 1954 và tham gia sinh hoạt văn nghệ sôi nổi tại đây trong suốt thời kỳ hoàng kim của tân nhạc.
Trong sự nghiệp âm nhạc lừng lẫy của mình, nhạc sĩ Hoàng Trọng đã sáng tác nhiều ca khúc tango nổi tiếng và được gọi là “Vua Tango”.
Là một nhạc sĩ sáng tác nhiều bài tình ca, cuộc đời của Hoàng Trọng cũng có thấp thoáng những người tình đi qua trong đời. Ngoài 2 người vợ chính thức, nhạc sĩ Hoàng Trọng cũng có thời gian gắn bó với danh ca Tâm Vấn, và nữ thi sĩ Vĩnh Phúc (người viết lời cho những bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Trọng là Ngàn Thu Áo Tím và Cánh Hoa Yêu).
Năm 1945, ở tuổi 23, nhạc sĩ Hoàng Trọng lập gia đình với người vợ đầu và có 3 người con đều mang tên nốt nhạc là Hoàng Nhạc Đô, Hoàng Cung Fa, Hoàng Bạch La, trong đó người con trai trưởng Hoàng Nhạc Đô sau này cũng là nhạc sĩ nổi tiếng với ca khúc Dù Tình Yêu Đã Mất.
Nhạc sĩ Hoàng Nhạc Đô kể lại rằng mẹ của ông (vợ đầu của nhạc sĩ Hoàng Trọng) thời trẻ rất xinh đẹp, sinh ra trong gia đình giàu có ở Nam Định. Khi tìm hiểu nhạc sĩ Hoàng Trọng, gia đình bà phản đối. Nhưng vì tình yêu, cả hai vẫn quyết định đến với nhau và có 3 người con. Tuy nhiên trong cuộc sống hàng ngày, vợ nhạc sĩ Hoàng Trọng là một người hay ghen, luôn nghĩ rằng chồng có người khác.
Đỉnh điểm của những cơn ghen là khi con gái út tên Bạch La mới chỉ được 3 tháng tuổi, người vợ của Hoàng Trọng quyết định chia tay và bỏ đi, để lại chồng một mình với ba con nhỏ dại. Nhạc sĩ Hoàng Nhạc Đô kể lại:
“Ngày đó tôi còn bé không biết gì. Cha tôi đau khổ lắm đành gửi hai em tôi về nhà nội, còn tôi được gửi vào trường giáo dục, mỗi thứ 7 cha lại vào trường thăm. Mẹ tôi từng đến thăm một vài lần nhưng sau không đến nữa. Sau này, cứ ai hỏi về mẹ thì cha tôi đều bảo mẹ đã không còn, nhưng tôi biết mẹ còn sống”.
Một trong những nguyên nhân khiến vợ nhạc sĩ Hoàng Trọng ghen tuông, đó là câu chuyện mà dư luận thường đồn thổi giữa nhạc sĩ và danh ca Tâm Vấn – một trong những nữ ca sĩ nổi tiếng nhất của tân nhạc thập niên 1940-1950.
Khi Tâm Vấn lập gia đình với nhà báo Thanh Nghị vào khoảng giữa thập niên 1950, nhạc sĩ Hoàng Trọng đã sáng tác Tiễn Bước Sang Ngang thể hiện nỗi ngậm ngùi. Tuy nhiên mối quan hệ giữa Tâm Vấn và Hoàng Trọng vẫn chỉ là sự đồn đại.
Click để nghe ca khúc Tiễn Bước Sang Ngang thu âm trước 1975
Khi có người con đầu lòng, danh ca Tâm Vấn đặt tên là Hoàng Trọng Thụy, càng làm cho người ta nghi ngờ về sự “vương vấn tình xưa”. Tuy nhiên ít người biết rằng chồng của Tâm Vấn tên thật là Hoàng Trọng Quy, vô tình gần giống với nhạc sĩ Hoàng Trọng, nên người con của họ đặt tên Hoàng Trọng Thụy cũng là điều bình thường.
Sau khi vợ ghen tuông và bỏ đi, nhạc sĩ Hoàng Trọng buồn và đau khổ, một thời gian dài không lấy vợ mới. Theo lời Hoàng Nhạc Đô, cha của ông muốn chứng tỏ cho vợ biết rằng những gì bà nghĩ về ông là sai: “Xưa mẹ tôi ghen nghĩ rằng cha có người khác, thế nên khi bà đi rồi, ông quyết tâm ở vậy để chứng tỏ những gì bà nói là sai”.
Thời gian sau đó nhạc sĩ Hoàng Trọng có người bạn tri kỷ trong âm nhạc là nữ thi sĩ Vĩnh Phúc, lâu nay vẫn bị nhầm lẫn là nam giới. Nhạc sĩ Hoàng Nhạc Đô kể lại:
“Cô Vĩnh Phúc làm thơ rất hay, cô không lãng mạn mà rất chững chạc. Có lần em út tôi là Bạch La nghi ngờ cô có tình cảm với cha khi thấy ông phổ hơn 20 bài thơ của cô và trên bản nhạc nào cũng ký tên. Trong một lần, khi cha tôi ướm thử hỏi Bạch La về việc ông muốn lấy vợ mới, Bạch La ngay lập tức phản đối, bảo cha có 3 đứa con là đủ rồi, không muốn có ai về nhà nữa. Từ đó, ông không còn ý định tái hôn, mối quan hệ của ông với Bạch La cũng không còn gần gũi. Đặc biệt, sợ con gái phản đối, ông cũng không còn phổ thơ của cô Vĩnh Phúc nữa”.
Cho đến tận sau năm 1975, khi con gái út Bạch La đã trưởng thành, có thể hiểu được nỗi khổ cô đơn của cha khi về già, nhạc sĩ Hoàng Trọng mới được con cái động viên đi bước nữa. Người vợ hai của Hoàng Trọng có tên Thu Tâm, ít tuổi hơn cả con gái út.
Từ thuở nhỏ Thu Tâm cũng có đi hát, thời điểm năm 1975 cô là sinh viên trường đại học Văn Khoa.
Hè năm 1977, Thu Tâm đàn violon cho ban nhạc thuộc công ty du lịch của thành phố, tại đây cô gặp nhạc sĩ Hoàng Trọng, cũng chơi nhạc và soạn hòa âm cho ban nhạc tại đây.
Sau đó, dù đi đàn cho ban nhạc khác nhưng Thu Tâm vẫn thường đến thăm nhạc sĩ Hoàng Trọng để trao đổi về âm nhạc, hoặc nhờ ông giúp đỡ, hướng dẫn thêm về nhạc.
Có một lần Thu Tâm đến thăm Hoàng Trọng và được biết ông vừa bị ngất xỉu hôn mê mấy ngày trước vì bệnh tiểu đường. Ông phải ăn uống kiêng khem và bắt đầu hành trình chữa bệnh, từ đó Thu Tâm thường bên cạnh để giúp đỡ.
Gần nhau và chăm sóc nhau trong một thời gian, họ nảy sinh tình cảm. Thu Tâm kể lại trong một bài viết:
“Nhạc sĩ Hoàng Trọng nói năng rất thận trọng, ăn mặc dễ dãi, không phê bình chỉ trích người khác, thích cầu tiến, tự học, tự tra cứu sách vở rất nhiều.
Bề ngoài trông lạnh lùng, đạo mạo nhưng tâm hồn rất trẻ trung, chắt chiu gìn giữ nhiều kỷ niệm của những người thân quen. Có lúc Thu Tâm hoài nghi về chuyện tình cảm không bình thường này thì anh tâm sự là anh tin chuyện mình sẽ thành ngay từ khi có dịp nắm bàn tay Thu Tâm lần đầu tiên.
Và niềm tin yêu của Hoàng Trọng đã biến thành sự thật, Thu Tâm cũng tin tưởng vào niềm tin yêu đó. Tuy tuổi tác rất chênh lệch nhưng hai tâm hồn rất hợp nhau qua âm nhạc, qua mơ mộng… cũng như qua những đức tính cơ bản của con người là lòng chân thật và sự ân cần đến người khác…”
Hoàng Trọng và Thu Tâm về chung một nhà và có người con Thiên Út năm 1980, sau đó là Kim Mi năm 1983.
Năm 1992, gia đình Hoàng Trọng – Thu Tâm định cư ở Hoa Kỳ. Tại đây cô con gái út Kim Mi tốt nghiệp University Califonia Davis về Piano và Bio-Chem, vừa đi học vừa dạy đàn piano tại nhà, sau đó còn theo học ngành Dược. Tại đây, nhạc sĩ Hoàng Trọng được trở lại làm việc về nhạc, cộng tác với Như Hảo trong chương trình phát thanh Hương Xưa ở San José, Thu Tâm hát cho phần bè phụ do Hoàng Trọng viết hòa âm.
Những năm cuối đời, nhạc sĩ Hoàng Trọng vẫn miệt mài làm việc, trước khi qua đời ngày 16 tháng 7 năm 1998.
Vào năm 2008 tưởng nhớ 10 năm ngày mất nhạc sĩ Hoàng Trọng, người vợ Thu Tâm viết:
“Khi Hoàng Trọng vĩnh biệt cõi trần, Thu Tâm có dịp thu xếp các giấy tờ ngổn ngang trong phòng riêng của anh thì chợt bắt gặp tất cả thư từ và nhũng mẫu giấy nhắn tin của Thu Tâm gắn vào cửa sổ nhà Hoàng Trọng từ những ngày quen biết… Lặng người để nước mắt tuôn trào… kỷ niệm chợt hiện về từ phút giây đầu tiên Thu Tâm bước vào ban nhạc và trông thấy anh mặc chemise trắng dài tay ngồi bên cửa sổ đang viết hòa âm. Tóc muối tiêu lất phất bay, trông như tiên ông đạo cốt… và, sự “liên hệ tình cảm” có vẻ như không có thật mà khó thành sự thật nầy cho nên dạo ấy khi viết thư cho Hoàng Trọng, Thu Tâm thường gọi anh là Tiên Ông và mình là Tiên Cô.
…
“Cảm ơn Hoàng Trọng, cảm ơn tình yêu của anh đến với Thu Tâm từ thuở đôi mươi với bao thăng trầm trong cuộc sống. Cảm ơn Hoàng Trọng đã mang tiếng hát Thu Tâm bay bổng trong vòm trời nghệ thuật, đi xa và Thu Tâm có cảm tưởng là mình “trẻ mãi không già” khi đi bên Hoàng Trọng hay nghĩ đến Hoàng Trọng.”
nhacxua.vn biên soạn
Hình ảnh: Trần Quốc Báo, báo Thế Giới Nghệ Sĩ