Những ca khúc nhạc Lê Uyên Phương rất khác biệt với hầu hết các ca khúc khác của nhạc trữ tình miền Nam. Nếu không kể đến giai điệu thường là dồn dập và ca từ da diết, thì nhạc của Lê Uyên Phương lạ và khác biệt nữa ở chỗ là hầu như chỉ tự viết về chính mình, về duy nhất một cuộc tình si mê nhưng lại khắc khoải, đau thương và nhiều nức nở, rồi được trình bày với một phong cách riêng biệt của chính đôi tình nhân đắm đuối đó.
Nhạc của Lê Uyên Phương không hề có tham vọng lớn lao như là muốn tạo được sự biến chuyển nào đó đến xã hội, không đao to búa lớn muốn xoay vần thời thế, nhạc của Lê Uyên Phương đơn thuần là của tình nhân viết cho tình nhân, hay cụ thể hơn, của “Lê Uyên Phương viết cho Lê Uyên và Phương”.
Có một ý kiến từng nhận xét thật đúng về nhạc của Lê Uyên Phương, nói rằng đó là thứ âm nhạc đầy nắng, gió, sông, suối, sương mù… Âm nhạc rã rời như chính thân xác sau cuộc truy hoan mê mải, chỉ có thể nghe chung với một người tình mê đắm. Âm nhạc đó cần sự thinh lặng của thân xác lẫn tâm hồn. Mà trong đời người, giây phút nào là thinh lặng tuyệt đối hơn khoảnh khắc ấy?
Có một ca khúc có thể xem là mang nhiều đặc tính đó nhất của nhạc sĩ Lê Uyên Phương, đó chính là bài Vũng Lầy Của Chúng Ta.
Ngay cái tên tựa đề của bài hát này cũng thật lạ lẫm và khác biệt. Đôi tình nhân kia phải sống trong vũng lầy và ngày càng vùi sâu trong ngao ngán và ê chề. Họ phải yêu cuồng sống vội như thể không cần biết đến ngày mai nữa.
Sự yêu cuồng sống vội của đôi tình nhân Lê Uyên & Phương không phải với ý nghĩa như hiện nay, mà vì họ lo âu về mai sau. Cuộc tình của họ vừa mới chớm đã mê đắm, nhưng lại gặp nhiều trắc trở ngăn cách. Lúc đó đôi tình nhân phải chịu cảnh mỗi người một nơi, thời gian được ở bên nhau thật ít ỏi vì bị gia đình ngăn cấm. Họ yêu nhau vội vã như là sợ ngày mai sẽ không còn được nhìn thấy nhau nữa.
Bài hát này được viết trong thời điểm mà nhạc sĩ Lê Uyên Phương chỉ được gặp người yêu mỗi tuần một lần, khi ông phải đáp xe đò từ Đà Lạt về Sài Gòn thăm người yêu, rồi sau đó lại lên xe quay ngược về Đà Lạt để kịp ngày đi dạy học.
Theo em xuống phố trưa nay
đang còn ngất ngất cơn say
Theo em bước xuống cơn đau,
bên ngoài nắng đã lên mau
Cho nhau hết cả mê say,
cho nhau hết cả chua cay
Cho nhau chất hết thơ ngây,
Trên cánh môi say, trên những đôi tay,
trên ngón chân bước về tình buồn, tình buồn
Yêu nhau giữa đám rong rêu,
theo dòng nước cuốn lêu bêu
Đi qua những phố thênh thang
Đi qua với trái tim khan
Đi qua với trái tim khan
Đi qua phố bước lang thang
Phải chăng đó là một sự bế tắc không lối thoát của chuyện tình đắm đuối nhưng vô vọng. Những câu hát này có nhạc và lời quấn vào nhau cũng như đôi tình nhân kia, với những đam mê hòa lẫn với chua cay, những nồng nàn ân ái và những cơn buồn bã ê chề đầy mâu thuẫn đan xen.
Những lo âu về ngày mai, những dự cảm chia ly mơ hồ đã làm cho đôi tình nhân phải vội vã, cùng cho nhau hết tất thảy, để rồi sau đó là bước chân một mình buồn tủi trở về trong nỗi nhớ nhung da diết, trong niềm tiếc nuối rằng cuộc tình cho nhau vẫn là chưa đủ, trái tim vẫn còn khao khát một niềm yêu không thể nào lấp đầy, nên mong ước thêm một ngày mai lại được sánh bước, và rồi sau đó là nhiều ngày mai nữa:
Theo em xuống phố trưa mai
đang còn nhức mỏi đôi vai
Theo em bước xuống cơn đau,
bên ngoài nắng đã lên mau
Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy đã viết:
“Lê Uyên Phương thốt lên tiếng nói tuyệt vọng của một thế hệ thanh xuân trong trẻo, muốn được sống để yêu đương trong thanh bình thì lại bế tắc trước thực tại. Họ vùi sâu vào tình yêu mà tìm quên. Họ công khai mong manh, công khai tàn lụi”.
Nếu nhìn rộng ra khỏi sự bế tắc đơn lẻ của chuyện tình Lê Uyên và Phương, thì vũng lầy mà đôi tình nhân này đã gặp phải – theo lời nhạc sĩ Phạm Duy – hình như cũng là vũng lầy chung của cả một thế hệ tuổi trẻ sinh ra và sống giữa chiến cuộc dài, cuộc sống mong manh như cây cỏ, nên tình yêu cũng quá mong manh, và những chàng trai cô gái năm xưa như là phải sống trong vũng lầy thế hệ, không thể vượt thoát khỏi được những “cơn mê” để tự do yêu đương mà không bị những âu lo buồn bã thường trực.
Qua đi, qua đi dứt cơn mê
Tình buồn chồng chất lê thê
Qua đi, qua đi dứt cơn say
Tình này tình rồi thay.
Ta sống trong vũng lầy
Một ngày vùi dần,
còn vùi sâu, còn vùi sâu
Trong ngao ngán không dứt hết cơn, cơn ê chề
Ta sống trong vũng lầy
Một ngày vùi dần, còn vùi sâu, còn vùi sâu
Trong ngao ngán không dứt hết một, một lần đau.
Mời bạn nghe phiên bản thu âm trước 1975 của đôi tình nhân Lê Uyên và Phương sau đây, đặc biệt là giọng hát Lê Uyên trình bày bài này rất nhẹ nhàng, như là hơi thở, như là đã thực sự vừa mệt nhoài vì “theo dòng nước cuốn lêu bêu”. Bên cạnh giọng hát thổn thức, nức nở rất nhẹ đó là phần đệm guitar và hát đệm của chính tác giả Lê Uyên Phương:
Click để nghe Lê Uyên & Phương hát Vũng Lầy Của Chúng Ta thu âm trước 1975
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn