Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, nhạc sĩ Hoàng Nguyên có rất nhiều sáng tác với nhiều đề tài khác nhau. Tuy nhiên sau này, khi nhắc tên Hoàng Nguyên, khán giả lại nhớ nhiều nhất đến những ca khúc viết về Đà Lạt.
Sau Hiệp định Genève, nhạc sĩ Hoàng Nguyên lên Đà Lạt làm thầy giáo, dạy môn nhạc và Việt văn. Những năm sinh sống tại đây, nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã ca ngợi cái đẹp thơ mộng lãng mạn của Đà Lạt bằng các ca khúc nổi tiếng Đà Lạt Mưa Bay, Ai Lên Xứ Hoa Đào và Bài Thơ Hoa Đào.
Đà Lạt mệnh danh thành phố ngàn hoa, nơi đó có nhiều loài hoa chỉ thích hợp với khí hậu lành lạnh cao nguyên. Giữa khung trời ngàn hoa, có loài hoa được viết thành nhiều ca khúc: Hoa Anh Đào. Loài hoa này trở thành hình ảnh quen thuộc, tiêu biểu, gợi tình, gợi nhớ cho phố núi mù sương, thơ mộng được vang vọng cho cả bốn mùa nhờ dòng nhạc của nhạc sĩ Hoàng Nguyên.
Nói đến Hoàng Nguyên, mọi người đều liên tưởng đến hai nhạc phẩm một thời yêu thương, vang bóng: Ai Lên Xứ Hoa Đào – Bài Thơ Hoa Đào. Và ngược lại, nói đến Đà Lạt cùng Hoa Anh Đào, chúng ta nhớ đến Hoàng Nguyên.
Lãng đãng, mờ ảo với khói sương, với màu hoa, với mây trời… giữa chốn trần tục được thăng hoa qua lời ca tiếng nhạc, như lạc bước vào chốn bồng lai. Ai Lên Xứ Hoa Đào cũng đều sẽ bắt gặp hình ảnh:
“Ai lên xứ Hoa Đào, dừng chân bước lần theo đường hoa.
Hoa bay đến muôn người, ngại ngần rồi hoa theo chân ai,
Đường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa,
Lâng lâng trong sương khói rồi bàng hoàng theo khói sương,
Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa, lặng bước trong lãng quên…”
Click để nghe Lệ Thu hát Ai Lên Xứ Hoa Đào
Với tâm hồn lữ khách mộng mơ, trữ tình… ru hồn vào cõi mộng cùng bóng dáng giai nhân như tơ vương mây trời giăng mắc trong Bài Thơ Hoa Đào:
“Ngày nào dừng chân phiêu lãng, khách tới đây khi hoa đào vương lối đi.
Màu hoa in dáng trời, tình hoa lưu luyến người,
Bồi hồi lòng lữ khách thấy cơi vơi…
…Giấc mơ tiên nữ giáng xuống trần
Tóc mây buông lơi tha thiết bên hồ.
Đợi tình quân đến trong giấc mơ…”.
Click để nghe Thanh Lan hát Bài Thơ Hoa Đào
Ngoài 2 ca khúc Hoa Đào, nhạc sĩ Hoàng Nguyên còn một ca khúc nổi tiếng viết về miền đất lạnh này, đó là Đà Lạt Mưa Bay:
Người đi rồi hai đứa mình ở lại
Dalat buồn trong nắng vắng chiều hôm
Sương mù nhiều vãi trên làn tóc rối
Chiếc gối chung đầu mình kể chuyện đêm đêm
Click để nghe Hoàng Oanh hát Đà Lạt Mưa Bay
Nhạc sĩ mà Hoàng Nguyên yêu thích nhất có lẽ là Văn Cao, cũng vì vậy mà trong kệ sách của ông ở tư gia luôn có những tờ nhạc ca khúc Văn Cao được ông lưu giữ, như Thiên Thai, Trương Chi, và cả Tiến Quân Ca. Mang tâm hồn nghệ sĩ, Hoàng Nguyên có năng khiếu về hội họa và âm nhạc giống như Văn Cao.
Với sự ảnh hưởng từ nội dung, nét nhạc trong bài Thiên Thai của Văn Cao cùng sự tích Lưu Thần – Nguyễn Triệu lạc vào chốn thiên thai và không thấy nẻo về, nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã viết Đường Nào Lên Thiên Thai. Ca khúc này cũng được ông viết trong thời gian sống ở Đà Lạt – thành phố mù sương có mây ngàn gió núi, thông reo và suối gọi như tiếng nhạc quyện hồn người khác gì chốn thiên thai:
“Cầm tay em, anh hỏi: đường nào lên thiên thai, đường nào lên thiên thai…
Nơi hoa xuân không hề tàn
Nơi bướm xuân không hề nhạt
Nơi tình xuân không úa màu bao giờ…”
Rồi nơi đó, tâm trạng, niềm khắc khoải, ưu tư được tỏ bày:
“Anh nào biết đường lên thiên thai!
Khi trời đất còn vương thương đau
Khi hồn anh chưa biết sẽ về đâu?
Anh nào biết đường lên thiên thai
Khi lòng còn như băng buốt giá
Và tình còn e ấp nói không nên lời…”
Click để nghe Thanh Thúy hát Đường Nào Lên Thiên Thai
Nhưng cũng vì niềm mến mộ Văn Cao – nhạc sĩ đang ở bên kia vĩ tuyến, là người sáng tác bài Tiến Quân Ca, nên Hoàng Nguyên bị vướng vào lao lý, từ đó cuộc đời của ông rẽ sang một hướng khác, phải rời chốn Đà Lạt bình yên để phiêu dạt khắp chốn.
Năm 1957, chính quyền Đà Lạt có cuộc thanh lọc công chức, nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã có giai đoạn tham gia kháng chiến trong giai đoạn 1948-1950 ở Nghệ An nên nằm trong diện bị điều tra. Cảnh sát khám xét bất ngờ và phát hiện tại nhà của Hoàng Nguyên có bản nhạc Tiến Quân Ca của nhạc sĩ Văn Cao nên ông bị bắt. Khi đó hầu hết các tù nhân chính trị đều bị đày ra Côn Đảo thuộc tỉnh Côn Sơn.
Tại đây, sự tài hoa của nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã được chỉ huy trại tù Côn Đảo mến mộ và đưa về tư gia để dạy nhạc và Việt văn cho con gái 19 tuổi. Những tháng ngày gần gũi nhau đã làm bùng phát cuộc mối tình mãnh liệt, không lâu sau đó thì cô gái mang thai.
Việc “ăn cơm trước kẻng” với một phạm nhân của vị tiểu thư này, nếu để người ngoài biết được thì sẽ trở thành tai tiếng lớn cho gia đình, nên cha cô gái phải đứng ra giải quyết hậu quả. Đầu tiên ông vận động để Hoàng Nguyên được thả về Sài Gòn, sau đó đưa con gái về lại quê ở Huế để “lánh nạn”, chờ ngày sinh con xong để sắp xếp một cuộc hôn nhân. Tuy nhiên sau đó, có thể vì vẫn còn hoài nghi về thân phận “cộng sản” của nhạc sĩ Hoàng Nguyên, phần thì không chấp nhận cuộc tình thầy trò vượt quá giới hạn, nên cha của cô gái đã sắp xếp một cuộc hôn nhân khác cho con mình.
Nhạc sĩ Hoàng Nguyên biết tin cô gái lấy chồng, thân phận bẽ bàng, ông viết khúc Cho Người Tình Lỡ để tưởng niệm một mối tình buồn.
Khóc mà chi, yêu thương qua rồi
Than mà chi, có ngăn được xót xa
Tiếc mà chi, những phút bên người
Thương mà chi, nhắc chi chuyện đã qua
Click để nghe Dạ Hương hát Cho Người Tình Lỡ
Tại Sài Gòn, Hoàng Nguyên vừa sáng tác vừa dạy học ở trường tư thục Quốc Anh. Năm 1961, ông theo học tại Đại học Sư Phạm Sài Gòn, ban Anh văn. Trong thời gian này Hoàng Nguyên có quen biết và nhận được sự bảo bọc của ông Phạm Ngọc Thìn, thị trưởng thành phố Phan Thiết, có tư thất ở Sài Gòn. Vợ của ông Phạm Ngọc Thìn là nữ diễn viên Huỳnh Khanh, mến mộ tài năng của Hoàng Nguyên qua những bài hát nổi tiếng, đã nhận ông làm em nuôi. Hoàng Nguyên dạy kèm cho Ngọc Thuận, con gái ông bà Phạm Ngọc Thìn đang học ở Sài Gòn. Lại thêm một lần nữa thầy trò yêu nhau, rồi Hoàng Nguyên trở thành con rể ông bà Phạm Ngọc Thìn. Ca khúc Thuở Ấy Yêu Nhau ra đời trong khoảng thời gian này:
“Thuở ấy yêu nhau anh làm thơ
Thuở ấy yêu nhau em đợi chờ,
Dòng nước Hương Giang trôi lặng lờ
Chưa biết chi giận hờn và chưa biết sầu mộng mơ…
…Và người lên xe hoa
Từ giã bến sông dài!
Để đến hôm nay tôi ngồi đây
Lặng ngắm hoa soan rơi rụng đầy. Người ơi, thơ ngây đã lỡ rồi
Khi ta xa nhau rồi, tôi xin chép lại vần thơ”.
Click để nghe Thái Thanh hát Thuở Ấy Yêu Nhau
Ca khúc bày tỏ nỗi niềm của chàng nhạc sĩ với người con gái đã có đứa con với mình ở Côn Sơn, được gia đình đưa về sinh sống ở Huế. Ông viết tiếp Tà Áo Tím, làm sống dậy hình ảnh yêu kiều, thướt tha của chốn thần kinh bên dòng sông Hương, núi Ngự:
“Một chiều lang thang bên dòng Hương Giang
Tôi gặp một tà áo tím
Nhẹ thấp thoáng trong nắng hương
Màu áo tím sao luyến thương
Màu áo tím sao vấn vương…
…Mặc thời gian dìu đôi cánh biếc
Mặc dòng sông dịu nghiêng luyến tiếc
Mặc chiều thu buồn như hối tiếc…
Click để nghe Carol Kim hát Tà Áo Tím
Niềm cay đắng, bi thương của ngày xưa cũ vẫn theo hoài khôn nguôi, về thấp thoáng trong tình khúc Đừng Trách Gì Nhau:
“Ôi! trời làm giông tố,
Để người thầm trách người sao hững hờ khôn nguôi.
Ôi! nửa đời gió sương
Mà còn đắng cay, mà còn chua xót vì nhau…
…Oán trách nhau chi, bơ vơ nhiều rồi, xót xa nhiều rồi”.
Click để nghe Dạ Hương hát Đừng Trách Gì Nhau
Khi đã khoác chiēn y, Hoàng Nguyên sáng tác nhiều nhạc phẩm về hình ảnh người chiến sĩ, tình ca Lá Rụng Ven Sông là một trong những bản tango hay nhất vào thập niên 1960 và 70:
“Thương ai ngoài sương gió
Đời lính chiến gian lao
Đêm đêm nhìn tay súng
Lòng nghĩ tới mai sau
Thương ai vì sông núi
Mà khoác áo chinh y
Thương ai vẫn thương ai.
Thương ai, đã thương ai rồi
Dù tháng năm dần trôi
Dù lá hoa tàn phai
Lòng nầy vẫn nhớ thương ai…”
Click để nghe Thanh Thúy hát Lá Rụng Ven Sông
Năm 1970, chính phủ ban hành chính sách Người Cày Có Ruộng nhằm mục đích đưa ruộng đất trở về cho người nông dân sở hữu, cấp miễn phí 1,5 triệu hecta ruộng lúa cho 80 vạn hộ nông dân. Nhân đó, nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã viết Tiếng Hát Đêm có nhắc về chính sách này:
“Hò ơi, đất ruộng lại về ta
Miền Nam nắng ngập xanh rờn ngọn má
Nơi đây ta lại cấy cày
Có sức người, ruộng ta lại tốt tươi…”
Click để nghe Hoàng Oanh hát Tiếng Hai Đêm
nhacxua.vn biên soạn