ADVERTISEMENT
Nhạc Xưa
  • Trang Chủ
  • Nhạc Xưa
  • Cảm xúc âm nhạc
  • Xuất xứ bài hát
No Result
View All Result
Nhạc Xưa
No Result
View All Result
Home Bài viết Cảm xúc âm nhạc

Ý nghĩa của bài hát “Hàn Mặc Tử” (nhạc sĩ Trần Thiện Thanh) – “Nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa…”

2020/11/11
in Cảm xúc âm nhạc
Ý nghĩa của bài hát “Hàn Mặc Tử” (nhạc sĩ Trần Thiện Thanh) – “Nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa…”

Hàn Mặc Tử là một nhà thơ nổi tiếng từ suốt những năm cuối thập niên 30 của thế kỷ trước. Rất nhiều người yêu thơ của Hàn thi sĩ, nhưng nhiều người cũng cảm thấy “rợn” khi đọc những vần thơ đau thương, “điên loạn” của ông. Nhưng với ca khúc nhạc vàng mang tên Hàn Mặc Tử, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh dường như đặt cả tấm lòng trân quý của mình dành cho chàng thi sĩ tài hoa mà bạc mệnh. Bằng những câu hát nỉ non, da diết, thấu tận đáy lòng và điệu bolero ngọt ngào, thắm thiết, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã hoàn thành xuất sắc vai trò của một người kể chuyện mang chất giọng truyền cảm, lột tả chân thực những cung bậc cảm xúc phức tạp của chàng thi sĩ trong mối tình đứt đoạn với nàng Mộng Cầm.

Năm 1961, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết ca khúc “Hàn Mặc Tử” như một mối duyên đặc biệt. Trần Thiện Thanh sinh năm 1942, hai năm sau ngày mất của Hàn Mặc Tử (1940), tại chính Phan Thiết. Vùng đất là minh chứng cho mối tình đau thương, sâu nặng của Hàn Mặc Tử với nàng Mộng Cầm.


Click để nghe chính tác giả Nhật Trường hát bài Hàn Mặc Tử

Mở đầu ca khúc là những câu hát ngâm từ ý thơ của Hàn Mặc Tử:

Ai mua trăng, tôi bán trăng cho
Trăng nằm im trên cành liễu đợi chờ
Ai mua trăng, tôi bán trăng cho
Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò.

Về ý tứ và ngôn từ của những câu hát này, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh hầu như giữ lại y nguyên theo bản gốc của thi sĩ Hàn Mặc Tử, không thay đổi gì nhiều. Đó là những câu thơ trong bài Trăng Vàng, Trăng Ngọc và bài Bẽn lẽn:

Xem bài khác

Ca khúc Kiếp Dã Tràng của nhạc sĩ Từ Công Phụng – Khi chuyện tình giống như loài dã tràng xe cát

Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa của bài hát “Nếu Một Mai Em Sẽ Qua Đời” (nhạc sĩ Phạm Duy)

Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò…
(Bài Trăng Vàng, Trăng Ngọc)

Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
(Bài Bẽn Lẽn)

Có thể nói phải có đến 70% các bài thơ của Hàn Mặc Tử nhắc đến trăng, và trong thi ca từ cổ chí kim, chẳng ai yêu trăng nhiều như Hàn, yêu sâu đậm nhưng vẫn muốn “bán trăng đi”. Giải thích về điều này, nhiều người cho rằng, ánh trăng gây ra những tác động sinh học đặc biệt lên đầu óc và cả thân thể của những người bệnh phong. Nên với Hàn, trăng là một cáigì đó vô cùng đặc biệt, nhưng cũng đầy mẫu thuẫn.

Trăng giống như một nàng thơ không bao giờ phụ bạc, dịu dàng, đầy tính nữ:

Bóng Hằng trong chén nằm nghiêng
Lả lơi, tắm mát, làm duyên gợi tình
Sóng xao mặt nước rung rinh
Lòng ta khát miếng chung tình từ lâu (Bài Uống Trăng)

Thỉnh thoảng, chàng thi sĩ nổi tiếng là hiền lành này lại viết những dòng thơ trăng đầy táo bạo và gợi tình:

Trăng nằm sóng soải trên cành liễu

Đợi gió đông về để lả lơi

Hoa lá ngây tình không muốn động

Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi

Trong khóm vi vu rào rạt mãi

Tiếng lòng ai nói? Sao im đi?

Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm

Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe

(Bài Bẽn Lẽn)

Ánh sáng huyền hoặc của những đêm trăng tròn thường khiến nhiều người trằn trọc, mất ngủ. Thi sĩ họ Hàn có lẽ cũng vậy, trong những đêm trăng mệt lả vì thao thức, những cơn đau vò xé thân thể trở nên cuồng nộ hơn, những vết thương trong tâm hồn bị xé toạc ra, phơi bày ra:

Tối nay trăng ở khắp phương
Thảy đều nao nức khóc nường vu qui

Say! Say lảo đảo cả trời thơ
Gió rít tầng cao trăng ngả ngửa
Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô
Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy
Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra.

(Bài Say Trăng)

Vì vậy mà thi sĩ mới đòi “bán trăng” đi. Nhưng chỉ bán nàng trăng lả lơi, trêu ngươi, nằm chờ trên cành liễu. Chứ nhất định không bán “tình duyên ước hẹn hò”.

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã rất khéo léo, am tường khi chọn những câu hát này để hoạ nên bức chân dung Hàn Mặc Tử nhiều đau thương nhưng nhất mực si tình, chung thuỷ. Xin hãy nghe tiếp câu chuyện kể của nhạc sĩ qua bài hát:

Đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa
Lầu ông Hoàng đó thuở nào chân Hàn Mặc Tử đã qua
Ánh trăng treo nghiêng nghiêng, bờ cát dài thêm hoang vắng
Tiếng chim kêu đau thương, như nức nở dưới trời sương
Lá rơi rơi đâu đây sao cứ ngỡ bước chân người tìm về giữa đêm buồn

Bạn bè của Hàn Mặc Tử đương thời, trong đó có nhà thơ Bích Khê (cậu ruột của Mộng Cầm) kể lại rằng, trong suốt gần hai năm yêu nhau, cứ mỗi thứ bảy thì Hàn Mặc Tử lại bắt tàu từ Sài Gòn về Phan Thiết thăm Mộng Cầm. Hai người đưa nhau đi thăm thú khắp những danh lam thắng cảnh của Phan Thiết, trong đó có địa danh Lầu Ông Hoàng.

Lầu Ông Hoàng từ sau 1945 đã bị đánh sập trong ly loạn, tàn tích còn lại đến ngày nay chỉ là một cái nền cao trơ trọi. Nhưng vào thời điểm Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm hẹn hò, Lầu Ông Hoàng là một dinh thự tráng lệ, nằm trên một ngọn đồi cao, hướng ra biển và được bao bọc bởi một khuôn viên cây xanh rộng lớn và xinh đẹp. Dinh thự ban đầu do một công tước người Pháp xây dựng (năm 1911) để nghỉ hè. Đến năm 1917, cơ ngơi này bị đổi chủ và trở thành khách sạn cho du khách thuê nghỉ dưỡng. Sau này, vua Bảo Đại mua lại làm dinh thự riêng để ở mỗi khi ghé Phan Thiết nên dân gian gọi là Lầu Ông Hoàng. Vào những đêm trăng sáng, những đôi tình nhân thường đưa nhau tới đây hò hẹn, ngắm trăng, ngắm cảnh. Vậy nên, nơi đây vô tình trở thành chứng nhân cho rất nhiều những cuộc tình trai gái.

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, người con của xứ sở Phan Thiết có lẽ cũng không ít lần rải bước lên dốc đá, thăm thú những dấu tích còn sót lại, nay đã điêu tàn và hoang lạnh. Hẳn ông cũng không ít lần thở dài, xót xa cho mối duyên tình đứt đoạn của chàng thi sĩ bạc mệnh năm xưa, tiếc cảnh và cả tiếc người.

Câu hát “Tiếng chim kêu đau thương, như nức nở dưới trời sương” phải chăng chính là cánh chim Phượng Hoàng si dại trong bài thơ “Phan Thiết, Phan Thiết” của Hàn Mặc Tử. Bài thơ viết về một mối tình tuyệt vọng, tang thương của chú chim Phượng Hoàng dũng mãnh. Khi Phượng Hoàng mải mê bay lượn, rong chơi chốn trần gian, đã phải lòng một cô gái, nhưng chim và người không thể kết duyên. Vì vậy mà Phượng Hoàng quyết trở về trời tu luyện để thành người.

Sau nhiều năm tu thành chánh quả, Phượng Hoàng trở thành một “người thơ” phong vận, hào hoa mà nhiều cô gái mơ ước. Chàng trở lại Lầu Ông Hoàng để tìm người xưa, nhưng cô gái đã chếƭ từ “muôn trăng thế kỷ”:

Nhớ khi xưa ta là chim Phượng Hoàng
Vỗ cánh bay chín tầng trời cao ngất
….

Ta đắm mê trong ánh sáng trần duyên
Và van lạy xin cô nường kết ngãi
Mỉa mai thay cho phượng hoàng si dại
Là ta đây đương ở kiếp muôn chim

Trở lại trời tu luyện với muôn đêm
Hớp tinh khí lâu năm thành chánh quả
…

Ta la thang tìm tới chốn Lầu Trăng
Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang
Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết
Ôi trời ôi! là Phan Thiết! Phan Thiết (Bài Phan Thiết, Phan Thiết)

Vậy nên nghe tiếng chim kêu, tiếng lá rơi cũng ngỡ như người xưa đang tìm về, đang kể lể, than khóc cho mối duyên tình dang dở:

Đường lên dốc đá nhớ xưa hai người đã một lần đến
Tình yêu vừa chớm xót xa cho chàng cuộc sống phế nhân
Tiếc thay cho thân trai, một nửa đời chưa qua hết
Trách thay cho tơ duyên chưa thắm nồng đã vội tan
Hồn ngất ngư điên cuồng cho trời đất cũng tang thương, mà khổ đau niềm riêng.

Người kể chuyện Trần Thiện Thanh dường như cũng bị chìm trôi trong nỗi bi thương của chàng thi sĩ Hàn Mặc Tử năm xưa. Như một dòng suối cuồn cuộn chảy, những cảm xúc xót xa, tiếc thương, trách giận tràn về, ào ạt, tuôn lên dày đặc trên từng câu chữ. Vượt qua dòng cảm xúc ngất ngư, cuồng nộ cùng Hàn Mặc Tử, nhạc sĩ kể tiếp:

Hàn Mặc Tử xuôi về quê cũ, dấu thân nơi nhà hoang
Mộng Cầm hỡi thôi đừng thương tiếc, tủi cho nhau mà thôi
Tình đã lỡ xin một câu hứa, kiếp sau ta trọn đôi
Còn gì nữa thân tàn xin để một mình mình đơn côi

Tìm vào cô đơn đất Qui Nhơn gầy đón chân chàng đến
Người xưa nào bíêt, chốn xưa ngập đường pháo cưới kết hoa
Chốn hoang liêu tiêu sơ Hàn âm thầm nghe trăng vỡ…

Người thân của Hàn Mặc Tử kể lại rằng, khi biết mình mắc bệnh nan y, Hàn Mặc Tử trong cơn tuyệt vọng đã cắt đứt mọi liên lạc với bạn bè và cả người yêu Mộng Cầm. Chỉ 6 tháng sau đó, Mộng Cầm lên xe hoa. Tin tức đưa đến Hàn Mặc Tử như một nhát dao chí mạng khứa vào trái tim chàng thi sĩ đau yếu vì bệnh tật. Giận người yêu phụ bạc, đau đớn cho hoàn cảnh bi đát của bản thân, Hàn Mặc Tử có lúc đã đòi “giếƭ người trong mộng”:

“Làm sao giếƭ được người trong mộng
Để trả thù duyên kiếp phũ phàng” (Bài Lang Thang)

Người em trai Nguyễn Bá Tín của Hàn Mặc Tử kể lại là dù vẫn còn rất yêu Mộng Cầm, nhưng khi nàng đến thăm, Hàn Mặc Tử luôn tỏ ra lạnh lùng, xa cách. Trong cuốn Dang Dở Thi Tập, Nguyễn Bá Tín kể: “Buổi hội kiến giữa HMT & MC tại số 20 đường Khải Định năm 1936 thật đơn giản và ngắn ngủi… hình như để cổi ước cho nhau. Anh Trí ngồi khoanh tay nhìn như người ngoại cuộc”. Sau này, có vài lần Mộng Cầm tới thăm Hàn Mặc Tử tại Qui Nhơn nhưng ông hầu như không tiếp hoặc tiếp rất lạnh nhạt.

Vậy nên khi Trần Thiện Thanh viết: “Mộng Cầm hỡi thôi đừng thương tiếc, tủi cho nhau mà thôi”, ông chắc rằng đã rất đồng cảm với chàng thi sĩ họ Hàn, không muốn nhận một chút thương xót, thương hại gì từ người mình yêu. Đừng thương tiếc, đừng thăm viếng hãy để thi sĩ ôm nỗi cô đơn, đau thương một mình, chỉ cần nàng giữ lại bóng dáng chàng trong tim và hãy hứa “kiếp sau ta trọn đôi”. Trong thơ của mình, Hàn Mặc Tử cũng nhiều lần khẳng định tình ý sâu nặng này:

Dẫu đau đớn vì lời phụ rẫy
Nhưng mà ta không lấy làm điều
Trăm năm vẫn một lòng yêu
Và còn yêu nữa rất nhiều em ơi (Muôn Năm Sầu Thảm)

Khi bệnh tình trở nặng hơn, phần do bị kỳ thị, phần để tránh phải vào trại phong Quy Hoà, thi sĩ quay về nhà mẹ ở Qui Nhơn, thuê một căn nhà nhỏ lụp xụp, vắng người qua lại ở ven biển Gềnh Ráng và được một người em họ tới lui chăm sóc, cơm nước. Những ngày tháng cuối đời, da thịt Hàn Mặc Tử bị co cứng lại, những ngón tay bị rút cứng khiến ông phải vận hết sức lực mới có thể duỗi tay ra cầm đũa để ăn cơm. Sau 5 tháng vất vưởng ở nhà thuê, tháng 9/1940, trong một cơn đau tưởng như không thể qua khỏi, ông được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện Qui Nhơn, sau đó chuyển vào trại phong Quy Hoà, nơi vốn được xem là “địa ngục trần gian”.

Xót thương thân bơ vơ, cho đến một buổi chiều kia
Trời đất như quay cuồng khi hồn phách vút lên cao
Mặc Tử nay còn đâu?

Ngày 11/11/1940. Hàn Mặc Tử đã “hồn phách vút lên cao” ở trại phong Quy Hoà trong cô độc. Hai ngày sau đó, gia đình ông đem thực phẩm vào tiếp tế cho ông mới hay tin Hàn đã qua đời, chỉ còn nấm mồ hoang lạnh của ông ở đó.

Hàn Mặc Tử được chôn cất dưới chân núi Trứng, với ngôi mộ không có gì đặc biệt so với các bệnh nhân khác: một nấm đất nhỏ như kích cỡ của hàng trăm ngôi mộ khác, xếp theo dãy thứ tự, nằm lặng lẽ trong muôn vàn sự ra đi lặng lẽ của người mắc bệnh phong.

Đến năm 1959, gia đình và bạn bè mới cải táng sang địa điểm mới. Đến năm 1991, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã về nước và quyên góp tiền để xây dựng khu mộ mới như hiện nay – bao gồm cả đài tưởng niệm trên nền mộ cũ của Hàn. Quần thể mộ gồm một khoảng sân, phía chính giữa là đài tưởng niệm có hình tượng một cây bút, cây thánh giá dựng trên cuốn thơ. Những nét uốn lượn của cuốn sách thơ, bệ tượng đài, hình phù điêu bao quanh khu mộ cũng dễ liên tưởng đến hình tượng vầng trăng khi khuyết lúc đầy, vốn luôn thấp thoáng ẩn hiện trong thơ Hàn. Con dốc xinh đẹp, phủ đầy cây cảnh, hoa lá dẫn lên mộ Hàn Mặc Tử được gọi tên là dốc Mộng Cầm.

Câu hát ngắn ngủi “Mặc Tử nay còn đâu?” chầm chậm cất lên vừa như thương tiếc, vừa như bàng hoàng, hụt hẫng. Chốn xưa vẫn còn đó, bóng dáng người xưa tưởng như còn thấp thoáng đâu đây mà thật ra đã đi khuất từ lâu.

Câu chuyện kể đã khép lại, người đã đi tự bao giờ. Nhưng lời oán than từ xa thẳm vẫn như đang còn vọng lại, thê thiết và não lòng:

Trăng vàng ngọc, trăng ân tình chưa phỉ
Ta nhìn trăng, khôn xiết ngậm ngùi trăng…

Có thể xem Hàn Mặc Tử là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, và không thể nào liệt kê hết số lượng ca sĩ đã hát bài hát này. Tuy nhiên, khi nhắc đến Hàn Mặc Tử của Trần Thiện Thanh, trước tiên người ta nhớ đến giọng hát Trúc Mai:


Click để nghe Trúc Mai hát trước 1975

Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Tags: trần thiện thanh
ShareTweetPin21

Xem bài khác

Ca khúc “Tình Có Như Không” (nhạc sĩ Trần Thiện Thanh) – Bài hát về tình yêu học trò tinh khôi nhưng mong manh và dễ vỡ
Cảm xúc âm nhạc

Ca khúc “Tình Có Như Không” (nhạc sĩ Trần Thiện Thanh) – Bài hát về tình yêu học trò tinh khôi nhưng mong manh và dễ vỡ

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, tức ca sĩ Nhật Trường, từ lâu đã được nhiều người xưng tụng là một...

by admin
July 12, 2021
Nhật Trường – Trần Thiện Thanh và những mối tình trong đời
Bàn Tròn Âm Nhạc

Nhật Trường – Trần Thiện Thanh và những mối tình trong đời

Nhật Trường - Trần Thiện Thanh là một trong những ca sĩ - nhạc sĩ nổi tiếng nhất của làng...

by admin
May 13, 2021
Cuộc đời và sự nghiệp của ca sĩ – nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh (1942-2005)
Bàn Tròn Âm Nhạc

Cuộc đời và sự nghiệp của ca sĩ – nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh (1942-2005)

Trước năm 1975, Nhật Trường - Trần Thiện Thanh là tên tuổi nổi bật của dòng nhạc vàng, đặc biệt...

by admin
May 13, 2021
Sự thật về chuyện tình Trần Thiện Thanh và Minh Hiếu trong ca khúc “Hoa Trinh Nữ”
Bàn Tròn Âm Nhạc

Sự thật về chuyện tình Trần Thiện Thanh và Minh Hiếu trong ca khúc “Hoa Trinh Nữ”

Hầu như không có người yêu nhạc vàng nào mà không biết đến ca khúc Hoa Trinh Nữ của nhạc...

by admin
February 22, 2021
Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh và ca khúc “Khi Người Yêu Tôi Khóc”: Một đêm cúi mặt, để cay đắng rơi thành giọt lệ đời…
Cảm xúc âm nhạc

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh và ca khúc “Khi Người Yêu Tôi Khóc”: Một đêm cúi mặt, để cay đắng rơi thành giọt lệ đời…

Trần Thiện Thanh là một những ca sĩ kiêm nhạc sĩ nổi tiếng nhất của nhạc vàng Việt Nam. Tài...

by admin
February 21, 2021
“Tình yêu thần thoại” trong ca khúc “Lâu Đài Tình Ái” (Trần Thiện Thanh – Mai Trung Tĩnh)
Cảm xúc âm nhạc

“Tình yêu thần thoại” trong ca khúc “Lâu Đài Tình Ái” (Trần Thiện Thanh – Mai Trung Tĩnh)

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh là một trong những nhạc sĩ được yêu thích nhất của dòng nhạc vàng. Trong...

by admin
February 13, 2021
Next Post
Cảm nhận về ca khúc Sầu Lẻ Bóng (Anh Bằng) – “Đời việc gì đến sẽ đến…”

Cảm nhận về ca khúc Sầu Lẻ Bóng (Anh Bằng) - "Đời việc gì đến sẽ đến..."

Leave a Reply Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

NHẠC XƯA 360°

Phim “Em Và Trịnh” và những phân cảnh tái hiện giai thoại trong âm nhạc Trịnh Công Sơn

Những ngày tháng cuối đời của nhạc sĩ Trúc Phương

Theo dấu “tờ nhạc” xưa

Những lần xuất hiện tên của người con gái ở trong nhạc vàng trước 75

Ý nghĩa của bài hát “Nếu Có Yêu Tôi” (Trần Duy Đức – Ngô Tịnh Yên) – “Có nhớ thương tôi thì đến với tôi bây giờ…”

Tiểu sử nhạc sĩ Ưng Lang và hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Mưa Rơi” – Câu chuyện tình buồn của một “vương gia”

TIỂU SỬ BÀI HÁT

Thi khúc và nhạc khúc “Ngậm Ngùi” (Huy Cận – Phạm Duy) – Nỗi đau của người anh trai thương em bằng trái tim của mẹ

Hoàn cảnh sáng tác bài “Thu Ca” (nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương) – Tuyệt phẩm tango kinh điển của nhạc Việt

Hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Biết Đến Bao Giờ” (Lam Phương) – Ta quen nhau bao lâu nhưng tình đã có gì đâu…

Những giai thoại về hoàn cảnh sáng tác các bài nhạc Trịnh Công Sơn

Nhạc sĩ Hoàng Nguyên và những tình khúc bất hủ về Đà Lạt: Ai Lên Xứ Hoa Đào, Bài Thơ Hoa Đào

“Bâng Khuâng Chiều Nội Trú” (Nguyễn Trung Cang) – Ca khúc nói thay nỗi lòng của sinh viên nội trú gần 30 năm trước

CA TỪ TRONG NHẠC XƯA

Ca từ trong nhạc xưa: Bàn tay thon ngón nhỏ, đan tay ‘rắn’ sông hồ

Ca từ trong nhạc xưa: “Trốn phong ba, em làm dâu nhà người”

Ca từ trong nhạc xưa: Cỏ ưu tư muộn phiền lên xám môi…

Ca từ trong nhạc xưa: “Chiều Mưa Biên Giới” là biên giới nào?

Giải thích những ca từ khó hiểu và “bí hiểm” trong các bài nhạc Trịnh Công Sơn

Bài hát Còn Thương Rau Đắng… “coi cỏi đốt đồng…” hay “coi khói đốt đồng…”, “ba vá miếng dừa…” hay “ba vá miểng vùa…”

Tags

anh bằng anh việt thu châu kỳ chế linh duy khánh giao tiên hoài linh hoàng nguyên hoàng oanh hoàng thi thơ hoàng trang hoàng trọng huỳnh anh khánh ly lam phương lê dinh lê thương lê uyên phương lệ thu minh kỳ mạnh phát nguyễn tất nhiên nguyễn văn đông ngân giang ngô thụy miên ngọc lan như quỳnh phạm duy phạm đình chương saigon collection song ngọc thanh sơn thanh thúy thái thanh tiểu sử ca sĩ tiểu sử nhạc sĩ trúc phương trường sa trầm tử thiêng trần thiện thanh trịnh công sơn từ công phụng văn cao vũ thành an y vân
Liên hệ Ban Biên Tập

bbt@nhacxua.vn

DMCA.com Protection Status

No Result
View All Result
  • Trang Chủ
  • Nhạc Xưa
  • Cảm xúc âm nhạc
  • Xuất xứ bài hát

© 2020 NhacXua.VN - Nhạc Xưa Thời Báo.