Có nhiều người thắc mắc về việc biên soạn sách giáo khoa tiểu học ở miền Nam trước năm 1975 là như thế nào. Vấn đề này đã được nhắc tới một cách chi tiết trong cuốn Giáo Dục Phổ Thông Miền Nam (1954-1975) của các tác giả Ngô Minh Oanh – Hồ Sỹ Anh – Nguyễn Ngọc Tài – Nguyễn Thị Phú biên soạn, xin trích lại một số điểm đáng lưu ý về sách giáo khoa tiểu học thời kỳ 1955-1975 như sau:
Đối với giáo dục tiểu học ở miền Nam từ sau năm 1955, dù chương trình giáo dục là thống nhất, nhưng có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau, không chỉ do nhà nước ấn hành (thông qua Bộ Quốc gia Giáo dục) mà còn do nhiều nhà xuất bản tư nhân thực hiện và ấn hành. Tất cả các nhà soạn sách đều phải tuân theo các nguyên tắc căn bản của nền giáo dục là nhân bản, dân tộc và khai phóng, tuân theo các đặc tính cơ bản của giáo dục tiểu học, được in ở đầu chương trình.
Sách giáo khoa được biên soạn theo chủ đề, mỗi chủ đề có những nội dung bài học cụ thể và qua mỗi bài học giáo viên cần rèn luyện để học sinh tiếp xúc với kiến thức thực tế nhiều hơn là những câu chữ từ chương trong sách.
Sách giáo khoa được xem là bộ học liệu để giáo viên phát triển bài dạy theo hướng mở rộng liên hệ các bài học thực tế, từ đó giúp học sinh hiểu bài sâu và vận dụng linh hoạt trong cuộc sống hằng ngày.
Nội dung của các bài học cho mỗi chủ điểm đều hướng tới sự thể hiện 3 nguyên tắc căn bản của nền giáo dục. Không chỉ ở các bài học của các môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Quốc sử… mà các bài học của môn Việt ngữ từ nội dung bài học đến hệ thống từ ngữ, câu hỏi, bài tập đều hướng tới nguyên tác mà chương trình đã nêu. Không ít bài trực tiếp giáo dục niềm tự hào dân tộc, về tình yêu quê hương, khơi nguồn khát vọng vươn tới ngày mai tươi sáng, khơi gợi tình yêu thương chia sẻ.
Ví dụ một bài tập đọc trong sách Việt ngữ: Thương kẻ khó, của tác giả Cao Văn Thái như sau:
Con ơi, chớ có thái-độ lạnh-lùng trước sự nghèo khó, nhất là trước một người mẹ ngửa tay xin miếng cơm cho con. Đứa trẻ đang đói lòng, người mẹ ấy đang xót-xa, sự thờ-ơ của con làm cho họ tủi- nhục nhường nào!
Con hãy bớt ra vài đồng ăn quà để đặt vào tay người già lão không nơi nương-tựa, vào tay người mẹ đói cơm hay vào tay đứa nhỏ bơ-vơ. Kẻ khó thích được trẻ em bố-thí, vì của bố-thí ấy không làm họ tủi-lòng. Của bố-thí của người lớn chỉ là bởi lòng nhân-đạo, nhưng của trẻ mới thật là do lòng thương yêu kẻ khó mà ra. Cho nên đồng tiền của đứa nhỏ đưa ra, tưởng như kèm theo một bàn tay mơn-trớn.
Con nên nghĩ rằng: Con nhờ ơn cha mẹ, chẳng thiếu thứ gì, nhưng họ, họ thiếu-thốn đủ điều. Trong khi con còn có những ước-vọng cao xa, thì họ chỉ mong được bữa no lòng.
[…] Tại sao ta không nên có thái-độ lạnh-lùng trước một người ngửa tay xin miếng cơm cho con? Ta nên bớt vài đồng ăn quà để làm gì? Tại sao kẻ khó thích sự bố-thí của con trẻ? Ta nên cho tiền những người nào? Tìm những từ ngữ có tiếng “nhân” như “nhân đạo”.
Những câu chuyện về những tấm gương anh hùng, như kể chuyện về Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Phạm Ngũ Lão, Trần Quốc Toản…; những tấm gương hiếu học, hiếu thảo… đều có tính giáo dục cao và đều hướng tới triết lý nhân bản, dân tộc, khai phóng.
Giao đoạn 1955-1975, việc xuất bản sách giáo khoc tiểu học bắt đầu phát triển mạnh, do cả Bộ Quốc gia Giáo dục lẫn tư nhân song hành xuất bản.
Năm 1958, Chính phủ VNCH cho lập Ban Tu thư thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục để biên soạn và in sách giáo khoa, đến năm 1965 đổi thành Sở Học liệu dự trù in ra 14 triệu bản sách từ lớp Năm (lớp 1 ngày nay) đến lớp Nhứt (lớp 5 ngày nay), đến năm 1966 đã in được 7 triệu cuốn. Sở Học liệu sau đổi thành Trung tâm Học liệu, có 1 giám đốc và 1 phó giám đốc phụ tá. Đến năm 1974, Trung tâm được chính phủ chấp thuận cho trở thành một cơ sở hoạt động theo cơ chế tự chủ nhằm dễ dàng hợp tác với các cơ sở ấn hành sách báo Anh, Pháp, Mỹ để có thể xuất bản được các sách giáo khoa có chất lượng và giá rẻ, dễ dàng phổ cập đến mọi tầng lớp.
Tính đến năm 1972, Trung tâm đã ấn hành được 40 đầu sách tiểu học, chưa kể khoảng 50 đầu sách khác (phần lớn là loại học vần dành cho học sinh dân tộc thiểu số).
Có thể liệt kê sách các môn học do Ban Tu thư, Sở Học liệu và Trung tâm Học liệu thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục đã xuất bản như sau:
- Việt ngữ: Em học vần lớp Một, Em học Việt ngữ lớp Hai, Tập đọc từ lớp Ba đến lớp Năm.
- Đức dục và Công dân giao dục: Em tập tính tốt từ lớp Một đến lớp Năm
- Khoa học thường thức: Em tìm hiểu khoa học từ lớp Một đến lớp Năm.
- Toán: Em học Toán từ lớp Một đến lớp Bốn, Toán pháp lớp Năm.
- Sử ký: Quốc sử từ lớp Hai đến lớp Năm.
- Địa lý: Em học Địa lý lớp Hai và lớp Ba, Địa lý lớp Bốn và lớp Năm.
- Vệ sinh: Giữ gìn sức khỏe lớp Một, Tập thói quen tốt lớp Hai, Sống vui, sống mạnh lớp Ba, Tăng cường sức khỏe lớp Bốn và Phòng ngừa bệnh tật lớp Năm.
Ngoài các sách chính nêu trên, còn có hàng chục sách khác dành cho các môn như Thủ công, Thể dục, Dưỡng nhi, Trò chơi.
Trong hầu hết những quyển sách giáo khoa do Bộ Quốc gia Giáo dục ấn hành, ở những trang đầu lúc nào cũng có ghi lời dặn quen thuộc như sau:
“Các em học sinh thân mến,
Chắc các em thấy quyển sách này được in đẹp đẽ, tranh vẽ và bài soạn công phu, khiến các em vui thích ham học. Các em hãy giữ gìn nâng niu nó:
– Tay các em có sạch sẽ, các trang sách mới không bị các vết bẩn của mực, bụi bẩn hoặc mồ hôi.
– Nên lật mở các trang cho thong thả, đừng để sách bị giằng co làm rách nát hoặc cuốn góc. Nếu cần đánh dấu trang thì dùng một miếng giấy cứng nhỏ hoặc một cái tăm sạch, đừng gập nát trang giấy.
Dân mạng thi nhau chia sẻ một trang trong cuốn sách giáo khoa của thế hệ trước, nội dung mở đầu khiến ai nấy bất ngờ – Ảnh 1.
Lời nhắn nhủ của Giám đốc Nha tiểu học và Giáo dục cộng đồng.
– Sách này còn dùng cho các niên học sau, cho các em đến sau mượn, vậy các em đừng để ai vẽ gạch bậy bạ. Các em đừng ghi chú gì vào sách. Nếu cần lắm thì chỉ ghi rất nhẹ tay bằng bút chì để sau dễ tẩy đi (ví dụ như trong sách Toán).
– Trong nhà các em nên có chỗ để sách cho ngăn nắp, đừng vứt bừa bãi, cũng đừng ấn nhét bừa đầy cặp khi đi học mà phải để cho ngay ngắn, tươm tất, như thế sách mới lâu hỏng.
Giữa sách được sạch sẽ, nguyên lành, các em sẽ tự hào là học sinh ngoan, làm vui lòng thầy cô và nhất là tránh cho các em dùng sau khỏi bực mình vì sách bẩn hoặc hư, rách”.
Về phía tư nhân, các nhà xuất bản “trăm hoa đua nở” đã xuất bản vài chục bộ sách giáo khoa ở tất cả các môn.
Sách giáo khoa nói chung và sách giáo khoa Tiểu học mói riêng là thị trường cạnh tranh sôi động. Ở miền Nam có 20% là học sinh các trường tư, do đó đây là mảnh đất cho các nhà xuất bản tư nhân nhắm đến để xuất bản, ngoài ra họ còn chú trọng đến các trường công lập. Cả nhà nước và tư nhân đều cạnh tranh nhau để có thể tạo ra những sản phẩm sách giáo khoa tốt nhất. Trong thời kỳ những năm 1970, riêng về sách giáo khoa tiểu học, ngoài sách do Trung tâm Học liệu – Bộ Quốc gia Giáo dục ấn hành, còn có các sách do các nhà xuất bản tư nhân như Sống Mới, Việt Hương, Nam Sơn, Yến Sơn, Thanh Đạm, Thái Dương, Cành Hồng…
Về nội dung các sách giáo khoa của nhà nước cũng như tư nhân đều được biên soạn theo chương trình do Bộ Quốc gia Giáo dục ban hành. Tuy nhiên, về ngữ liệu các bài học cũng như nội dung, cách trình bày bên trong có thể khác nhau tùy theo ý tưởng, phương pháp biên soạn sách của tác giả hoặc nhóm tác giả. Đa số các soạn giả sách giáo khoa tiểu học đều tuân theo những nguyên tắc căn bản của nền giáo dục và các đặc tính của chương trình Tiểu học được ghi ở đầu chương trình.
Vì có sự cạnh tranh nên nhiều khi nhà xuất bản tư nhân đã mời các nhà giáo, các nhà khoa học, giảng viên các trường đại học… biên soạn những bộ sách giáo khoa có chất lượng về nội dung, phương pháp và đẹp về hình thức. Mặt khác, các nhà xuất bản và những người biên soạn tổ chức tiếp thị đến các nhà quản lý giáo dục địa phương, các trường học và giáo chức, chi tiền hoa hồng cho những nhà quản lý và giáo chức sử dụng sách. Cả hai yếu tố trên đã tạo ra một hạn chế không tránh khỏi là làm cho giá sách tư nhân có khi tăng lên cao hơn so với giá sách nhà nước.
Những đánh giá về chương trình tiểu học miền Nam 1955-1975, điểm mạnh và hạn chế:
Chương trình môn học được biên soạn chi tiết, cụ thể từng tiết học theo từng chủ đề, có yêu cầu về nội dung giảng dạy, phương pháp phải sử dụng đối với mỗi môn học, và nhất là mục tiêu cần đạt của mỗi môn học phải đáp ứng mục tiêu chung của giáo dục Tiểu học. Tùy theo mỗi chủ đề trong sách giáo khoa của từng môn học và giáo viên lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp để học sinh tiếp thu một cách tốt nhất, đảm bảo tôn trọng nhân cách trẻm phát triển tinh thần quốc gia dân tộc và nhất là rèn luyện tinh thần dân chủ và khoa học. Các chủ điểm trong chương trình được biên soạn theo hướng tích hợp đa môn, chẳng hạn trong môn Việt ngữ học về chủ điểm gia đình thì ở môn Học thuộc lòng, yêu cầu học sinh học một bài thơ về gia đình, môn Đạo đức dạy về tình cảm với ông bà, cha mẹ…
Chương trình hướng tới triết lý nhân bản, dân tộc, khai phóng, không chỉ ở môn xã hội mà cả những môn Khoa học thường thức, Vệ sinh, Thủ công… Về con đường hình thành các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt và các kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi học sinh Tiểu học như: trật tự, ngăn nắp, công việc gia đình, việc học tập, sinh hoạt ở nhà trường…
Tuy nhiên, theo nhiều nhà giáo dục đương thời thì nội dung Chương trình Tiểu học còn nặng nề về lý thuyết, thiếu thực tế, chưa sát với hoàn cảnh và nhu cầu địa phương, nhất là đối với các vùng dân tộc thiểu số, không thiết thực với hiện trạng nước nhà. Nội dung chương trình khá nặng nề, còn rờm rà phức tạp, vượt quá trình độ về trí năng và tâm lý trẻ, như dạy địa lý cho một em học sinh lớp 5 mà muốn các em phải “hiểu biết những khả năng mới về kinh tế, chính trị và văn hoa của nước nhà, của các nước lân cận và của các cường quốc năm châu, để rồi so sánh và suy nghĩ đặng tìm cách theo kịp người hoặc vượt hơn người.
Đôi nét về bậc tiểu học ở miền Nam giai đoạn 1955-175
Bậc Tiểu học thời kỳ này bao gồm 5 lớp, gồm: lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 và lớp 5 (trước năm 1970 gọi là lớp Năm, lớp Tư, lớp 3, lớp Nhì và lớp Nhất). Theo quy định của Hiến Pháp, giáo dục tiểu học là giáo dục cưỡng bách (bắt buộc). Từ năm 1955, đã có luật quy định trẻ em phải đi học ít nhất ba năm tiểu học. Cuối mỗi năm học, học sinh phải thi để lên lớp. Ai thi trượt phải ở lại lớp (lúc đó gọi là “học đúp”).
Các trường công lập đều hoàn toàn miễn phí, không thu học phí và các khoản lệ phí khác. Theo quy định chung trong chương trình của Bộ Quốc Gia Giáo Dục, học sinh tiểu học đi học 2 buổi/ngày, 6 ngày mỗi tuần, được nghỉ 2 buổi chiều. Tuy nhiên, đối với các trường không có điều kiện, học sinh học 01 buổi/ngày và chia theo 2 ca sáng và chiều. Vào đầu thập niên 1970, toàn miền Nam có khoảng 2,5 triệu học sinh tiểu học, chiếm hơn 80% tổng số thiếu niên từ 6 đến 11 tuổi; và có 5.208 trường tiểu học.
Tất cả trẻ em từ 6 tuổi đều được nhận vào lớp 1 để bắt đầu bậc tiểu học. Phụ huynh có thể chọn lựa cho con em vào học miễn phí cho đến hết bậc tiểu học trong các trường công lập hay tốn học phí (tuỳ theo trường) tại các trường tiểu học tư thục. Tuy nhiên, ở các địa phương hay vùng nông thôn, học sinh bắt đầu đi học lớp 1 chậm hơn, từ 7 hoặc 8 tuổi.
Chương trình học bậc Tiểu học: Lớp 1 Tiểu học mỗi tuần học 25 giờ, trong đó 9,5 giờ môn Quốc văn; 2 giờ môn Bổn phận Công dân và Đức dục (Công dân giáo dục). Lớp 2, Quốc văn giảm còn 8 giờ, nhưng thêm 2 giờ Sử ký và Địa lý. Lớp 3 trở lên thì ba môn Quốc văn, Công dân và Sử – Địa chiếm 12-13 giờ mỗi tuần. Một năm học kéo dài 9 tháng, nghỉ hè ba tháng (ở miền Nam nghỉ hè đúng trọn 3 tháng).
Ngày nghỉ lễ trong năm: Trong năm học có khoảng 10 ngày nghỉ lễ, bao gồm các ngày: Lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng, Lễ giỗ tổ Hùng Vương, ngày Quốc Tế Lao Động 1-5, ngày Tết âm lịch, ngày lịch sử địa phương,…
Học sinh học giỏi có thể học vượt lớp (gọi là học phóng), ví dụ đang học lớp 3, nhưng học giỏi và nắm được chương trình lớp 4 thì có thể vượt lớp lên học lớp 5, tuy nhiên số này rất hiếm.
Trường Tiểu Học Cộng Đồng
Quá trình hình thành và hoạt động
Giáo dục cộng đồng được áp dụng ở miền Nam chủ yếu ở bậc tiểu học. Trước năm 1961, trường tiểu học cộng đồng do Tổng nha Trung Tiểu học và Bình dân giáo dục quản lý. Có nhiều các định nghĩa về trường tiểu học cộng đồng, có thể tham khảo định nghĩa của Uỷ ban UNESCO tại Việt Nam lúc đó như sau: “Trường cộng đồng khác với trường phổ thông ở hai phương diện: hoạt động bên trong và hoạt động bên ngoài. Trường phổ thông theo đuổi một chương trình khoa cử thụ động. Còn trường tiểu học cộng đồng thực hiện một chương trình linh động có tính cách địa phương qua các chủ điểm giáo dục, vừa cá tính hoá, vừa xã hội hoá nền học cùng một lúc”.
Thời kỳ từ năm 1955 đến 1958 là thời kỳ đầu của trường tiểu học cộng đồng ở miền Nam. Một số ngôi trường được xây dựng, chủ yếu là ở nông thôn, trang bị nhiều thiết bị thực hành cần thiết như: máy khâu, máy may, máy dệt vải,.. do Quỹ Viện Trợ Hoa Kỳ đài thọ. Mục đích của các trường này là hướng nghiệp cho học sinh về các ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủ công nghiệp (may mặc, giày dép,..)
Chương trình học chủ yếu là các môn học như chương trình Tiểu học phổ thông, nhưng thêm các bộ môn gắn liền với thực tế ở địa phương. Từ năm 1958 đến năm 1962, Bộ Quốc gia Giáo dục tiếp tục quá trình cải tiến trường tiểu học phổ thông thành trường tiểu học cộng đồng, đồng thời đào tạo giáo viên cộng đồng tại Trung tâm giáo dục Căn bản tại Long An.
Trong giai đoạn 1962 – 1965, hệ thống trường cộng đồng tiếp tục phát triển, Nha tiểu học đổi thành Nha Tiểu học và Giáo dục cộng đồng theo Nghị định số 1692 – GD/PC/NĐ ngày 6-12-1965. Theo nghị định này, đường lối giáo dục cộng đồng được triển khai rộng hơn. Đến năm 1967, Bộ Quốc Gia Giáo Dục đã cộng đồng hoá được 900 trường tiểu học và đến năm 1969, triển khai cộng đồng hoá các trường tiểu học trên toàn miền Nam bằng Nghị định số 2463-GD/PC/NĐ ngày 25 – 11 – 1969.
Đội ngũ giáo chức do ngành sư phạm đào tạo, đến năm 1970 đã có 14.000/39.192 giáo viên tiểu học được huấn luyện về giáo dục cộng đồng. Đến năm học 1968 – 1969, trên toàn miền Nam đã có 1.336 trường Tiểu học cộng đồng, với 17.604 lớp, 954.407 học sinh và 17.272 giáo chức.
Mục tiêu giáo dục
Giáo dục cộng đồng gồm 2 mục tiêu chính và cụ thể như sau:
– Giáo dục trẻ em: Dạy cho trẻ hiểu biết chữ nghĩa, mở rộng kiến thức, đào tạo những trẻ em chậm tiến trở thành người nhanh nhẹn, vững vàng và tự tin trong học tập.
– Giáo dục dân chúng: Giúp dân chúng hiểu biết những khái niệm về y tế, kinh tế, văn hoá,… để họ có những tiến bộ trong cuộc sống của bản thân và gia đình, thoát khỏi tình trạng thiếu hiểu biết, nguyên nhân làm cho xã hội nông thôn bị lạc hậu, trì trệ.
Nguyên tắc giáo dục
Có 4 nguyên tắc căn bản trong giáo dục cộng đồng:
– Hoạt động sát với hoàn cảnh của địa phương;
– Hoạt động sát với nhu cầu địa phương;
– Vừa giáo dục trẻ con vừa giáo dục quần chúng
– Chủ trương gắn liền học với hành
Phương pháp giáo dục
Mục đích của giáo dục cộng đồng là cải thiện đời sống trẻ em trong các gia đình và đời sống của cộng đồng. Dựa vào 4 nguyên tắc trên, trường cộng đồng áp dụng một đường lối giáo dục mới mẻ, thực tế, phù hợp với nông thôn Việt Nam.
Có 4 phương pháp chủ yếu là:
– Phương pháp nghiên cứu địa phương có nghĩa là nghiên cứu điều kiện kinh tế, văn hoá, địa lý, tập tục,… của địa phương đó để đề ra chương trình giáo dục thích hợp.
– Phương pháp chủ điểm là tập trung vào vấn đề quan trọng nhất của địa phương để có kế hoạch giáo dục phù hợp.
– Phương pháp nghiên cứu riêng từng vấn đề, mỗi vấn đề được nghiên cứu cẩn thận, nhưng vừa sức với học sinh.
– Phương pháp giáo dục quần chúng nghĩa là để học sinh hoạt động cùng nhân dân, giúp đỡ và học hỏi nhân dân.
Giáo dục cộng đồng là đường lối giáo dục mang giá trị thực tiễn rất cao, giúp cho xã hội nhanh chóng thoát khỏi tình trạng trì trệ, tạo nền tảng để phát triển theo kịp các nước tiên tiến. Điều đáng tiếc là chương trình giáo dục cộng đồng tuy mang nhiều cao vọng, nhưng trên thực tế thực hiện lại còn nhiều lúng túng và thiếu sót, không đạt được đầy đủ mục tiêu như kế hoạch lý tưởng đã đề ra. Những điều kiện cơ sở vật chất như trường lớp thiếu, thiết bị thiếu, trong lúc trường tiểu học phổ thông cũng như tiểu học cộng đồng yêu cầu học 2 buổi/ ngày. Giáo viên không đủ, mục tiêu giáo dục khó trở thành hiện thực.
Đặc điểm của giáo dục Tiểu học miền Nam giai đoạn 1955-1975
Căn cứ vào 3 nguyên tắc căn bản của nền giáo dục là nhân bản, dân tộc và khai phóng, giáo dục Tiểu học đã xác định những đặc điểm sau đây:
(1) Tôn trọng nhân cách trẻ em
Tôn trọng nhân cách trẻ em có nghĩa là:
– Giúp trẻ phát triển điều hoà và trọn vẹn tuỳ theo bản chất và căn cứ trên định luật nảy nở tự nhiên về thể xác cũng như về tâm lý;
– Tôn trọng cá tính và khả năng, sở thích đặc biệt của trẻ;
– Triệt để áp dụng kỷ luật tự giác;
– Tránh mọi hình phạt phạm đến nhân cách, nhân phẩm của trẻ;
(2) Phát triển tinh thần quốc gia dân tộc
Để phát triển tinh thần quốc gia dân tộc cần:
– Lấy đời sống nhân dân và thực trạng xã hội Việt Nam làm đối tượng;
– Lấy Quốc sử để rèn luyện tinh thần ái quốc, nêu cao ý chí tranh đấu của dân tộc, gây tình thân ái và đoàn kết;
– Dùng Quốc văn là lợi khí sắc bén để trau dồi tư tưởng quốc gia;
– Nêu cao vẻ đẹp của non sông Việt Nam, những tài nguyên phong phú của đất nước, những đức tính cố hữu của dân tộc;
– Duy trì đạo lý cổ truyền và những thuần phong mỹ tục của dân tộc;
– Gây đức tính tự tín, tự lập, tự cường.
(3) Rèn luyện tinh thần dân chủ và khoa học
Để rèn luyện tinh thần dân chủ và khoa học cần:
– Triệt để áp dụng “hàng đội tự trị”, tức là quản lý theo tổ đội, phát triển tinh thần tập thể (chơi tập thể, làm việc tập thể) và gây ý thức cộng đồng;
– Rèn luyện óc phê phán, tinh thần trách nhiệm, tinh thần kỷ luật;
– Kích thích tính hiếu kỳ của trẻ, phát triển tinh thần khoa học;
– Bài trự dị đoan, mê tín;
– Tiếp thu tinh hoa văn hoá nước ngoài song song với việc phát huy tinh thần dân tộc.
Có thể thấy, chương trình giáo dục bậc tiểu học giai đoạn này được xây dựng trên tinh thần chú trọng phát triển nhân cách, năng khiếu, gắn liền với đời sống, các giá trị nhân văn, dân tộc và quan trọng là rèn cho học sinh thần phê phán, khoa học. Điều đó chứng tỏ rằng, giáo dục cho trẻ ngay từ giai đoạn chập chững trên ghế nhà trường là bước giáo dục quan trọng để hình thành nhân cách, phát triển tài năng và giúp trẻ tự lập trong tương lai.
Kết cấu chương trình và thời khoá biểu bậc Tiểu Học
Kết cấu chương trình
Chương trình Tiểu học gồm các môn học: Việt ngữ (Ngữ vựng, Tập đọc, Học thuộc lòng, Chính tả, Văn phạm, Tập viết, Tập làm văn), Đức dục, Công dân Giáo dục, Quốc sử, Địa lý, Khoa học thường thức (Khoa học thường thức và Quan sát vệ sinh), Toán, Vẽ, Thủ công, Hoạt động Thanh niên (đi chơi, đi cắm trại), Thể dục, Nữ công gia chánh. Tuỳ vào yêu cầu từng lớp học mà chương trình có những bài học phù hợp. Lớp Nhì và Lớp Nhất được phân chia nam, nữ sinh học riêng. Nữ sinh có thêm môn học Nữ công gia chánh.
Điểm nổi bật của chương trình Tiểu học giai đoạn này là được biên soạn theo hướng tích hợp, liên môn. Trong phương pháp dạy học yêu cầu giáo viên phải biết liên hệ giữa các môn học và liên hệ thực tế để học sinh hiểu được vấn đề. Ví dụ như trong chương trình Việt ngữ đã có lưu ý: “Trong lúc dạy Việt ngữ, giáo chức nên nhớ rằng chương trình ấy không phải đứng tách hẳn chương trình của các môn học khác như Đức dục, Công dân giáo dục, Quốc sử, Địa lý,… mà phải cố tìm cách cho chương trình các môn học ấy và khoa Việt ngữ có liên lạc với nhau” (Chương trình Tiểu học, Bộ quốc gia giáo dục xuất bản, 1960). Như vậy, ngay từ những năm 1960, chương trình Tiểu học đã được biên soạn theo hướng tích hợp và yêu cầu phương pháp dạy học cũng phải tích hợp, liên môn và khoa học.
Thời khoá biểu
Trước năm 1959, thời lượng chương trình Tiểu học là 27 giờ 30 phút/ tuần. Từ niên khoá 1959-1960 và chương trình sửa đổi áp dụng từ 1967-1968, chương trình Tiểu học quy định tất cả học sinh học 6 ngày/ tuần, mỗi ngày học 2 buổi và được nghỉ chiều thứ 4, chiều thứ 7.
Chương trình Tiểu học in thời khoá biểu do Bộ quy định và tất cả các trường trong toàn miền Nam được dạy theo thời khoá biểu chung này. Trong trường hợp đặc biệt, có thể áp dụng thời khoá biểu của Nha học chính và Phần bắt buộc phải có sự chuẩn y của Bộ. Dưới đây là một số thời khoá biểu của các lớp bậc tiểu học được trích trong Chương trình Tiểu học của Bộ giáo dục, Thanh niên áp dụng từ niên khoá 1967-1968:
Qua thời khoá biểu cho thấy giai đoạn 1954 – 1975 mô hình dạy học 2 buổi/ ngày đã được áp dụng tại miền Nam Việt Nam. Thời khoá biểu trên được áp dụng cho các trường công lập, các trường tư thục có thể phân chia thời khoá biểu linh hoạt hơn. Một số người dạy học giai đoạn này cho rằng các trường công lập cũng tuỳ vào điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên có thể không áp dụng triệt để thời khoá biểu 2 buổi/ ngày mà chia theo 2 ca sáng – chiều và học sinh chỉ học một buổi.
Phương pháp dạy học
Đối với bậc tiểu học, Chương trình tiểu học cũng quy định rõ “phương pháp dạy học cần phải tuân thủ: học đi học lại kỹ lưỡng theo phương pháp tiệm tiến, đi từ chỗ biết đến chỗ chưa biết, từ chỗ gần đến chỗ xa, đi từ chỗ dễ đến chỗ khó, từ chỗ cụ thể đến chỗ trừu tượng”. Giáo viên phải dùng vật liệu, tranh ảnh hoặc ví dụ thiết thực để cụ thể hoá tất cả các vấn đề đem dạy cho học sinh.
Mỗi một môn học, yêu cầu phương pháp dạy học cụ thể hơn. Ví dụ, với môn Việt ngữ yêu cầu nên nhẹ phần tầm chương trình cú mà chú ý giáo dục những vấn đề về đạo đức con người, hạnh phúc gia đình, an ninh xã hội,… hoặc môn Đức dục yêu cầu nên sơ lược về lý thuyết và cụ thể hoá bài học, những ví dụ rút từ đời sống, những câu chuyện vặt kể hằng ngày,… đó là phương pháp làm cho học trò nhận thấy chân lý một cách rõ ràng và có công dụng là kích thích bản năng đạo lý của học sinh… Chương trình Giáo dục công dân là những điều mà mỗi công dân cần biết, những huấn lệnh thiết thực phải thi hành để sống hạnh phúc trong kỷ luật và trật tự, vì thế phương pháp dạy học yêu cầu giáo viên phải chú trọng thực hành và kiểm soát nội dung cẩn thận. Phương pháp dạy toán lại yêu cầu “dạy ít tập nhiều”, ở tất cả các lớp cần phải chú trọng về tính miệng, tập sao cho trò làm thật nhanh, thật đúng thì khi ra đời mới có ích.
Như vậy, phương pháp dạy học Tiểu học đã chú trọng đến thực hành, chú trọng việc dạy trẻ từ dễ đến khó, đơn giản đến phức tạp, rèn luyện thường xuyên, liên tục những kiến thức từ thực tế để các em được trang bị những kiến thức có ích và có thể hoà nhập với đời sống cộng đồng.
(Biên soạn theo cuốn Giáo Dục Phổ Thông Miền nam 1954-1975 của tác giả Ngô Minh Oanh chủ biên)
Những cuốn sách giáo khoa tiểu học xưa: