Một lần tình cờ, tôi đọc được một câu bình luận về nhạc Ngô Thụy Miên như sau:
Cả đời tui chưa bao giờ nghe con nai nó hát khúc yêu đương như ông Ngô Thụy Miên diễn tả. Nghe hoài không hiểu nỗi câu “Vừa đôi tay ước muốn tù đày”.
Có một điều chắc chắn, đó là người viết câu này chỉ thích nghe nhạc vàng với những ca từ dễ hiểu, không trừu tượng, và không thích hợp với những ca khúc trữ tình với lời nhạc bay bướm và mang tính ước lệ cao.
Mỗi loại nhạc đều có những đặc tính riêng, và được dành cho những đối tượng khán giả khác nhau, hoặc những cảm xúc khác nhau. Loại nhạc vàng mà người ta thường gọi là nhạc bình dân đại chúng, chủ yếu là giai điệu bolero, rhumba…, với những người khai phá đầu tiên là ca sĩ Chế Linh, Duy Khánh… có ca từ dễ hiểu, dễ đi vào lòng người, dành cho đại đa số người nghe nhạc ở miền Nam trước đây. Tại miền Nam trước năm 1975, tầng lớp sinh viên, trí thức thường yêu thích các bài hát của Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương…, là dòng nhạc có tính ước lệ cao trong ca từ.
Ca sĩ Chế Linh, trong một lần nói chuyện, cho biết rằng thậm chí ông đã đặt hàng các nhạc sĩ viết riêng các ca khúc mang tính bình dân, dễ hiểu… để cho Chế Linh hát, vì những ca khúc này phù hợp với giọng hát của ông, và cũng phù hợp với tâm trạng của đại chúng nghe nhạc. Đối với tầng lớp khán giả này, nhu cầu của họ là nghe các bài hát thủ thỉ tâm sự, dễ nghe dễ hiểu, không bóng gió sâu xa.
Tóm lại, mỗi dòng nhạc phù hợp với một ngữ cảnh, một tâm trạng nhất định đối với người nghe. Có thể là có nhiều người chỉ nghe nhạc kiểu Tuấn Ngọc, Sĩ Phú… hát mà không nghe được nhạc của Duy Khánh, và ngược lại. Tuy nhiên cũng không thiếu những người nghe được cả hai. Điển hình là tôi, có thể hâm mộ những tình khúc mượt mà của Ngô Thụy Miên, đồng thời cũng thích những giai điệu dễ đi vào lòng người của Trúc Phương, Anh Bằng…
Xin trở lại với phần đầu của bài viết này. Một vị khán giả nói rằng ông chưa bao giờ nghe con nai hát khúc yêu đương như nhạc sĩ Ngô Thụy Miên diễn tả, là bởi vì ông không thích loại nhạc này nên có thể là đã cố tình không hiểu rằng dòng nhạc tình ca mang tính ước lệ cao. Đằng sau những câu hát đó, khán giả sẽ tự tưởng tượng, cảm thụ những ca từ này theo cách riêng của mình. Không phải là con nai có thể hát được thật sự thì nhạc sĩ mới được phép viết “nai vàng hát khúc yêu đương”, cũng như không phải là da của Thúy Vân phải trắng hơn tuyết thật sự thì đại thi hào Nguyễn Du mới được phép viết “mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”. Đó là nghệ thuật ước lệ rất phổ biến trong văn chương.
Nghệ thuật ước lệ này không chỉ có trong dòng nhạc trữ tình như đã nói ở trên, mà có ở trong rất nhiều bài nhạc vàng đại chúng. Trong ca khúc Buồn Trong Kỷ Niệm, nhạc sĩ Trúc Phương đã viết: “Nụ cười ngày xưa chết trên bờ môi héo mòn tuổi đời”, như là sự ẩn dụ về một cuộc tình đã héo hắt và thiếu vắng nụ cười. Tương tự như một câu hát khác của nhạc sĩ Lê Dinh: “tiếc thay rằng thời gian không ngủ trên môi…” (Nếu Anh Đừng Hẹn), ẩn dụ về sự tiếc nuối với một thời yêu dấu đã xa.
Một ví dụ khác là bài Tám Điệp Khúc của nhạc sĩ Anh Việt Thu là một chuỗi rất nhiều câu hát mang tính ước lệ, tượng trưng:
Bàn tay đón gió muôn phương.
Bàn tay đan gối mộng.
Đưa tiễn anh đi vào đời
…
Trùng dương sóng nước bao la.
Trùng dương vang tiếng gọi.
Ôi sóng thiêng em về Trời.
Nếu như ở đoạn đầu là “đưa tiễn anh đi vào đời” thì ở đoạn sau là “sóng thiêng em về trời”. Có thể là trong một ngày người trai chưa kịp về thì người con gái đã không còn. Ca khúc không nói rõ vì sao người con gái bị chế t, nhưng thực ra cũng không cần lý do cụ thể, vì trong binh lửa, sinh mệnh mong manh như lá cỏ, người ta có hàng trăm ngàn lý do để chết và xa nhau.
Âm nhạc cũng là văn chương, và ước lệ là một thủ pháp được sử dụng phổ biến trong loại hình nghệ thuật này. Khi sử dụng tính ước lệ trong ca từ, bài hát sẽ có tầng lớp ý nghĩa phong phú hơn bình thường, chuyên chở được nhiều hơn tâm sự của người sáng tác ra ca khúc. Chỉ với một số câu hát giới hạn trong một ca khúc, thông qua thủ pháp ẩn dụ, ước lệ, người nghe có thể hình dung ra được một câu chuyện có thể rất dài mà người sáng tác muốn nói tới.
Vika (nhacxua.vn)