Về một quãng đời “ở ẩn” của danh ca Chế Linh trước khi trở thành 1 trong “Tứ Trụ Nhạc Vàng”

Chế Linh là danh ca lừng lẫy của dòng nhạc vàng Việt Nam từ trước năm 1975. Đến nay, ông là “cột trụ” cuối cùng còn lại của “Tứ trụ” nhạc vàng bao gồm các danh ca Duy Khánh, Nhật Trường, Hùng Cường và Chế Linh. Khán giả biết đến danh ca Chế Linh qua hình tượng của một người ca sĩ nổi tiếng, nhưng ít ai biết trước khi nổi danh thì ông từng một thời phải “ở ẩn” để nghiên cứu, tìm tòi cho mình một lối đi khác biệt trong làng nhạc thuở ấy.


Click để nghe tuyển tập nhạc Chế Linh trước 1975

Chế Linh là người gốc Chăm, sinh năm 1942 và bắt đầu hoạt động âm nhạc ở Sài Gòn vào khoảng từ khoảng đầu thập niên 1960. Từ khi mới 16 tuổi, vì những sự kỳ thị về sắc tộc ở quê nhà, sự xích mích ẩu đả liên tục diễn ra giữa các làng với nhau, Chế Linh quyết định giấu gia đình để rời làng, xa mảnh đất quê hương quanh năm khô cằn nắng cháy để một mình vào Sài Gòn.

Thêm một lý do từng được Chế Linh kể lại là ông cũng muốn được mở mang tầm mắt, tìm kiếm tương lai tươi sáng hơn và không muốn an phận ở quê nhà. Một hôm, ông nhờ hai người bạn thân chở tới một trạm xe lửa nhỏ, hành trang mang theo chỉ có một chồng bánh tráng, một bộ đồ gói lại. Chế Linh leo lên xe lửa đi Sài Gòn khi vẫn chưa nói rành tiếng Kinh, chưa biết sẽ ở đâu và làm gì để kiếm sống khi đến nơi.

Chế Linh kể tiếp câu chuyện rằng ở ga xe lửa Sài Gòn, khi còn đang lóng ngóng vì lần đầu tiền được đặt chân đến một thành phố đông đúc rộng lớn như vậy, trong hoàn cảnh là một đêm mưa tầm tã, chưa biết sẽ đi đâu về đâu thì có một bác xích lô tới hỏi chuyện. Khi biết Chế Linh ở quê mới đến, không người thân, không nơi ở, ông xích lô tốt bụng cho ngủ nhờ một đêm trên chiếc xích lô, trùm nilon lại để khỏi mưa ướt. Khi được mọi người hỏi dự tính sẽ làm gì để kiếm sống, Chế Linh nói ông sẽ đánh giày hoặc bán báo, dù trước đó ông chưa từng đánh giày bao giờ.

Sáng hôm sau thức dậy, Chế Linh làm quen được với những đứa trẻ đánh giày ở trước phòng trà Hòa Bình (ở ngay trước ga xe lửa), một người đàn anh thấy tội nghiệp nên giúp đỡ, cho mượn một hộp đánh giày để đi làm, tuy nhiên chỉ làm được một lần thì bị khách chê vì không có nghề. Chế Linh sống lay lắt với những đứa trẻ bụi đời được vài bữa thì gặp lại ông 6 xích lô lần trước. Thương tình cảnh của cậu bé xa quê, ông nói rằng có biết một gia đình người Hoa ở Chợ Lớn đang tìm người giữ con, em gái ruột của ông đang làm giúp việc cho gia đình này.

Sau đó Chế Linh được ông xích lô giới thiệu vào làm người ở cho gia đình người Hoa với mức lương 75 đồng mỗi tháng, công việc của ông rất đơn giản, chỉ là đưa đón con của chủ nhà đi học. Thời gian đi và về, ông lang thang trên đường thấy tiệm bán sách cũ nên mua sách, mua đèn dầu, đến ban đêm khi cả nhà ngủ hết thì lén mở đèn đọc sách. Một lần đang đọc sách thì bị bắt gặp, ông chủ nói rằng không được thắp đèn như vậy nữa vì sợ sẽ cháy nhà.

Vài hôm sau, Chế Linh bất ngờ và rất xúc động thì thấy ông chủ mua bàn và mua đèn noen về để vô phòng Chế Linh để đọc sách. Ngoài ra, ông còn được gia đình người Hoa mà ông gọi là bác Ba Chợ Lớn này xem như con, cho đi học ở trường, một buổi đi học một buổi giữ em. Tuy nhiên việc làm thuê như vậy không thể giúp tiến thân, không phải là mục đích khi quyết định rời xa quê, nên Chế Linh muốn tìm hướng đi khác cho cuộc đời, thời gian sau đó ông quyết định rời gia đình “bác Ba” để ra sống một mình.

Thời điểm này Chế Linh chỉ biết tiếng Pháp và tiếng Chăm, thường hát nhạc Pháp và nghe cổ nhạc chứ không nghe tân nhạc Việt. Tuy nhiên vào năm 1960, ông quyết tâm bước chân vào làng nhạc với suy nghĩ rằng chỉ có âm nhạc mới có thể giúp hoà đồng được với cuộc sống ở vùng đất mới. Năm 1962, khi tròn 20 tuổi, Chế Linh có may mắn tình cờ gặp lại vị linh mục người Pháp lúc nhỏ đã dạy nhạc cho mình. Vị linh mục tốt bụng đã nhận nuôi và động viên ông tiếp tục đi học.

Trên bước đường đến với âm nhạc, Chế Linh rất may mắn khi gặp được những nhạc sĩ đàn anh hết lòng hướng dẫn, giúp đỡ trong những năm đầu tiên của sự nghiệp, đó là các nhạc sĩ Châu Kỳ, Trúc Phương, Mạnh Phát, và đặc biệt là Duy Khánh.

Từ trước đến nay, nhiều người cho rằng Chế Linh từng là học trò của danh ca Duy Khánh, và điều này đã chính thức được Chế Linh xác nhận trong một lần nói chuyện. Ông kể rằng bước đầu bước vào làng nhạc, ông gặp và quen biết với nhạc sĩ Châu Kỳ đầu tiên. Khi đó ông chỉ mới là chàng trai mới ngoài 20 tuổi, thường la cà ở các quán bán nhạc trên đại lộ Lê Lợi – Nguyễn Huệ. Một hôm Chế Linh thấy nhạc sĩ Châu Kỳ đến tiệm Minh Phát (là tiệm bán tờ nhạc nổi tiếng bậc nhất Saigon thập niên 1960-1970), lúc đó Chế Linh đã đến khiêng giúp thùng tờ nhạc cho vị nhạc sĩ nổi tiếng, nhờ vậy mà khi xong việc và qua nhà hàng Kim Sơn gần đó uống bia, Châu Kỳ đã rủ Chế Linh theo. Nhà hàng Kim Sơn nằm ở góc đường Lê Lợi – Nguyễn Trung Trực, tầng trên của Kim Sơn chính là phòng trà Bồng Lai nổi tiếng, bên cạnh đó còn có phòng trà Quốc Tế, ở xung quanh cách đó không xa còn có phòng trà Olympia, Queen Bee, Tự Do, Đêm Màu Hồng (tầng trên của Hotel Catinat, là phòng trà Jo Marcel cũ)… vì vậy nhà hàng Kim Sơn chính là nơi gặp gỡ quen thuộc nhất của giới ca nhạc sĩ Sài Gòn. Nhờ Châu Kỳ giới thiệu, Chế Linh đã đến nhà hàng này và được quen biết với nhiều nhạc sĩ đàn anh khác.

Chế Linh kể rằng tại đây, ông đã được quen biết và thân thiết với nhạc sĩ Trúc Phương, Mạnh Phát, Thu Hồ… và qua sự giới thiệu của Trúc Phương, Chế Linh đã được Duy Khánh nhận làm học trò, thậm chí Duy Khánh còn rủ về ở chung nhà khi biết rằng Chế Linh không có người thân nào ở Sài Gòn. Đó chính là khởi đầu của một trong “tứ trụ nhạc vàng” vẫn còn yêu thích cho đến ngày nay.

Cũng trong năm 1962, đoàn văn nghệ Biệt Chính ở Biên Hòa tổ chức cuộc thi tuyển lựa ca sĩ để bổ sung cho đoàn, Chế Linh đăng ký tham gia, xuất sắc giành được giải nhất và trở thành ca sĩ của Biệt Chính Đoàn, được làm việc chung với nhiều nhạc sĩ nổi tiếng là Trúc Phương, Bằng Giang, Châu Kỳ,… Từ đó Chế Linh đã có thu nhập tương đối để tự nuôi sống bản thân mà không cần nhờ đến sự giúp đỡ của ai nữa.

Chế Linh (đeo kiếng đen) trong Biệt Chính Đoàn

Tuy nhiên, đoàn Văn nghệ Biệt Chính chỉ hoạt động được khoảng 2 năm thì giải tán. Các nghệ sĩ đã có sẵn tên tuổi trong đoàn như Châu Kỳ, Trúc Phương,.. đều trở về Sài Gòn, riêng Chế Linh và Bằng Giang thì ở lại Biên Hòa. Vì chưa có tên tuổi, Chế Linh đã nghĩ rằng nếu có trở lại Sài Gòn thời điểm đó, nếu vẫn hát theo lối cũ thì rất khó để có thể cạnh tranh với những giọng hát đã thành danh nên đã cùng người bạn là Bằng Giang đến vùng núi Bửu Long để làm tài xế chở đá thuê, qua sự giới thiệu của một người bạn.

Tuy nhiên Chế Linh cũng xác định đó chỉ là công việc tạm bợ, nên ngoài giờ làm việc, ông dành toàn bộ thời gian rảnh để luyện thanh, đồng thời tìm kiếm một con đường mới cho sự nghiệp, rèn luyện một phong cách riêng biệt, đó chính là cách hát thủ thỉ và nức nở, hát như là tâm sự.

Theo lời chia sẻ của Chế Linh thì ông tạm trú ở chùa Bửu Long và luyện giọng trong hang “Long Ẩn” vì ngại gây ồn ào cho người khác khi luyện giọng. Lúc đó ông phải nằm trên những sợi dây rừng trong hang Long Ẩn để luyện giọng. Trong thời gian ở chùa Bửu Long, ông làm công việc chở đá để xây dựng nhà cửa cho khu vực đó. Đồng hành cùng Chế Linh lúc này còn có nhạc sĩ Bằng Giang, một người bạn có gia đình khá giả ở Biên Hòa nhưng theo Chế Linh “đi bụi”, cùng thuê nhà trọ ở chung, rồi từ đó cùng nhau sáng tác nhiều ca khúc nhạc vàng phù hợp với cách hát của Chế Linh, với mong muốn là sẽ dễ dàng tiếp cận được đa số đại chúng nghe nhạc, đó là các bài hát Đêm Buồn Tỉnh Lẻ, Bài Ca Kỷ Niệm, Đếm Bước Cô Đơn… Khi đồng sáng tác những ca khúc đầu tay này, Chế Linh chọn cho mình bút danh là Tú Nhi, với ý nghĩa là một đứa bé khôi ngô tuấn tú.

Cũng chính trong thời đó, Chế Linh đã tìm ra được con đường riêng trong âm nhạc, đó là sẽ hát cho tình yêu đôi lứa, tình yêu của lính và hát dòng nhạc gần gũi với đời sống của người nghe nhạc phổ thông. Giọng hát của Chế Linh có sự mùi mẫn đặc trưng trong những ca khúc thời trang, đại chúng, dễ đi vào lòng người.

Thời gian đó nhạc sĩ Bằng Giang là người luôn ở bên cạnh, biết rõ ý định của Chế Linh nên khi cảm thấy bạn mình đã đủ khả năng thì khuyên sớm trở lại Sài Gòn. Trong lúc Chế Linh vẫn còn đang lưỡng lự thì 2 nhạc sĩ Châu Kỳ và Trúc Phương từ Sài Gòn đã quay lại tìm Chế Linh để khuyên ông sớm gia nhập làng nhạc. Theo yêu cầu của Chế Linh, 2 nhạc sĩ tên tuổi này (cùng với một số nhạc sĩ khác nữa) đã sáng tác một số bài hát mang tính đại chúng, dễ nghe và dễ tiếp cận với phần đông khán giả, phù hợp với cách hát mà Chế Linh đã chọn.

Con đường âm nhạc đó đã giúp ông trở thành danh ca như hiện nay, mà nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn từng gọi ông là “Chưởng môn của nhạc Boléro” vì có rất nhiều ca sĩ bị ảnh hưởng cũng như theo phong cách hát của ông khi thể hiện các ca khúc của nhạc vàng.

Sau khi “xuống núi” và trở lại Sài Gòn thì danh ca Chế Linh được gặp lại lại các nhạc sĩ từng quen biết ở Kim Sơn, đồng thời qua nhạc sĩ Mạnh Phát, ông còn được gặp nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và ký hợp đồng với hãng Continental vói giá trị hợp đồng là 800 ngàn. Khi Chế Linh hát mới được một số bài cho hãng dĩa này thì hãng dĩa Việt Nam của bà Sáu Liên lập tức mời ông về và ký hợp đồng 2 năm với số tiền 2 triệu vào năm 1964 và trả lại tiền hợp đồng cho bên hãng dĩa của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Hợp đồng với Hãng Dĩa Việt Nam còn đi kèm với điều khoản đặc biệt là vẫn được quyền thu âm cho các hãng dĩa khác nếu muốn, vì vậy sau đó Chế Linh vẫn thu âm với một số các hãng băng dĩa khác nữa, chứ không chỉ độc quyền cho hãng này.

Chế Linh đã gắn bó với Hãng Dĩa Việt Nam cho đến tận tháng 4 năm 1975. Suốt thời gian đó, với giọng hát gần gũi, tràn đầy tình cảm trong các bài hát được sáng tác riêng cho giọng hát của mình, Chế Linh nhanh chóng trở thành một hiện tượng chưa từng thấy và được xưng tụng là một trong “tứ trụ nhạc vàng”.

Trong thời gian Chế Linh hợp tác với nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, cũng chính nhạc sĩ này đã giới thiệu người học trò của mình là tiếng hát Thanh Tuyền để tác hợp nên cặp song ca vàng Thanh Tuyền – Chế Linh. Đó là vào năm 1967-1968, vì muốn tạo ra sự mới mẻ, tránh để khán giả cảm thấy nhàm chán với nghệ sĩ hát đơn ca nên Nguyễn Văn Đông đã đề nghị để Thanh Tuyền song ca thử với Chế Linh. Ca sĩ Thanh Tuyền kể lại rằng khi ấy nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đưa cho bà bài hát “Hái Hoa Rừng Cho Em” và đề nghị hát chung với một nam ca sĩ “mới”.


Click để nghe Chế Linh – Thanh Tuyền hát Hái Hoa Rừng Cho Em trước 1975

Đĩa nhạc đầu tiên, trong đó có bài hát này được tung ra thị trường và gây “sốt” một cách không ngờ. Tên tuổi của cặp song ca lan truyền với tốc độ ánh sáng và phủ sóng khắp làng nhạc vàng Việt Nam với hàng loạt ca khúc như: Tình Bơ Vơ, Phút Cuối, Con Đường Xưa Em Đi… Hai giọng ca, một sang sảng và cao chót vót, một trầm ấm ngọt ngào mà vang lồng lộng đã hòa quyện vào nhau mà không cần phải dụng đến kỹ thuật hòa âm phối khí cầu kỳ nào. Nhiều nhạc phẩm sau đó đã được soạn riêng cho cặp song ca vàng này.

Hiện nay “Tứ trụ” của dòng nhạc vàng chỉ còn lại tiếng hát Chế Linh. Dù đã tròn 80 tuổi nhưng danh ca này vẫn miệt mài hoạt động nghệ thuật, và có thể xem là một trong những ca sĩ lớn tuổi nhất trên thế giới hiện nay còn đứng trên sân kháu. Có thể nói sự thành công của Chế Linh hiện nay cũng nhờ vào khoảng thời gian ông “ở ẩn” để tìm lối đi riêng trong âm nhạc, rồi trở thành tiếng hát thần tượng của rất nhiều khán giả giả trên mọi miền đất nước.

Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version