ADVERTISEMENT
Nhạc Xưa
  • Trang Chủ
  • Nhạc Xưa
  • Cảm xúc âm nhạc
  • Xuất xứ bài hát
No Result
View All Result
Nhạc Xưa
No Result
View All Result
Home Bài viết Cảm xúc âm nhạc

Tiếng hát Khánh Ly và ca khúc “Dấu Chân Địa Đàng” (Trịnh Công Sơn) – Những suy niệm về phận người

2020/10/16
in Cảm xúc âm nhạc
Tiếng hát Khánh Ly và ca khúc “Dấu Chân Địa Đàng” (Trịnh Công Sơn) – Những suy niệm về phận người

Nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng
Vùng u tối loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng… (Dấu Chân Địa Đàng – Trịnh Công Sơn)


Click để nghe Khánh Ly hát Dấu Chân Địa Đàng

Nếu ai đã từng được lớn lên, hoặc đã sống ở một vùng quê xa đô thành nào đó, ở nơi mà ánh sáng điện vẫn là một điều xa xỉ, sẽ biết được rằng khi buổi chiều vừa dần khuất thì đêm đen sẽ lập tức rũ xuống đặc quánh, thế gian chỉ còn lờ mờ ánh sáng của vì sao lẻ loi, của những ánh đèn dầu leo lét hắt ra từ liếp nhà tranh thưa thớt, xung quanh sẽ là tiếng côn trùng và loài sâu đất rền rĩ một thứ âm thanh não nùng. Đó là bản hoà thanh của đêm tối, của những tiếng động như là đến từ một cõi hư vô…

Nhạc sĩ họ Trịnh đã từng sống trong một không gian như vậy hồi đầu thập niên 1960, khi ông lên B’lao (nay là Bảo Lộc) để dạy học. Những khi màn đêm buông xuống, một người đa cảm như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, sống một mình trong căn nhà ở chốn núi rừng heo hút, tâm trạng chợt lên những nét suy tư về thời cuộc, về phận đời – phận người, và ông đã ghi lại không gian đó, tâm trạng đó vào trong bài hát mang tên Tiếng Hát Dạ Lan, nghĩa là lời hát đến từ một loài hoa toả hương vào ban đêm. Sau đó bài hát được đổi tên thành Dấu Chân Địa Đàng.

Vì có rất nhiều ca sĩ hát nhạc Trịnh Công Sơn, nên không phải lúc nào Khánh Ly cũng hát nhạc Trịnh hay nhất. Tuy nhiên với riêng bài Dấu Chân Địa Đàng thì hình như chỉ có duy nhất Khánh Ly mới thể hiện thành công trọn vẹn. Bài hát này không phải là chỉ cần hát đúng nốt, đúng nhịp là được, mà ý nghĩa bài hát còn được lột tả qua chiều sâu của giọng hát, và khi tiếng hát đó cất lên, tất cả dường như đều rơi vào thinh lặng:

Xem bài khác

Ca khúc Kiếp Dã Tràng của nhạc sĩ Từ Công Phụng – Khi chuyện tình giống như loài dã tràng xe cát

Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa của bài hát “Nếu Một Mai Em Sẽ Qua Đời” (nhạc sĩ Phạm Duy)

Tiếng ca bắt nguồn từ đất khô,
Từ mưa gió
từ vào trong đá xưa…

Việc giải nghĩa ca từ nhạc Trịnh không bao giờ là một điều dễ dàng, hoặc có thể nói đó là một điều vô ích. Nhiều người nói rằng nhạc Trịnh là loại nhạc nghe để cảm, không phải là nghe để hiểu từng câu, từng chữ, và nếu có phân tích câu chữ cụ thể thì cũng sẽ mất hay. Bài viết này sẽ không đi vào chi tiết như vậy, mà chỉ làm rõ một vài hình tượng trong bài hát đã làm ám ảnh người viết trong một thời gian dài.

Bài Tiếng Hát Dạ Lan, hoặc Dấu Chân Địa Đàng, thoạt nghe qua nội dung, tưởng chỉ là những hình ảnh rời rạc được chắp nối, như là không liên quan gì đến nhau, nhưng thực ra đó là những câu chữ có chủ ý, thể hiện được tâm tư khá phức tạp của tác giả trong một giai đoạn.

Đó là khoảng giữa thập niên 1960, ông giáo trẻ mới ngoài 20 tuổi tên là Trịnh Công Sơn vừa tốt nghiệp trường Sư Phạm Qui Nhơn và lên B’lao hành nghề gõ đầu trẻ. Trước và sau thời gian đó đã có những chuyển biến rất lớn của thời cuộc. Ở bên ngoài, đảo chính 1963 chưa qua được bao lâu, đó là thời gian mà những cuộc chỉnh lý, những bất ổn chính trị kéo dài chưa hồi kết ở miền Nam. Ở bên trong, Trịnh Công Sơn đang có một mối quan hệ tình cảm khó gọi thành tên với cô thiếu nữ 16 tuổi tên là Dao Ánh. Một người ở Huế, một người ở Bảo Lộc, yêu xa và ít cơ hội được gần gũi nhau như vậy cũng làm cho tâm trạng của chàng nhạc sĩ cảm thấy bất an, ông đã viết hàng trăm lá thư gửi cho người yêu bé nhỏ, sau này nội dung những lá thư này đã được in thành cuốn sách “Thư Tình Gửi Một Người”.

Những biến động cả trong lẫn ngoài đó đã làm cho Trịnh Công Sơn suy nghĩ nhiều về tình yêu, về phận người nhỏ bé giữa thời cuộc mà ông ví như là một loài sâu đất tự sinh tự diệt chẳng ai hay, cất lên những lời ca rầu rĩ từ trong u tối, những lời ca từ đất khô đó như là lời sau cuối mà loài sâu để lại ở chốn địa đàng.

Nói cách khác, loài sâu chính là một phiên bản khác của phận người, ôm chất chứa những buồn vui của nhân sinh, điều này càng được thấy rõ hơn trong những bức thư của Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh: “Ngôn ngữ đã mất đi với những ngày nằm co như một loài – sâu – chiếu ở Blao” (thư Đà Lạt, 19.9.1964), “Ở đây cũng có loài sâu đất reo đêm” (thư Đà Lạt, 19.9.1964), “Đêm sáng mờ bên ngoài. Sâu đất reo rất trong ở bãi cỏ” (thư Blao, 23.10.1964), “Đêm đã lạnh và đã buồn. Cây cỏ lao xao. Anh chỉ còn nghe rõ tiếng sâu đất và tiếng dế reo…” (thư Blao, 29.12.1964), “Đêm rất dày đen. Sâu đất của núi rừng cũng đã reo lên âm thanh rất nhọn” (thư Blao, 23.9.1965).

Như đã nói ở trên, ban đầu bài hát được mang tên là Tiếng Hát Dạ Lan, và cái tên này có liên quan ít nhiều đến người thiếu nữ Huế mang tên Dao Ánh. Qua những bức thư tình gửi người yêu, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho biết nhà của Dao Ánh trồng nhiều hoa dạ lan: “Dạ lan giờ này chắc đã ngạt ngào cả một vùng tối đó rồi, đã cài lên từng sợi tóc của Ánh” (thư Blao, 31.12.1964), “Anh ao ước bây giờ mở cửa ra bỗng dưng có chiếc cầu bắc qua dòng sông và anh bước qua cầu rồi rẽ về phía tay phải đi đến căn nhà có mùi thơm dạ lan và đứng đó gọi tên Ánh thật thầm để chỉ vừa đủ Ánh nghe” (thư Blao, 26.9.1965).

Bài hát có diễn biến thời gian là từ chiều, đến tối, rồi đến khuya, khi loài dạ lan bắt đầu lừng hương, nên Tiếng Hát Dạ Lan có thể hiểu là tiếng hát từ đêm tối.

Trời buông gió và mây về ngang bên lưng đèo
Mùa xanh lá loài sâu ngủ quên trong tóc chiều
Cuộc đời đó nửa đêm tiếng ca lên như than phiền
Bàng hoàng lạc gió mây miền
Trùng trùng ngoài khơi nước lên sóng mềm

Mở đầu bài hát là một không gian rất khoáng đãng, bay bổng, thời gian đi thật gấp rút, cùng với tâm trạng của người được mô tả bằng những chữ rất chán chường: ngủ quên, than phiền, bàng hoàng… như là than tiếc cho cuộc đời đang bị bỏ phí trước thời gian trôi qua nhanh. Điều đó còn thể hiện rõ nét hơn bằng câu hát “một đời bỏ ngõ đêm hồng” ở đoạn sau:

Ngựa buông vó người đi chùng chân đã bao lần
Nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng
Vùng u tối loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng
Một đời bỏ ngõ đêm hồng
Ngoài trời còn dâng nước lên mắt em

Tiếng ca bắt nguồn từ đất khô, từ mưa gió từ vào trong đá xưa
Ðến bây giờ mắt đã mù, tóc xanh đen vầng trán thơ
Dòng sông đó loài rong yên ngủ sâu
Mới hôm nào bão trên đầu, lời ca đau trên cao…

Bài hát có tên chính thức là Dấu Chân Địa Đàng. Có thể “địa đàng” này không phải là nơi chốn cụ thể như trong Kinh Thánh đã nhắc tới, mà nó có nghĩa là vết chân người để lại giữa chốn trần gian này, đó là những bước chân mỏi mệt, rã rời, đã chùng chân bao lần vì không đích hướng, đã bỏ lỡ nhiều điều tốt đẹp từng bước ngang qua và thành phôi pha, giờ chỉ còn lại một vùng bóng tối u mê và tịch mịch.

Rồi từ trong đêm tối, tiếng hát của loài sâu (hay là phận người) đã ngại ngùng hát lên khúc ca cuối cùng. Loài sâu nhỏ bé, hư vô đó không biết rõ cả sự tồn tại của mình, không biết đời sống của mình khi nào sẽ kết thúc, nên dù có hát lên câu nào thì cũng đều như là khúc cuối cùng của kiếp sống. Tiếng hát bắt nguồn từ đất khô, từ những nơi thấp bé, tối tăm để cất cao vang lộng khắp trời đêm. Từ nơi vút cao đó, lời ca vọng về nghe thật đau xót: Lời ca đau trên cao… Có lẽ vì đó là lời hát cho nỗi đau của kiếp người nhỏ bé như loài phù du trước sự mênh mang bất tận của dòng thời gian vĩnh cửu.

Ngàn mây xám chiều nay về đây treo lững lờ
Và tiếng hát về ru mình trong giấc ngủ vừa
Rồi từ đó loài sâu nửa đêm quên đi ưu phiền
để người về hát đêm hồng
địa đàng còn in dấu chân bước quên.

Trong một bức thư gửi Dao Anh, chàng nhạc sĩ họ Trịnh viết: “Mưa đã trở về cùng với đêm. Như một ngày nào Ánh rời xa anh để trở về với nếp sống bình thường, ở đó Ánh đi trên lối đi quen thuộc của những người đã đi trước mà không cần phải nhìn những bảng số hai bên đường. Sẽ bình thường và thản nhiên quên đã một lần dẫm chân qua một vực – thẳm địa đàng mà anh đã linh cảm trước từ lâu, như “địa đàng còn in dấu chân bước quên” của một thời anh đã âm thầm nghĩ rằng biết đâu Ánh không lớn lên từ một loài dạ lan nào đó” (thư Blao, 27.10.1964), “Bây giờ là tiếng nói đêm của anh với Ánh. Với Ánh dạ lan… ” (thư Blao, 22.11.1964).

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Tags: trịnh công sơn
ShareTweetPin

Xem bài khác

Chuyện đời thực của Khánh Ly và Trịnh Công Sơn, từ sân trường Văn Khoa trở thành cặp đôi huyền thoại
Bàn Tròn Âm Nhạc

Chuyện đời thực của Khánh Ly và Trịnh Công Sơn, từ sân trường Văn Khoa trở thành cặp đôi huyền thoại

Hơn 60 năm đã trôi qua kể từ ngày những bản Trịnh ca đầu tiên ra mắt công chúng, chưa...

by admin
June 25, 2022
Sự hiện diện của danh ca Thanh Thúy trong nhạc Trịnh: Ướt Mi, Thương Một Người
Bàn Tròn Âm Nhạc

Sự hiện diện của danh ca Thanh Thúy trong nhạc Trịnh: Ướt Mi, Thương Một Người

Nữ danh ca Thanh Thúy là một trong những ca sĩ nổi tiếng của dòng nhạc vàng, hát nhạc vàng...

by admin
June 22, 2022
Những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết cho Dao Ánh
Bàn Tròn Âm Nhạc

Những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết cho Dao Ánh

Phải đến tận 10 năm sau ngày mất của cố nhạc sĩ họ Trịnh, đông đảo công chúng hâm mộ...

by admin
March 25, 2022
Chuyện tình trong ca khúc “Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng” (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) – Nỗi lòng của kẻ tuyệt vọng
Xuất xứ bài hát

Chuyện tình trong ca khúc “Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng” (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) – Nỗi lòng của kẻ tuyệt vọng

Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau. (Trịnh Công Sơn -...

by admin
March 9, 2022
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca khúc “Có Những Con Đường” – Sự tái hiện của những con đường giới nghiêm sau 50 năm
Bàn Tròn Âm Nhạc

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca khúc “Có Những Con Đường” – Sự tái hiện của những con đường giới nghiêm sau 50 năm

Trong gia tài hàng trăm bài nhạc nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở cả 3 chủ đề...

by admin
September 12, 2021
Trịnh Công Sơn và ca khúc “Em Đi Bỏ Lại Con Đường” – Bỏ mặc tôi ngồi giữa đời tôi
Cảm xúc âm nhạc

Trịnh Công Sơn và ca khúc “Em Đi Bỏ Lại Con Đường” – Bỏ mặc tôi ngồi giữa đời tôi

Có những lần ở một mình trong căn nhà vắng bóng người thân yêu, mới cảm thấy buồn bã và...

by admin
August 25, 2021
Next Post
Những hình ảnh hiếm về học trò tiểu học năm xưa

Những hình ảnh hiếm về học trò tiểu học năm xưa

Leave a Reply Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

NHẠC XƯA 360°

Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương và hoàn cảnh sáng tác Thu Ca, Thương Hoài Ngàn Năm…

Nhạc Phạm Duy, tiếng hát Duy Quang và bộ “tam khúc” Nguyễn Tất Nhiên

Đôi song ca hai con lạc đà – Chế Linh & Giang Tử và ca khúc “Nỗi Buồn Sa Mạc”

Nhật Trường – Trần Thiện Thanh và những mối tình trong đời

Nghe lại những bản thu âm trước 1975 của ca sĩ Giang Tử

Tiểu sử ca sĩ Nhật Hạ – Người đẹp không tuổi của làng nhạc hải ngoại vào thập niên 1980-1990

TIỂU SỬ BÀI HÁT

Hoàn cảnh sáng tác “Xin Còn Gọi Tên Nhau” (nhạc sĩ Trường Sa) – “Phố vẫn hoang vu từ lúc em đi…”

Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa của “Bài Không Tên Số 4” (Vũ Thành An) – Triệu người quen có mấy người thân?

Hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Người Yêu Cô Đơn” qua lời kể của tác giả: Khi tình yêu không xây trên bạc vàng…

Nhạc sĩ Chung Quân và hoàn cảnh sáng tác bài Làng Tôi năm 16 tuổi: “Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh…”

Biệt Ly và câu chuyện tiễn đưa

Thành phố buồn

CA TỪ TRONG NHẠC XƯA

Hoàn cảnh sáng tác bài Linh Hồn Tượng Đá: Trên dốc đá tôi tình cờ quen nàng

Giải thích những ca từ khó hiểu và “bí hiểm” trong các bài nhạc Trịnh Công Sơn

Bài hát Còn Thương Rau Đắng… “coi cỏi đốt đồng…” hay “coi khói đốt đồng…”, “ba vá miếng dừa…” hay “ba vá miểng vùa…”

Ca từ trong nhạc xưa: Bàn tay thon ngón nhỏ, đan tay ‘rắn’ sông hồ

Ca từ trong nhạc xưa: “Trốn phong ba, em làm dâu nhà người”

Ý nghĩa trong bài hát Giọng Ca Dĩ Vãng (nhạc sĩ Bảo Thu): “hoa mai giăng ngập nẻo đường em đi…”

Tags

anh bằng anh việt thu châu kỳ chế linh duy khánh giao tiên hoài linh hoàng nguyên hoàng oanh hoàng thi thơ hoàng trang hoàng trọng huỳnh anh khánh ly lam phương lê dinh lê thương lê uyên phương lệ thu minh kỳ mạnh phát nguyễn tất nhiên nguyễn văn đông ngân giang ngô thụy miên ngọc lan như quỳnh phạm duy phạm đình chương saigon collection song ngọc thanh sơn thanh thúy thái thanh tiểu sử ca sĩ tiểu sử nhạc sĩ trúc phương trường sa trầm tử thiêng trần thiện thanh trịnh công sơn từ công phụng văn cao vũ thành an y vân
Liên hệ Ban Biên Tập

bbt@nhacxua.vn

DMCA.com Protection Status

No Result
View All Result
  • Trang Chủ
  • Nhạc Xưa
  • Cảm xúc âm nhạc
  • Xuất xứ bài hát

© 2020 NhacXua.VN - Nhạc Xưa Thời Báo.