Bài viết của tác giả Nguyễn Ngọc Long viết năm 2013, nói về cách cư xử của ca sĩ Giao Linh với khán giả trong một đêm nhạc.
Có thể nói, các ca sĩ thời xưa dù có xuất thân khác nhau, nhưng nét văn hóa và cách hành xử của họ luôn nhã nhặn, văn minh và tôn trọng nhau, cũng như tôn trọng khán giả. Đó là lý do mà thế hệ ca sĩ này vẫn luôn được khán giả yêu mến trong hơn nửa thế kỷ, xứng đáng với 2 chữ “danh ca”.
Lần đầu tiên mình được nghe cô Giao Linh hát live trên sân khấu là thời điểm năm 2008, trong liveshow Một Thoáng Quê Hương của ca sĩ Dương Ngọc Thái. Nghe một lần, ấn tượng ngay và nhớ đến tận bây giờ. Vì cô đặc biệt!
Mãi đến tận 5 năm sau, tức là hôm qua, mới lại có dịp được nghe cô hát live trên sân khấu. Vẫn là cái cách hát thong thả nhẹ nhàng và nhả hơi không lẫn vào đâu được. Bịt mắt lại vẫn nhận ra đó là nữ hoàng sầu muộn Giao Linh.
Mình ghé tai nói nhỏ với ca sĩ Hoàng Hiệp: “Anh ơi, mỗi lần nghe cô Giao Linh hát là em bị đau tim, kiểu hồi hộp nghe câu trước không biết cô có bị đứt hơi ở câu sau không nữa”. Nam ca sĩ trả lời: “Cô hát kỹ thuật lắm, cách nhả hơi như vậy khó vô cùng, mà cô hát cứ nhẹ như không”.
Mình thì không chuyên về thanh nhạc để hiểu hết về kỹ thuật, mình chỉ biết cô hát đặc biệt đầy cảm xúc, hát hết mình và ứng xử cực kỳ khéo léo.
Lúc cô đang hát thì có một vị khán giả mặc quần đùi cầm bao lì xì đỏ chạy lên sân khấu và dí vào tay cô “tặng thưởng”. Cô có vẻ hơi khớp nhưng cũng đón nhận, sau đó quay vào trong đặt lên bàn của một nhạc công rồi quay ra hát tiếp. Thế nhưng khi có những vị khách khác mang những lẵng hoa, bó hoa lên tặng thì cô đều cúi người cảm ơn và ôm ở trong lòng hát đến hết bài. Cô vẫn ôm bông trong lúc giao lưu cùng khán giả một cách vô cùng trân trọng.
Lúc nhà báo Phạm Thành Trung ngồi ở phía cánh gà bên trái giơ điện thoại lên chụp hình thì cô nhìn thấy và quay hẳn người qua phía đó và hát cho đến khi anh Trung chụp hình xong, gật đầu cười một cái cảm ơn thì cô mới quay lại chính diện sân khấu hoàn thành màn biểu diễn. Kết bài, cô lại trịnh trọng giới thiệu tên ca khúc, tên nhạc sĩ sáng tác, tên nhạc sĩ hòa âm và cúi đầu cảm ơn ban nhạc, đồng thời nhờ khán giả dành tặng riêng cho ban nhạc một tràng pháo tay ủng hộ vì đã giúp cô “thể hiện được trọn vẹn một ca khúc thật hay”.
Có lẽ vì tuổi tác và sức khỏe, hát tới bài thứ 5 là Sầu Lẻ Bóng thì giọng cô bị bể. Những chỗ lên cao quá hay xuống thấp quá cô hát đều không tốt, có chỗ còn bị lạc giọng hay đứt hơi chỉ còn nghe thấy nhạc. Nhưng vẫn khiến mình và toàn bộ khán giả có mặt ở phòng trà ngây người ra nghe như nuốt lấy từng câu từng chữ và dành cho cô những tràng pháo tay tán thưởng liên hồi không dứt.
Có mấy ca sĩ được khán giả trân trọng và thành kính tán dương như vậy nếu không phải Giao Linh? Mình tham gia không biết bao nhiêu sô ca nhạc lớn nhỏ và chứng kiến biết bao nhiêu lần khán giả ngồi trề môi bữu mỏ chê bai ca sĩ đứng trên sân khấu khi họ hát không tốt (hoặc là người ta cho rằng không tốt). Ca sĩ trẻ có, ca sĩ già có, cả những ca sĩ hàng đầu Việt Nam như Tùng Dương, Mỹ Linh, Thanh Lam, Hồng Nhung cũng có.
Giao Linh thì đặc biệt, có lẽ vì khán giả của cô không phải người hâm mộ, mà là người ái mộ; khán giả của cô không chỉ thích, chỉ yêu giọng hát của cô mà họ THƯƠNG một người ca sĩ tên gọi Giao Linh. Mà cái nghề đi hát, nếu một khi đã được khán giả THƯƠNG, thì sẽ sống bền trong nghề lắm. Với người ca sĩ, được khán giả THƯƠNG là có tất cả.
Chẳng có chiêu trò, chẳng có scandal sút quần tụt áo, những ca sĩ như Giao Linh và ở thế hệ của Giao Linh là những người cống hiến hết mình cho nghệ thuật, cất lên tiếng hát bằng sự chân thành hiếm thấy, bằng niềm khát khao mãnh liệt và những cảm xúc xuất phát tự đáy lòng. Đừng cho rằng những người như cô Giao Linh là khéo léo hay giả tạo. Nếu những tình cảm và phông văn hóa ấy không phải xuất phát từ chính con người cô thì làm sao “lừa” được biết bao nhiêu thế hệ khán giả trải dài suốt mấy chục năm?
Tôi viết bài này không phải để tâng bốc Giao Linh, dù rằng cô xứng đáng được nhiều hơn vậy. Tôi viết ra những dòng này như một lời động viên, tiếp sức cho những ca sĩ đang làm nghề chân chính. Những người “ngây thơ” chẳng biết tới các chiêu trò, bị lạc hậu trong một thị trường ca nhạc bát nháo, hỗn loạn, ăn xổi và tôn vinh những giá trị không có thật; những người đang ngày đêm lao động nghệ thuật chân chính và tìm mọi cách để tồn tại, giữ vững ngọn lửa trong nghề.
Tôi viết bài này để giúp trả lời câu hỏi mà nhiều nghệ sĩ như vậy vẫn đang ngày đêm trăn trở với câu hỏi thế rốt cục mình hoạt động nghệ thuật một cách tử tế như vậy để được gì?
Nguyễn Ngọc Long