Huyền thoại Thái Thanh – hơn nửa thế kỷ ‘khóc cười theo mệnh nước nổi trôi’

Một đêm mùa đông cách đây 40 năm, những người từng hoạt động trong phong trào thanh niên sinh viên tại Sài Gòn trước năm 1975 gặp nhau tại tư gia của cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích ở Virginia, Hoa Kỳ. Cố nhạc sĩ Phạm Duy, người hiện diện trong đêm hôm ấy chợt thốt lên:

“Bây giờ mà nghe tiếng hát Thái Thanh thì sướng bỏ một đời.”

Lúc ấy, nữ danh ca Thái Thanh vẫn còn ở Việt Nam.

Nhà văn Phạm Xuân Đài nhớ lại:

“Sau 1975, theo tôi được biết thì bà Thái Thanh ở lại trong nước, bà từ chối không hát gì hết. Bà giữ im lặng, không xuất hiện trước công chúng. Tôi có một câu chuyện là khi Thanh Tâm Tuyền ở tù về, Thái Thanh có đến thăm và hát cho Thanh Tâm Tuyền nghe một số bài hát phổ nhạc từ thơ của Thanh Tâm Tuyền, trong tình cảm bạn bè với nhau chứ không xuất hiện trước công chúng.” (nhà văn Phạm Xuân Đài)

Rất nhiều danh xưng được đặt ra dành tặng riêng cho bà, nữ danh ca của Việt Nam từ những năm 50. Người miền Nam thời bấy giờ gọi bà là “đệ nhất danh ca”. Nhà văn Mai Thảo cuối thập niên 60 tặng cho bà cái tên “Tiếng hát vượt thời gian”. Người nghe nhạc Phạm Duy gọi bà bằng hình ảnh của “Tiếng khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”.

Tiếng hát cho quê hương, cho tình Mẹ

“Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi ! Tiếng ru muôn đời…” (Tình ca)

“Nghe Thái Thanh hát mới thấy thấm thía thế nào là tiếng mẹ đẻ, nhất là khi nghe Thái Thanh hát bài Tình ca của Phạm Duy. Mỗi chữ Thái Thanh hát ra như một giọt nước mắt của người Việt Nam sống xa quê hương”.

Đó là tâm trạng của nhà thơ Trần Mộng Tú khi bà nghe tiếng hát Thái Thanh cất lên ở một nơi không phải là Việt Nam.

Phải nói ngay rằng, tiếng hát của Thái Thanh, không phải là tiếng hát của u buồn, không sầu bi nức nở. Đó là tiếng hát của sự hoan lạc. Trong tiếng hát ấy chứa đựng cái réo rắt của tiếng suối, pha lẫn sự lan tỏa của ánh sáng, và toát lên cái hạnh phúc của một tình yêu, tình yêu quê hương, tình Mẹ.

“Rất nhiều lần tôi đã tự hỏi tại sao Thái Thanh lại có một giọng hát như thế? Cái gì trong giọng hát Thái Thanh đã tác động vào làm cho mình cảm động, rung động như thế khi hát về quê hương đất nước, Tình hoài hương, Tình ca, Bà mẹ Gio Linh chẳng hạn.”

Tiếng hát ấy, theo lời nhà văn Phạm Xuân Đài, là cả một thế giới đặc biệt, làm cho người ta rung động một cách kỳ diệu. Và từ sự rung động ấy, mà mỗi một người, trong một hoàn cảnh và thân phận của chính họ, sẽ nhận thấy những cung bậc tình cảm khác nhau dành riêng cho mình.

Tiếng hát ấy, hơn nửa thế kỷ, kể từ khi bà bắt đầu đi hát 1951 đã trở thành tiếng hát tiêu biểu của nền tân nhạc Việt Nam với dòng nhạc tiền chiến cũng như nhạc tình.

“Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Em tan trường về

Đường mưa nho nhỏ
Ôm nghiêng tập vở
Tóc dài tà áo vờn bay…” (Ngày xưa Hoàng Thị)

Nhắm mắt lại và nghe tiếng hát Thái Thanh, người ta sẽ không chỉ nghĩ đến tình yêu lứa đôi thôi, mà người ta sẽ cảm nhận được tình yêu to lớn hơn, thiêng liêng hơn, vĩ đại hơn, đó là tình yêu đất nước. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, phu quân của cố ca sĩ Quỳnh Giao, một người bạn tri âm của bà cảm nhận rằng:

“Khi nghe tiếng hát của Thái Thanh, thì chúng ta có thể nghĩ đến lời ru của Mẹ. Khi mình không còn ở tuổi yêu đương nữa mà mình nghe mình vẫn còn thấy nức nở thì đó không phải chỉ vì tình yêu không thôi, mà nó còn có tình yêu con người và tình yêu của người Mẹ.” (Nguyễn Xuân Nghĩa)

“Mẹ già cuốc đất trồng khoai
Nuôi con đánh giặc đêm ngày
Cho dù áo rách sờn vai
Cơm ăn bát vơi bát đầy
Hò ơi ơi ới hò! Hò ơi ơi ới hò!…” (Bà mẹ Gio Linh)

“Thái Thanh với tâm hồn của người Việt Nam trong một giai đoạn nhiễu nhương nhất của thế kỷ 20. Từ một thiếu nữ hát những bản tình ca gây xúc động sang giai đoạn đi hát cũng là giai đoạn có cuộc chiến lầm than nhất của đất nước. Những ca khúc Thái Thanh hát về chiến tranh cho thấy điều quan trọng hơn là quê hương và người Mẹ trong chiến tranh.” (Nguyễn Xuân Nghĩa)

Hạnh phúc, lầm than của dân tộc Việt Nam trong một giai đoạn nhiễu nhương của lịch sử được tái hiện trọn vẹn qua tiếng hát Thái Thanh. Bà hát với tất cả tâm hồn, trái tim của người Việt Nam. Những âm thanh của quá khứ, của dân tộc trong các bài dân ca, chầu văn, hát chèo đều được bà bộc tả bằng những cảm xúc tự nhiên nhất.

Nhà văn Phạm Xuân Đài cho rằng những yếu tố văn hoá dân tộc, âm thanh của dân tộc ấy có sẵn trong con người của Thái Thanh. Khi cần, những yếu tố ấy được bà diễn tả ra một cách nhuần nhuyễn, tự nhiên làm cho người nghe dù chợt thoáng qua cũng rung động ngay.

‘Tiếng hát thông minh’

“Khi mà tôi nghe tiếng hát của Thái Thanh, từ hồi còn trẻ, rồi qua thời gian lớn lên, rồi lúc mình chín chắn hơn… kết luận riêng của tôi, tiếng hát của Thái Thanh là một tiếng hát thông minh. Thái Thanh là một người rất thông minh. Vì khi mình nghe bà diễn tả thì hầu như bài hát nào cũng rung động đến tận tâm can. Hình như mọi ý tình của nhạc sĩ sáng tác thì bà Thái Thanh đã chuyển trọn vẹn đến người nghe qua giọng hát của bà. Phải là người thông minh lắm, hiểu hết sắc thái của người nhạc sĩ, và hiểu âm nhạc, hiểu âm thanh thì mới có khả năng diễn đạt hết tất cả những tinh tế đó.” (Phạm Xuân Đài)

Chính nhà văn Phạm Xuân Đài đã nhiều lần tự hỏi tại sao Thái Thanh lại có một giọng hát như thế? Cái gì trong giọng hát của bà đã tác động vào làm cho người nghe cảm động, rung động nhu thế khi hát về quê hương đất nước, Tình hoài hương, tình ca, Bà mẹ Gio Linh…?

“Thứ nhất Thái Thanh là người nắm vững nhạc lý. Thái Thanh đàn piano rất hay. Thứ nhì, Thái Thanh có giọng hát thiên phú thì đã đành rồi nhưng có một biệt tài là phát âm rất rõ những lời ca. Nhờ vậy mà cho đến sau này, nếu người ta nghe lại người ta mới biết người Việt lúc đó đã yêu thương, than khóc hay khóc cười theo mệnh nước nổi trôi như thế nào.”

“Có được tiếng hát như vậy thì cũng phải có một đời sống bên trong rất phong phú thì mới có thể diễn tả được, ngoài chuyện có được tiếng hát thiên phú trời cho. Mà tồn tại được mãi như vậy thì phải có một kỷ luật trong đời sống.” (Nguyễn Xuân Nghĩa)

Một đời nghệ thuật

Thái Thanh đối diện với tác phẩm nghệ thuật như là người sắp diễn tả nó chứ không mang sẵn tâm trạng của mình. Bà không để cảm xúc riêng của mình, tình cảm riêng của mình trong một tình cảnh nào đó của đời mình vào trong bài hát. Bà chỉ sống trọn vẹn với bài hát ấy mà thôi.

“Thái Thanh khi hát chỉ đối diện vời bản nhạc đó thôi, không để cảm xúc riêng của mình trong đó. Đối với Thái Thanh, nghệ thuật là trên hết khi diễn đạt. Khi nhìn vào một bản nhạc thì biết ngay tác giả muốn nói cái gì, mình đối diện với cái gì, mình sẽ diễn đạt cái gì chứ không phải mình nói tâm trạng của mình. Thái Thanh rất khách quan trong việc trình bày một nhạc phẩm.” (Phạm Xuân Đài)

“Khi hát Dòng sông xanh, Mối tình xa xưa, hay Serenade thì Thái Thanh hát trong tâm cảm của một người ở phương trời Tây, của nhạc Tây phương.”

Hơn nửa thế kỷ tiếng hát trôi qua, tiếng hát của bà đã đi cùng lịch sử văn hoá, âm nhạc Việt Nam với những cung bậc thâm trầm khác nhau. Không biết là giờ đây bà có còn khóc cười theo vận nước nổi trôi nữa hay không, nhưng chắc chắn rằng, tiếng hát của bà sẽ mãi mãi vượt thời gian, không gian để trở thành một di sản của nền âm nhạc Việt.

“Một yêu câu hát Truyện Kiều
Lẳng lơ như tiếng sáo diều (ư diều) làng ta
Và yêu cô gái bên nhà
Miệng xinh ăn nói thật thà (à à) có duyên

Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh
Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình
Nhìn trùng dương hát câu no lành…”

Theo RFA

Exit mobile version