Cách đây nhiều năm, tôi có hân hạnh được gặp nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trong một lần làm việc chung. Ấn tượng ban đầu của tôi về ông, đó là một người thân thiện và rất hiền, đặc biệt là rất… yêu vợ. Ông còn lấy ví ra khoe với tôi rằng ông luôn để hình vợ ở trong ví, đó là người vợ đã gắn bó với ông hơn 50 năm với một mối tình đáng ngưỡng mộ.
Nguyễn Ánh 9 có lẽ là nhạc sĩ duy nhất sử dụng bút hiệu có con số. Khi được hỏi lý do của bút danh thú vị này, ông vui vẻ kể lại câu chuyện của hơn 40 năm trước đó. Ông tên thật là Nguyễn Đình Ánh, thời trẻ được học nhạc từ nhạc sĩ Hoàng Nguyên ở Đà Lạt, sau đó trở về lại Sài Gòn để chơi nhạc, trở thành nghệ sĩ piano, guitar. Vì cái tên thật Nguyễn Đình Ánh khá dài nên ông rút gọn lại thành Nguyễn Ánh để làm nghệ danh. Tuy nhiên sau đó, có người nói tên này phạm huý vua (vua Gia Long – Nguyễn Ánh), ông bèn nghĩ ra tên khác.
Trong một lần ngồi suy ngẫm, đếm ký tự của tên N G U Y E N A N H thấy vừa tròn 9 ký tự, nên ông lấy luôn nghệ danh thành Nguyễn Ánh 9. Đó cũng là một cái tên độc đáo, khác biệt và dễ gây chú ý.
Ngoài ra, khi gặp nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, tôi nhân cơ hội để hỏi về một điều thắc mắc đã lâu, đó là sự trùng hợp về giai điệu của đoạn điệp khúc bài hát Tình Khúc Chiều Mưa của ông, với một đoạn trong bài hát Thương Nhau Ngày Mưa của nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang.
Đó là các đoạn:
Chiều nay một mình chiếc bóng đơn côi
Mưa rơi giọt buồn giá buốt tim tôi
Mưa rơi lạnh lùng xóa dấu chân xưa
Tin yêu bây giờ trả lại người xưa
(Tình Khúc Chiều Mưa – Nguyễn Ánh 9)
Click để nghe Elvis Phương hát Tình Khúc Chiều Mưa trước 1975
Như mưa ngày nào thấm ướt vai em
Như mưa ngày nào khuất lấp sao đêm
Thương em ngày nào khóc ướt môi mềm
(Thương Nhau Ngày Mưa – Nguyễn Trung Cang)
Click để nghe Elvis Phương hát Thương Nhau Ngày Mưa
Nói về việc này, ông nói việc trùng hợp giai điệu một đoạn nào đó của các bài hát khác nhau không phải là trường hợp hiếm. Có thể người này bị ảnh hưởng bởi bài hát của người kia. Tuy nhiên trong trường hợp 2 bài hát này, không có ai bị ảnh hưởng bởi ai, vì cả hai bài hát được viết và phát hành cùng một thời điểm (khoảng năm 1973). Sau đó trong một buổi họp mặt, khi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 gặp nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang nói chuyện, cả hai đã cùng cười vui vẻ vì sự trùng hợp thú vị này.
Cả hai bài hát Tình Khúc Chiều Mưa và Thương Nhau Ngày Mưa đều viết về mưa, được viết cùng một thời điểm và đặc biệt là đều gắn liền với tên tuổi của ca sĩ Elvis Phương trước năm 1975. Đó là một sự trùng hợp thú vị đến từ 2 nhạc sĩ thuộc thế hệ “trẻ” hồi đầu thập niên 1970 của Sài Gòn.
Sau này, hai bài hát này được nhiều ca sĩ ghép lại để hát thành một liên khúc nhạc về mưa rất hợp nhau về nội dung. Một bài viết về hiện tại, một bài hồi tưởng về quá khứ.
Bên dưới là tờ nhạc phát hành trước 1975 của 2 ca khúc này:
Đông Kha (nhacxua.vn)