Cũng giống như hoa sim, hoa Ti gôn là loài hoa quen thuộc trong các bài hát nhạc vàng. Nếu như hoa sim có các ca khúc Những Đồi Hoa Sim (Dzũng Chinh), Chuyện Hoa Sim (Anh Bằng), Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà (Phạm Duy), Màu Tím Hoa Sim (Duy Khánh), Màu Tím Hoa Sim (Song Ngọc), là những bài hát có xuất xứ từ bài thơ của thi sĩ Hữu Loan, thì hoa Ti Gôn trong bài thơ của tác giả bí ẩn T.T.Kh cũng đi vào âm nhạc với các ca khúc Hai Sắc Hoa Ti Gôn (Trần Thiện Thanh), Hai Sắc Hoa Ti Gôn (Hà Phương), Chuyện Tình TTKH (Song Ngọc), Chuyện Hoa Ti Gôn và Dĩ Vãng Một Loài Hoa cùng của nhạc sĩ Anh Bằng.
Hoa Ti Gôn còn gọi là hoa tim vỡ, vì hình dáng của loài hoa này giống hình trái tim đang vỡ ra. Loài hoa này nổi tiếng ở Việt Nam từ những năm thập niên 1940 nhờ bài thơ của tác giả T.T.Kh, danh tính của người này cho đến nay vẫn còn là bí ẩn. Thời gian đã trôi qua gần 80 năm, những sự thật về T.T.Kh sẽ ngày càng phủ lên một lớp bụi mờ của thời gian khó lòng được sáng tỏ được.
Những người yêu thơ và yêu nhạc hẳn là không thể nào quên bài thơ “Hai Sắc Hoa Ti Gôn” của nhà thơ ẩn danh T. T. Kh. này sáng tác trong thời kỳ Thơ mới. Bài thơ mang nỗi buồn u tịch của một thiếu phụ vô danh. Theo lời thơ, mặc dù cô “vẫn đi cạnh cuộc đời”, chịu cảnh “ái ân lạt lẽo của chồng tôi” để rồi cảm thấy “mà từng thu chết, từng thu chết” vì mãi mãi “vẫn giấu trong tim bóng một người”.
HAI SẮC HOA TI-GÔN
T. T. Kh.
Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ người đến với yêu đương
Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng
Dải đường xa vút bóng chiều phong
Và phương trời thẳm mờ sương, cát
Tay vít dây hoa trắng chạnh lòng
Người ấy thường hay vuốt tóc tôi
Thở dài trong lúc thấy tôi vui
Bảo rằng: “Hoa, dáng như tim vỡ
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!”
Thuở ấy, nào tôi đã hiểu gì
Cánh hoa tan tác của sinh ly
Cho nên cười đáp: “Màu hoa trắng
Là chút lòng trong chẳng biến suy”
Đâu biết lần đi một lỡ làng
Dưới trời đau khổ chết yêu đương
Người xa xăm quá! – Tôi buồn lắm
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường
Từ đấy, thu rồi, thu lại thu
Lòng tôi còn giá đến bao giờ
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
Người ấy, cho nên vẫn hững hờ
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim bóng “một người”
Buồn quá! hôm nay xem tiểu thuyết
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
Nhưng hồng tựa trái tim tan vỡ.
Và đỏ như màu máu thắm pha!
Tôi nhớ lời người đã bảo tôi
Một mùa thu trước rất xa xôi…
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi!
Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ
Chiều thu, hoa đỏ rụng chiều thu
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng
Người ấy sang sông đứng ngóng đò
Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
Trời ơi! Người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ tới loài hoa… vỡ
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng?
[Nguồn: Tiểu thuyết thứ bảy, số 179, ngày 30-10-1937]
Hình ảnh bông hoa ti-gôn trắng trong, mỏng mảnh in đậm trong tim nàng với hình bóng “một người” đàn ông đã đi qua trái tim nàng và để lại dấu ấn không thể nào phai nhạt. Theo nàng, cứ “mỗi hoàng hôn”, “nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn” nàng lại chờ “người ấy đến với yêu thương”. Nhưng sự đời éo le trong mối tình éo le được tiên liệu trong lời “người ấy” (cho đến bây giờ vẫn là một bí ẩn, chưa biết là ai):
Người ấy thường hay vuốt tóc tôi,
Thở dài trong lúc thấy tôi vui,
Bảo rằng: “Hoa dáng như tim vỡ,
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!”
(T. T. Kh., Hai sắc hoa ti-gôn)
Trong Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng 2017) có mục từ tigôn, được chuyển chú xem ăngtigôn (antigonon) và được giải nghĩa là: “cây bụi thân leo, cành non có hai ba tua cuốn ở tận cùng, lá hình bầu dục nhọn, hoa thường màu trắng hoặc hồng nhạt, mọc thành chùm dài, trồng làm cảnh”.
Có lẽ, không phải từ bài thơ của T. T. Kh. mà hoa ti-gôn mới mang biểu trưng cho nỗi buồn từ tình yêu tan vỡ. Nó đã bắt nguồn từ một câu chuyện từ xa xưa.
Hoa ti-gôn
Ti-gôn là phiên âm và tắt hoá tên một loài hoa là Antigone (có tên khoa học là antigonon leptopus). Ngày xưa, tương truyền ở Hy Lạp có một cô gái tên là Antigone. Nàng là con gái của Oedipe và Jocaste và cũng là em gái của Eteocle và Polynice. Anh nàng – Polynice – vốn bất mãn với chế độ độc tài của vua Créon đã dấy binh chống tên bạo chúa. Cuộc đảo chính bất thành và Polynice bị bắt rồi bị đem ra pháp trường xử trảm. Hành quyết xong Polynice, vua ra lệnh không cho họ hàng thân thích của chàng được đem thi hài về chôn cất mà bắt phơi χác giữa trời cho diều hâu và quạ rỉa. Lệnh vua ai ai cũng khiếp sợ. Chỉ có nàng Antigone bất chấp tất cả. Nàng quyết đem χác anh trai về để chôn cất.
Vua Créon tức giận truyền bắt giam Antigone và lập tức khép án ᴛử hìɴh. Éo le thay, Antigone lại đang là người yêu của Hémon – con trai đức vua. Mặc dù Hémon hết lời can ngăn vua cha cùng lời tiên tri “sấm truyền” của vị bốc sư Tirésias “Nếu cứ giếᴛ Antigone thì sẽ xảy ra chuyện không hay”, vua vẫn không thay đổi quyết định.
Tiếc thay, khi vua Créon hối lại thì mọi chuyện đều đã muộn.
Antigone chếᴛ thảm. Chàng Hémon, con trai nhà vua và là người yêu chung thuỷ của nàng cũng đã ᴛự vẫn chếᴛ theo ngay sau đó. Bi kịch gia đình kéo theo bi kịch thời đại.
Cảm kích bởi câu chuyện đầy bi thương này, người đời sau đã lấy tên Antigone đặt cho loài hoa nom “dáng như tim vỡ” mà ta đã biết. [Theo Nguyễn Quảng Tuân – Nguyễn Đức Dân, Từ điển các từ tiếng Việt gốc Pháp, Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP Hồ Chí Minh, 1992, tr. 416].
Thế là, nhờ có T. T. Kh. mà tên loài hoa ti-gôn (không phổ biến lắm ở Việt Nam) được người đời truyền tụng và gắn với hình ảnh “loài hoa tim vỡ” cho đến tận hôm nay.
Buồn quá! Hôm nay xem tiểu thuyết
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
Nhưng hồng tựa trái tim tan vỡ
Và đỏ như màu máu thắm pha…
nhacxua.vn tổng hợp