Trong nhạc vàng Việt Nam, đề tài ca khúc viết về học trò và những rung động đầu đời là một chủ đề quen thuộc, có rất nhiều nhạc sĩ đã sáng tác những ca khúc đã trở thành bất tử. Tiêu biểu nhất là nhạc sĩ Thanh Sơn với Hạ Buồn, Lưu Bút Ngày Xanh, Nỗi Buồn Hoa Phượng, Ba Tháng Tạ Từ, nhạc sĩ Song Ngọc với Họp Mặt Lần Cuối, Kỷ Niệm Một Mùa Hè, nhạc sĩ Hoài Nam với Những Dòng Lưu Niệm, nhạc sĩ Minh Kỳ với Tiếng Hát Học Trò, nhạc sĩ Duy Khánh với Trường Cũ Tình Xưa, Mùa Chia Tay…
Với thể loại nhạc tình ca, cũng đã có rất nhiều bài viết về thuở còn dưới mái trường, như Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu, Ngày Xưa Hoàng Thị, Con Đường Tình Ta Đi…
Tình yêu học trò trong những bài hát này nói riêng, và của thời xưa nói chung, thường là thứ tình lâng lâng nhẹ nhàng ở tuổi hãy còn măng tre, dường như là chỉ yêu qua ánh mắt với những cái nhìn len lén, những bức thư tình thường là không dám gửi.
Họ cảm mến nhau, rồi đợi chờ, giữ một khoảng cách rụt rè và bối rối rất đáng yêu. Mối tình nhẹ nhàng như vậy cứ đi qua cùng tháng năm học trò, rồi sau này dù có đến được với nhau, hoặc thường là phải xa nhau do hoàn cảnh, do thời cuộc, thì tình cảm tinh khôi đó trở thành những hoài niệm đẹp, những ký ức khó phai.
Đã có rất nhiều “mùa chia tay” như vậy trong nhạc vàng. Khi chia tay tuổi học trò, hoặc khi vì lý do nào đó mà không còn được chung trường lớp nữa, thì những kỷ niệm đó khi nhớ về, dù gợi lòng buồn, nhưng luôn êm đềm đẹp đẽ, như nhạc sĩ Thanh Sơn đã nhắc tới trong Lưu Bút Ngày Xanh, Ba Tháng Tạ Từ, hay là Hạ Buồn, Nỗi Buồn Hoa Phượng.
Trong dòng nhạc tình ca, bài hát học trò hay nhất, nổi tiếng nhất và được yêu thích nhất có lẽ là Ngày Xưa Hoàng Thị được nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ bài thơ cùng tên của thi sĩ Phạm Thiên Thư, khởi nguồn từ những tình yêu nhẹ nhàng tinh khôi nhưng thật lặng lẽ, như thi sĩ đã thổ lộ:
“Cô ấy ôm cặp đi trước, tôi đi theo sau nhưng không dám lên tiếng. Trong bóng chiều tà, ánh nắng hắt qua hàng cây, cô ấy lặng lẽ bước, gây cho tôi những cảm xúc bâng khuâng khó tả. Cứ thế, tôi chỉ biết lặng lẽ đi theo sau cô ấy hàng ngày, giấu kín cảm xúc của mình không cho bất cứ ai biết”.
Rồi thời gian trôi qua, tình yêu tưởng là vu vơ, nhưng để lại dấu ấn không thể phai mờ, để rồi một lần tình cờ trở lại đường xưa, nhớ lại “Ngày xưa Hoàng Thị”, Phạm Thiên Thư đã viết những câu thơ quen thuộc đã đi vào trong âm nhạc:
“Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Chim non giấu mỏ
Dưới cội hoa vàng…”
Click để nghe Thái Thanh hát Ngày Xưa Hoàng Thị trước 1975
Tình cảm của một cô nữ sinh học trò ngày xưa luôn được thể hiện một cách e ấp, ngượng ngùng, như nhạc sĩ Vũ Thành An đã mô tả trong Bài Không Tên Số 5:
“Quấn quít vân vê tà áo
Run run đôi môi mở chào
Tiếng nói thơ dại ngày đó
Bây giờ mộng đời bay cao”
Bài hát này được nhạc sĩ viết cho mối tình của ông với một nữ sinh, người sau đó trở thành vợ (bây giờ mộng đời bay cao). Trong những lần đến cổng trường để đưa đón, hình ảnh mà nhạc sĩ thường thấy là một nàng nữ sinh thẹn thùng vân vê tà áo, mở lời chào mà môi còn run run vụng về, thơ dại và ngây ngô một cách thật đáng yêu.
Những chuyện tình học trò vụng dại như vậy vẫn còn đến những năm thập niên 1980, khi nhà thơ Đỗ Trung Quân sáng tác Chút Tình Đầu cũng đã nhắc đến ngu ngơ một cách đáng yêu của anh học trò không biết cách thể hiện tình cảm:
“Mối tình đầu của tôi có gì?
Chỉ một cây đàn nhỏ
Rất vu vơ nhờ bài hát nói giùm
Ai cũng cũng hiểu, chỉ một người không hiểu
Nên có một gã khờ ngọng nghịu mãi thành câm.”
Trong một bài viết, tác giả Ngô Văn Tuấn đã đúc kết về tình yêu tuổi học trò xưa:
“Tình yêu học trò thời xưa là những bức thư được giấu dưới ngăn bàn, là những lần chở nhau trên chiếc xe đạp đầy hoa phượng cùng nhau đến trường. Tình yêu thời đó trong sáng lắm, chỉ nhìn nhau thôi đã cảm thấy hạnh phúc lắm rồi nếu mà có lỡ chạm tay nhau sẽ thổn thức cả tuần. Tình yêu thời đó luôn luôn được giữ bí mật, đụng nhau ở sân trường chỉ biết ”liếc trộm” nhau một cái rồi thẹn thùng cười thầm quay đi. Món quà ngày đó đơn giản lắm, những ngày kỷ niệm sinh nhật đều là những món quà đơn giản từ những quán lưu niệm, những món đồn handmade , nhưng tràn trề tình cảm chân tình chứa đựng trong đó. Tình yêu học trò ngày xưa ngây ngô thơ dại đến là thường thế đấy”
Ngày nay, những mối tình đáng yêu thuở học trò như vậy có thể là vẫn còn, nhưng chắc chắn là sẽ rất hiếm.
Vào cái thời của lối sống hiện đại đầy vội vã, tình yêu cũng vồn vã hơn. Ngày nay không hiếm để thấy hình ảnh nữ sinh thoa son đánh phấn, sơn móng tay hay tóc vàng tóc nâu đến lớp, những thứ mà chỉ vài mươi năm trước hầu như không bao giờ có. Những em học sinh ngày nay lớn nhanh về thể chất, nhưng tâm hồn vẫn vụng dại nhưng thiếu kỹ năng về cuộc sống nên dễ dàng đánh mất đi tuổi thần tiên.
Trong các buổi lễ tổng kết trường trung học, năm nào các báo cũng đăng những tấm hình học trò áo trắng công khai thể hiện những sự thân mật quá mức bình thường ngay trên sân trường đông đúc, mà nếu nhìn qua thì nhiều người sẽ cảm thấy có sự sống sượng khó coi. Vẫn biết là mỗi thời mỗi khác, nhưng những hình ảnh đó không hợp với nét văn hóa kín kẽ của người Việt,
Thời nào thì cũng có yêu sớm, yêu trước tuổi, nhưng hình như ngày nay người ta dễ dàng “vượt rào” sớm hơn, có thể vì yêu mà bất chấp, nên để lại nhiều hệ quả, không còn là sự hồn nhiên lãng mạn của tuổi học trò nữa, mà có khi là nỗi đau của cả một đời.
nhacxua.vn biên soạn