“Quái kiệt” Trần Văn Trạch tâm sự về chuyện đời – chuyện nghề trong bài phỏng vấn năm 1957

Trần Văn Trạch là một nghệ sĩ đa tài của làng văn nghệ miền Nam trước 1975. Những lĩnh vực mà ông tham gia trong ngành nghệ thuật rất đa dạng, nên có người cho rằng hầu như tất cả những người trong giới nghệ sĩ Sài Gòn đều ít nhất 1 lần được làm việc với ông. Trần Văn Trạch là một ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên, là trưởng đoàn nhạc và là người đầu tiên tổ chức đại nhạc hội và là một trong những bầu sô đầu tiên của Việt Nam.


Click vào hình để nghe giọng hát Trần Văn Trạch với các nhạc phẩm thu âm trước 1975

Thế hệ nghe nhạc sau này có thể ít biết về Trần Văn Trạch và những tác phẩm của ông, vì ông hoạt động sôi nổi nhất là vào những lúc sơ khai của tân nhạc Việt Nam hồi thập niên 1940, 1950 với những ca khúc hài hước, trào phúng, đặc biệt nhiều bài trong đó do chính ông sáng tác, như: Tôi Đóng Xi-nê, Chiếc Đồng Hồ Tay, Tai Nạn Téléphone, Chuyến Xe Lửa Mồng Năm… và một bài mà hầu như tất cả người dân Sài Gòn thời đó đều biết đến là “Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia” được phát trong mỗi cuối tuần trên đài phát thanh.


Nghe Trần Văn Trạch hát Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia

Với mái tóc dài cùng giọng ca trầm ấm, một giọng hát rất đặc trưng của người Miền Nam. Đó là điều đặc biệt bởi vì hầu hết ca sĩ hát tân nhạc, trừ khi hát dân ca, thì đều theo giọng Bắc. Cùng với phong thái biểu diễn mới lạ, vui nhộn, độc đáo… nghệ sĩ Trần Văn Trạch đã được khán giả, báo chí trước 1975, phong tặng danh hiệu “quái kiệt”.

Dưới đây là một bài báo xuất bản ở Sài Gòn năm 1957, là buổi nói chuyện rất thân tình với quái kiệt Trần Văn Trạch. Ông đã rất thoải mái tâm sự về nghề nghiệp, về cuộc sống, về nội tâm sâu thẳm ẩn khuất đằng sau những màn mua vui cho khán giả vào đêm đêm…

Tư liệu của Leminh Saigon

Trần Văn Trạch sinh năm 1924 tại làng Sầm-Giang tỉnh Mỹ-Tho (Nam Phần).

Mới được 5 tuổi anh đã phải sống trong cảnh côi cút, thiếu tình thương yêu chăm bẵm của cha mẹ mà phải nhờ vả cô cậu nuôi ăn học cho đến năm 1938 tại trường trung học Mỹ-Tho, và năm 1953 anh đã là sinh viên của trường Đại học Luật khoa ở Saigon.

Năm 10 tuổi anh đã từng ca vọng cổ sáu câu (?) cho dân chúng miền quê anh ở, và năm 12 tuổi anh chuyển hướng sau bản nhạc đầu tiên trong đêm vui tại sân khấu tình nhà là bản nhạc: “Anh lính thủy mồ côi”, đã được khán giả hoan nghênh, cổ võ anh nhiệt liệt…

Và cho đến ngày nay: đàn, hát, đóng phim, làm đạo diễn và đặc biệt trong những bản nhạc theo loại kể chuyện hài hước, anh đã thành công rực rỡ và dành được cảm tình nhiều nhất của khán giả đối với làng nghệ sĩ Tân nhạc.

Gặp Trần Văn Trạch giữa một lối đi chật hẹp ở hậu trường sân khấu rạp chớp bóng K.H. Vừa hát xong, vì quá mệt nên anh phải ra đứng nghỉ; lưng tựa vào tường, tay ôm tập nhạc và cái áo bành-tô mầu đen cố định của anh trong bốn mùa xanh lá.

Ánh sáng yếu ớt chỉ đủ chiếu rõ mắt anh hơi ươn ướt, đượm u buồn khi hỏi đến anh: Của hiện tại và tương lai.

– Hiện tại ư? Thì tôi vẫn đang cố gắng và mong làm vui khán giả mến yêu của mình được chút nào hay chút ấy. Đó anh coi, tôi vừa mới “chọc cười” thiên hạ xong đó. Nhưng “cái tôi” ở sân khấu và cái tôi lúc này nó chẳng giống nhau đâu…

Anh ngập ngừng… anh nhìn một nữ tài tử duyên dáng vừa đi ngang, rồi chậm rãi nói tiếp:

– Như bao “kiếp hề”, đã có kẻ phải đi qua những nẻo đường cho lòng tê tái. Thì cũng như “hề tôi” bây giờ đang cần phải “gắn” những nụ cười gượng gạo trên môi, mỗi khi ra sân khấu cho tròn bổn phận để rồi chốc nữa về đến nhà chỉ còn nhìn thấy bốn đứa con thơ ngủ lăn lóc, thì cộng với lòng tôi đây, áo này lại càng thêm nặng… anh ạ.

Tôi im lặng, không dám hỏi nhiều nữa, vì muốn kính trọng nỗi buồn thương của anh. Nhưng có lẽ tôi đến đúng lúc anh đang nghĩ đến bản thân mình, nghĩ đến cuộc đời của người nghệ sĩ sau khi bức màn nhung vừa khép, cho nên anh lại nói nhỏ nhẹ trong hơi thở dài…

– Và… tương lai… không biết ngày nào… Tôi sợ lắm… Tôi sợ… không biết ngày nào tôi sẽ không được sống cạnh các con tôi nữa.

Hai tiếng thở dài…

Văn Chung, Phượng Liên, Thành Được, Trần Văn Trạch & Kim Ngọc năm 1969 Đoàn Dạ Lý Hương

Anh Trạch quay đi chỗ khác. Anh vén “cánh gà” nhìn ra ngoài sân khấu. Kiều nữ Bích Sơn đang ngúng nguẩy. Ba Vân đang “bao sân”. Thiên hạ cười, tiếng vỗ tay ran như pháo tết. Anh Trạch quay lại nhìn tôi. Anh nhếch miệng cười:

– Cũng may tôi nhờ có bác sĩ Phạm Văn Đệ, mà tôi xem như ân nhân đã hết lòng săn sóc cứu chữa cho tôi (lẽ dĩ nhiên là không tiền) nên mới có được như ngày nay, mới có dịp đứng trước micro một cách dễ dàng như thế này. Và anh xem, khán giả vẫn đầy đủ. Kết quả khả quan, âu cũng là phần thưởng tinh thần cho chúng tôi càng thêm phấn khởi, để chúng tôi hăng hái cộng tác với nhau mong thúc đẩy phong trào tân ca nhạc kịch của nước nhà một ngày một thêm lớn mạnh.

– Anh có thể cho biết vì nguyên do gì mà anh thích trình bầy những bản nhạc hài hước?

Không nghĩ ngợi, Trần Văn Trạch trả lời ngay:

– Chỉ có hai cách làm cho người nghệ sĩ thành công, là khóc với khán giả, hoặc cười với khán giả. Nghĩa là phải thật thì mới có thể lôi cuốn được họ.

– Từ trước tôi chuyên hát “du dương”, cho đến năm 1948 tôi thay đổi lối trình bầy. Và sau khi thử trong loại kể chuyện, tôi cố bắt chước cho thật giống tiếng nói cũng như điệu bộ của kẻ khác. Hoặc giả tôi kể lại cho khán giả nghe những mẩu chuyện mà thường ngày ngay trong đời sống tôi đã gặp và tôi đã phải tức cười cho khán giả nghe. Lần lần thấy khán giả có vẻ bằng lòng nên tôi chuyển hẳn sang loại hài hước.

– Vả lại chắc anh cũng biết, muốn lấy vài giọt nước mắt của thiên hạ đâu phải chuyện dễ nếu không có hoàn cảnh, hoặc câu chuyện thật lâm ly bi đát để tạo được những khía cạnh thấm thía để làm mủi lòng khán giả, thì trái lại chỉ làm trò cười mà thôi.

– Bản nhạc hài hước đầu tiên nào đã tạo cho anh đường lối diễn xuất này?

– Đó là bản ca trào lộng: “Làng báo Sài-Thành” của nhạc sĩ Lê-Thương. Bản nhạc này đã được hoan nghênh nhiệt liệt. Mỗi lần hát, khán giả đều bắt hát lại. Và cũng vì thế mà bawrt buộc tôi phải luôn luôn cố gắng tìm tòi sáng tác những đề tài mới để trình bầy lại, mong làm vừa lòng khán giả.

– Trong những bản nhạc anh đã hát, anh thích bản nào nhất?

– Có lẽ là “Chuyến Xe Lửa Mùng Năm” anh ạ. Vì bản nhạc này có rất nhiều kỷ niệm đối với tôi cũng như khi tôi trình bầy bản nhạc này trong tiếng cười cũng có lẫn cả tiếng khóc của những người đa cảm thấy mình giống với cảnh ngộ với nhân vật trong câu chuyện “Chuyến Xe Lửa Mùng Năm”.


Trần Văn Trạch và nhạc phẩm hài hước Chuyến Xe Lửa Mùng 5 tại hải ngoại

– Còn về điện ảnh?

Trần Văn Trạch cười:

– Giai đoạn đầu nghề tài tử màn bạc của tôi nó cũng “lụi đụi” như tôi đã kể trong bản nhạc “Tôi Đóng Xi-nê” đó. Tôi đã hợp tác với ban Anh Việt đã gần 7 năm nay, qua “Chàng Ngốc”, “Đầu Bạc Đầu Xanh”…

– À, thiện hạ thấy anh lái một chiếc xe cũ đời N.C.C… gì đó cũng giống như chiếc xe anh đã kể trên sân khấu. Có người nói anh định đóng phim hài hước với chiếc xe ấy có phải không?

– Chà! Nói ra kỳ chết đi ấy. Cứ kể chiếc xe ôtô cũ của người bạn cho tôi xài đỡ cũng đã xẩy ra lắm chuyện cực. Trời mưa thì dột. Chạy máy nổ to điếc tai hàng xóm, nhưng biết làm thế nào? Có ai mua lại cho Viện Khảo Cổ trưng bày đâu. Và mấy chú buôn ve chai cũng không thèm để ý nen “qua” đành xài tạm vậy. Còn để đóng phim thì…

Anh cười có vẻ bí mật bắt tay từ giã tôi, đi ra chiếc xe con cóc để trình bầy một màn hài hước liên tục cho thiên hạ hai bên phố nhìn theo mà cười. Và người nghệ sĩ ấy đã phải nao nao khi lái chiếc xe cũ kỹ ấy trở về ngõ lầy lội ở Xóm Gà để vào ôm hôn bốn đứa con thơ.

Người phỏng vấn: Lý Kim Nguyên – Saigon 1957
nhacxua.vn biên soạn
Tư liệu của Leminh Saigon

Exit mobile version