Có thể xem Hòn Vọng Phu là bài trường ca nổi tiếng nhất của lịch sử tân nhạc Việt Nam. Giá trị của bài hát đã được khẳng định qua sự trường tồn với thời gian và được nhiều thế hệ khán giả yêu mến.
Trường ca Hòn Vọng Phu gồm 3 phần, mượn âm nhạc và mượn câu chuyện dân gian nổi tiếng để viết lên hoàn cảnh đất nước trong thời loạn, với sự hòa quyện giữa giai điệu Tây Phương và âm giai ngũ cung của Việt Nam. Trong 3 bài Hòn Vọng Phu này, chính nhạc sĩ Lê Thương nói rằng ông thích bài số 2 nhất, và đã dồn nhiều thời gian, tâm huyết nhất cho phần trường ca mang tên Ai Xuôi Vạn Lý này.
Ba bài Hòn Vọng Phu được ông sáng tác trong những năm từ 1943 đến 1948 và có thể được hát riêng biệt, nhưng thường được trình bày chung bởi những ban hợp xướng thành một bài trường ca.
Đã có nhiều bài viết phân tích, giải nghĩa bài hát, nhưng phần nhiều trong số đó khó tiếp cận được với phần đông bạn đọc. Trong phạm vi bài viết này, người viết sẽ hy vọng sẽ giải thích được phần nào những thắc mắc về phần câu chữ mà đa số khán giả gặp phải khi nghe trường ca Hòn Vòng Phu.
Click để nghe Hòn Vọng Phu 1 với tiếng hát danh ca Duy Trác
Hòn Vọng Phu 1 – Ra Đi
Bài Hòn Vọng Phu 1 được Lê Thương chia làm hai phần, với một đoạn nhạc chuyển viết theo cách xướng âm cổ: “hò xừ xang xê cống líu ú”. Trong bản in năm 1955 (nhà xuất bản Tinh Hoa, Huế), phần đầu ghi là “Nhịp đi”, phần sau ghi là “Ca khúc”, còn ở giữa là điệu kèn quen thuộc: “xang xang xang hò xừ xang…”
Trong các bản thu âm trước 75, các nhạc sĩ hòa âm thường tuân theo đúng ý của nhạc sĩ Lê Thương: Khúc đầu nhịp quân hành diễn tả người chồng ra đi theo tiếng gọi của núi sông, phần sau êm dịu hơn, là lời than của người vợ ở lại.
Về hoàn cảnh sáng tác Hòn Vọng Phu 1, nhạc sĩ Lê Thương kể lại rằng khoảng thời gian 1944-1945, ông đang ở Mỹ Tho với một tâm hồn ưu tư về thời cuộc, sự loạn ly. Thấu cảm nỗi lòng người chinh phu trong tích xưa, ngẫm lại phận mình cũng đang là một chinh phu thời hiện đại, ông đã bắt đầu viết thành ca khúc.
Trước đó, trên đường vào Nam, nhạc sĩ Lê Thương đi ngang Phú Yên và bị thu hút bởi tượng “vọng phu” cùng quang cảnh non nước “mê hoặc ở vùng này. Có thể nói hình ảnh tượng đá Vọng Phu ở Phú Yên đã ảnh hưởng mạnh nhất tới cảm xúc của Lê Thương.
Ông giải thích: “Núi Vọng phu ở Phú Yên tại một vùng địa lý hơi man rợ, thâm u là đá đẹp nhất, xem từ biển nhìn vào làm cho tôi cảm mến.
…
Quang cảnh hú vía của thiên nhiên, trộn vào ảnh cảm địa lịch qua từng bước đường nam tiến vẫn ám ảnh tâm hồn tôi, một cậu trai giàu tưởng tượng để lúc sống bên bờ kinh Chẹc Xậy (tỉnh Bến Tre thân mến) phải thể hiện thành bài Hòn Vọng Phu 1″:
Click để nghe Thái Thanh hát Hòn Vọng Phu 1
Lệnh vua hành quân trống kêu dồn,
quan với quân lên đường,
đoàn ngựa xe cuối cùng,
vừa duổi theo lối sông…
Phía cách quan xa trường,
quan với quân lên đường,
hàng cờ theo trống dồn
ngoài sườn non cuối thôn,
phất phơ ngậm ngùi baỵ
Qua Thiên San kìa ai tiễn rượu vừa tàn,
Vui ca xang rồi đi tiến binh ngoài ngàn.
người đi ngoài vạn lí quan sang,
người đứng chờ trong bóng cô đơn.
Bên Man Khê còn tung gió bụi mịt mùng,
Bên Tiêu Tương còn thương tiếc nơi ngàn trùng.
người không rời khỏi kiếp gian nan,
người biến thành tượng đá ôm con.
Ngựa phi ngoài xa hí vang trời,
chiêng trống khua trăm hồi,
ngần ngại trên núi đồi,
rồi vọng ra khắp nơi
Phía cách quan xa vời,
chiêng trống khua trăm hồi,
ngần ngại trên núi đồi,
rồi dậy vang khắp nơi
thấm bao niềm chia phôi.
Vui ra đi rồi không ước hẹn ngày về,
ai quên ghi vào gan đã bao nguyền thề.
Nhìn chân trời xanh biếc bao la,
người mong chờ vẫn nhớ nơi xa
Bao nhiêu năm bồng con đứng đợi chồng về,
bao nhiêu phen thời gian xóa phai lời thề,
người tung hoành bên núi xa xăm,
người mong chồng còn đứng muôn năm…
Trường ca Hòn Vọng Phu được nhạc sĩ Lê Thương lấy cảm hứng từ tác phẩm Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn, ra đời vào thế kỷ 18, sau này được nhiều người diễn Nôm.
Trong một cuộc phỏng vấn, nhạc sĩ Lê Thương đã xác nhận điều này như sau:
“…Xin thú thật là tôi còn chịu ảnh hưởng sâu xa trong Chinh Phụ Ngâm, cụ thể là: “Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt” (Chinh Phụ Ngâm), thì trong Hòn Vọng Phu tôi biến thành: “Lệnh vua, hành quân, trống kêu dồn…”; “Tới Man Khê bàn sự Phục Ba” (Chinh Phụ Ngâm), tôi biến nó thành: “Bên Man Khê còn tung gió bụi mịt mùng…”
Có thể nói, những câu thơ trong Chinh Phụ Ngâm đã in sâu vào tiềm thức những ngày tôi còn học ở nhà trường. Rồi với những ấn tượng thắng tích đá Vọng Phu qua truyền thuyết thiếu phụ ôm con mòn mỏi trông chồng đến nỗi hóa đá, đã hằn sâu trong tâm tư tôi, nay gặp ngoại cảnh núi sông hùng vĩ hiện ra trước mắt, đó là môi trường thuận lợi tác thành những giai điệu trong nhạc phẩm Hòn Vọng Phu”.
Chinh Phụ Ngâm nghĩa là lời than vãn của người phụ nữ có chồng đi đánh trận, nên ngay đầu bài trường ca, chúng ta thấy một đoàn hùng binh ra trận rất kiêu hùng, cũng giống như đoạn mở đầu của Chinh Phụ Ngâm, có khung cảnh của ly loạn và nhà vua truyền hịch kêu gọi mọi người tòng quân.
Lệnh vua hành quân trống kêu dồn,
quan với quân lên đường,
đoàn ngựa xe cuối cùng,
vừa duổi theo lối sông…
Nhưng ở đoạn sau, ảnh hưởng từ Chinh Phụ Ngâm đối với Hòn Vọng Phu mới đậm nét nhất với hàng loạt điển cố, điển tích được nhắc tới:
Qua Thiên San kìa ai tiễn rượu vừa tàn,
Vui ca xang rôi đi tiến binh ngoài ngàn.
người đi ngoài vạn lý quan san.
người đứng chờ trong bóng cô đơn.
Bên Man Khê còn tung gió bụi mịt mùng,
Bên Tiêu Tương còn thương tiếc nơi ngàn trùng.
người không rời khỏi kiếp gian nan,
người biến thành tượng đá ôm con.
Thiên San là địa danh được tác giả Đặng Trần Côn nhắc đến trong Chinh Phụ Ngâm qua câu thơ tiếng Hán:
Thiếp tâm tùy quân tự minh nguyệt
Quân tâm vạn lý Thiên San tiễn
Trịch ly bôi hề vũ Long Tuyền…
và được Đoàn Thị Điểm diễn Nôm:
Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi,
Dạ chàng xa tìm cõi Thiên San.
Múa gươm rượu tiễn chưa tàn…
Như vậy “qua Thiên San” và “tiễn rượu” trong Hòn Vọng Phu được trích nguyên bản nội dung từ Chinh Phụ Ngâm, đoạn này cùng mang ý nghĩa là cuộc rượu tiễn đưa, xong rồi quyết chí ra đi trong niềm hân hoan:
“Vui ca xang rồi đi tiến binh ngoài ngàn”
Có nhiều ca sĩ không hiểu ý nghĩa của “vui ca xang”, nên đã hát thành “vui ca xong” hoặc “vui ca vang”. Xang ở đây niềm hân hoan ra trận. Có ý kiến cho rằng “xang” ở đây được bắt nguồn từ “hồ, xự, xang, xê, cống” của âm giai ngũ cung, trong đó xang là cung thứ 3, là thanh âm cao, thể hiện niềm hân hoan, vui sướng và phấn khởi (xang còn có nghĩa là thượng, cao).
Theo giáo sư Phạm Xuân Đài tìm hiểu trong một bài viết, chữ “xang” có trong tiếng Việt từ rất lâu, và được ghi trong tất cả những tự điển tiếng Việt có danh tiếng từ thế kỷ 17 tới nay:
1) Tự điển Việt-Bồ-La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) của Alexandre de Rhodes (1651):
Xang: agitate corpus ambulando (vừa đi vừa lắc thân thể)
2) Tự điển Việt-Latin (Dictionarium Anamitico-Latinum) của GM. Taberd (1838):
Xang: manum altè extollere (nâng tay lên cao)
3) Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của (1895-96):
Xang: giang tay, đưa tay lên, múa men.
4) Tự điển Việt-Pháp (Dictionnaire annamite-français) của Jean Bonet (1900):
Xang: lever les bras, gesticuler, jouer, danser (nâng tay lên cao, làm cử chỉ, chơi đùa, nhảy múa)
5) Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931):
Xang: giang tay, giơ tay lên.
6) Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ (1970-71):
Xang: giang tay, múa men.
7) Tự Điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học (Hoàng Phê chủ biên, 2003):
Xang: đưa qua đưa lại (“chân xang qua xang lại”).
Tuy có một số tiểu tiết khác biệt nhỏ qua các thời, từ “xang” cho ta một ý niệm động: nâng tay lên cao. Nếu gắn vào trong hoàn cảnh bài hát, thì “vui ca xang” thể hiện sự hăng hái của người ra trận.
Nói thêm về điển tích Thiên San trong câu hát, câu thơ bên trên, nó có xuất phát từ điển cố đời Đường bên Tàu. Thiên San, còn gọi là Tuyết San, là dãy núi lớn ở miền Tân Cương (Trung Hoa), xưa thuộc đất Hung Nô, là các bộ lạc du cư ở khu vực Trung Á. Tại vùng này, Tiết Nhân Quí, danh tướng đời Đường từng bắn 3 phát tên mà bình được 10 vạn quân Thiết lạc (Hung Nô). Trong quân nhân có câu hát: “Tướng quân tam tiễn định Thiên San, tráng sĩ trường ca nhập Hán quan”, nghĩa là tướng quân bắn 3 phát tên định được cõi Thiên San, kẻ tráng sĩ hát dài kéo về ải Hán.
Ngoài ra đoạn này còn 2 điển tích khác như sau:
Bên Man Khê còn tung gió bụi mịt mùng,
Bên Tiêu Tương còn thương tiếc nơi ngàn trùng.
Hai điển tích này cũng được nhắc tới trong Chinh Phụ Ngâm:
Tiếu hướng Man Khê đàm Mã Viện
(dịch Nôm:
Tới Man Khê, bàn sự Phục Ba)
Man Khê trong điển tích Trung Hoa: Đời Hán, cùng Vũ Lăng có 5 dòng khe, đều là nơi ở của dân tộc Bàn Hồ (khác Hán Tộc), gọi là vùng Ngũ khê man (nay là vùng tiếp giáp hai tỉnh Hồ Nam và Quí Châu bên Tàu). Đời Hán Vũ đế, dân tộc man ở Vũ Lăng nổi dậy cướp phá nhà Hán, Vũ đế sai Phục ba tướng quân – Mã Viện đi đánh dẹp. (Mã Viện này cũng là người dẫn đầu quân Hán xuống xâm lược người Việt ở xứ Giao Chỉ, ép Hai Bà Trưng tuẫn tiết ở dòng Hát giang). Cũng vì nhắc tới địa danh Man Khê trong câu hát vô thức “Bên Man Khê còn tung gió bụi mịt mùng” mà nhạc sĩ Lê Thương từng bị “chiến khu” phê bình vì đã vô tình ca ngợi giặc là Mã Viện.
Còn về địa danh Tiêu Tương, được nhắc đến trong Chinh Phụ Ngâm:
Lang cố thiếp hề Hàm Dương
Thiếp cố lang hề Tiêu Tương
Tiêu Tương yên trở Hàm Dương thụ
Hàm Dương thụ cách Tiêu Tương giang
(dịch Nôm:
Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại,
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang.
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương,
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng)
Tiêu Tương trong điển tích: Đó là một vùng sông do hai sông Tiêu và Tương hợp lưu với nhau ở tình Hồ Nam, Trung Quốc, gọi chung là Tiêu Tương, chảy vào hồ Động Đình. Vùng Tiêu Tương có nhiều cảnh sơn thủy xinh đẹp, gọi là “Tiêu Tương bát cảnh” (tám cảnh đẹp vùng Tiêu Tương).
Nhạc sĩ Lê Thương đã sử dụng lại những điển tích này như trong Chinh Phụ Ngâm, như là khúc tráng ca để nhắc nhớ đến các chinh nhân thời xa xưa.
Trở lại với bài hát, đoạn sau đó là quang cảnh một cuộc xuất binh đầy thanh thế với cờ bay phất phới, chiêng khua trống dồn vang dậy cả một vùng. Ở đoạn này, từng cụm âm thanh dồn dập xô đẩy nhau để diễn tả không khí ra quân:
Ngựa phi ngoài xa hí vang trời,
Chiêng trống khua trăm hồi,
Ngần ngại trên núi đồi,
Rồi vọng ra khắp nơi
Phía cách quan xa vời,
chiêng trống khua trăm hồi,
ngần ngại trên núi đồi,
rồi dậy vang khắp nơi
thắm bao niềm chia phôi.
Trong khí thế bừng bừng đó, vẫn có một dấu lặng “ngần ngại”. Bên cạnh sự hùng tráng của phút ra quân, vẫn có những nỗi niềm của sự chia ly không hẹn ngày trở lại: “thắm bao niềm chia phôi”, cho nên ngọn cờ cũng “phất phơ ngậm ngùi bay”.
Vui ra đi rồi không ước hẹn ngày về,
Ai quên ghi vào gan đã bao nguyện thề.
Nhìn chân trời xanh biếc bao la,
Người mong chờ vẫn nhớ nơi xa
Những người tráng sĩ đã “vui ra đi mà không ước hẹn ngày về”, để lại tình vợ chồng chưa toại lòng nhau đã cách biệt. Tình cha con chưa từng ôm ấp đã chia ly…
Đoạn cuối là Hòn Vọng Phu 1 là hình ảnh bi thương, tan tác. Nó đại diện cho số phận không may của người Việt với ngàn năm chinh chiến, loạn ly:
Bao nhiêu năm bồng con đứng đợi chồng về,
bao nhiêu phen thời gian xóa phai lời thề,
người tung hoành bên núi xa xăm,
người mong chồng còn đứng muôn năm…
Hết phần 1 của trường ca Hòn Vọng Phu, mời bạn đón xem tiếp bài viết về Hòn Vọng Phu phần 2 – Ai Xuôi Vạn Lý.
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn