“…Với thể điệu Rumba quen thuộc, diễn tả tâm trạng đau buồn của một người khi người yêu không đến nữa, ca khúc Nửa Đêm Ngoài Phố đã ăn sâu vào lòng tất cả mọi người, từ những người lớn tuổi, cho đến lớp người trẻ lúc bấy giờ”.
Ca sĩ Thanh Thúy, người trình bày thành công nhất ca khúc Nửa Đêm Ngoài Phố nói riêng, và dòng nhạc của nhạc sĩ Trúc Phương nói chung, đã từng tâm sự như vậy về bài hát đã làm nên tên tuổi của cô cũng như của nhạc sĩ Trúc Phương vào những năm đầu thập niên 1960.
Click để nghe Thanh Thúy hát Nửa Đêm Ngoài Phố trước 1975
Thanh Thúy còn cho biết là thời đó, trong bất cứ buổi trình diễn nào, cô cũng được yêu cầu trình bày Nửa Đêm Ngoài Phố, từ các sân khấu phòng trà, khiêu vũ trường cho đến Đại Nhạc Hội, từ các thôn làng nhỏ bé cho đến các tiền đồn hẻo lánh xa xôi. Ngoài ra, trong những chương trình phát thanh của đài Sài Gòn và đài tiếng nói Quân Đội, vào bất cứ chương trình nhạc nào cũng có bài này… Như vậy có thể nói bài hát này đã trở thành một hiện tượng, rất được yêu thích ngay từ khi mới ra mắt, và đã được bảo chứng qua thời gian 60 năm, đến nay vẫn được công chúng nhiều thế hệ đón nhận, yêu mến.
Từ cuối thập niên 1950, nhạc sĩ Trúc Phương đã sáng tác những ca khúc quen thuộc với công chúng như Đò Chiều, Tình Thắm Duyên Quê… Tuy nhiên phải sang đến năm 1960, ca khúc Nửa Đêm Ngoài Phố có thể xem là bài đầu tiên làm vang danh cho tên tuổi nhạc sĩ Trúc Phương, cũng như góp phần đưa tiếng hát Thanh Thúy lên đài cao của danh vọng, đánh dấu sự gắn bó của sự nghiệp nữ danh ca này với dòng nhạc Trúc Phương từ đó cho đến nay.
Thật khó tìm được một ca khúc nào của nhạc sĩ Trúc Phương mà không buồn. Ngay cả khi dù có đang đắm chìm trong hạnh phúc thì ông cũng vẫn sáng tác nhạc buồn, như là để dự cảm cho tương lai mai sau của mình.
Dù đã lấy vợ từ những năm cuối thập niên 1950, và vào thời điểm đáng lẽ là phải đang tận hưởng hạnh phúc bên gia đình nhỏ, nhưng với một tâm hồn đa cảm và đa mang, nhạc sĩ Trúc Phương đã sáng tác nên những lời ca đầy những ưu tư:
Buồn vào hồn không tên,
Thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời
Đường phố vắng đêm nao quen một người
Mà yêu thương trót trao nhau trọn lời.
Để rồi làm sao quên?
Biết tên người quen, biết nẻo đi đường về
Và biết có đêm nao ta hẹn hò
Để tâm tư những đêm ngủ không yên…
Nhìn lại những ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Trúc Phương, sẽ thấy có rất nhiều bài hát có bối cảnh là “đêm”, như Đêm Tâm Sự, Tàu Đêm Năm Cũ, Hai Chuyến Tàu Đêm, Mưa Nửa Đêm, và đặc biệt là Nửa Đêm Ngoài Phố, được viết sớm nhất trong loạt ca khúc này.
Nhạc về đêm hầu hết là nhạc buồn, vì khi mà bóng tối vây quanh, người ta thường cảm nhận được rõ ràng nhất những nỗi buồn tủi, cô đơn và lạnh lẽo. Có lẽ là khi sáng tác Nửa Đêm Ngoài Phố, nhạc sĩ Trúc Phương đã mang những tâm trạng như vậy.
Bối cảnh của bài hát là vào một đêm buồn, có một người tỉnh giấc lúc canh khuya khi chuyện tình xa xưa lại tràn về theo gió lạnh. Dù kết thúc đã lâu, nhưng lúc nào người cũng cảm thấy mọi thứ như là mới vừa ngày hôm qua. Đêm nay kỷ niệm một lần nữa lại ùa về, khung cảnh xưa hiển hiện như một khúc phim quay chậm: Đường phố vắng đêm nao quen một người…
Đó chắc chắn không phải là lần đầu tiên mà người gặp những cảm giác đó, bởi vì niềm ưu tư khắc khoải khi chuyện tình dang dở đi qua đã làm cho người phải trải qua rất nhiều “đêm ngủ không yên” rồi.
Nửa đêm lạnh qua tim
Giữa đường phố hoa đèn
Có người mãi đi tìm,
Một người không hẹn đến
Mà tiếng bước buồn thêm
Tiếc thay hoài công thôi
Phố đã vắng thưa rồi
Biết rằng chẳng duyên thừa
Để người không gặp nữa
Về nối giấc mơ xưa
Thức giấc nửa đêm, rồi những hình ảnh năm xưa cứ hoài ẩn hiện trong đầu, người không thể chợp mắt trở lại nên đành rảo bước ra đường.
Giữa đường phố hoa đèn của thành đô rực rỡ, có một người lê những bước chân vô định trên con đường cũ để tìm lại dấu hẹn hò năm xưa. Nhưng vì cố nhân không hẹn đến nên làm sao gặp được nữa, nên dù chỉ là muốn bước cho vơi nỗi nhớ, người lại càng thấy buồn thêm trên mỗi bước chân hoài công.
Ngày buồn dài lê thê
Có hôm chợt nghe gió lạnh đâu tìm về
Làm rét mướt qua song len vào hồn
Làm khô môi biết bao nhiêu lần rồi..
Ngày thì buồn dài lê thê, còn đêm về thì giấc cũng không yên vì từng cơn gió lạnh cứ ùa về mang theo tất cả những nỗi nhớ len sâu tận vào tâm can. Ngày lẫn đêm đều cùng thao thức chung một nỗi niềm.
Đời còn nhiều bâng khuâng
Có ai vì thương góp nhặt tâm tình này
Gửi giúp đến cố nhân mua nụ cười
Và xin ghi kỷ niệm một đêm thôi…
Người xưa thì có thể đã quên, nhưng lòng người nhạc sĩ vì quá nặng tình và đa cảm nên đời vẫn còn nhiều bâng khuâng, đành góp nhặt tâm tình này viết thành câu nhạc ý thơ, để mong gửi đến cố nhân những lời cuối tạ từ.
Ca sĩ Thanh Thúy kể lại rằng khi bài hát này được ra mắt, trong tất cả các lần trình diễn, dù ở nơi nào thì cô cũng đều được khán giả yêu cầu hát Nửa Đêm Ngoài Phố. Trong một lần đi lưu diễn ở Đà Lạt. Vừa hát xong phần mình, Thanh Thúy quay về khách sạn (ở gần rạp hát) để nghỉ ngơi. Chẳng bao lâu sau đó thì chương trình biểu diễn ở rạp đã kết thúc, khán giả lũ lượt kéo nhau ra về. Đứng trên lan can nhìn xuống đường, Thanh Thúy đã được chứng kiến được cảnh nhiều nhóm người cùng nhau vừa hát, vừa huýt sáo bài Nửa Đêm Ngoài Phố…
Cô kể lại tâm trạng của mình khi đó: “Bỗng dưng tôi đã cảm động và để mặc hai hàng lệ tuôn. Tôi chỉ là một ca sĩ, hát lên nỗi niềm của anh mà còn xúc động đến như vậy, nói gì đến anh, người sáng tác, còn xúc động đến dường nào”.
Click để nghe Nửa Đêm Ngoài Phố, bản thu đầu tiên trong dĩa nhựa
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn