Trương Chi là một đề tài thú vị trong văn học nghệ thuật Việt Nam nói chung và Tân nhạc Việt Nam nói riêng. Từ thập niên 1940, có 2 nhạc sĩ, cũng là 2 trong số những tên tuổi lớn nhất của tân nhạc là Văn Cao và Phạm Duy đều sáng tác nhạc về chàng Trương Chi. Với nhạc sĩ Phạm Duy, ông chỉ đơn thuần nhìn Trương Chi như là một kẻ ngoài cuộc, để xót thương câu chuyện tình truyền thuyết và sáng tác ca khúc Khối Tình Trương Chi. Nhưng với nhạc sĩ Văn Cao, ca khúc mang tên Trương Chi của ông phảng phất nỗi buồn thân phận của chính mình.
Click để nghe Thái Thanh hát Trương Chi trước 1975
Trương Chi là một trong những tích truyện Việt Nam hiếm hoi có cấu trúc và kết thúc rất lạ. Chuyện kể về Trương Chi có tiếng hát làm mê hoặc lòng người, tiếng hát Trương Chi đã làm cho Mị Nương đắm say mê mẩn đến mức ốm tương tư. Oái oăm thay khi thấy được vẻ bề ngoài quá xấu xí của chàng Trương, Mị Nương đã nguôi mộng, dứt mối tương tư. Ngược lại, được thấy dung nhan tuyệt sắc của Mị Nương thì Trương Chi lại ôm trong lòng khối tình đơn phương ngang trái, câm nín, tuyệt vọng. Vì tình yêu vô vọng, vì tủi phận nghèo hèn, xấu xí, Trương Chi trẫm mình, hồn cốt biến thành ngọc nơi tuyền đài. Do tình cờ, Mỵ Nương nâng chén ngọc mà thấy người hát khi xưa, nàng xót thương rơi lệ, chén ngọc vỡ tan. Ngoài bản kể xuôi, trong dân gian còn lưu hành một truyện “Trương Chi” bằng thơ lục bát, lời thơ rất bình dị, tự nhiên:
“Ngày xưa có anh Trương Chi
Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay
Cô Mỵ Nương nhà ở lầu Tây.
Con quan thừa tướng ngày ngày cấm cung”
Từ lâu, truyện “Trương Chi” đã được nhiều người yêu thích, nhiều nghệ sĩ có tài đã chuyển thể thành văn thơ, nhạc, kịch (bao gồm cả tuồng, chèo, cải lương, kịch thơ, kịch nói…). Không chỉ được lưu truyền với nhiều hình thức khác nhau, truyện Trương Chi còn có rất nhiều dị bản. Có thể nói, chuyện tình đẹp và bi kịch này đã gây bao cảm xúc nghệ thuật cho các bậc tài hoa anh kiệt. Có thể kể đến vở kịch thơ Trương Chi của Vũ Hoàng Chương, truyện ngắn Nàng và Trương Chi của Vũ Giang, truyện ngắn Trương Chi của Nguyễn Huy Thiệp, ca khúc Chuyện tình Trương Chi – Mị Nương của Anh Bằng, ca khúc Hận Trương Chi của Hùng Lân, ca khúc Trương Chi của Đặng Hữu Phúc…
Click để nghe Hà Thanh hát Khối Tình Trương Chi của nhạc sĩ Phạm Duy
Có thể nói hình tượng Trương Chi và mối tình Trương Chi đã trở thành biểu tượng cho mối quan hệ giữa nghệ sĩ, nghệ thuật và cuộc đời. Bởi thế, nó là một đề tài lớn và thú vị trong văn học nghệ thuật Việt Nam. Truyện cổ “Trương Chi” phản ánh một bi kịch tình yêu trong xã hội phong kiến Việt Nam, mở đầu bằng trận ốm tương tư trầm trọng của cô gái cấm cung con nhà giàu sang quyền quý và kết thúc bằng cái chết vì thất tình của chàng trai đánh cá nghèo khổ. Nội dung truyện cổ không đi sâu vào miêu tả nội tâm của các nhân vật, cũng như không làm rõ các tình tiết trong truyện.
Những ca khúc của Phạm Duy hoặc Văn Cao đều dựa trên tích truyện đó, nhưng mỗi nhạc sĩ đã có những rung cảm riêng biệt, tạo nên một “Trương Chi” rất riêng.
Trương Chi của Văn Cao huyền ảo, đài các, giàu chất thơ; Khối tình Trương Chi của Phạm Duy khoan thai, nhẹ nhàng, mơ mộng. Từ “vết tích” Trương Chi huyền thoại, từ cảm thức Trương Chi trong văn hóa Việt, mỗi bản nhạc như một sự chuyển hoán thú vị, mang tải nỗi niềm tâm sự và tài hoa của người viết, tạo nên một chủ đề có dấu ấn nhất định trong hành trình nghệ thuật thăng trầm của tân nhạc Việt Nam gần 80 năm qua.
“Trương Chi” trong nhạc phẩm của Văn Cao sáng tác năm 1942, một trong những ca khúc lãng mạn góp phần tạo nên tên tuổi của nhạc sĩ. Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy đã nhận xét về bài này là “vào lúc tân nhạc mới chập chững biết đi mà Văn Cao đã viết được những câu nhạc diễn tả giọt mưa tài tình như vậy, thật là hiếm có.”
Nhạc sĩ Trần Quang Hải thì cho rằng: “Và cũng như hình ảnh cây đại thụ, Văn Cao đã kiêu hùng trải qua những bão táp của thế sự”.
Văn Cao viết Trương Chi như đang viết về mình và dự cảm về hành trình nghệ thuật lắm truân chuyên sau này. Nếu Trương Chi trong chuyện cổ là anh chài nghèo với tiếng hát làm mê hoặc trái tim trinh nguyên của Mỵ Nương thì trong nhạc phẩm này, nhạc sĩ mượn lời Trương Chi – Theo nghĩa trừu tượng: Tức nỗi cô đơn của Trương Chi trong ca khúc để nói lên những trái ngang của chính mình.
Bằng nét cọ của “tiếng cầm ca”, lời mở đầu vẽ ra bức tranh của trần gian cổ tích đậm chất thơ:
“Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ
Trầm trầm không gian mới rung thành tơ
Vương vất heo may hoa yến mong chờ
Ôi, tiếng cầm ca thu tới bao giờ.
Lòng chiều bơ vơ lúc thu vừa sang,
Chập chùng đêm khuya thức ai phòng loan
Một cánh chim rơi trong khúc nhạc vàng
Đây đó từng song the hé đợi đàn.”
Câu chuyện được dẫn dắt một cách nhẹ nhàng với không gian thơ mộng lãng mạn, nhưng mang một chút u uất trong cảnh trời se sắt vàng của mùa thu. Giữa sắc thu vàng, giai điệu trầm trầm tơ rung chập chùng len theo mây gió, làm chao đôi cánh nhạn rồi len lỏi vào cõi lòng bơ vơ cho bật lên cái tâm thao thức, khắc khoải. Từng câu nhạc như gợi tả lại hình ảnh Trương Chi của ngày xưa trong truyện cổ, nhưng cũng vương vấn đâu đó hình bóng của chàng nhạc sĩ nghèo, dự báo về số phận lênh đênh lắm truân chuyên của mình. Hình tượng Trương Chi xuất hiện với tiếng ca não nùng:
“Anh Trương Chi, tiếng hát vọng ngàn xưa còn rung,
Anh thương nhớ,
Oán trách cuộc từ ly não nùng.”
Văn Cao kể một cách từ tốn, trầm tư, nhưng đầy ray rứt mãnh liệt. Bóng dáng Mỵ Nương mê mẫn chìm đắm trong tiếng ca của chàng Trương xuất hiện trong ca khúc Trương Chi của Văn Cao có sự diễm lệ của thăng hoa, giống như khi trăng đã vằng vặc thì phải có mây gió, lá hoa cùng lả nhịp:
“Tây hiên Mỵ Nương khi nghe tiếng ngân
hò khoan mơ bóng con đò trôi
giai nhân cười nép trăng sáng lả lơi, lả lơi bên trời”
Nhạc phẩm Trương Chi là lời bộc bạch của “Chàng Trương”, là tiếng ca ai oán, đau đớn khi phải chịu số kiếp lầm than, là tiếng ca não lòng khi mang trong mình nỗi xót xa của một con người bị ruồng bỏ vì vẻ ngoài xấu xí, là nỗi đắng cay đến xắt xé tâm can khi nhận ra rằng tình yêu không bao giờ đến với một con người xấu xí như mình. Tự kết liễu đời mình, để dòng nước lạnh lẽo làm đông cứng nỗi đau chính là sự lựa chọn của chàng Trương. Dường như chỉ có sự lạnh lẽo đó mới thấu hiểu được nỗi lòng khắc khoải của con người tài hoa này.
Có lẽ vì sự đồng cảm mà Văn Cao đã viết một “Trương Chi” mang thân phận bi ai của người nghệ sĩ nghèo, chịu những truân chuyên, khổ ải. Bài hát được chia ra nhiều phân đoạn với những tiết nhịp thay đổi diễn tả những cung bậc tình cảm, cảm xúc đan xen nhau của nhân vật.
Thế nhưng ca khúc không dừng lại ở đó. Người chết nhưng tiếng ca vẫn còn vang, người chết nhưng linh hồn vẫn còn vương vất:
“Nhạc còn lưu ly nhắc ai huyền âm,
Lạnh lùng đôi giây tố lan trầm ngận
Trong lúc đêm khuya ai lóng tiếng cầm,
Thu đã chìm xa xa ánh nguyệt đầm”
Nỗi hờn trách vẫn còn văng vẳng mãi. Cái chết của Trương Chi như càng làm cho tiếng ca thêm phần ai oán, hờn trách. Câu nhạc quá não nề, mang một vẻ sầu thương, buồn thảm. Con thuyền Trương Chi chìm sâu đáy nước. Hình ảnh này ám ảnh Văn Cao và sau đó cũng ám vào đời của ông. Anh Trương Chi mang đến cho cuộc đời tiếng hát, làm mê đắm lòng Mỵ Nương nhưng vì vẻ ngoài xấu xí mà người đẹp từ chối tấm chân tình của người chèo đò. Tiếng hát chàng Trương chỉ còn là những âm thanh đắng cay còn vang vọng bên bờ lau lách, chỉ còn là nỗi uất nghẹn chìm sâu.
“Thương khúc nhạc xa vời
Trong đêm khuya dìu dặt tiếng tơ rơi.
Sương thu vừa buông xuống
Bóng cây ven bờ xa mờ xóa giòng sông
Ai qua bến giang đầu tha thiết,
Nghe sông than mối tình Trương Chi
Dâng úa trăng khi về khuya,
Bao tiếng ca ru mùa thu.”
Hồn nghệ thuật đang đòi lại sự nhìn nhận công bằng? Cổ tích xưa đã cho một cái kết có hậu, Mỵ Nương rơi lệ trước khối tình Trương Chi như một sự ân hận, nhưng ở đây Văn Cao tàn nhẫn quá, con thuyền Trương Chi của ông đã chìm sâu chỉ còn bảng lảng bóng người vất vưởng trong gió mưa:
“Ngoài song mưa rơi trên bao cung đàn
Còn nghe như ai nức nở và than,
Trầm vút tiếng gió mưa
Cùng với tiếng nước róc rách ai có buồn chăng?
Lòng bâng khuâng theo mưa đưa canh tàn
Về phương xa ai nức nở và than,
Cùng với tiếng gió vương,
Nhìn thấy ngấn nước lấp lánh in bóng đò xưa.
Đò ơi! đêm nay dòng sông Thương dâng cao
Mà ai hát dưới trăng ngà
Ngồi đây ta gõ ván thuyền,
Ta ca trái đất còn riêng ta.”
Ông trời ban cho chàng tiếng hát làm mê lòng người, thì cũng có thể cướp đi của chàng tất cả: tình yêu, niềm hy vọng và một trái tim ai oán, than van, có lẽ như tấm tình của chàng ngư phủ – nghệ sĩ họ Trương vậy. Yêu đến thác rồi mà tình vẫn chưa tan, cho đi hết cả tâm hồn mình, đến cạn kiệt cả sức mình, cho dù có không được người đời đáp lại thì tâm hồn yêu ấy cũng vẫn không một lần trách móc, chỉ lặng lẽ, u uẩn kết thành khối ngọc quý dâng đời.
Chàng Trương của Văn Cao với nỗi hận thiên thu phả vào trong hương thu, trời trăng, với giọng hát còn mãi với thời gian như một bản nhạc bất hủ.
Nửa thế kỷ sau khi bài hát ra đời, nhạc sĩ Văn Cao cũng nhận mình là chàng Trương Chi theo một cuộc bài ghi của ca sĩ Ánh Tuyết năm 1994:
“Văn Cao vẫn lặng im. Bất chợt ông nói gọn mấy từ như nói với chính mình mà cũng vừa đủ cho tôi nghe: “Trương Chi là tôi đấy”. Rồi ông bật một tiếng cười khan mà tôi nghe thấu lòng cái nỗi cô đơn cùng tận giăng phủ niềm đau ẩn chứa trong sự im lặng, đã gói gọn số phận đời ông qua hình dáng chàng Trương Chi. Cái cách cười chỉ để khẽ giấu nỗi đau sau ánh mắt xa xăm ấy khiến tôi thật khó quên. Tôi lại nhấp trà, nhấp trà mà cũng thấy say say…”
Sự cô đơn của chàng Trương Chi Văn Cao, cô đơn một cách lạnh lùng và tàn nhẫn. Sự cô đơn thê thảm ấy đã được Trịnh Công Sơn hổi tưởng lại vào năm 1993: “Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi cái không khí ảm đảm cô đơn của những mùa Thu Đông ở Hà Nội với hình ảnh với Văn Cao đã ngồi một mình với ly rượu ngày này qua ngày khác.Ông ngồi đó mà như sự vắng mặt trước cuộc sống. Ngồi hơn 20 năm như một cái bóng. Ly rượu cũng thành cái bóng. Người và ly rượu trở thành người thân thiết sẻ chia cùng nhau nổi đời riêng hiu quạnh mà không còn ai khác để san sẻ cùng.”
Nhưng khác với chàng Trương Chi trong ca khúc đã chọn cái chết, chàng Trương Chi của thời đại (là Văn Cao), không đi tìm cái chết mà chấp nhận sống để tiếp tục. Chỉ có điều đáng tiếc là ngay từ ngày ấy, tức năm 1944, rất ít người để ý, chịu hát lời 2 của ca khúc. Đáng tiếc! Bởi vì chỉ qua lời 2 ông đã tiên kiến về những hệ lụy sẽ tới với đời mình, đó là ngày ông không còn được đàn hát nữa:
“Đêm thu dài đến khoan tiếng nhạc ơi!
Nhạc ơi thôi đàn”
Trong tích xưa nàng Mỵ Nương đã nhỏ lệ xuống trái tim của Trương Chi để hồn chàng siêu thoát, còn ngày nay ai sẽ nhỏ lệ xuống nấm mồ của Văn Cao.
Ca khúc Trương Chi thu âm vào dĩa hát lần đầu vào năm 1950, do Châu Kỳ (sau này là nhạc sĩ) hát trên dĩa Philips do ban Võ Đức Thu hòa âm.
Click để nghe nhạc sĩ Châu Kỳ hát Trương Chi năm 1950
Tới nay đã gần 80 năm, bản nhạc bất hủ Trương Chi đã qua nhiều giọng hát làm vạn người mến nhưng chất giọng Trượng Phu của Danh Ca Anh Ngọc đã làm nổi bật nên nổi tâm sự của chàng Trương Chi trong tích xưa hay lẫn chàng Trương Chi thời đại.
Click để nghe Anh Ngọc hát Trương Chi trước 1975
Nguyễn Thanh Phong biên soạn theo bài viết của Lê Thị Thuyên – Nguyễn Văn Tuân (Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế)