Những bài nhạc vàng đã ra đời cách đây trên dưới nửa thế kỷ, trong quá trình hát và truyền miệng đã bị tam sao thất bản, biến đổi lời. Bản gốc không được lưu giữ dẫn đến mỗi ca sĩ hát một lời mà không có cơ sở để đối chứng, chỉnh sửa. Thông thường, những trường hợp này, lời ca khúc được truyền nhau hát từ thế hệ này sang thế hệ khác, một người hát sai thì dẫn đến nhiều người sau đó cũng hát sai theo.
Trong đó, việc hát sai lời gốc của bài hát có thể được chia thành 3 trường hợp chủ yếu sau đây:
1. Sai lời do không hiểu nội dung bài hát
Đây là trường hợp hát sai lời phổ biến nhất, thường xuất hiện ở các ca sĩ trẻ hát dòng nhạc vàng ngày xưa. Ca sĩ trẻ là thế hệ sau nên không có nhiều thông tin, kiến thức, hoặc thiếu sự trải nghiệm đối với hoàn cảnh sáng tác nên hiểu nhầm ý nghĩa của câu, từ của bài hát. Một số trường hợp ca sĩ hát sai những chữ thông thường, không ảnh hưởng tới nội dung câu hát, bài hát. Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp chỉ cần hát sai 1 chữ cũng làm cho ý nghĩa sai hoàn toàn, hoặc câu hát trở thành tối nghĩa, làm bối rối người nghe nhạc.
Các trường hợp điển hình ca sĩ hát sai lời làm sai ý nghĩa của câu hát:
Trong bài hát nổi tiếng Đà Lạt Hoàng Hôn, có 1 câu hát mà nhạc sĩ Minh Kỳ sử dụng chữ tương đối lạ, làm cho nhiều ca sĩ không hiểu và hát sai lời nhiều nhất là:
“…bước chân êm giữa không gian, hoàng hôn THÙA màn đêm…”
Trước năm 1975, Thanh Tuyền là người duy nhất hát bài Đà Lạt Hoàng Hôn. Cho đến nay, cô cũng là người duy nhất hát đúng lời gốc của bài hát, đặc biệt là ở cụm từ “hoàng hôn thùa màn đêm” (là khoảng thời gian chạng vạng, chuyển chiều sang tối). Sau này các ca sĩ trẻ hát thành “thua màn đêm” hay “khua màn đêm” đều vô nghĩa.
Xem lời gốc của bài hát, được in trong tờ nhạc phát hành trước 1975, bản in ghi rõ là “thùa màn đêm”. Ngoài ra một điểm lưu ý trong bài này, cũng được in trong tờ nhạc, là 1 số chữ trong bài Đà Lạt Hoàng Hôn có 2 cách hát khác nhau, và cách nào cũng đúng so với lời gốc của tác giả:
Hàng cây thẫm màu đèn lên phố PHƯỜNG…
hoặc:
Hàng cây thẫm màu đèn lên phố NHỎ…
Và câu:
Giờ đây HƠI SƯƠNG giá buốt…
hoặc
Giờ đây ĐI TRONG giá buốt…
Một trường hợp khác là bài Thành Phố Buồn, tác giả Lam Phương ghi lời là: “Rồi từ đó, TRỐN phong ba, em làm dâu nhà người”. Tuy nhiên vì âm TR và CH gần giống nhau, đặc biệt với cách hát của người miền Nam, nên rất nhiều khán giả tưởng câu đó là “chốn phong ba”.
Khi xem lại tờ nhạc phát hành trong thập niên 1960, lời chính xác được in ấn là “trốn phong ba…”, có nghĩa là nhân vật “em” đã trốn cuộc tình phong ba để về làm dâu nhà người. Trong khi đó, nếu hát “chốn phong ba”, nghĩa là “ở nơi chốn phong ba, em làm dâu nhà người…”, làm cho ý nghĩa câu hát bị khác hoàn toàn với ý của tác giả Lam Phương.
Bên dưới đây là tờ nhạc phát hành trước 1975, câu đó được in rõ là “trốn phong ba em làm dâu nhà người”.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều người chưa tin, cho rằng tờ nhạc cũng có thể sai chính tả. Để chắc chắn nhất là hỏi lại chính tác giả bài hát là nhạc sĩ Lam Phương. Vào năm 2017, nam ca sĩ Huỳnh Phi Tiễn đã phỏng vấn nhạc sĩ Lam Phương và đưa ra câu hỏi về vấn đề này, ông đã trực tiếp nói như sau, xin trích nguyên văn:
“Bởi vì TR và CH gần giống nhau nên nhiều ca sĩ họ nghe không rành, vì không có bản gốc để đối chiếu nên họ tưởng tôi viết là “chốn phong ba”, nhưng thật ra là TRỐN, “trốn tránh phong ba” để đi làm dâu người ta”. (Lam Phương)
Mời các bạn xem buổi phỏng vấn này ở bên dưới (xem từ phút 3:30)
Click để xem
Nếu như chính tác giả đã xác nhận từng câu chữ thì không còn lý do nào để tranh cãi nữa.
Ngoài ra, bài hát nổi tiếng nhất của Trịnh Công Sơn là Diễm Xưa cũng bị ca sĩ hát sai lời rất nhiều ở câu hát:
Nhỡ mai trong cơn đau vùi…
Thông thường, từ thường dùng là “lỡ mai…”, nhưng ngôn ngữ ngày xưa, người ta cũng hay dùng từ “nhỡ” thay cho từ “lỡ”. Trong câu hát này, nhiều ca sĩ lại hát là: NHỚ MÃI trong cơn đau vùi… làm cho câu hát bị sai ý nghĩa và “tầm thường hóa” một câu hát trách móc rất hay và nhẹ nhàng của tác giả: Chiều này còn mưa sao em không lại? Nhỡ mai trong cơn đau vùi…
Xem lại thủ bút của Trịnh Công Sơn dưới đây để biết chắc chắn tác giả sử dụng chữ nào:
Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rất nhiều lần giải thích cái hay, cái chất Huế độc đáo của từ “con tinh” trong bài Một Cõi Đi Về (con tinh yêu thương vô tình chợt gọi…) Theo Trịnh Công Sơn thì các cô gái nhỏ, xinh đẹp và nghịch ngợm ở Huế hay bị gia đình, người thân mắng yêu là “đồ yêu tinh”. Cái “con tinh” đó đã đi vào văn học và đi qua dòng nhạc Trịnh trong bài hát Một cõi đi về mà ông yêu thích nhất nhưng đa số ca sĩ lại hát là “con tim”, làm cho câu hát không còn gì đặc biệt.
Cũng tương tự như “con tinh” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong bài Vết Thương Cuối Cùng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Để (Diên An) có chữ “tay ma” (từ đây xa rồi đôi cánh tay ma…) Có lẽ ca sĩ sau này thấy bài hát mà có chữ “ma” thì không hay lắm, nên tự ý đổi thành “tay mơ” cho nó thơ mộng, làm cho câu hát sai ý nghĩa so với lời gốc của nhạc sĩ.
Bài hát Xóm Đêm của nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác trong thập niên 1950 có câu: “qua phên vênh có hai mái đầu…” Nếu là ca sĩ trẻ thì ít người biết “phên” là gì nên tự ý đổi chữ trong câu hát này thành “chênh vênh”.
“Phên” là tấm che được đan bằng tre của những nhà nghèo thời những năm 1950 ở Sài Gòn. Trong con ngõ nhỏ, nhiều vách nhà được che bằng tấm phên, lâu ngày mưa nắng nó bị cong vênh lên tạo thành một khe hở, nhạc sĩ nhìn qua khe phên vênh ấy, thấy có hai mái đầu chụm lại dưới ánh đèn “hắt hiu vàng ánh điện câu”.
Bài hát Về Quê Ngoại là một ca khúc quê hương rất nổi tiếng của nhạc sĩ Hàn Châu, thường được biết đến với câu hát đầu được ca sĩ hát như sau:
Anh xin mời em đi về miền quê xa lắc lơ
Nơi quê hương em có hàng dừa xanh
Có ngàn câu hò thắm tình dân tộc…
Tuy nhiên theo nhạc sĩ Hàn Châu, lời ca bên trên là hoàn toàn sai so với nguyên tác bài hát của ông viết năm 1974, được ca sĩ Duy Khánh hát đúng trong băng nhạc Nguyên Thảo 1974 như sau:
Click để nghe Duy Khánh hát
Anh xin mời em xuôi về miền Trung xa lắc lơ
Nơi quê hương anh có hàng dừa xanh,
Có ngàn câu hò thắm tình dân tộc.
Trao đổi với người viết, nhạc sĩ Hàn Châu nói rằng ông không biết lý do vì đâu mà bài hát Về Quê Ngoại lại bị đổi lời nhiều và lung tung đến như vậy. Ngay câu hát đầu tiên, tác giả nhắc đến “xuôi về miền Trung”, tức là quê hương miền Trung ở Bồng Sơn – Bình Định, nơi ông sinh ra, nhưng lại bị ca sĩ đổi lời thành “đi về miền quê”.
Một số lời hát khác của ca khúc này bị hát sai:
Lời đúng:
Qua bao ngày thơ khói lửa tràn lan anh bỏ đi
Hơn hai mươi năm chẳng về làng xưa
Hát sai:
Qua bao ngày thơ kỷ niệm mộng mơ anh đã ghi
Bao nhiêu năm qua chẳng về làng quê
Lời đúng:
Đây là bà ngoại anh sống đời buồn tênh trên mảnh vườn hoang
Hôm nay anh về vun lại hàng cau cho ngoại ăn trầu ngoại sống dài lâu
Hát sai:
Đây là nhịp cầu tre nối liền hai thôn sớm nắng chiều mưa
Hôm nay anh về vun lại hàng cau tháng năm dãi dầu cằn cỗi từ lâu
Lời đúng:
Quê hương ngoại buồn vì những ngày dài
Bôn ba kiếp người anh chẳng về quê
Hát sai:
Quê hương đời đời câu hát ngọt lời
Anh vui sống lại như máu về tim…
Nhạc sĩ Hàn Châu cho biết, hầu hết các bài hát của ông được viết dựa trên nội dung do ông hư cấu và tưởng tượng ra, tuy nhiên bài hát Về Quê Ngoại là một trong những bài hát hiếm hoi mà ông viết về cuộc đời thật của mình, về người bà ngoại yêu dấu đã một đời tần tảo cưu mang và vất vả nuôi nấng ông và các anh chị em của ông.
Một trường hợp sai lời khác được chính tác giả phải lên tiếng đính chính vì hầu hết các ca sĩ hát sai lời, đó là Bài Thánh Ca Buồn của nhạc sĩ Nguyễn Vũ.
Lời gốc của bài hát này là: “Rồi một chiều áo trắng THAY màu, em qua cầu xác pháo theo sau”, đã bị các ca sĩ cũng như các bản in đổi thành: “Rồi một chiều áo trắng PHAI màu”. Điều sai cơ bản ở đây là chữ “thay” của tác giả bị đổi thành chữ “phai” làm thay đổi rất nhiều về ý nghĩa của câu hát. Hơn nữa, áo trắng thì chắc chắn là không thể bị… phai màu được.
Chính nhạc sĩ Nguyễn Vũ đã giải thích như sau: “Áo trắng thay màu có nghĩa chiếc áo trắng thơ ngây của cô nữ sinh ngày nào giờ đã thay màu thành màu áo khác, chẳng hạn như là màu áo cưới”.
Các ca sĩ cũng thường chỉ hát là: “Rồi những đêm thánh đường đón Noel”. Nhưng ở nguyên bản, Nguyễn Vũ viết: “Rồi những đêm thế trần đón Noel”. Tác giả lý giải, Noel từ lâu đã không còn là một lễ hội tôn giáo dành riêng người theo đạo nữa. Noel đã trở thành một lễ hội chung của mọi người. Tất đều hân hoan đón đợi lễ Giáng Sinh và đó là ngày hội lớn được đón nhận bởi mọi quốc gia, mọi sắc tộc, mọi tầng lớp xã hội. “Chính vì điều đó, tôi chọn câu: ‘Thế trần đón Noel’. ‘Thế trần’ ở đây là đảo ngược hai từ ‘trần thế’ có nghĩa là ‘thế gian’ là dành cho tất cả mọi người, Tôi rất mong mọi người hát đúng nguyên ca từ”.
Những trường hợp đã nhắc đến bên trên là trường hợp điển hình của hát sai lời làm cho bài hát thay đổi ý nghĩa. Tuy nhiên, kỷ lục về việc hát sai lời so với bản gốc nhiều nhất thuộc về ca khúc Hoa Sứ Nhà Nàng (tên gốc là Hoa Sứ Nhà Em)
Ngoài việc tựa đề bài hát này bị ghi sai, hầu hết ca sĩ đều hát sai hầu hết phần lời. Nguyên do có thể là vì khi các ca sĩ sau 1975 trình bày, họ đã không đối chiếu với tờ nhạc gốc, mà hát theo kiểu truyền tai nhau. Ngay từ các chữ đầu của bài hát đã bị hát sai là:
“Đêm đêm ngủ mùi hương” bị đổi thành “Đêm đêm ngửi mùi hương”
(Chữ “ngửi” có vẻ hợp lý, nhưng đã làm cho câu hát trở thành “trần tục” hơn lời gốc)
“đậm đã gây nhớ gọi tên” bị đổi thành “đậm đà đây đó gọi tên” (không hiểu “đây đó gọi tên” là gì)
“nhà nàng cách gần bên giàn hoa sứ ranh vườn” bị đổi thành “nhà nàng cách nhà tôi giàn hoa sứ quanh tường”
“biết chăng ngày sau khi ngõ về gần nhau tình ôi đóm lửa phai mầu” bị đổi thành “biết chăng về sau khi ngõ về gần nhau tình yêu đã vội phai màu”
“một trời tim tím thở than” bị đổi thành “một thời tim tím mộng mơ”
Xem lời hát in trên tờ nhạc trước 1975:
Hoa Sứ Nhà Em là bài hát có trường hợp đặc biệt, là TẤT CẢ các ca sĩ hát bài này sau năm 1975 đều hát sai, không có bất kỳ bản thu âm sau 1975 nào hát đúng lời gốc. Ngay cả ca sĩ Chế Linh, là người duy nhất hát đúng lời gốc khi thu trong băng Kim Đằng 2 trước 1975, nhưng sau 1975, ông vẫn hát sai lời. Có lẽ cũng từ phiên bản hát sai lời này của Chế Linh khi thu âm trong băng nhạc Làng Văn sau 1975, làm cho các ca sĩ trẻ khác hát sai lời theo. Mỗi ca sĩ lại hát sai theo những cách khác nhau.
Mời các bạn nghe phiên bản Chể Linh hát trong băng Kim Đằng 2 trước 1975, phiên bản duy nhất được hát đúng lời gốc phát hành của nhạc sĩ Hoàng Phương:
Click để nghe Chế Linh hát
Trên đây chỉ là những trường hợp điển hình nhất của việc ca sĩ hát sai lời bài hát do không hiểu ý nghĩa, còn rất nhiều trường hợp khác không thể liệt kê hết trong một bài viết.
2. Trường hợp ca sĩ tự ý đổi lời bài hát vì khác biệt hoàn cảnh khi sáng tác và khi hát.
Những bài nhạc vàng sáng tác trước năm 1975 trong hoàn cảnh ly loạn, trong khi các ca sĩ hát sau 1975 ở hải ngoại với hoàn cảnh tha hương nên có xu hướng tự đổi lại lời hát cho phù hợp. Đó là trường hợp bài Tôi Chưa Có Mùa Xuân của nhạc sĩ Châu Kỳ:
Ôi đất nước HAI NƠI, xuân đi làm sao tới…
được đổi thành:
Ôi đất nước XA XÔI, xuân đi làm sao tới
Một trường hợp khác nữa là bài nhạc bất hủ Con Đường Xưa Em Đi của nhạc sĩ Châu Kỳ và Hồ Đình Phương, từng gây xôn xao một thời gian vì câu hát trong lời gốc:
ᴄhιến trường anh bước đi…
Sau 1975, cả ca sĩ hải ngoại lẫn ca sĩ trong nước đã đổi lại lời mới, hát thành: “lối mòn anh bước đi…” để tránh nhắc tới chữ “nhạy cảm”. Lúc sinh thời, không thấy nhạc sĩ Châu Kỳ có ý kiến gì về việc đổi lời này. Tuy nhiên một tin đáng mừng là sau khi bài hát Con Đường Xưa Em Đi bị cấm lưu hành rồi lại được lưu hành trở lại vào năm 2016, các ca sĩ trong nước đã hát đúng với lời gốc là: “ᴄhιến trường anh bước đi” và “nơi đây phiên gác canh dài…” thay vì hát sai lời: “lối mòn anh bước đi” và “nơi đây thao thức canh dài…”
Bài Đám Cưới Đầu Xuân của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có câu hát dành cho người lính: “xuân nay lại trở về, đường rừng hành quân sương xuống…” Khi ca sĩ Thái Châu hát ở trung tâm Làng Văn, ông đổi thành: “xuân nay lại trở về, chạnh lòng anh nghe xao xuyến…” làm cho câu hát trở nên “sến” hơn và ít nhạc tính hơn.
3. Trường hợp chính tác giả đổi lời bài hát cho hợp hoàn cảnh mới
Đây là một trường hợp đặc biệt, chính nhạc sĩ tự đổi lời và hát bài hát do mình sáng tác khi hát ở hải ngoại sau năm 75, đó là nhạc sĩ Duy Khánh với bài Xin Anh Giữ Trọn Tình Quê.
Lời bài hát trước năm 1975 của bài này là:
Biên cương xa vời, mơ ước gì hỡi lòng trai…
…
Hơn hai mươi năm, chinh ᴄhιến điêu tàn…
Sau khi sang hải ngoại, nhạc sĩ Duy Khánh hát thành:
Xa xôi quê người mơ ước gì hỡi lòng trai…
…
Bao nhiêu năm qua, chinh ᴄhιến điêu tàn…
Một trường hợp khác là bài hát Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ của 2 nhạc sĩ Hà Phương và Anh Việt Thanh rất nổi tiếng với giọng ca Mạnh Đình sau năm 1975 với câu mở đầu:
Trời đổ mưa cho phố vắng mênh mông, khơi lòng bao nỗi nhớ…
Ít người biết rằng bài nhạc này trước 1975 là lời tâm sự của 1 người lính với câu mở đầu:
Trời đổ mưa cho ướt áo chinh nhân, mưa về trên đồn vắng…
Nhạc sĩ Hà Phương nói rằng sau năm 1975, chính ông đã đổi lại lời mới cho phù hợp hơn.
Một trường hợp khác là ca khúc Hạ Thương của 2 nhạc sĩ Thanh Phương và Hàn Châu (dùng bút hiệu Châu Phương Thảo) cùng hợp soạn, phần lời trước 1975 do danh ca Thái Thanh hát rất khác so với phần lời được nhạc sĩ Hàn Châu sửa lại sau năm 1975:
Hạ ơi! anh xa em mấy mùa phượng rồi
Giờ tạm dừng quân lần đầu tiên thương gửi về em
Lối xưa có còn những tà áo trắng tung bay
Cho anh ngây ngất ngàn ngày
Bên người tình nhân nhỏ bé
Hạ ơi! anh xa em mấy ngày thật dài
Hỏi người năm xưa giờ còn thương nhớ người con trai
Đã hơn những chiều hẹn hò
Anh đón anh đưa, bên ai quấn quít từng giờ
Ôi tình yêu rót mật thành thơ
Mùa hạ nay vắng anh chắc em sẽ buồn
Lối hẹn lối hò còn ai
Để đưa em đường vắng lối dài
Anh yêu em cũng trong mùa phượng vỹ
Mà giờ đây xa rồi, chợt buồn mênh mang
Giờ đây, anh lênh đênh bốn ngả đường dài
Lòng nặng niềm thương về người em bé bỏng hậu phương
anh sẽ trở về cũng mùa phượng vỹ đơm hoa
Em anh vui tuổi ngọc ngà
Ta bỏ đi nỗi buồn ngày qua
Click để nghe Thái Thanh hát Hạ Thương trước 1975
Phần lời sau 1975:
Hạ ơi! Ta xa nhau mấy mùa phượng rồi.
Mà lòng ngỡ như mình vừa xa cách ngày hôm qua.
Lối xưa có còn những tà áo trắng tung bay.
Cho anh ngây ngất ngàn ngày
Bên người tình yêu nhỏ bé.
Hạ ơi! Anh xa em xa tuổi học trò.
Hỏi người tình ơi giờ còn thương nhớ người anh trai
Ðã hơn những chiều hẹn hò anh đón anh đưa
Bên nhau quấn quít từng giờ
Ôi tình yêu rót mật thành thơ.
Mùa hạ về, vắng anh chắc em sẽ buồn
Lối hẹn lối hò còn ai để đưa em đường vắn lối dài.
Ta yêu nhau cũng trong mùa phượng đỏ
Mà giờ đây ta xa rồi
Chợt lòng nghe buồn mênh mang.
Giờ đây, anh bôn ba khắp nẻo đường đời
Lòng nặng niềm thương về người yêu nơi miền quê xưa.
Anh sẽ trở về trong mùa phượng vĩ đơm hoa
Đôi ta vui tuổi ngọc ngà
Ta bỏ đi nỗi buồn ngày qua.
Click để nghe Ngọc Sơn hát Hạ Thương
Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn