Những mùa Xuân buồn trong ca khúc “Xuân Muộn” của nhạc sĩ Hoài Linh – “Lại thêm Xuân nữa gieo nhẹ vào mái đầu…”

Nhắc đến mùa Xuân trong âm nhạc, người ta dễ liên tưởng đến cảnh sắc xuân thì lộng lẫy, lóng lánh sắc hương, những hân hoan, rộn ràng, thơ nhạc reo ca vang dội khắp nơi nơi. Mùa Xuân người ta thường tránh nói về cái sự buồn, sự xui xẻo hay nghèo khó những mong một năm mới vẹn toàn, hạnh phúc. Nhưng ít nói không có nghĩa là không có, bởi có những mùa xuân, mà cái sự buồn thê thiết nó lấn át hết tất cả. Sắc khí ngày xuân không những không thể xoa dịu lòng người mà còn như xoáy sâu vào nỗi sầu buồn miên viễn.

Nhạc phẩm Xuân Muộn của nhạc sĩ Hoài Linh là một ca khúc như vậy, nói chuyện mùa xuân nhưng giọng nhạc thê thiết, mang mang sầu buồn bởi lòng người vương tơ quá nhiều tâm sự không thể hoá giải.


Click để nghe Hà Thanh hát Xuân Muộn trong dĩa nhựa trước 1975

Nhạc phẩm Xuân Muộn được sáng tác vào khoảng năm 1967, với sự thể hiện đầu tiên là nữ danh ca Hà Thanh thu thanh trong dĩa nhựa. Nhạc sĩ Hoài Linh sinh năm 1920, mất năm 1995 tại Việt Nam khi dòng nhạc vàng đang trong giai đoạn “ngủ đông” vì bị cấm đoán, vậy nên khán thính giả yêu nhạc hầu như không có nhiều cơ hội để hiểu thêm về tác giả Hoài Linh cũng như những ca khúc nổi tiếng của ông. Tuy nhiên, khi nghe nhạc phẩm Xuân Muộn qua tiếng hát của nữ danh ca Hà Thanh trình bày, người yêu nhạc dường như cũng hiểu được phần nào tâm sự, tấm lòng của Hoài Linh dành cho con người và quê hương xứ sở Việt Nam.

Dù mang tên Xuân Muộn, nghĩa là một bài hát viết về mùa Xuân, nhưng ngay trong những câu hát đầu tiên của ca khúc, mùa Xuân hân hoan nơi trần thế đã bị đặt bên lề dòng tâm tưởng của nhân vật tự sự:

Nhiều khi mơ ước đi lạc vào thiên thai
Để theo Lưu Nguyễn xa biệt hẳn cõi đời
Tiên giới không Xuân Hạ Thu Đông
Bốn mùa hoa nở đào tiên dâng
Điện vút đài cao chín tầng 

Đó là tâm trạng muốn thoát ly thực tại, chán chường thế gian, “nhiều khi mơ ước đi lạc vào thiên thai” của người nhạc sĩ mang nhiều tâm tư, nặng trĩu cõi lòng. Nhớ khi xưa nhà thơ Tản Đà trong cơn chán chê mệt mỏi với trần đời cũng đã từng mang tâm trạng này ra để giãi bày:

Đêm thu buồn lắm! Chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi.
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.

Có bầu, có bạn, can chi tủi,
Cùng gió, cùng mây, thế mới vui.
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám.
Tựa nhau trông xuống thế gian, cười.

Nhưng nếu Tản Đà còn vương vấn với thế gian, còn muốn rong chơi, trêu đùa, muốn “trông xuống thế gian, cười”, thì ở đây là một tâm trạng nặng nề hơn, muốn thoát ly vĩnh viễn theo “Lưu Nguyễn xa biệt hẳn cõi đời”; muốn thoát khỏi mọi sầu muộn, ưu phiền, thăng trầm, đổi dời, biến hoá của thế gian để đến nơi “tiên giới không Xuân Hạ Thu Đông”, nơi có “bốn mùa hoa nở đào tiên dâng, điện vút đài cao chín tầng”. Khi hạ bút viết những dòng chữ này, hẳn nhạc sĩ đã tuyệt vọng lắm, chán chường lắm với thực tại đời sống. Xin hãy nghe tiếp dòng tâm sự:

Chiều ba mươi Tết ta còn gì cho nhau
Lại thêm Xuân nữa gieo nhẹ vào mái đầu
Đâu đấy vu vơ vài tiếng pháo
Giữa lòng quê nghèo còn binh đao
Thấy hoa xót mai thương đào 

Chiều ba mươi Tết bao giờ cũng là những giờ khắc đáng nhớ trong lòng người Việt, người người hối hả trở về nhà, sửa soạn cỗ bàn cúng ông bà, tất tả dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, cười đùa sum vầy trong không khí ngày Xuân,… Nhưng ở đây ta chỉ nghe thấy tiếng thở dài dằng dặc, u sầu. Mùa Xuân đến không hân hoan, rộn rã, không tưới tắm sắc xuân lên con người, vạn vật mà “gieo nhẹ vào mái đầu” trong sự đón nhận miễn cưỡng, lạc lõng giữa vài tiếng pháo “vu vơ”. Mùa xuân dù có muôn màu muôn sắc cũng chẳng thể nào tô thắm được bức tranh xám xịt của thực tại khi mà “giữa lòng quê nghèo còn binh đao”, còn loạn lạc lửa binh, lòng người còn chia ly, thù hận. Hoàn cảnh đó, không khí bi thương đó của quê mẹ, khiến cho những đứa con không tránh khỏi tâm trạng ngậm ngùi, xót xa “thấy hoa xót mai thương đào”.


Click để nghe Hà Thanh hát sau năm 1975

Xuân ơi, Xuân từ đâu đến
Ta có quen em? Đông tàn đến tìm
Trần gian nhiều đau khổ rồi
Chờ bàn tay nhung gấm vuốt ve tươi lòng thế nhân 

Ở những câu hát này, mùa Xuân đã không còn bị chối bỏ nữa mà được nhân cách hoá thành một người bạn tri âm tri kỷ để trút niềm tâm sự. Nhạc sĩ dành những lời ca bay bướm, ngọt lịm, đầy xúc động để trò chuyện với mùa xuân: “Xuân ơi, xuân từ đâu đến”, và câu hỏi “Ta có quen em?” gửi về một mùa xuân thật xa lạ giữa một “trần gian nhiều đau khổ rồi”, cho nên “ta” không thể hân hoan, nói cười chào đón “em”, ta chỉ có thể chờ đợi “em” mang phép màu huyền diệu của mùa xuân đến gội rửa bớt khổ đau, ưu phiền, “chờ bàn tay nhung gấm vuốt ve tươi lòng thế nhân”. 

Và Xuân ơi, dù giàu hay nghèo, dù quyền quý cao sang hay chỉ có tấm lòng thành thực, người người đều sẽ mong đón một mùa Xuân mới an lành, hạnh phúc:

Giàu vui mong đón Xuân về bằng cao sang
Nghèo lo Xuân đến chân thành bằng tấm lòng 

Dù đang trong tâm trạng sầu buồn, tuyệt vọng, thì trước mùa xuân mới, người nghệ sĩ trong từng câu, từng chữ, từng lời hát giản dị vẫn không quên gửi gắm tất cả tình cảm, tấm lòng chân thành của mình đến mùa xuân, mong ước và cầu nguyên cho con người, cho quê hương đất mẹ được yên vui, hoà bình.

Chân bước trong đêm tàn ngõ tối
Giao thừa Xuân muộn dạ không vui
Có người đón Xuân quên cười 

Ca khúc kết lại bằng hình ảnh u sầu của người nghệ sĩ đang lê những bước chân lặng lẽ “trong đêm tàn ngõ tối” trước khoảnh khắc giao thừa kề cận gây xúc động mạnh cho người thưởng nhạc. Đây có lẽ là một trong những nhạc phẩm xuân buồn nhất trong nhạc vàng. Danh ca Hà Thanh bằng giọng hát thanh thoát, truyền cảm sâu lắng của mình đã chuyển tải trọn vẹn hồn cốt của nhạc phẩm Xuân buồn này ở một đẳng cấp riêng biệt, khó giọng ca nào sánh được. Cái buồn, cái rưng rưng, hiu hắt của dòng tâm trạng trong ca khúc được danh ca thể hiện một cách rất tinh tế, khoan thai, sang trọng chứ không hề bi luỵ, thê thiết.

Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version