…Khu nhà tạm lợp bằng tôn nóng hầm hập được xây trên bãi cát Phú Lộc dành cho những gia đình chiêu hồi gần khu gia binh của lính VNCH. Sư Đoàn 3 bộ binh chế độ Sài Gòn thất trận ngoài Quảng Trị, nghe nói cả sư đoàn chết gần hết, tướng Vũ Văn Giai bị ra tòa án binh giáng xuống binh nhì. Những người lính thất trận ủ rũ, dắt vợ con vào tá túc, trong khu gia binh và chia tay gia nhập vào sư đoàn khác để tiếp tục ra chiến trướng.
Suốt ngày trong khu gia binh phát những bài hát buồn thảm của Trần Thiện Thanh:
“Nếu em biết rằng có những người đi đấu tranh chưa về,
mang lời thề lên miền sơn khê từng đêm địa đầu hun hút gió sâu.
Nếu em đã gặp mẹ già thương con khấn nguyện đêm rằm
Vợ yêu chồng đan áo lạnh từng đông
Thì duyên tình mình có nghĩa gì đâu
Anh hỏi một câu khi trong đêm dài vọng về tiếng súng…
Nếu anh trở về khi tàn chinh chiến xin em cúi mặt giấu lệ mừng nghe em!”.
Lần đầu tôi nghe cảm giác lâng lâng bởi lời của bài hát, nhưng quá nhỏ để không biết nó có ý nghĩa gì? Sau này lớn lên nhớ lại quá khứ, nghe lại bài hát tôi mới nhận ra tính nhân văn cao cả của nó. Tình yêu của mỗi cá nhân có đáng gì với nỗi buồn của đất nước mang trên mình những vết thương bị chà xát bởi lòng hận thù vô lối. Nếu anh trở về khi tàn chinh chiến xin em cúi mặt giấu lệ mừng nghe em! Vâng em không nên quá mừng bởi vì bạn bè anh đã ngã xuống trên chiến trường.
Những ám ảnh của chiến tranh theo suốt trong các giấc mơ của đời tôi. Khi đã lớn lên trong đói nghèo bệnh tật chúng tôi đã sống nhờ vào những giai điệu buồn bã như thân phận của dân tộc tôi, đất nước tôi.
Trong tiểu thuyết Đất Trời Vần Vũ của mình tôi đã viết:
“Ở cái thế giới này, ai gặp tôi cũng hỏi:
– Lúc này làm ăn có khá không? Tôi buồn kinh khủng em ạ! Sao không ai hỏi tôi:
– Có tồn tại tình yêu đích thực nào trong cuộc đời này không? Sao không ai hỏi:
– Con người có làm gì để thế giới vật chất này bớt hận thù không?…”
Những tháng ngày đó, tôi, bạn bè tôi và đất nước tôi cơ cực bần hàn. Chúng tôi ăn những bữa cơm hẩm từ hạt gạo mục nát, độn sắn lát và bo bo, với nồi canh chuối xanh chát ngắt. Tôi lên lớp rao giảng những giáo điều trái với thực tế cuộc sống . Đám học trò ngây thơ ngồi trên mấy chiếc bàn tre mục nát để nghe tôi nói, nuốt từng lời của tôi, còn tôi nuốt sự cay đắng cùng với bụi phấn mịt mù.
Em biết không, chúng tôi đã hằm hè nhau vì vài lạng thịt tiêu chuẩn mà bà giáo viên đời sống chia không đồng đều. Tôi cũng hùng hục tranh giành miếng ăn, để rồi đêm về nằm khóc trong tủi nhục. Nhiều lần tôi đã muốn hủy bỏ thân xác cặn bã này để trở về với thế giới song song, nếu không có em và tình yêu của chúng ta từ trong tiền kiếp.
Sau giờ dạy học, tôi giết thời gian bằng rượu và boléro, những bài hát buồn như thân phận con người vậy em ạ. Tôi đã bị khiển trách, bị kiểm điểm vì đã hát cho học trò nghe những câu hát ủy mị ấy. Không uống rượu và không boléro thì tôi làm thơ và tôi đi tìm em. Em đã lớn, tôi cũng đã đến cù lao Dao và gặp em…”
Nguồn: Nhà văn Nguyễn Một