Trầm Tử Thiêng (1937 – 2000) là một nhạc sĩ người Việt của dòng nhạc vàng và tình ca giai đoạn 1954 – 1975 tại miền Nam Việt Nam.
Năm 1958 Trầm Tử Thiêng tốt nghiệp trường Sư Phạm và bắt đầu dạy học. Cũng năm đó đó ông bắt đầu viết nhạc, trong đó có bản “Bài Hương Ca Vô Tận” được sáng tác trong thời kỳ đầu nổi tiếng qua giọng hát Thái Thanh.
Năm 1966, Trầm Tử Thiêng nhập ngũ, thuộc Cục Tâm lý chiến thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Thời gian đó ông viết các bản nhạc về lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa như: “Quân trường vang tiếng gọi”, “Đêm di hành”, “Mưa trên poncho”. Sự kiện Tết Mậu Thân 1968, Trầm Tử Thiêng sáng tác bài “Chuyện một chiếc cầu đã gãy” nói về cầu Trường Tiền trên sông Hương bị giật sập. Năm 1970 ông viết “Tôn Nữ còn buồn” về trận bão tàn phá miền Nam. Từ năm 1970, ông làm việc trong ngành Phát thanh Học đường cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. Trầm Tử Thiêng cũng tham gia vào phong trào Du ca Việt Nam.
Các sáng tác của Trầm Tử Thiêng khá đa dạng nhiều loại nhạc, từ âm hưởng dân ca cho đến tình ca. Một số ca khúc nổi tiếng từ trước 1975 như: “Kinh khổ”, “Chợt nghĩ về hai nơi”, “Mười năm yêu em”, “Tình ca mùa đông”, “Mây hạ”…
Trầm Tử Thiêng đến Hoa Kỳ năm 1985 và định cư tại Little Saigon, tiểu bang California. Ông là cố vấn ban chấp hành Hội Ký giả Việt Nam Hải ngoại 2 nhiệm kỳ 1996 – 2000. Cuối năm 1999, ông cùng các bạn văn nghệ sĩ sáng tác lập Thư viện Việt Nam tại Little Saigon.
Tại Hoa Kỳ, hợp tác làm việc với Mây Productions, Hollywood Night và trung tâm Asia, Trầm Tử Thiêng đã cùng Trúc Hồ sáng tác nhiều ca khúc cho thể loại nhạc đồng ca như: “Bước chân Việt Nam”, “Việt Nam niềm nhớ”, “Một ngày Việt Nam”, “Tình đầu thời áo trắng”, “Cám ơn anh”… và những tình khúc như “Cơn mưa hạ”, “Đêm”, “Đã qua thời mong chờ”. Một bài hát khác của ông là “Đêm nhớ về Sài Gòn” viết 1987 cũng được nhiều người biết đến.
Ngày 25 tháng 1 năm 2000, Trầm Tử Thiêng mất tại bệnh viện Anaheim West Medical Center. Trong chương trình Paris By Night tưởng niệm ông do trung tâm nhạc Thúy Nga tổ chức, Khánh Ly đã hát lại ca khúc “Mây hạ” cùng tiếng hát của ông được ghi âm trước đó.
Tác phẩm
Ai biểu anh làm thinh
Bài hương ca vô tận
Bài nhã ca thứ nhất
Bài tình ca mùa đông
Bài vinh thăng cho một loài chim
Bài xuân này xin hát quanh năm
Bảy ngàn đêm góp lại
Biển tối
Biệt khúc
Cách biệt
Cám ơn anh
Chợt nghĩ về hai nơi
Chuyện một chiếc cầu đã gãy
Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng
Cõi nghìn trùng
Con quốc Việt Nam
Đêm hạnh ngộ
Đêm nhớ về Sài Gòn
Đêm trên quê hương
Đò dọc
Đời không như là mơ
Đưa em vào hạ
Dứt bão bắt đầu nước mắt
Em có còn trở lại
Gởi em hành lý
Gửi người ở lại
Hành ca trên nông trường oan nghiệt
Hành khúc cho quê hương
Hạnh phúc ta, hạnh phúc người
Hạt mưa trên poncho
Hãy vui lên (khi lòng còn biết buồn)
Hòa bình ơi! Việt Nam ơi!
Hối tiếc
Kinh khổ
Lời tạ từ
Lời tiền thân của cát
Lời vỗ về cho ngày sầu muộn
Mai kia hòa bình
Mây hạ
Mẹ Hậu Giang
Mộng sầu
Một đời áo mẹ, áo em
Một sớm mai về
Một thời để nhớ
Một thời uyên ương
Mùa xuân không đợi
Mùa xuân trên cao
Mười năm yêu em
Nếu xuân này hòa bình
Nghìn đêm như một
Người hùng cô đơn
Người mang tên Cô Đơn
Người ở lại đưa đò
Người tình mùa hạ
Người vợ nghèo
Những con đường trắng
Những ngày chưa nguôi yêu dấu
Phố nhỏ tình người
Quên hay nhớ
Quê hương ngày em lớn
Ru nắng
Ta hát tình thương về biển Đông
Thầm thì
Thư xuân hải ngoại
Thưở em hờn tủi
Tình đầu một thời áo trắng
Tình đầu tình cuối
Tình khúc sau cùng
Tôn nữ còn buồn
Tống biệt hành
Trên đỉnh yêu thương
Trộm nhìn nhau
Trong cơn hy vọng
Tuyết và người hùng
Từ đó đến nay
Từ tiếng hát tiếp nối
Tuổi trẻ lên đường
Tưởng không còn nhìn thấy nhau
Tưởng niệm
Vùng trước mặt
Yêu dấu chưa nguôi