Nhạc sĩ Ngọc Chánh – Người có đôi tai thẩm âm đặc biệt nhất của giới âm nhạc Sài Gòn trước 1975

Một số người có liên hệ dài lâu với nền tân nhạc miền Nam Việt Nam 20 năm ghi nhận rằng, nhạc sĩ Ngọc Chánh là người có đôi tai thẩm âm đặc biệt, chính xác, không ngừng tìm kiếm những tài năng mới cho nền tân nhạc Việt Nam.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Trước đó, nhạc sĩ của bài hát “Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang” (Ngọc Chánh sáng tác chung với Phạm Duy) đã là tác giả của một số ca khúc nổi tiếng, trưởng ban nhạc phòng trà và khiêu vũ trường lúc ông còn rất trẻ, trước khi trở thành một giám đốc trung tâm sản xuất băng nhạc, trung tâm Khai Sáng, bán nhạc lẻ ở ngay ngã tư Công Lý và đại lộ Lê Lợi, Sài Gòn…

Khi được hỏi về khả năng này, nhạc sĩ Ngọc Chánh nói, đúng là Trời đã cho ông cái khả năng đặc biệt về thẩm âm đó. Ông nói, chẳng những ông có thể đánh giá chính xác một giọng hát, khi chỉ mới nghe, ông còn có thể đoán, định được “đường bay” xa, gần của tiếng hát đó nữa.

Về việc tìm kiếm, giới thiệu những tài năng trẻ cho sinh hoạt tân nhạc miền Nam 20 năm, nhạc sĩ Ngọc Chánh xác nhận: Ông chính là người đón nhận, mở đường cho tiếng hát Thái Châu, khi ca sĩ này còn rất trẻ, chưa tên tuổi.

Ngọc Chánh kể, thời điều hành phòng trà Queen’s Bee ở Sài Gòn, ông có mời “quái kiệt” Trần Văn Trạch phụ trách chương trình gọi là “Hoa Thơm Cỏ Lạ”.

Do nhờ có chương trình “Hoa Thơm Cỏ Lạ” này mà Shotguns được giới thiệu tiếng hát Thái Châu. Và, ông đã tiếp nhận ngay khuôn mặt trẻ có tiếng hát mà ông tin sẽ đi xa trong tương lai.

Một số thành viên của ban nhạc Shotguns, từ trái, Elvis Phương, Hoàng Liêm, Mạnh Tuấn, Thanh Thúy, Ngọc Chánh

Con chim đầu đàn của ban nhạc, kiêm chủ nhân trung tâm băng nhạc Shotguns, cũng nhắc lại chuyện ông chính là người đầu tiên mời ca sĩ Hương Lan, nổi tiếng ở lãnh vực cải lương, làm người đầu tiên thâu âm ca khúc “Mùa Thu Lá Bay” (nhạc Trung Hoa) cho băng Shotguns số 36. Ca khúc “Mùa Thu Lá Bay” này sau năm 1975 lại nổi đình đám thêm một lần nữa ở hải ngoại với tiếng hát Kim Anh.


Hương Lan hát Mùa Thu Lá Bay trong băng Shotguns

Về nguồn gốc của ca khúc này, nhạc sĩ Ngọc Chánh cho biết bài hát vốn là nhạc phim của một cuốn phim Trung Hoa chiếu ở Sài Gòn. Tình cờ nghe được, thấy hay, ông đã nhờ nhạc sĩ Nam Lộc đặt lời Việt. Ông còn cẩn thận đưa tiền trước cho nhạc sĩ Nam Lộc mua vé đi xem phim.

Ông nói: “Tôi không biết có phải Nam Lộc thấy bài ca thuộc loại “thấp” hay không, mà Nam Lộc tuy vẫn đặt lời Việt cho bài hát, nhưng không ký tên Nam Lộc, mà dùng tên một phụ nữ, bạn của Nam Lộc, tên là Nguyễn Thị Lệ Thanh để ký bút danh cho bài Mùa Thu Lá Bay.”

Những người yêu nhạc có thể thấy ca từ bài hát rất đơn giản, chỉ có ba phiên khúc:

“Một ngày sống bên anh sẽ muôn đời
Dẫu cho mưa rơi đá mòn tháng năm
Lạy trời được yêu mãi nhau người ơi!
Đừng mang trái ngang chia lìa lứa đôi

Mùa thu lá bay anh đã đi rồi!
Vỡ tan ôi bao giấc mộng lứa đôi
Giờ đành lìa xa thế nhân sầu đau!
Hẹn anh kiếp sau ta nhìn thấy nhau!”

Vẫn theo nhận định của nhạc sĩ Ngọc Chánh thì khi chuyển qua tân nhạc, nghệ thuật diễn tả và trình diễn của Hương Lan có phần hay hơn khi hát cải lương. Ông nói: “Mặc dù Hương Lan thành công với tất cả các thể loại tân nhạc. Nhưng riêng với loại nhạc quê hương, tiếng hát Hương Lan ngọt ngào tới mức độ khó ai có thể sánh bằng…”

Nhạc sĩ Ngọc Chánh và cố nhạc sĩ Phạm Duy

Về bản chất quý mến những tiếng hát trẻ, tới hôm nay, còn có người kể lại rằng trước khi cho phổ biến ca khúc “Bao Giờ Biết Tương Tư” (cũng của ông sáng tác cùng Phạm Duy), nhạc sĩ Ngọc Chánh rất băn khoăn trong việc tìm kiếm giọng hát nam thích hợp với ca khúc ấy. Mặc dù khi đó, cộng tác mật thiết với Shotguns đang là “tứ quý nam”: Sỹ Phú, Duy Trác, Elvis Phương, và Thái Châu.

Sau nhiều ngày cân nhắc, đắn đo, cuối cùng ông đi đến quyết định bất ngờ là mời Anh Khoa làm người đầu tiên trình bày ca khúc mới ấy:

Ngày nào cho tôi biết,
Biết yêu em rồi tôi biết tương tư
Ngày nào biết mong chờ,
Biết rộn rã buồn vui đợi em dưới mưa…

Ôi biết đem tin này,
Vắng như lòng giấy, tình yêu lấp đầy
Rồi biết quên câu cười,
Biết cho đôi dòng lệ rơi…


Anh Khoa hát Bao Giờ Biết Tương Tư trong băng Shotguns

Nhiều người biết rằng, sau khi lập gia đình với sĩ quan Không Quân là Ôn Văn Tài, nữ danh ca Thanh Thúy đã theo chồng về Cần Thơ. Cô đoạn tuyệt hoàn toàn sự nghiệp âm nhạc, trình diễn. Không ai nghĩ rằng cuối cùng rồi cũng có một ngày Thanh Thúy về lại Sài Gòn!

Làng nhạc miền Nam sẽ mất đi tiếng hát Thanh Thúy giống như trường hợp ca sĩ Lệ Thanh, nếu như đầu thập niên 1970 không xảy ra một sự kiện đặc biệt, đó là nhạc sĩ Ngọc Chánh xuống tận Cần Thơ, thuyết phục Thanh Thúy trở lại với những người ái mộ vẫn âm thầm, mong mỏi tiếng hát “liêu trai” trở về với họ,…

Qua thuyết phục, phân giải của ông, kết quả là Thanh Thúy đồng ý trở lại Sài Gòn. Trung Tâm Băng Nhạc Thanh Thúy đã ra đời trong thời điểm này.

Điều đáng nói, có thể rất ít người biết rằng nhạc sĩ Ngọc Chánh đã đóng góp một nửa cổ phần vào trung tâm ấy. Ông không chỉ phụ trách phần kỹ thuật, thực hiện khoảng trên dưới 30 băng nhạc mang nhãn hiệu Trung Tâm Băng Nhạc Thanh Thúy, mà ông còn cùng với Thanh Thúy chọn bài hát, chọn ca sĩ… đem lại sự thành công cho trung tâm này nữa.

Trong một cuộc nói chuyện, khi được hỏi về mối quan hệ giữa các ca sĩ của miền Nam thời trước 1975, có diễn ra điều mà dư luận vốn đồn đại rằng… “hai cô ca sĩ có thương nhau bao giờ!”, thì nhạc sĩ Ngọc Chánh nói, trái ngược hẳn với thành kiến, tin đồn, họ rất thương yêu, đùm bọc nhau…

“Tôi chưa thấy một trường hợp ganh ghét, tranh giành nào xảy ra khi ca sĩ A. được mời mà ca sĩ B. thì không”, ông nhấn mạnh.

Theo tôi, đấy là một trong những điểm son đáng quý của giới nghệ sĩ trình diễn ở miền Nam trước 1975.

Theo Du Tử Lê (báo Người Việt)

Exit mobile version