Nhạc sĩ Ngân Giang và những ca khúc bất tử: Đường Tình Đôi Ngả, Người Tình Không Đến, Tình Nào Trong Mắt Em…

Nhạc sĩ Ngân Giang là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc vàng Việt Nam, là tác giả của những ca khúc quen thuộc được công chúng thuộc nằm lòng suốt hơn nừa thế kỷ qua: Tôi Vẫn Nhớ, Anh Về Kẻo Mưa, Đường Tình Đôi Ngả, Người Tình Không Đến, Nối Lại Tình Xưa, Tâm Sự Nàng Buram, Đêm Trên Đỉnh Sầu, đặc biệt là ca khúc Tình Nào Trong Mắt Em (bị nhiều người nhầm thành Đôi Mắt Người Xưa).

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Tuy nhiên thông tin chi tiết về cuộc đời và sự nghiệp của người nhạc sĩ tài hoa này rất hiếm, ngoài 1 vài thông tin ít ỏi được đăng trên wiki, dựa theo một bài giới thiệu ngắn của ký giả Thế Châu viết từ trước năm 75 như sau:

Nhạc sĩ Ngân Giang tên thật là Nguyễn Văn Vĩ, sanh năm 1946 tại Quảng Yên (Bắc Việt). Anh là một trong số bốn người con trai trong một gia đình trung lưu, nho giáo.

Anh rất nhiều năng khiếu về âm nhạc, thuở 9 tuổi anh đã chiếm được giải nhất về môn “măng cầm” (mandoline) trong những buổi dự thi do các linh mục của các trường chủng viện tổ chức. Cũng nhờ vậy anh đã được các linh mục dòng Cứu Thế nhận làm đệ tử ruột dạy riêng về các bộ môn âm nhạc, kịch, hát…

Anh biết sáng tác năm 14 tuổi, lúc đó anh là một người thợ sáng tác các bài ca hùng mạnh, tập thể cho các trường và các đoàn du ca hướng đạo. Năm 1967 vì tình trạng đất nước, anh gia nhập vào quân đội và bắt đầu chuyển qua sáng tác loại tình cảm, đa số thuộc loại tình quê hương. 

Anh còn cho biết thêm, ngoài thời gian học tại các trường chủng viện, anh còn được học thêm nghề guitare với các nhạc sĩ đàn anh như Phạm Khánh, Hoàng Bửu, Lâm Tuyền, Trần Trịnh…

Bài viết này đã được viết trước năm 1975, lúc nhạc sĩ Ngân Giang vẫn còn tại ngũ và đang theo học thêm về nhạc lý từ các nhạc sĩ đi trước.

Sau năm 1975, nhạc sĩ Ngân Giang định cư tại thành phố Roger, bang Arkansas, Hoa Kỳ. Ông đã ra đi một cách lặng lẽ vào ngày 26/4/2009. Lúc đó có rất ít ký giả hải ngoại biết tin ông qua đời, cũng là bởi nơi ông ở là một thành phố nhỏ với rất ít người Việt sinh sống.

Cũng vì nhạc sĩ Ngân Giang sống một cách lặng lẽ ở nơi thành phố nhỏ bé ít người Việt đó, nên không thấy ông sinh hoạt văn nghệ, không có nhiều tin tức về ông. Có lẽ cũng vì đó mà có nhiều sự hiểu lầm liên quan đến các sáng tác của nhạc sĩ Ngân Giang, trong đó có 2 bài rất nổi tiếng là Đường Tình Đôi NgảTình Nào Trong Mắt Em.


Click để nghe Giao Linh và Thanh Phong song ca Đường Tình Đôi Ngả

Bài hát Đường Tình Đôi Ngả, nổi tiếng với đôi song ca Thanh Phong – Giao Linh trước 1975. Cũng bài hát này trong CD Đôi Mắt Người Xưa hồi đầu thập niên 1990 đã đưa đôi song ca Giao Linh và Tuấn Vũ gắn liền với nhau trong gần 30 năm qua, trở thành bài hát song ca nổi tiếng nhất của nhạc vàng.

Các thông tin trên mạng từ trước đến nay đã ghi tác giả sáng tác bài Đường Tình Đôi Ngả là Lê Văn Thiện. Đây là một sự nhầm lẫn lớn, có lẽ xuất phát từ việc tên nhạc sĩ Lê Văn Thiện được in trên CD Giao Linh – Tuấn Vũ song ca bài hát này, nhưng là với tư cách người hòa âm, chứ không phải là người sáng tác. Tác giả thực sự của Đường Tình Đôi Ngả là nhạc sĩ Ngân Giang.

Trong băng nhạc Premier số 3 phát hành trước năm 1975, bài hát Đường Tình Đôi Ngả được ca sĩ Giao Linh và Thanh Phong hát, ghi tên tác giả là Nguyên Vỹ. Đây là một bút danh của nhạc sĩ Ngân Giang, xuất phát từ tên thật của ông là Nguyễn Văn Vỹ.

Một cái sai khác liên quan đến tên bài hát Đường Tình Đôi Ngả, đó là nhiều nơi ghi sai chính tả tên bài hát, thành Đường Tình Đôi Ngã. Tương tự như bài hát Đôi Ngả Chia Ly của nhạc sĩ Khánh Băng, hay bị ghi nhầm thành Đôi Ngã Chia Ly. Có lẽ lỗi chính tả này là do thói quen không phân biệt được giữa “ngả” và “ngã” của nhiều người trong văn nói.

Một trường hợp nhầm lẫn rất lớn khác là bài hát Tình Nào Trong Mắt Em của nhạc sĩ Ngân Giang, với các lời nhạc như sau:

Chuyện tình của tôi, tan vỡ từ lâu rồi
Tưởng không bao giờ còn nhớ

Ôi, đôi mắt người xưa, bao lần khóc ướt vai tôi
Trong những đêm nghẹn ngào.

Khi tìm kiếm các lời nhạc này trên google, có đến 99% ghi tên bài hát đó tên là Đôi Mắt Người Xưa. Đây là một nhầm lẫn nghiêm trọng, vì nhạc sĩ Ngân Giang không có bài hát nào tên là Đôi Mắt Người Xưa.

Trước năm 1975, cũng trong băng Premier số 3, ca sĩ Chế Linh đã hát bài này, ghi rõ tên bài hát là Tình Nào Trong Mắt Em, sáng tác Ngân Giang.


Click để nghe Chế Linh hát Tình Nào Trong Mắt Em trước 1975

Trong nhạc vàng, cũng có 2 bài hát khác mang tựa đề là Đôi Mắt Người Xưa, nhưng không được biết đến nhiều, của 2 nhạc sĩ nổi tiếng Trúc Phương và Y Vân.

Bài hát Đôi Mắt Người Xưa của Trúc Phương có lời như sau:

Nắng đã tắt mây trời dật dờ
giao bùi ngùi khi chiều hoang khơi nhớ…

Tuy nhiên, các ca sĩ cả ở trong nước lẫn hải ngoại, khi hát bài hát Tình Nào Trong Mắt Em của nhạc sĩ Ngân Giang, có lời hát quen thuộc là “chuyện tình của tôi tan vỡ từ lâu rồi…”, đều ghi tên bài hát là Đôi Mắt Người Xưa, để tên tác giả là Trúc Phương. Như vậy không là những đổi tên bài hát, mà còn đổi luôn tên nhạc sĩ sáng tác bài này.

Trong CD nổi tiếng và bán chạy nhất của ca sĩ Giao Linh – Tuấn Vũ mang chủ đề Đôi Mắt Người Xưa, nhưng trong đó Tuấn Vũ lại hát bài Tình Nào Trong Mắt Em.

Bìa băng nhạc Premier 3 trước 1975, có 2 bài hát của nhạc sĩ Ngân Giang là Tình Nào Trong Mắt Em và Đường Tình Đôi Ngả

Một bài hát khác của nhạc sĩ Ngân Giang, gần đây được rất nhiều ca sĩ trẻ trong nước hát lại, đó là bài Người Tình Không Đến:

Tôi quen biết anh giữa một đêm thật tình cờ
Sân ga vắng thưa người và ngoài kia vẫn mưa rơi
Tình chưa thành lời vì còn ngại tình gian dối
Rồi ta đã quen nhau và cho nhau phút hẹn hò


Click để nghe Giao Linh hát Người Tình Không Đến trước 1975

Bài hát này được tác giả ký tên là Thượng Ngàn (có nhiều chỗ ghi sai thành Thương Ngân), có nhiều người không biết đây cũng là một sáng tác của Ngân Giang, được ký tên là Thượng Ngàn.

Nhạc sĩ Ngân Giang còn viết rất nhiều ca khúc nổi tiếng và quen thuộc khác như Nối Lại Tình Xưa, Tôi Vẫn Nhớ, Em Về Kẻo Trời Mưa Hầu như những ai yêu thích nhạc vàng đều biết đến các bài hát này.


Click để nghe Nhật Trường – Giao Linh song ca Nối Lại Tình Xưa trước 1975


Click để nghe Elvis Phương – Sơn Ca hát Tôi Vẫn Nhớ trước 1975


Click để nghe Giao Linh hát Anh Về Kẻo Mưa trước 1975

Trước 1975, có nhiều bài nhạc vàng viết về phong cảnh và cuộc sống ở xứ Thượng, nổi tiếng nhất là Người Tình La Lan của Hàn Châu, Nỗi Buồn Châu Pha và Thương Về Xứ Thượng của Lê Dinh, Chuyện Tình Sao Ly của Vinh Sử… và nhạc sĩ Ngân Giang cũng góp một bài hát nổi tiếng mang tên Tâm Sự Nàng Buram:


Click để nghe Giao Linh hát Tâm Sự Nàng Buram trước 1975

Có một bài hát khác nữa cũng rất hay và lạ của nhạc sĩ Ngân Giang, đó là bài Chuyện Người Đẹp Đêm Trăng. Đây có lẽ là bài hát xếp hạng số 1 trong số những bài nhạc vàng ma rợn người nhất, được Giao Linh và Đức Minh trình bày trước năm 75. Chỉ cần nghe nhạc dạo đầu, người nghe đã có thể bị lạnh xương sống. Nội dung bài hát là câu chuyện được nhạc sĩ Ngân Giang lấy cảm hứng từ biệt thự ma ở Đà Lạt.

Cứ mỗi đêm trăng, có một người con gái xõa tóc buồn trong ngôi nhà hoang huyền bí nằm giữa rừng thông:

Cứ mỗi độ trăng lên. 
Nơi ngôi nhà huyền bí mập mờ giữa hàng thông 
Có một người con gái nhan sắc thật liêu trai ngồi xõa tóc nhìn trăng


Click để nghe Chuyện Người Đẹp Đêm Trăng – Đức Minh & Giao Linh song ca trước 1975

Không ai biết nàng-ma này ở đó tự bao giờ. Chỉ biết rằng nàng có một chuyện tình đau thương, mỗi đêm ôm mặt xõa tóc, khóc nức nở đầy ai oán:

Nàng ngồi đã bao thu. 
Có phải vì đợi ai hay có phải vì hận ai 
Bí mật chuyện đời. 
Hay bí mật chuyện tình

Nàng cười quên hận khúc. 
Rồi lại ôm mặt khóc 
Nức nở đau thương

Ngoài kia lá vẫn rơi vẫn rơi 
Vi vu tiếng thông buồn. 
Lạc loài tiếng quạ đêm 
Vọng đâu đây câu hẹn tình muôn kiếp 
Cũng dưới đêm trăng này, ta cùng trăng có nhau

Gió mây ơi làm nhân chứng chuyện tình 
Ôi chuyện tình một đêm trăng sáng tỏ 
Khi hương ái ân nồng, ái ân nồng 
Ta cho chàng tất cả.

Nào ngờ đêm chưa qua, trăng chưa tàn 
Chàng giết ta

Nghe đến đây, khán giả có thể biết lý do vì sao nàng lại trở thành một oan hồn tội nghiệp. Nàng bị chính người tình giết ngay sau khi ái ân mặn nồng trong một đêm trăng sáng tỏ. Rồi từ đó trở thành ma nữ hận tình, hận người sau cuộc tình cay đắng.

Cứ mỗi độ trăng lên ta nghe hận tình cũ hận người đã phụ ta 
Bởi cuộc tình cay đắng. 
Ta vẫn buồn thiên thu từng đêm vẫn chờ trăng

Một lần giữa đêm thu. 
Bỗng trời buồn đổ mưa trăng gió trở về đường xưa 
Tiếng vọng hồn người. 
Hay sét của lệnh trời

Bình địa ngôi nhà cũ. 
Còn người mang nợ kia không còn dây oan…

Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version