Nhạc sĩ Lê Hựu Hà và thông điệp nhân bản trong ca khúc “Tôi Muốn” – “Tôi muốn mọi người biết thương nhau…”

Nhạc sĩ Lê Hựu Hà là một trường hợp rất đặc biệt trong làng nhạc miền Nam trước 1975. Đối với ông, đời là nhạc, nhạc là đời, không có sự phân định rõ ràng. Ông đến với âm nhạc như là một cuộc viễn du, rồi đắm chìm trong dòng nhạc mà ông đã tạo ra được những sắc thái rất riêng biệt. Dù cuộc đời trải qua nhiều thăng trầm, thường phải đối diện với những “oán ghét” và “hận sầu”, hay là “toàn những lời chê bai và ganh ghét”, nhưng hầu hết các ca khúc của Lê Hựu Hà đều có sắc màu tươi sáng, thể hiện niềm yêu người, yêu đời, như trong các bài hát Yêu Em, Yêu Người Yêu Đời,Tôi Muốn.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click


Click để nghe Elvis Phương hát Tôi Muốn trước 1975

Bài hát Tôi Muốn được nhạc sĩ Lê Hựu Hà sáng tác vào năm 1970. Đó là lúc “giao thời” trong sự nghiệp của ông. Ban nhạc đầu đời Hải Âu đã tan rã, Ban Phượng Hoàng thì chưa được thành lập, và người đầu tiên hát Tôi Muốn là một lead guitar tên là Nguyễn Ngọc Hải vào mỗi đêm tại phòng trà Chiều Tím.

Một vài năm sau, khi đã có ban Phượng Hoàng, rồi có giọng hát Elvis Phương, thì Tôi Muốn mới bừng sáng trở thành một ca khúc nổi tiếng được giới trẻ yêu thích. Bài hát có giai điệu và lời ca nhẹ nhàng, dễ nghe, dễ in sâu vào lòng người trong thời điểm tao loạn, những mất mát do thời cuộc đã làm cho lòng người dao động, anh em bạn bè ly tán. Khi đó Tôi Muốn có tác dụng như là sự nối kết giữa người và người, là lời kêu gọi từ tâm:

Tôi muốn mình tìm đến thiên nhiên
Tôi muốn sống như loài hoa hiền
Tôi muốn làm một thứ cỏ cây
Vui trong gió và không ưu phiền 

Dù được viết từ 50 năm trước, Tôi Muốn vẫn là một ca khúc cuốn hút đối với giới trẻ hiện đại, bởi chất nhạc trẻ trung, sôi động và những lời ca mộc mạc, nguyên sơ, thẳng thắn, ca từ giản dị, không vòng vo nhiều tầng nhiều lớp ý tứ như rất nhiều các ca khúc khác ra đời trong giai đoạn này.

Hai chữ “Tôi muốn” được lặp đi lặp lại nhiều lần trong lời ca thể hiện sự mạnh mẽ, dứt khoát, khát khao thể hiện bản thân của những người trẻ. Những người trẻ dám nghĩ dám làm, dám sống với ước mơ của mình. Nhưng cái “muốn” ở đây không chỉ thiên về cảm xúc cá nhân: “muốn tìm đến thiên nhiên”, “muốn sống như loài hoa hiền”, “muốn làm một thứ cỏ cây, vui trong gió và không ưu phiền”,… nhỏ bé, riêng tư mà còn có cả cái “muốn” chung cho tất cả mọi người:

Tôi muốn mọi người biết thương nhau
Không oán ghét không gây hận sầu
Tôi muốn đời hết tiếng thương đau
Tôi muốn thấy tình yêu ban đầu

Gạt bỏ tất cả mọi khái niệm phức tạp của thời cuộc, những giải pháp, lý tưởng chính trị rối rắm,… nhạc sĩ Lê Hựu Hà dường như chỉ muốn mượn ca khúc Tôi Muốn để cất lên tiếng nói đại diện cho những người trẻ, tiếng nói của thế hệ tương lai của dân tộc rằng, bất chấp mọi lý do, mọi tranh cãi “Tôi muốn mọi người biết thương nhau… Tôi muốn đời hết tiếng thương đau.. Tôi muốn thấy tình yêu ban đầu”. Ước muốn đó, khao khát đó được nhạc sĩ thắp lên cháy bỏng, hừng hực trong những lời ca lồng lộng và mạnh mẽ.

Ảnh: Tien Ho

Em có thấy hoa kia mới nở
Trong giây phút nhưng đẹp tuyệt vời
Như hạnh phúc thoáng qua mất rồi
Giờ đâu còn tìm được nét vui

Hoa nở rồi tàn, hội ngộ rồi chia ly, hạnh phúc rồi khổ đau, còn đó rồi mất đó,… tất cả những biến thiên đó của đời sống sẽ chẳng bao giờ dừng lại hay chấm dứt. Cuộc đời con người luôn sẽ phải quay vòng giữa những biến chuyển đó, không gì có thể thay đổi được. Nhạc sĩ Lê Hựu Hà hẳn đã hiểu rõ sự vô thường đó của đời sống nhưng dường như ông không muốn chấp nhận nó như một lẽ tự nhiên mà thấp thoáng ý muốn “thoát ly” khỏi nó.

Có lẽ, rất nhiều người Việt thời kỳ này, kể cả những người trẻ đã quá chán ngán với những thương đau, loạn lạc, điêu tàn của chinh ᴄhιến, của những hỷ nộ ái ố, áp lực, những biến động khốc liệt trong đời sống. Tâm lý muốn “thoát ly” khỏi đời sống có lẽ tồn tại ở tất cả mọi người trong suốt cuộc đời hoặc chí ít cũng sẽ xuất hiện phút chốc trong tâm trí nhưng có mấy ai làm được. Bởi những dây mơ rễ má của đời sống trói buộc, những ham muốn, ước mơ không thể dứt ra, đành mượn lời ca, tiếng đàn để giải phóng năng lượng, để khoả lấp những khát khao:

Tôi muốn thành loài thú đi hoang
Tôi muốn sống như loài chim ngàn
Tôi muốn cười vào những khoe khoang
Tôi muốn khóc thương đời điêu tàn

Song song với ước muốn được tự do, được trở về với bản thể ban sơ, đào thoát khỏi xã hội loài người nhiều trói buộc là nỗi niềm đau đáu khôn nguôi về nhân tình thế thái, về những thói đời, những phận người, những điêu tàn,… Chính vì những vương mang không thể dứt đó mà dù có hát hoài hát mãi, dù có vẫy vùng, gào thét con người vẫn chẳng thể nào “thoát ly” được đời sống.

Nhạc sĩ Lê Hựu Hà lớn lên ở một vùng quê thuộc ngoại ô Biên Hòa, nơi có tên gọi là Bến Cá, giáp với cù lao Thạnh Hội và cù lao Bạch Đằng. Sau khi qua đời năm 2003, ông được an táng tại đây, trên bia mộ ông khắc những lời hát của bài Tôi Muốn. Giờ đây được nằm lại vĩnh viễn ở nơi mà đã gắn liền với một thời thơ ấu, hẳn là ông đã có thể được “vui trong gió và không ưu phiền”…

Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version