Nhạc sĩ Lê Hựu Hà – Cuộc đời lận đận và nghèo túng của cánh chim đầu đàn nhạc trẻ Sài Gòn trước 1975

Lê Hựu Hà nổi tiếng với các ca khúc Vào Hạ, Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào, Yêu Em, Yêu Đời Yêu Người, Hãy Vui Lên Bạn Ơi… Ông còn được đánh giá là một trong những người Việt hóa nhạc trẻ Âu-Mỹ đầu tiên ở Việt Nam.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Lê Hựu Hà sống một cuộc sống bấp bênh, thiếu thốn bên ngoài cánh cổng âm nhạc. Từ khi làm nhạc cho tới khi qua đời, ông chỉ sống duy nhất trong ngôi nhà do cha mẹ để lại trên đường Huỳnh Quang Tiên.

Phượng Hoàng tung cánh

Lê Hựu Hà (1946-2003) là một trường hợp đặc biệt của tân nhạc Việt Nam nói chung và nhạc trẻ Sài Gòn trước 1975 nói riêng. Sự đặc biệt của Lê Hựu Hà nằm ở chính thái độ của ông đối với âm nhạc. Từ khi bắt đầu sáng tạo trên những dây đàn năm 17 tuổi cho tới khi xuôi tay gác bút, Lê Hựu Hà vẫn cam tâm giấu mình trên những khuông nhạc đầy thăng trầm. Cuộc đời tựa chính những tâm khúc của ông với biết bao những lắt léo đan xen và rồi ông ngã ngục như dây đàn ai oán bỗng dưng gãy nhịp khi đang trên hành trình thăng hoa tại chính chốn bình yên đi về hàng ngày của mình.

Nhạc sĩ Lê Hựu Hà được đánh giá là một trong những người khởi đầu mang lại cho âm nhạc Việt Nam một luồng gió mới với những sáng tác theo lối đa âm (polyphonic) đầy sôi động. Ông sáng tác từ năm 17 tuổi khi còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường.

Khi lập ban nhạc sinh viên mang tên Hải Âu, thì một vài ca khúc ấy mới được thể nghiệm với dàn nhạc điện tử. Đây cũng là một ban nhạc có khuynh hướng Việt hoá nhạc trẻ đầu tiên ở Sài Gòn. Một giọng ca nữ trong ban (lúc đó còn đang học lớp 11), sau này cũng đã trở thành một trong những ca sĩ rất nổi tiếng của Việt Nam là Thanh Lan. Mãi cho đến năm 1966, ban Hải Âu của Lê Hựu Hà mới có dịp trình làng với công chúng trẻ qua Đại nhạc hội Học sinh, sinh viên ở trường Tabert.

Tuy không gây tiếng vang như các ban Les Fanatics của Công Thành, Spotlights của Tuấn Ngọc, Les Vampires của Đức Huy… nhưng Lê Hựu Hà đã làm giới thanh niên bất ngờ về một khái niệm còn rất mới lúc bấy giờ: Người Việt vẫn có thể tạo ra một lối chơi nhạc trẻ của riêng mình. Năm 1970, Lê Hựu Hà lập ban Phượng Hoàng cùng với phong cách đó, nay bắt đầu đã được mọi người đón nhận rất hào hứng. Phong cách này như được chắp cánh với sự tham gia của Nguyễn Trung Cang và Elvis Phương.

Ban Phượng Hoàng: Elvis Phương (hát), Vinh (trống), Nguyễn Trung Cang (organ), Châu (bass), Lê Hựu Hà (guitar).

Thoạt đầu còn chưa có tiếng vang do yếu tố ca sĩ (nhiều ca sĩ lúc đó vẫn chưa có được một phong cách mới phù hợp với thể loại nhạc pop-rock này) nhưng đến khi Elvis Phương xuất hiện thì mọi chuyện như ý. Các tác phẩm ra mắt lần dầu như Phiên khúc mùa đông, Tôi muốn, Cười lên đi em ơi… được khán giả trẻ tiếp nhận ngay.


Nghe nhạc của ban Phượng Hoàng

Lúc đó có rất nhiều ban rock (được gọi là nhạc trẻ) như ABC, Crazy Dog… nhưng họ chỉ thuần túy chơi lại những bản nhạc đang thịnh hành của Mỹ, hoặc có chăng là chơi lại một vài bài nổi tiếng của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn theo phong cách du ca, trữ tình… Các tay viết nhạc pop-rock Việt hóa như Đức Huy (Thoáng mây bay, Bay đi cánh chim biển), Nguyễn Trung Cang (Hãy để trôi qua đi tháng năm)… cũng bắt đầu xuất hiện với nhiều tác phẩm.

Lê Hựu Hà (áo cam) cùng ban Phượng Hoàng

Thời kỳ cực thịnh của pop-rock là vào khoảng năm 1972-1973. Những cuộc liên hoan nhạc trẻ, đại nhạc hội liên tiếp được tổ chức ở trường Tabert, Sở thú, thậm chí ở sân vận động Hoa Lư, những buổi đông nhất lên đến 20.000 người tham dự (con số này vẫn là niềm mơ ước của các bầu sô ca nhạc ở thời điểm hiện nay).

Sau này nhóm Phượng Hoàng chia tay, một vài thành viên trong đó lập nhóm mới có tên Mây Trắng vào năm 1974 cùng với xu hướng Việt hoá pop-rock. Hoạt động không được bao lâu thì chấm dứt do biến cố vào năm 1975.

Lê Hựu Hà & Ban Phượng Hoàng và những người bạn, trong hình này có nhạc sĩ Nam Lộc, nhạc sĩ – nhà báo Trường Kỳ

Sau năm 1975, ban nhạc Hy Vọng gồm Mạnh Tuấn, Huỳnh Hiệp, Bảo Chân, Lý Được, Minh Hải, Quốc Dũng và các ca sĩ Sĩ Thanh, Tuyết Loan, Trang Kim Yến của Lê Hựu Hà là một trong những ban nhạc nổi bật nhất đương thời. Phiêu Bồng là địa chỉ cuối cùng của Lê Hựu Hà hoạt động dưới hình thức ban nhạc. Ông cũng cộng tác với nhiều trung tâm nhạc tại hải ngoại. Thời kỳ này ông có những ca khúc nổi tiếng như: Hãy yêu như chưa yêu lần nào, Cuộc đời, Đừng trách người ơi, Vị ngọt đôi môi, và viết lời Việt cho nhiều ca khúc nước ngoài.

Lê Hựu Hà năm 1986

Sau này, Lê Hựu Hà dù không sinh hoạt trong các nhóm nhạc nữa nhưng ông vẫn âm thầm cống hiến cho đời những bản nhạc đủ để giúp người hâm mộ không quên đi những năm tháng quá khứ sôi nổi và cái tên Lê Hựu Hà người tiên phong cho Rock Việt. Và dù thời gian có đi qua suốt các chặng đường nhiều đổi thay của nhạc trẻ với đủ các sắc màu âm nhạc rock and roll rồi swingin pop cho đến heavy rock, nhạc sĩ Lê Hựu Hà vẫn trung thành với phong cách mà ông đã lựa chọn ngay từ ban đầu. Vì vậy, trong thế giới âm nhạc của những người yêu Rock Việt luôn có một chỗ đứng và vị trí cho cái tên Lê Hựu Hà neo đậu và đổ bóng.

Đời heo hắt trên những ngọn nến cháy tàn

Cũng như nhiều nhân vật đình đám khác trên địa hạt nghệ thuật Sài Gòn trước 1975. Lê Hựu Hà cũng phải gánh chịu nhiều thiên tai, giông bão đời mình kể từ giai đoạn thăng hoa trong đời sống âm nhạc. Có lẽ chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau đã phần nào linh ứng với những gì đã diễn ra trong cuộc sống thường ngày của một nhân vật sáng giá như Lê Hựu Hà. Trái ngược với sự lộng lẫy, cháy hết mình trên sân khấu, trở về con người thật khi không sáng tạo nghệ thuật là sự đối lập và hoàn toàn mâu thuẫn với con người nghệ sĩ dưới lớp đèn màu của ông.

Trong suốt giai đoạn nhạc sĩ Lê Hựu Hà còn sống, ông im lặng và chấp nhận mọi sự quên lãng của hệ thống thông tin đại chúng. Bản thân nhạc sĩ Tuấn Khanh, một người bạn thân thiết của ông khi đi xin tài trợ ở nhiều nơi để mong làm album cho Lê Hựu Hà đều gặp khó khăn vì nhũng lý do khác nhau. Ngoài bản cassette duy nhất mang tên Đồng Xanh do chính ông hợp tác với nhạc sĩ Bảo Thu phát hành bán chính thức tại Sài Gòn đến thời điểm này ông không hề có bất cứ một abum nào ghi nhận những dấu ấn trên con đường sự nghiệp của mình.

Người nhạc sĩ từng được coi là đã mang một dòng nhạc mới và tươi trẻ đến cho Tân nhạc Việt Nam đã được phát giác qua đời vào ngày 11/05/2003 khi mới 53 tuổi do tai biến mạch máu não. Theo biên bản khám nghiệm, Lê Hựu Hà qua đời từ ngày 05 nhưng phải đến ngày 11 mới được phát hiện trong tư thế nằm ngửa dưới sàn nhà, ngay cạnh giường ngủ, trong khi đồ đạc vẫn còn ngổn ngang trong phòng và ti vi vẫn còn đang bật… Tiền sử bệnh tai biến đã khiến một con người tài hoa ra đi khi tuổi vẫn còn trẻ và đặc biệt là ra đi trong sự hoài nghi, luyến tiếc của hàng triệu những người “muôn năm cũ”.

Theo ước lượng, Lê Hựu Hà sáng tác được khoảng trên dưới 50 ca khúc và mỗi ca khúc đều đánh dấu một sự chuyển mình tích cực của Tân nhạc Việt Nam. Và dù Lê Hựu Hà không phải là hương thơm bất tử nhưng ông chính là cánh chim đầu đàn của nhóm Phượng Hoàng và cũng chính nhóm nhạc này đã tạo nên hương vị riêng trong kho tàng âm nhạc Việt Nam.

Lê Hựu Hà sống một cuộc sống bấp bênh, thiếu thốn bên ngoài cánh cổng âm nhạc. Từ khi làm nhạc cho tới khi qua đời, ông chỉ sống duy nhất trong ngôi nhà do cha mẹ để lại trên đường Huỳnh Quang Tiên. Anh trải qua bốn cuộc hôn nhân không trọn vẹn và người vợ thứ tư chính là danh ca nổi tiếng Nhã Phương, em gái của ca sĩ Bảo Yến. Hai người có với nhau hai con gái là Phương Uyên và Phương Khánh.

Ca sĩ Nhã Phương

Sau này Nhã Phương có lần chia sẻ thẳng thắn về cuộc hôn nhân đầy sóng gió và thiếu thốn của mình trên báo chí: “Khi sống với anh Hà, đôi khi nghĩ lại, tôi thấy mình đã làm việc quá sức. Có những lúc ốm đau, tôi chẳng được nghỉ ngơi, cứ lao vào đi hát và kiếm tiền trả tiền nhà, trang trải cuộc sống. Tôi làm việc như một cái máy, tất tả chạy từ miền Trung ra Hà Nội rồi lại xuống tận Rạch Giá, Cà Mau…Có lúc rất mệt, người không còn chút sức lực, tôi cũng không được nghỉ ngơi. Anh Hà cứ nói: “Thôi em ráng hát nhé, hát để có tiền trả tiền nhà”. Thế là những lúc bệnh, tôi vẫn đi hát. Có một điều sai lầm với nhiều người làm nghệ thuật, trong đó có cả anh Hà là cứ sống trong mơ tưởng hão huyền. Họ cứ ngỡ mình là nhân vật gì đó quan trọng lắm, nổi tiếng lắm, tên tuổi lắm… Thật hoang tưởng! Suốt thời gian sống với tôi, anh Hà thường thất nghiệp. Tôi là người lo toan mọi thứ trong gia đình. Nói như vậy để thấy rõ hơn cuộc sống bấp bênh, nghèo nàn của nhạc sĩ…”

Nguồn: Hương Giang (báo Người Đưa Tin) và nhà báo Trường Kỳ

Exit mobile version