Sáng sớm 24/3/1997, khi tôi chuẩn bị đi làm thì nhận được một bì thư dày do nhạc sĩ Đỗ Lễ gửi tới. Cũng hơi bất ngờ vì tôi và anh chưa từng trao đổi bằng thư từ bao giờ.
Thuở ấy, tôi là phóng viên phụ trách phần âm nhạc của báo Tuổi Trẻ và thỉnh thoảng cũng được mời chấm thi các cuộc thi ca hát, văn nghệ quần chúng, nên việc các nhạc sĩ gửi tác phẩm đến cũng bình thường. Do đó, sau khi nhận thư tôi để trên bàn viết ở nhà rồi vào cơ quan. Chừng nửa giờ sau, tôi được tin bàng hoàng từ nhạc sĩ Vũ Hoàng: “Đỗ Lễ t.ự t.ử chê’t rồi!”.
Tôi quen với anh Đỗ Lễ khoảng thập niên 1990, khi anh còn là một “người dạy nhạc” trên đường Nguyễn Trãi. Đó là một người đàn ông trung niên chừng 50 tuổi, dáng vẻ đầy tự tin có pha chút tự cao, ăn mặc chải chuốt, cao khoảng 1,60 m và hoàn toàn không đẹp trai.
Gần đây, một cô bạn của tôi kể cuối thập niên 1980, khi cô đi lĩnh quà từ nước ngoài về ở Bưu điện Saigon cô cùng rất nhiều phụ nữ khác đã ồ lên và chen nhau đi coi mặt người đàn ông mang tên Đỗ Lễ.
Với những người phụ nữ ấy, những ca khúc đầy nước mắt của anh khiến họ nghĩ con người anh phải là “người đàn ông tuyệt vời”. Song sau khi đã thấy “thần tượng” tất cả đều trở về chỗ ngồi và gần như nói một câu giống nhau “người vậy thì người ta Sang ngang phải rồi!”.
Đỗ Lễ tính tình hiền lành và quảng giao. Ngồi với anh rất dễ nói chuyện và có thể nói được nhiều chuyện mà không e sợ bị bắt bẻ. Anh với tôi, sơ thì không sơ, mà thân cũng chẳng thân lắm. Anh em qua lại với nhau, thỉnh thoàng cà phê tán dóc về chuyện âm nhạc.
Cuối năm 1995, anh xuất cảnh đoàn tụ gia đình, nhưng năm sau đã thấy anh về “làm ăn” ở thành phố. Từ đó anh em thường gặp nhau cho đến cái ngày định mệnh.
Theo bản lý lịch in trên Tuyển tập nghệ sĩ năm 1996 do nhạc sĩ Trường Kỳ phụ trách thì nhạc sĩ Đỗ Lễ tên thật là Đỗ Hữu Lễ, sinh ngày 12/10/1941 tại Hà Nội.
Anh từng học cấp 1 trường Hàng Vôi (1947), trung học chu Văn An, Hà Nội (1952), trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn (1953), Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định (1954), Đại học Khoa học Sài Gòn (1959), Đại học Luật khoa Sài Gòn (1963) và năm 1965 chiếm Huy chương vàng lực sĩ đẹp.
Năm 1951, Đỗ Lễ tự học nhạc và bắt đầu sáng tác khi 15 tuổi. Các tác phẩm đầu tay của anh là Tình mẹ hiền, Tan vỡ, Sang ngang. Riêng bài Sang ngang, ca khúc nổi tiếng nhất của anh được viết trong cảnh tuyệt vọng khi người yêu (ca sĩ Lệ Thanh) lên xe hoa.
Yêu đơn phương ca sĩ Lê Thanh
Lâm Tường Dũ viết trên một bài báo ở Mỹ ngày 20/5/1989 như sau:
Thời còn phòng trà Anh Vũ, Kim Sơn, Hòa Bình, đêm nào cũng có mặt người nghệ sĩ thư sinh này.
Đỗ Lễ rất yêu tiếng hát của nữ ca sĩ Lệ Thanh, một ca sĩ có bàn tay không mấy đẹp với sắc vóc trung bình nhưng giọng ca nồng nàn với những nốt vuốt độc đáo hình như cho tới bây giờ chưa có người thay thế.
Với tâm hồn đa cảm và bén nhạy yêu thương, Đỗ Lễ đã để hết lòng mình mở rộng đón tiếng hát Lệ Thanh đi sâu vào cõi thầm kín nhất của tình si. Từ tiếng hát chất chứa nỗi lòng tan tác bởi chia ly của người nữ ca sĩ tài hoa này đã dẫn Đỗ Lễ vào bến si mê. Yêu giọng ca yêu cả con người.
Thực sự lúc ấy, tầm vóc của nữ ca sĩ Lệ Thanh nói về tài nghệ và danh phận, thì Đỗ Lễ chỉ là một bóng mờ.
Yêu một chiều là nỗi trái ngang thường trực của tình đời. Đỗ Lễ là một lẻ bóng trong yêu đương. Nhưng người nghệ sĩ này vẫn nắm mối hình bóng ấy làm chất liệu cho kiếp sống đam mê.
Đỗ Lễ sáng tác rất nhiều nhạc khúc theo nhịp điệu slow, vừa ca ngợi tình yêu vừa than thở cho thân phận một người muốn leo cành bưởi hái hoa.
Nhưng cành bưởi thì xa, hoa thì lung linh khiêu gợi, mà bàn tay người nghệ sĩ thì cách xa quá, cách xa mỏi cả tầm tay với.
Chợt khoảng năm 1963-1964 cũng là lúc Lệ Thanh lên xe hoa với một người khác. Trước tin này Đỗ Lễ thất điên bát đảo trong tâm hồn. Anh thường trực tìm đến men rượu để chia sầu. Nhạc phẩm Sang Ngang ra đời trong trạng huống đó với tấm lòng tan nát, ôm mối tình của hai con đường song song không bao giờ gặp nhau.
Thôi nín đi em, lệ đẫm vai rồi, Buồn thương nhớ ơi
Anh hỡi đôi mình, mộng nay đã tan, tình đã dở dang…
Thành hôn cùng người hát Sang Ngang đầy rung động
Cũng Lâm Tường Dũ viết: “Khoảng cuối năm 1964, ở tại một phòng trà nhỏ nằm gần đường Đinh Tiên Hoàng, Dakao, Tân Định có cái tên rất là Nhựt Bổn Kontiki. Nhạc khúc Sang Ngang được một ca sĩ hạng B tên Hoài Xuân trình bày. Cô ca sĩ khoảng 17, 18 tuổi rất xinh, rất đẹp có đôi mắt buồn não nuột. Nàng cất giọng ca thê lương băng giá cả màn đêm. Bản nhạc nầy được giới thưởng ngoạn buổi đó khen ngợi nhiệt tình…”
Theo Lâm Tường Dũ thì nhạc sĩ Đỗ Lễ có mặt trong buổi trình diễn đó. Hai tâm hồn, một hoàn cảnh, nỗi đau riêng thành mối sầu chung. Từ đó hằng đêm, Đỗ Lễ vẫn đến các phòng trà nơi Hoài Xuân trình diễn đưa đón như một tình nhân. Đỗ Lễ yêu Hoài Xuân qua một hình bóng khác và cuối cùng hai người tiến tới hôn nhân trước sự ngăn cản cực đoan của bà mẹ.
Tuy nhiên, cuộc tình này chỉ kéo dài 6 năm khi họ có với nhau 3 mặt con. Thời gian đau khổ này anh sáng tác bài Tình Phụ. Bài hát cũng đã được tuyển chọn vào vòng chung kết những nhạc phim hay tại Đại hội Điện ảnh Á châu tổ chức tại Tokyo vào đầu thập niên 1970 và cũng là bài hát trong phim Sóng Tình với diễn viên chính là Thẩm Thúy Hằng.
Nhạc sĩ Đỗ Lễ cũng từng phụ trách một chương trình ca nhạc hàng tuần trên Đài Truyền hình Sài Gòn mang tên Thời trang nhạc tuyển. Chương trình này quy tụ các ca sĩ như Hoàng Oanh, Khánh Ly, Thanh Lan, Phương Hồng Hạnh, Ngọc Minh, Thanh Tuyền, Giao Linh, Hương Lan, Caroll Kim, Hoài Xuân, Xuân Đào, tam ca Sao Băng, 3 Trái Táo…
Sau năm 1975, nhạc sĩ Đỗ Lễ sinh sống bằng cách mở lớp dạy nhạc, đến năm 1995 thì được thân nhân bảo lãnh qua Mỹ định cư tại thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania.
Tháng 10/1996, anh trở về thăm quê hương và đến ngày 24/3/1997 thì đột ngột kết liễu đời mình bằng một liều ký ninh cực mạnh trong căn nhà đang thuê trên đường Trần Đình Xu, quận 1, Saigon. Đỗ Lễ để lại một số thư tuyệt mệnh.
Bài hát nổi tiếng nhất của anh: Sang Ngang, có 4 câu cuối như vận vào cuộc đời người nhạc sĩ:
Bao nhiêu hận căm
Mối tình ngày xưa
Xóa dần trong mơ
Chôn xuống tuyền đài
Theo Trần Nhật Vy (Zing)